Chia sẻ

Tre Làng

RFI: Nhờ cách ly triệt để, Việt Nam kiềm chế dịch rất tốt

Khoai@

"Một năm Covid-19: Nhờ cách ly triệt để, Việt Nam kềm chế được dịch" - Đó là tiêu đề một bài báo trên RFI (Xem tại đây). Đây là một trong số rất ít các bài viết mà RFI đăng tải, thể hiện sự công tâm, khách quan về tình hình Việt Nam. Bài viết lý giải vì sao trong khi cả thế giới cùng đối mặt với đại dịch Covid-19 thì Việt Nam là một trong số hiếm hoi các nước kiềm chế dịch bệnh thành công và duy trì tăng trưởng kinh tế nhất thế giới ở mức 2.9%.

Ảnh: Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của cư dân trong một khu vực có bệnh nhân mới bị nhiễm Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Ảnh chụp ngày 26/07/2020.

Mô tả thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19, RFI viết: "Một năm sau, trong khi rất nhiều nước, nhất là Hoa Kỳ và một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha…, đang vất vả đối phó với các làn sóng dịch liên tiếp ập tới, thì tại Việt Nam, quốc gia nằm sát cạnh Trung Quốc, dịch bệnh hầu như không đáng kể : cho đến nay, theo các số liệu chính thức, chỉ mới có khoảng hơn 1.500 ca nhiễm Covid-19 (1.512, tính đến ngày 08/01/2021) và chỉ mới có 35 ca tử vong, trên tổng số gần 98 triệu dân. Cùng với Đài Loan và Singapore, Việt Nam nằm trong số những quốc gia hiếm hoi ở châu Á kềm chế dịch rất tốt".

Lý giải nguyên nhân thành công của Việt Nam, RFI thừa nhận các nguyên nhân chính yếu là hệ thống y tế dự phòng của Việt Nam cực tốt với những mũi nhọn là" cách ly triệt để; đóng cửa biên giới; khoanh và "cô lập" vùng dịch; nhà nước chi trả gần như toàn bộ chi phí; huy động cả xã hội vào cuộc, trong đó chủ lực là đội ngũ y bác sĩ, công an, quân đội, dân phòng; chủ động các biện pháp phòng chống từ xa; điều tiết hài hòa các chuyến bay từ nước ngoài; triển khai các biện pháp nghiên cứu, sản xuất vaccine và xử lý nghiêm nạn Fake News.

Dẫn lời bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, "yếu tố đầu tiên đó là Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm về phòng chống dịch bệnh, vì thường xuyên phải đối phó với các dịch bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não…., và hệ thống y tế dự phòng đã được thành lập từ lâu. Việt Nam cũng đã sớm đóng cửa biên giới với Trung Quốc ngay khi được biết có dịch virus corona chủng mới ở nước láng giềng phía Bắc, nhờ vậy mà đã chặn đứng con đường lây lan. Nhưng quan trọng hơn hết đó là biện pháp cách ly triệt để đối với những người từ nước ngoài vào":

“Quyết định đóng cửa chính thức biên giới và theo dõi người từ Trung Quốc tới chính là yếu tố làm giảm lây lan. Nếu virus vào trong cộng đồng đã lâu mà chúng ta không biết thì sẽ khó phòng ngừa hơn, cho nên ngay từ đầu việc cách ly quyết liệt, không cho lan ra cộng đồng, là yếu tố gần như quyết định để ngăn ngừa dịch bệnh này.

Nguyên tắc của Việt Nam là tất cả những người nào mà nghi ngờ là mang virus từ bên ngoài về, thì phải bảo đảm người đó ở một khu vực không lây cho cộng đồng trong vòng 14 ngày và tiếp tục ở một khu vực hạn chế tiếp xúc với cộng đồng trong vòng 14 ngày nữa. Với nguyên tắc như vậy, thì bất cứ ai là người từ nước ngoài về, tùy theo giai đoạn, ban đầu là Trung Quốc, tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc và sau đó là tất cả các nước khác, đều được vừa cách ly, vừa xét nghiệm. Những người nào dương tính thì sẽ được cách ly và được điều trị ở một chỗ riêng. Một điểm nữa, đó là tất cả các tỉnh đều có khu cách ly riêng, và phân bổ người từ nước ngoài về theo từng đợt, để giảm tải cho một khu. Đó là những yếu tố giúp Việt Nam thành công trong việc cách ly diện rộng.

Giai đoạn đầu thì có nhiều người chống đối, nhưng Việt Nam có luật phòng chống bệnh truyền nhiễm thì mọi người phải chấp nhận chuyện đó. Thứ hai là những người nào đi về thì đều có người thân ở đây. Chính những người thân hiểu vấn đề, cho nên mới khuyên những người bị cách ly đó phải hợp tác.

Việc cách ly ban đầu là do Nhà nước lo hết. Bây giờ mới mở ra thêm những nơi cách ly tự nguyện, tức là phải trả tiền thêm, ở một khu vực nhất định và phải chịu sự kiểm soát về y tế, về mức độ tiếp xúc, để không lây lan ra cộng đồng. Những yếu tố đó khiến không ai phản ứng về chuyện cách ly nữa. ”

Theo số liệu do bộ Y Tế Việt Nam cung cấp ngày 8/1/2021, hiện nay, tổng cộng có gần 18.600 người đang được cách ly ngừa Covid-19 hoặc đang được theo dõi y tế ở Việt Nam. 

Để có thể cách ly số đông người, trong giai đoạn đầu, Việt Nam thậm chí huy động cả các doanh trại, trường quân sự. Trở về Việt Nam vào tháng 3/2020, nữ sinh viên Châu Minh đã được đưa đi cách ly tập thể tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sơn Tây, trong 14 ngày. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 7/1/2020, cô kể lại trải nghiệm trong những ngày cách ly đó:

“Trong thời gian này, chúng tôi không phải đóng bất kỳ chi phí gì, toàn bộ đều do Nhà nước lo. Nơi tôi được cách ly là một cơ sở khá là rộng rãi, khang trang và rất sạch sẽ, với sức chứa hơn 300 người, mỗi phòng có 16 người, với 8 giường tầng. Mỗi hai phòng như vậy dùng chung một nhà vệ sinh rất rộng, sạch sẽ, với đầy đủ nước nóng. Mỗi hai ngày có nhân viên đến phun thuốc khử khuẩn tất cả các phòng. Toàn bộ các đồ dùng vệ sinh cá nhân như bàn chải, kem đánh răng, dầu gội…, đều được cấp miễn phí để tránh sự lây nhiễm từ bên ngoài.

Ở đây có lắp đặt Internet, nhưng nếu chúng tôi yêu cầu thì có thể được mua thẻ điện thoại, hoặc xin nếu cần. Mỗi ngày chúng tôi được cấp 3 suất ăn với đầy đủ chất dinh dưỡng: thịt, rau, canh…, do bộ đội mang đến các phòng. Ở đây chúng tôi được trải nghiệm giờ giấc sinh hoạt của bộ đội: 6 giờ sáng có người bắc loa kêu chúng tôi dậy tập thể dục. Tôi thấy bộ đội phải dậy rất sớm để chuẩn bị suất ăn, đóng gói, rồi đưa đến các phòng vào khoảng 7 giờ sáng. Sau đó, có đoàn y tế đến để đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và phát khẩu trang miễn phí cho mỗi người. Ở đây chúng tôi phải đeo khẩu trang mọi lúc và hạn chế tiếp xúc với người khác.”

Ngoài việc cách ly triệt để như vậy, thành công của Việt Nam trong việc kềm chế dịch Covid-19 còn là nhờ việc truy tìm sát sao những ca tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân Covid để xét nghiệm và cách ly luôn nếu cần. Thậm chí người ta còn truy ra cả người tiếp xúc gần với F1, tức là F2. Những người bị “dán nhãn” F2 thì được yêu cầu cách ly tại nhà trong khi chờ kết quả xét người F1.

Thành ra hiện nay có rất ít ca lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam bây giờ chủ yếu là từ bên ngoài, tức là những ca ngoại nhập. Do việc nhập cảnh qua các cửa khẩu hàng không bị kiểm soát chặt chẽ, đã từng có những vụ nhập cư lậu mà Việt Nam không chặn được, như vụ xảy ra ở Đà Nẵng vào mùa hè năm ngoái, đa số là người Trung Quốc. Từ tháng 3 đến nay, Việt Nam vẫn tạm ngưng phần lớn các chuyến bay thương mại từ nước ngoài. Chỉ có một số tuyến hàng không từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan trên nguyên tắc đã được mở lại từ ngày 15/9/2020 và các tuyến từ Lào và Campuchia được mở lại từ ngày 22/09. Nhưng chỉ sau hai chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam, toàn bộ các tuyến đường đó lại bị tạm ngưng từ tháng 10 do phương thức quản lý, cách ly khách từ các chuyến bay chưa thống nhất, nên các hãng hàng không phải chờ hướng dẫn cụ thể.

Mới đây, hôm 5/1/2021, Việt Nam cũng đã tạm ngưng các toàn bộ chuyến bay từ những quốc gia có những ca nhiễm biến thể mới của virus corona gây bệnh Covid-19, đầu tiên là từ Anh Quốc và Nam Phi. Đây là hai nước mà biến thể mới của virus được phát hiện và nay đã lan sang một số nước khác, kể cả ở Việt Nam, theo lời bác sĩ Trương Hữu Khanh:

“Ban đầu Việt Nam cũng có một ca, nhưng ca đó được phát hiện ngay trong khu cách ly. Diễn biến của một virus theo hướng lây lan nhanh hơn là điều tất yếu. Thứ hai là nếu nó đã ở Anh, thì nó sẽ lan ra khắp nơi, tại vì nó sẽ là virus có ưu thế hơn các virus dòng trước, nó lây nhanh thì sẽ lấn át các virus cũ. Ngay khi bên Anh có virus biến thể mới thì Việt Nam đã chuẩn bị thiết bị vật liệu để phát hiện virus đó. Rõ ràng là chúng ta đã phát hiện một ca, nhưng là ở trong khu cách ly. Điều này cho thấy là việc phòng ngừa phải ráo riết, quyết liệt hơn, đừng để virus lan ra cộng đồng, vì nếu lan nhanh ra cộng đồng, nó sẽ lây nhanh đến các đối tượng nguy cơ, gây nhiều tử vong ở các đối tượng đó. Thành ra Việt Nam phải quyết liệt hơn trong việc ngăn các nguồn lây ngoại lai đến Việt Nam. Nếu có thì phải đuổi cho nhanh để ngăn được dòng virus lây nhanh này.”

Chính vì đã kềm chế được dịch mà Việt Nam đã không vội vã đặt mua vac-xin ngừa Covid-19. Hơn nữa việc đặt mua trước có rất nhiều rũi ro về tài chính mà Việt Nam không thể kham nổi. Mãi đến gần đây, ngày 4/1, chính phủ Việt Nam mới thông báo đồng ý sẽ mua 30 triệu liều vac-xin của hãng AstraZeneca và cho biết đang tìm mua vac-xin từ các nguồn khác, kể cả của Pfizer.

Cũng nhờ dịch Covid-19 được kiềm chế như vậy, và cũng nhờ thời gian phong tỏa kéo dài chưa tới 3 tháng, mà kinh tế của Việt Nam đã không bị rơi vào suy thoái trong năm 2020 và Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương (2.9%). Kinh tế Việt Nam đang nhanh chóng phục hồi, đến mức mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng trước đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng đến 6,5% cho năm nay. Tuy nhiên, do các biện pháp hạn chế và do việc đóng cửa biên giới kéo dài, ngành du lịch đã bị thiệt hại rất nặng nề và ngành hàng không cũng lao đao không kém.

Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số quốc gia, Việt Nam đã phản ứng bằng cách tạm ngưng phần lớn các chuyến bay quốc tế, điều này dẫn đến nhiều công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài. Từ tháng 4 năm ngoái, chính phủ đã tổ chức nhiều chuyến bay để hồi hương các công dân này. Theo các số liệu công khai trên báo chí, trong vòng 8 tháng, đã có khoảng 65.000 người Việt Nam được hồi hương trên tổng cộng 235 chuyến bay. Nhưng nỗ lực của chính phủ Việt Nam là cực lớn nhưng chưa thể đưa về nước tất cả những người đang tuyệt vọng tìm đường hồi hương. 

Thú vị là ở chỗ, nhiều người có quốc tịch Hoa Kỳ hoặc một quốc gia nào đó ở châu Âu cũng tìm cách "săn lùng" cho được tấm Hộ chiếu Việt Nam để có thể tìm được nơi trú ẩn an toàn thời Covid-19. Điều này nói lên rằng, dù dịch bệch hoành hành, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn vào hạng nhất thế giới nhờ các nỗ lực nghiêm túc của chính phủ và người dân nơi đây.

5 nhận xét:

  1. "Tỷ lệ lây nhiễm ở Việt Nam cũng rất thấp nếu so sánh với New Zealand, quốc gia cũng đã kiểm soát được lây nhiễm trong cộng đồng. New Zealand hiện có 19 ca tử vong trong tổng số 1.126 ca mắc Covid-19 được ghi nhận", tác giả dẫn chứng trên tờ Sydney Morning Herald.Gọi câu chuyện của Việt Nam là "câu chuyện thành công ngoại lệ" trong đại dịch, tác giả Adam Taylor của tờ Washington Post - một trong những cơ quan truyền thông hàng đầu nước Mỹ ngày 30/4 khẳng định, Việt Nam đã mở ra những “bài học” cho Mỹ trong việc ứng phó với đại dịch toàn cầu. Những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân việt Nam là không thể chối cãi được, là hình mẫu và đáng được các quốc gia trên thế giới học theo

    Trả lờiXóa
  2. Ngay từ những ngày đầu khi dịch xảy ra, Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới để chia sẻ thông tin, đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp chống dịch quyết liệt nhưng hợp lý.

    Trả lờiXóa
  3. mặc dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam cũng đã thể hiện là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế thông qua việc hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch cho một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Chúng ta đã quan tâm chăm sóc, điều trị cho người nước ngoài tại Việt Nam, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

    Trả lờiXóa
  4. Kết thúc năm 2020, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khi số lượng các ca mắc mới tiếp tục tăng ở nhiều nước và đã ghi nhận sự xuất hiện biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2. Hơn lúc nào hết, rất cần sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của các quốc gia, các tổ chức quốc tế để thắp lên hy vọng sớm khống chế đại dịch nguy hiểm này.

    Trả lờiXóa
  5. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đã và đang được kiểm soát tốt. Kết quả đó là tiền đề để Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Cả nước đang trong tình trạng “bình thường mới”, nhưng để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu kép đó cần tiếp tục phát huy các thành quả đạt được, quyết tâm khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog