Chia sẻ

Tre Làng

Quan niệm về "Xướng ca vô loài"

Bài chép từ Fb Lan Hoàng

Quan niệm “xướng ca vô loài” dưới chế độ phong kiến bắt nguồn từ đâu và ảnh hưởng đến xã hội như thế nào?

- Dưới thời phong kiến, “xướng ca vô loài” là cụm từ ám chỉ những người làm nghề ca hát với nghĩa khinh bỉ, miệt thị.

Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Phong tục Việt Nam (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1969, tr.429) cho rằng “vô loài” liên quan tới quan niệm “vô luân” của người xưa như sau:

“Xã hội ta xưa quan niệm lũ xướng ca vô loài là một tầng lớp vô luân. Họ bị coi là vô luân không phải vì họ sa đọa, chính sự sống của họ cũng không phải là sa đọa, mà chỉ vì những vai trò của họ đóng khi xướng hát: họ bị coi là vô luân ở đây vì người con có thể đóng một vai vua và người cha đóng vai bầy tôi quỳ lạy, anh em ruột có thể đóng đôi vợ chồng, và vợ chồng lại có thể đóng vai mẹ con hoặc cha con... Tất cả cái vô luân là ở đây, ở đấy luân thường đã không còn nữa, mặc dầu chỉ trong những lúc trình diễn”.

Tác giả Thanh Thủy trong bài viết Nguồn gốc của định kiến “xướng ca vô loài” thì cho thành ngữ này có xuất xứ từ Trung Quốc qua câu chuyện dưới đây:

Theo sử cổ Trung Hoa, Nhà Thương (1766 - 1402 TCN) về sau đổi thành Nhà Ân (1401 - 1123 TCN) với vị vua cuối cùng là Trụ Vương bị một bộ tộc khác là Nhà Châu, một nước chư hầu, lật đổ sau 643 năm trị vì thiên hạ. Dĩ nhiên, con dân Nhà Thương (Ân) phải ôm một mối hận nhà tan và mối nhục mất nước, trong khi đó thì nhóm đàn bà con gái trong làng ca nhi của Nhà Thương, vì miếng ăn, manh áo, cùng nhau tụ tập ở các tửu điếm bên sông Tần Hoài, dùng lời ca, tiếng hát của mình để phục vụ cho quan quân và người của chế độ mới (tức là người của bộ tộc Nhà Châu) mà quên đi nỗi nhục nước mất, nhà tan của mình.

Làng ca nhi nầy của Nhà Thương đã làm ô nhục cho đất nước họ, một mối nhục muôn đời không gội rửa được, có lẽ vì thế mà người của Nhà Thương đã loại bỏ loại người hành nghề xướng ca nầy ra ngoài lề xã hội sinh hoạt của họ. Việc làm ô nhục của giới ca nhi nầy đã bị người đời mỉa mai, khinh bỉ. Gần 2 ngàn năm sau, đến đời Nhà Đường (618 - 907 sau Công Nguyên), thi hào Đỗ Mục đã phải viết lên bài thơ Bạc Tần Hoài, được Lệ Thần Trần Trọng Kim dịch như sau:

Khói lồng nước bóng trăng lồng cát
Bến Tần Hoài thuyền sát tửu gia
Gái ca đâu nghĩ nước nhà
Cách sông vẫn hát khúc ca Hậu Đình

Trong đó, nguyên văn chữ Hán của hai câu sau đã được người đời nhắc nhở: Thương nữ bất tri vong quốc hận/ Cách giang do xướng Hậu Đình hoa.

Theo chúng tôi, “xướng ca vô loài” có xuất xứ từ Việt Nam, bởi người Việt theo luân lý Nho giáo, có cái nhìn rất khắt khe đối với sự “vô luân”, “vô loài” của các “bọn phường chèo” hay “con hát” ngày xưa, như nhận định của Toan Ánh. Việt Nam đã từng có nhiều nhân vật nổi tiếng bị gian truân vì quan điểm khắt khe, cổ hủ ấy. Trong đó, nổi tiếng nhất là trường hợp Đào Duy Từ (1572 - 1634) vì có cha làm nghề ca hát, nên ông không được đi thi để ra làm quan dưới triều vua Lê - chúa Trịnh.

12 nhận xét:

  1. Hẳn là trong quá khứ đã có những cái nhìn không mấy tốt đẹp cũng như những người mà hiện nay được gọi là "nghệ sĩ" thì không có chỗ đứng trong xã hội; thông qua những bộ phim, tài liệu thì có thể thấy họ chính là kẻ được trả tiền để mang lại niềm vui cho kẻ khác! Điều này là không còn lạ trong xã hội Việt Nam thời xưa

    Trả lờiXóa
  2. Thời xưa thì chỉ có tầng lớp trí thức thì mới được coi trọng thôi. Địa vị và trí thức được đánh giá qua các cuộc thi và chỗ ngồi của bạn mới là quan trọng. Chứ cứ gọi là "xướng ca vô loài" nhưng bản chất họ cũng đâu có làm gì nên tội, mang niềm vui tiếng hát mua vui cho mọi người mà thôi ! Thế nên mới cần có sự tiến bộ như ngày hôm nay

    Trả lờiXóa
  3. Ngày xưa thì là thế nhưng ngày nay những người được gọi là kẻ "xướng ca vô loài" ấy lại có tầm ảnh hưởng tới xã hội mà nay chúng ta thường gọi họ là những nghệ sĩ, bao gồm ca sĩ, diễn viên.. Họ là những người mang lại thông điệp, truyền tải cho ta vô vàn cảm xúc và cũng có thể nói là ngành nghề có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội này nay

    Trả lờiXóa
  4. Không chỉ vấn đề liên quan đến ngành nghề này mà kể cả trong mọi vấn đề khác thi cũng cho thấy xã hội Việt xưa hay kể cả ở đất nước hay Trung Quốc hay đâu đó thì họ cũng có cái nhìn khắt khe và có gì đó lạc hậu. Vậy nên mới cần sự phát triển, sự hòa nhập tiến bộ để con người có thể cởi mở và thoải mái với nhau hơn

    Trả lờiXóa
  5. THời kì đó có nhiều cái mà giờ nhìn lại ta thấy khó mà chấp nhận nổi. Ví dụ như cái tư tưởng trọng nam khinh nữ, nữ không được đi học mà chỉ có nam. Nam có nhiều đặc quyền hơn nữ... Và còn nhiều cái nữa. Vậy nên đương nhiên cái nghề ca hát này nó chẳng giống ai, nó không thể hiện được học thức, không có trạng nguyên hay gì đó mà thi ca hát cả nên dĩ nhiên và bị khinh dẻ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mỗi thời một quan điểm, nhìn nhận, đánh giá khác nhau nên chũng ta cũng phải thông cảm

      Xóa
  6. Như trường hợp của cụ Đào Duy Từ thì thật sự tiếc cho một nhân tài. Nhưng không chỉ riêng cụ mà đó là tình hình chung của xã hội thời đó, cũng có rất nhiều người phải chấp nhận vì đã sinh sống vào thời kì đó thì đành chấp nhận thôi chứ sao? Nam nhân còn đỡ chứ nữ nhi còn phải chịu vô vàn cái bất công hơn kìa

    Trả lờiXóa
  7. Sinh ra thời kì nào thì đành chấp nhận thôi. Có thể bây giờ ta nghiên cứu và thấy thật không hợp lí, rồi bất công.. nhưng ở thời kì đó họ suy nghĩ theo đám đông lại đồng tình với điều đó và họ cảm thấy vô cùng hợp lí thì sao. Thôi hãy cảm ơn vì xã hội đã tiến bộ, loài người đã cởi mở hơn để ta có cuộc sống như hôm này

    Trả lờiXóa
  8. Thời phong kiến chỉ có 2 thành phần dân cư là : Sĩ và Nông, còn người kinh doanh gọi là 'con buôn', nghề ca hát thì không xếp vào đâu nên gọi là đồ 'xướng ca vô loài', nên mới có câu : "Nhất Sĩ nhì Nông, hết gạo chạy nhông, nhất Nông nhì Sĩ"; Ngoài 2 thành phần dân cư thì trên có vua là Thiên tử - con Trời, dưới bậc vua, chúa là Công, Hầu, Khanh, Tướng, quan lại cai trị, cai quản dân. Chính thế nên cụ Đào Duy Từ dù có tài giỏi đi thi đỗ nhưng là con nhà ca hát nên bị hạch tội và bị truất kết quả thi nên Cụ mới phải chạy từ đất của Chúa Trịnh vào nam theo Chúa Nguyễn .. Thời nay thì các nghề ca hát, múa vv... là nghề được đặt vào nhóm hoạt động dịch vụ, nếu chuyên sâu, có tài thì gọi là các 'nghệ sĩ' .. Tuy thời xưa gọi những người làm nghề ca hát là loại 'xướng ca vô loài' ý nghĩa ban đầu không hẳn là miệt thị mà chỉ là phân chia tầng lớp dân cư, sau thì những người làm nghề ca kỹ có ca hát mua vui nên cái danh mới bị coi thường như vậy. Trên đời này những người không chuyên chính, lăng nhăng, ác độc, tư lợi thì đều đáng coi khinh cả chứ đâu chỉ là các ca sĩ, người ca hát; tuy nhiên nếu ca sĩ mà phạm phải (mà họ là người ưa tự do, tự tại, là nhóm người của công chúng nên dễ phạm hơn nhóm người khác mà thôi) thì tiếng sẽ xấu hơn do bị ám ảnh từ xưa vậy thôi. Còn ca sĩ mà giữ được đạo đức, nghề lại tinh giúp ích cho đời thì ai dám coi khinh họ được.

    Trả lờiXóa
  9. Quan niệm này hiện nay thì được xem là cổ hũ rồi. rong quyển “Thành ngữ, điển tích, danh nhân từ điển" của Trịnh Vân Thanh có nhận xét: “Đây là một thành kiến rất xấu đối với nghề ca hát. Nhưng nay không còn nữa vì ca hát được xem là một nghệ thuật như các nghệ thuật khác”. Các nghệ sĩ có tài nghệ cống hiến xuất sắc được nhà nước phong tặng chức danh “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”...

    Trả lờiXóa
  10. Quan niệm của người xưa thì rõ ràng có khác bây giờ; không thể so sánh ngày xưa với bây giờ được

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog