Chia sẻ

Tre Làng

Cần có thêm án điểm xử lý người cố tình tung tin giả về dịch COVID-19

Luật sư cho rằng cần án điểm xử lý những người cố tình tung tin giả gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cần có thêm án điểm

Lực lượng công an làm việc với đối tượng tung tin giả về dịch COVID-19. Ảnh: CA Đà Nẵng.

Trong bài viết trước, Báo Lao Động đã phản ánh tình trạng tin giả tràn lan gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cả nước.

Theo Luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), tin giả về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam không còn là điều hiếm hoi.

Cơ quan chức năng ở các tỉnh thành, trong phạm vi thẩm quyền của mình, đã xác minh, lập biên bản, ra quyết định xử phạt nhiều người vì tung tin, chia sẻ thông tin sai sự thật.

Thông tin giả mạo Bộ Y tế cho rằng COVID-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ... đang lan tràn trên mạng xã hội.

Luật sư Thái phân tích: Luật An ninh mạng năm 2018 đã nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Bên cạnh đó, Công văn số 45 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 cũng nêu rõ: “Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông” theo quy định tại điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khung hình phạt sẽ là phạt tiền từ 30 triệu đồng; hoặc phạt tù đến 7 năm.

"Do vậy, cần có án điểm, thậm chí phạt tù những người cố tình tung tin sai sự thật, thông tin giả mạo liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam", Luật sư Thái cho biết.

Tăng cường năng lực báo chí chính thống và kỹ năng số của người dân

Trong báo cáo thảo luận chính sách gần đây về an toàn số trong Chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) khuyến nghị 4 giải pháp chính sách để nâng cao vấn đề an toàn trên môi trường số nói chung và ứng phó tin giả nói riêng.

Thứ nhất, tăng cường năng lực báo chí chính thống để cung cấp thông tin kịp thời, lấy "tin thật" đẩy lùi tin giả. Một thị trường báo chí lành mạnh, tin cậy kết hợp với tốc độ cung cấp thông tin chính thống nhanh từ toàn bộ hệ thống công quyền sẽ kéo người dân từ mạng xã hội qua báo chí chính thống.

Thứ hai là kỹ năng số của người dân, bao gồm: biết cách tránh bẫy thông tin, biết tìm kiếm thông tin từ nguồn chính thống, phân biệt "thật - giả" là "gốc rễ" để giải quyết vấn đề trong dài hạn.

Điều này cần bắt nguồn từ giáo dục kỹ năng số, kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho trẻ em ngay từ tiểu học. Trong thời đại số, học sinh không thể chỉ đơn thuần học "tin học" mà cần có kỹ năng số toàn diện trong đó gồm kỹ năng an toàn thông tin.

Thứ ba, trong khi nhóm giải pháp thứ nhất và thứ hai cần thời gian dài hơn để thực thi, trước mắt cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp khởi kiện khi lợi ích hợp pháp bị xâm phạm vì tin giả.

Đối tượng Phan Vũ Điệp Anh tung tin giả về dịch COVID-19 tại TPHCM đã bị khởi tố, tạm giam tối 21.7. Ảnh: TTBC.

Hệ thống tòa án cần được gấp rút tăng cường năng lực thụ lý và xử lý nhanh các vụ kiện như thế. Các vụ việc xử phạt hành chính chỉ nên nhắm vào các cá nhân, tổ chức tung tin giả có tác động xấu đến lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia. Không nên lạm dụng xử phạt hành chính bởi cũng có rủi ro xâm phạm đến quyền ngôn luận của người dân.

Thứ tư, thành lập các trung tâm chống tin giả với nhiệm vụ cung cấp thông tin nhanh, chính thức, chuẩn xác từ chính quyền. Thời buổi thông tin nhanh như hiện nay mà chờ họp báo thì quá chậm. Trung tâm chống tin giả vừa giúp kiểm chứng nguồn tin, vừa giúp thông tin nhanh.

***
TPHCM đã khởi tố đối tượng tung tin giả người dân tự thiêu ở TP.Thủ Đức

Tối ngày 21.7, Công an TPHCM cho biết, đơn vị đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Vũ Điệp Anh (SN1961, ngụ tại đường Ngô Tất Tố, phường 19, quận Bình Thạnh) vì đã có hành vi đăng tin xuyên tạc, sai sự thật liên quan đến dịch COVID-19 trên tài khoản Facebook cá nhân, gây hoang mang cho người dân Thành phố, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trước đó, chiều 19.7, đối tượng trên đã đăng hình ảnh cho rằng một người đàn ông trung niên tự thiêu trên địa bàn phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức và kèm bình luận: “Bức xúc vì cách thức chống dịch COVID-19… người dân phẫn uất ngay giữa đường bức bách, tự thiêu”. Sau khi xác minh thông tin, cơ quan chức năng khẳng định đây là tin giả.

TRẦN TUẤN

5 nhận xét:

  1. Lợi dụng tình hình dịch bệnh và đặc biệt là tâm lí mất bình tĩnh, tò mò của người dân trong tình hình này, có rất nhiều đối tượng tung itn giả làm hoang mang dư luận. Thiết nghĩ nên xử lí mạnh tay hơn nữa

    Trả lờiXóa
  2. Đúng vậy, hiện nay dịch bệnh Covid-19 hoàn hành với những diễn biến ngày càng phức tạp khó lường, khó nói trước được điều gì. Cơ bản nhất là việc dân ta đồng lòng đoàn kết, đặc biệt là nâng cao ý thức chính rị, củng cố niềm tin, tự giác để có thể chung tay phòng dịch. thế nhưng với ai vẫn còn le lói ý định chống phá, bằng những luận điệu, bằng nhũng tin xấu tin độc. Cơ quan công an cần phối hợp với các lực lượng như Tuyên giáo, truyền thông để có thể ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm những ai đang có ý định phạm tội cũng như có những thông tin xuyên tạc như vậy.

    Trả lờiXóa
  3. Vấn nạn tin giả đã trở thành mối quan tâm chung của nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ có Việt Nam. Nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách để ngăn chặn sự lan truyền của tin giả. Ủy ban Châu Âu (EC), Canada đã yêu cầu các công ty Facebook, Twitter… áp dụng các biện pháp ngăn chặn những thông tin lừa đảo, gian lận xuất hiện trên các trang mạng này.

    Trả lờiXóa
  4. Giữa lúc tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, phức tạp như thế này thì việc tung tin giả, tin độc hại sẽ làm nhiễu loạn thông tin truyền thông, gây rối loạn thêm tình hình, gây ảnh hướng nghiêm trọng đến công tác chống dịch của Chính phủ. Người dân sẽ khó có thể tiếp cận được nguồn tin chính thống, bị hoang mang giữa những luồng tin ko rõ thật - giả. Không chỉ thế, một số đối tượng xấu còn lợi dụng các vụ việc xảy ra để xuyên tạc, bôi nhọ, công kích các cá nhân, lãnh đạo cũng như cách chống dịch của Chính phủ. Do vậy, cần quyết liệt xử lý hiện tượng tin giả và những đối tượng tuyên truyền, xuyên tạc tin độc hại khác.

    Trả lờiXóa
  5. Chỉ đạo lực lượng báo chí truyền thông trực thuộc bám sát chỉ đạo, định hướng tuyên truvền, làm nổi bật mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết. Nắm bắt dư luận truyền thông nước ngoài đề phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và lực lượng báo chí cả nước kịp thời phản bác luận điệu xuyên tạc, chủ động cung cấp thông tin cho người dân. Chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông căn cứ thẩm quyền được giao xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đăng tải, phát tán tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang, hiểu lầm về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tham gia phòng chống dịch thực hiện nghiêm và đúng các quy định của cấp có thẩm quyền, có thái độ đúng mực với người dân, tránh gây bức xúc, bất bình, làm nóng vấn đề, phát tán các thông tin bất lợi lên mạng xã hội, ảnh hưởng đến quá trình thực thi các biện pháp phòng chống dịch.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog