Lâm Trực@
Một cô gái đẹp có thể khiến thiên hạ ngừng thở. Nhưng một cô gái đẹp nói dối lại khiến cả xã hội nín lặng trong hoài nghi. Nguyễn Thúc Thùy Tiên - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 - từng là biểu tượng của sắc đẹp, lòng nhân ái và những bài phát biểu truyền cảm hứng. Cho đến khi cái tên ấy xuất hiện trên bản tin tố tụng hình sự, với tội danh "lừa dối khách hàng".
Ngày 19 tháng 5 năm 2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) chính thức khởi tố Nguyễn Thúc Thùy Tiên về hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự. Tội danh được nêu ra: “Lừa dối khách hàng.” Nhưng đằng sau cụm từ khô cứng đó là những tháng ngày dài của hàng trăm nghìn người tiêu dùng bị dắt mũi bởi một nụ cười có đăng quang, bởi những video quảng cáo ngọt như đường phèn mà bên trong là viên kẹo rau củ giả – Kera.
Tên kẹo nghe ngồ ngộ, như cái cách người ta cố vẽ lên một sản phẩm gần gũi, tự nhiên, hướng đến sức khỏe. Nhưng hóa ra, bên trong nó là sự giả dối tinh vi được vận hành bởi cả một hệ thống có tổ chức: từ Tập đoàn Chị Em Rọt – nghe như một hội nhóm chị em bán hàng online – đến Công ty cổ phần Asia Life – nơi sản xuất hàng giả đội lốt thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Thùy Tiên không cô đơn trong vũng lầy này. Cô có đồng phạm. Những cái tên được điểm mặt gọi tên: Phạm Thị Diễm Trinh, Trần Thị Lệ Thu bị bắt tạm giam; Nguyễn Phạm Hồng Vy được cho tại ngoại do đang nuôi con nhỏ; Trương Thị Lê đang mang thai. Chúng ta thấy gì ở đây? Những phụ nữ – hoặc mang danh doanh nhân, hoặc đội lốt người nổi tiếng – biến lòng tin của xã hội thành công cụ để trục lợi.
Trước đó, vụ án được khởi đầu từ ngày 3 tháng 4 năm 2025, khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án “Sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng”, xảy ra tại TP.HCM và Đắk Lắk. Ngay sau đó, Nguyễn Phong – Chủ tịch HĐQT Công ty Asia Life – bị bắt. Kế đến là một dàn lãnh đạo của Chị Em Rọt: Hằng Du Mục (Chủ tịch HĐQT), Lê Tuấn Linh (Giám đốc), Quang Linh Vlogs và Lê Thành Công (cổ đông). Tất cả đều bị truy tố theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự.
Những cái tên ấy từng là hiện tượng mạng, là người của công chúng. Giờ đây, họ là bị can. Sự nổi tiếng đã trở thành cánh cửa dẫn vào... phòng thẩm vấn.
Chúng ta cần hỏi: tại sao một hoa hậu lại bị cuốn vào trò chơi bẩn thỉu này? Là vì lòng tham? Là vì không hiểu pháp luật? Hay là vì không cưỡng nổi ánh hào quang của tiền bạc nhanh, của doanh thu ảo, của những màn livestream tiền triệu mỗi giờ? Khi danh hiệu trở thành công cụ marketing, thì mọi giá trị đạo đức đều có thể bị thỏa hiệp.
Người Việt Nam tin vào người nổi tiếng, nhiều khi còn hơn tin vào bác sĩ. Một lời giới thiệu sản phẩm của họ có thể khiến hàng nghìn bà mẹ rút ví. Và khi người nổi tiếng bán hàng giả? Niềm tin vỡ tan không phải bằng tiếng nổ mà bằng tiếng nấc thầm lặng trong những căn bếp nghèo.
Thùy Tiên là ai? Là một biểu tượng được dày công xây dựng. Nhưng cũng chính biểu tượng ấy, khi bị lật mặt nạ, đã gây tổn thương gấp bội. Bởi xã hội không chỉ thất vọng – xã hội cảm thấy bị phản bội.
Pháp luật sẽ trừng phạt. Nhưng còn dư luận, công chúng, gia đình, những đứa trẻ từng coi cô là hình mẫu thì sao? Ai sẽ xin lỗi họ? Ai chịu trách nhiệm về cơn sốt “kẹo rau củ” từng lan truyền trên TikTok, Instagram, Facebook như một cơn dịch quảng bá khủng khiếp?
Một người thợ bạc từng bảo: “Thứ giả mà được đánh bóng quá kỹ, thì người ta tin là thật.” Sắc đẹp, danh hiệu - nếu không đi cùng sự thật thì chỉ là món hàng hào nhoáng, rỗng ruột.
Vụ án vẫn đang được điều tra mở rộng. Danh sách những người liên quan chưa dừng lại. Nhưng bài học từ đây nên được khắc cốt ghi tâm: không có sắc đẹp nào được miễn tội. Không có danh hiệu nào miễn trừ pháp luật. Khi một xã hội đề cao cái vỏ, thì những thứ giả mạo luôn có đất sống. Và đến một ngày, như vụ Thùy Tiên, lớp vỏ ấy vỡ ra, mùi thối sẽ khiến tất cả buộc phải tỉnh dậy.
Người ta bảo, showbiz là ảo. Nhưng hậu quả thì thật.
Đã đến lúc, công lý cần được trang điểm bằng sự thẳng thắn - chứ không phải bằng filter lấp lánh của truyền thông.
Nguyễn Thúc Thùy Tiên rồi sẽ đối mặt bản án hình sự. Nhưng bản án lương tâm thì có thể còn kéo dài đến hết đời.
Và nếu đây là một vở kịch, thì đã đến hồi kết. Màn hạ. Đèn tắt.
Còn nếu là đời thực thì xin hãy để đó là bài học.
Hoa hậu là danh hiệu cao quý, được tuyển chọn từ hàng nghìn người, đằng này lại còn là hoa hậu quốc tế mà lại có hành vi như vậy thì quá thất vọng! Đẹp mà không có đạo đức, dùng hình ảnh, uy tín, ảnh hưởng của mình để lừa dối người tiêu dùng. Bao nhiêu người theo dõi, yêu mến để rồi bị phản bội.
Trả lờiXóaĐây là bài học đắt giá không chỉ cho Thùy Tiên mà cho cả giới KOLs, influencers. Làm quảng cáo mà không kiểm chứng kỹ sản phẩm thì không chỉ mất uy tín mà còn đối mặt với pháp luật. Đừng để danh tiếng xây cả một đời mà đánh mất trong một cú share
Trả lờiXóa