Chia sẻ

Tre Làng

'Giấc mơ' 57 năm chưa thành của người Mỹ

"Tôi có một giấc mơ" (I have a dream) - câu nói nổi tiếng của mục sư người Mỹ gốc Phi Martin Luther King trong bài diễn văn bất hủ tại Đài tưởng niệm Lincoln ngày 28/8/1963, được nhắc lại trong những ngày này ở nước Mỹ, khi cường quốc hàng đầu thế giới phải đương đầu với làn sóng biểu tình lan rộng tại nhiều bang trên khắp đất nước nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc, cũng như tình trạng phân biệt đối xử của các nhân viên thực thi pháp luật da trắng đối với các công dân da màu.

Người biểu tình quá khích phóng hỏa tại Minneapolis, Minnesota, Mỹ ngày 29/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Giấc mơ 57 năm trước của vị mục sư từng được trao giải Nobel Hòa bình về tương lai của nước Mỹ, nơi người da trắng và người da màu có thể chung sống hòa thuận, bình đẳng và công bằng, sang đến thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, vẫn còn dang dở, dù nước Mỹ đã có tổng thống da màu đầu tiên.

Vụ việc mới nhất liên quan tới cái chết của người đàn ông da màu George Floyd sau khi bị một cảnh sát da trắng ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota ghì cổ bằng đầu gối trong hơn 8 phút, khiến người này không thở được, là mồi lửa châm ngòi cho "cơn thịnh nộ” của cộng đồng người Mỹ gốc Phi trên khắp nước Mỹ. 

Sự giận dữ đã lan rộng trong các cộng đồng dân cư trên cả nước Mỹ sau khi đoạn video về những khoảnh khắc cuối cùng của ông Floyd lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội. Cùng với đó, trong suốt 5 ngày qua, trên khắp các phương tiện truyền thông là hình ảnh các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn không chỉ tại bang Minnesota mà lan ra nhiều nơi trên toàn nước Mỹ như New York, Los Angeles, Denver, Houston, California, Detroit, Milwaukee, Portland và Phoenix. Nhiều vụ đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình nổ ra, các đối tượng quá khích thực hiện nhiều hành vi đập phá, cướp bóc...

Chính quyền Mỹ phải điều 500 Vệ binh Quốc gia tới hai thành phố của bang Minnesota là Minneapolis và Saint Paul để hỗ trợ lực lượng chức năng, trong khi hàng loạt thành phố ban bố lệnh giới nghiêm để kiểm soát tình hình. 

Người biểu tình tuần hành tại Washington D.C., Mỹ ngày 30/5/2020, bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của người da màu George Floyd. Ảnh: THX/TTXVN

Không phải đến vụ việc ông George Floyd, nước Mỹ mới "đau đầu" về nạn phân biệt chủng tộc, bởi đâu một vấn đề nhức nhối đã tồn tại nhiều năm qua tại quốc gia này. Mỹ được biết tới là quốc gia đa sắc tộc và đa văn hóa, một xã hội phát triển hàng đầu thế giới và người Mỹ luôn tự hào với những giá trị của bình đẳng và dân chủ. Tuy nhiên, tình trạng phân biệt chủng tộc, đặc biệt là sự kỳ thị của những người Mỹ da trắng với cộng đồng người Mỹ gốc Phi, tình trạng phân biệt đối xử của các nhân viên thực thi pháp luật da trắng với công dân da màu, vẫn âm ỉ và hầu như năm nay cũng có những vụ việc bùng phát, dù chính quyền Mỹ đã làm rất nhiều việc để phá bỏ quan điểm về "chủ nghĩa da trắng thượng đẳng".

Trong lịch sử nước Mỹ, nhiều vụ việc với mức độ nghiêm trọng đã xảy ra, thực sự gióng lên hồi chuông báo động rằng nạn phân biệt chủng tộc có xu hướng gia tăng ở Mỹ kể từ thập niên 1960. Điển hình như vụ đụng độ sắc tộc năm 1965 tại khu phố Watts, thành phố Los Angeles khiến 34 người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng chục triệu USD, khi cảnh sát kiểm tra danh tính hai người đàn ông da màu trong một chiếc ô tô. 

Một vụ việc khác xảy ra tại Newark, bang New Jersey năm 1967, khi hai sĩ quan cảnh sát da trắng bắt giữ và đánh đập một tài xế taxi da màu vì lỗi vi phạm giao thông nhỏ, đã khiến 26 người chết và 1.500 người bị thương. Năm 1967, làn sóng bạo loạn liên quan tới phản đối phân biệt chủng tộc đã diễn ra ở Detroit, bang Michigan khiến 43 người chết và trên 2.000 người bị thương, rồi lan rộng ra ở bang Illinois, Bắc Carolina, Tennessee và Maryland.

Ngoài ra, còn có một loạt vụ đụng độ khác xuất phát từ sự bất bình đối với nạn kỳ thị chủng tộc xảy ra tại Miami, bang Florida năm 1980 khiến 18 người chết và trên 300 người bị thương; ở Los Angeles năm 1992 với 59 người chết và 2.300 người bị thương; ở Cincinnati, bang Ohio vào năm 2001 ở Baltimore, bang Maryland năm 2015; làn sóng bạo động liên quan những người theo chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng da trắng ở thành phố Charlottesville bang Virginia năm 2017. 

Bất chấp những tiến bộ đạt được trong việc thúc đẩy bình đẳng chủng tộc, người da màu ở Mỹ vẫn là nạn nhân của tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử, tấn công, thậm chí sát hại, như vụ 9 người Mỹ gốc Phi ở Charleston, bang South Carolina bị một kẻ cực đoan da trắng giết chết ngày 26/6/2015.

Đặc biệt, hàng loạt vụ bạo lực của cảnh sát da trắng nhằm vào người da màu đã làm chao đảo nước Mỹ vài năm trở lại đây, từng dẫn đến làn sóng biểu tình lớn chống phân biệt chủng tộc trên quy mô toàn nước Mỹ. Vụ Michael Brown, 18 tuổi, ở Ferguson, bang Missouri bị cảnh sát da trắng bắn chết tháng 8/2014, hay Alton Sterling, 37 tuổi ở bang Louisiana, và Philando Castile, 32 tuổi ở bang Minnesota đều thiệt mạng trước mũi súng của cảnh sát vào tháng 7/2016.

Các số liệu thống kê cho thấy từ trước đến nay, người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ bị cảnh sát da trắng bắn nhiều hơn so với các những nhóm chủng tộc khác và tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng trong các năm gần đây. 

Người biểu tình tuần hành tại Washington D.C., Mỹ ngày 30/5/2020, bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của người da màu George Floyd. Ảnh: THX/TTXVN

Nguyên nhân sâu xa của các vụ bạo động sắc tộc kể trên không phải chỉ vì mất an ninh, tội phạm gia tăng, mà là hệ quả của một xã hội bị rạn nứt, thậm chí chia rẽ mà chưa một chính quyền nào ở Mỹ có thể giải quyết được tận gốc rễ.

Khi còn đương nhiệm, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng kêu gọi lực lượng thực thi pháp luật loại bỏ thành kiến về chủng tộc, đồng thời khẳng định đây không chỉ là vấn đề màu da hay nhập cư mà là vấn đề "người Mỹ nên cảm thấy xấu hổ" vì hết lần này đến lần khác các cảnh sát bắn vào người da màu. Ông Obama gọi những vụ việc trên là "một triệu chứng cho thấy sự bất bình đẳng đang tồn tại” trong hệ thống tư pháp Mỹ.

Trước làn sóng sôi sục trong cộng đồng về vụ việc ở Minnesota, nhà chức trách đã truy tố Derek Chauvin, viên cảnh sát đã ghì cổ ông Floyd, vì tội giết người cấp độ 3, vô tình gây ra cái chết cho người khác và tội ngộ sát do bất cẩn. Ba sĩ quan cảnh sát khác đang bị điều tra và có thể bị truy tố. 

Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã yêu cầu Cục điều tra liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp điều tra về “cái chết rất đau buồn và bi thảm của George Floyd”, đồng thời khẳng định “Công lý sẽ được thực thi”. 

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden cũng đăng trên Twitter cho rằng sự việc là "vụ giết người khủng khiếp" và là "lời nhắc nhở bi thảm rằng đây không phải là sự cố riêng lẻ, mà là một phần của sự bất công ăn sâu vẫn tồn tại ở đất nước này". 

Thượng nghị sĩ tiểu bang Minnesota Amy Klobuchar đã gọi vụ bắt giữ cảnh sát Chauvin là "bước đầu tiên hướng tới công lý".

Tuy nhiên, việc xử lý một vụ việc đơn lẻ chưa hẳn đã giải quyết được triệt để vấn đề, khi mà một khảo sát mới đây cho thấy có tới 76% số người da màu được hỏi tin rằng hệ thống luật pháp Mỹ đang chống lại họ.

Cái chết của người đàn ông da màu George Floyd một lần nữa làm lộ rõ một thực tế rằng vấn nạn phân biệt chủng tộc vẫn là "vết thương nhức nhối" trong lòng xã hội Mỹ. Nước Mỹ sẽ còn chặng đường dài nỗ lực với những giải pháp mang tính gốc rễ để biến "giấc mơ" về xã hội công bằng, nơi con người được đánh giá không phải vì màu da, tài sản hay tôn giáo, sắc tộc..., mà được tôn trọng bởi nhân cách, phẩm giá và năng lực, như những gì mục sư Martin Luther King nói đến hơn nửa thế kỷ trước, trở thành hiện thực.

Đặng Huyền (Phóng viên TTXVN tại Mỹ)

7 nhận xét:

  1. Nguyên nhân sâu xa của các vụ bạo động sắc tộc kể trên không phải chỉ vì mất an ninh, tội phạm gia tăng, mà là hệ quả của một xã hội bị rạn nứt, thậm chí chia rẽ mà chưa một chính quyền nào ở Mỹ có thể giải quyết được tận gốc rễ.Có chăng những vết nứt đó mới chỉ tạm thời được xóa nhòa bằng cách tôn vinh những giá trị tự do, bình đẳng. Nhưng sự kỳ thị chủng tộc ở Mỹ, cả với người da đen lẫn da trắng, chưa bao giờ “chết”, chúng chỉ “ngủ” và có thể thức dậy bất cứ lúc nào nếu có nhân tố đánh thức.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói rất chính xác, tôi cũng nghĩ như vậy

      Xóa
  2. Nạn phân biệt chủng tộc vẫn diễn ra trên đất Mỹ, khi mà người da màu thì bị bóc lột, nơi mà không được hưởng được các quyền bình đẳng mà lẽ ra họ phải được nhận được. Và có lẽ sẽ rất lâu nữa mới có được sự bình dẳng về sắc tộc trên nước Mỹ nếu cứ tình hình như hiện nay

    Trả lờiXóa
  3. Có thể giấc mơ ấy sẽ lâu nữa mới hoàn thanh được khi mà càng có nhiều vụ liên quan đến nạn phân biệt sắc tộc, tại sao sự phân biệt này vẫn cứ ngủ yên thế chứ sao không thức dậy đi, để ai cũng được hưởng các quyền như nhau, mọi người được sống thật hòa bình.

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh04:19 1/6/20

    Kỳ thị chủng tộc ở Mỷ bị ngăn cấm rất nghiêm ngặt, có luật pháp xữ phạt rỏ ràng. Mặc dù vậy Kỳ thị chủng tộc cứ Ổn định. Người da trắng rất tế nhị họ hô hào kêu gọi bình đẳng,họ xuống đường biểu tình ủng hộ người da màu nhưng nhửng cách họ ủng hộ xét ra chỉ có lợi cho bọn họ mà thôi. Nên biết nước Mỷ chỉ có khoảng 30 triệu người da Đen, chừng 40 triệu người gốc Mỷ La tinh, vài triệu người gốc Á, người gốc Đông Âu và Trung Đông cũng không bao nhiêu mà Nước Mỷ hiện có chừng 340 triệu người.Tóm lại người da Trắng vẩn đông đảo hơn nhiều. Ở Mỷ luật pháp được tạo dựng trên nguyên tắc phục vụ,bảo vệ khối đa số. Mặc dù Mỷ có 2 đảng lớn và vài đảng nhỏ khác nhưng bất kể là đảng nào họ cũng phục vụ cho quyền lợi người da Trắng cả. Nếu có những người da trắng cư xữ thiếu Tế Nhị như ở CA,LA,NY,WiS thì người da Trắng sẻ xoa dịu những người bức xúc bằng cách ném cho các thủ lỉnh của họ chút ít bổng lộc. Rồi việc đâu vào đấy.Ngày nào nước Mỷ còn hiện diện trên bản đồ thế giới thì nạn Kỳ thị chửng tộc còn Ổn định. Các anh chị nào có ý định gởi con chuyển tiền rồi bỏ tất cả để sang Mỷ làm công dân hạng Nhì nên suy nghỉ thật kỷ,công dân hạng nhì không thể làm Quan để cả họ được nhờ, đừng mơ tưởng. Chẳng có nơi nào không chăm chỉ làm mà có ăn đâu.

    Trả lờiXóa
  5. hàng trăm, hàng nghìn năm qua nạn phân biệt chủng tộc vẫn chưa hoàn toàn mất đi mà nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác mà thôi. Vì thế mà khi cái chết của George Floyd xảy ra thì một làn sóng biểu tình nổi lên trên khắp các bang của nước Mỹ. Cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng của con người vẫn luôn tiếp diễn và chưa có hồi kết, một nước Mỹ vẫn đang hỗn loạn trước các cuộc biểu tình nếu không có biện pháp làm xoa dịu tình hình.

    Trả lờiXóa
  6. Phải chăng vụ cảnh sát da trắng ghì cổ anh da đen đến chết là kiểu nhân quyền mà Mỹ muốn các nước khác vận dụng

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog