Chia sẻ

Tre Làng

Về đất Thủ Thiêm.

Nhân việc Thủ Thiêm đấu giá đất đạt mức kỷ lục thế giới 2,4 tỉ đồng/m2, khiến nhiều anh em chuyên gia kinh tế tâm tư, thậm chí cho rằng việc này gây nhiễu loạn thị trường, kẻ già này lại phải bàn nhè nhẹ.

Đầu tiên, chúng ta phải hiểu về bản chất của đấu giá nói chung đã. Bất kỳ thứ gì mà phải đem ra đấu giá, thì đều hoặc quý hiếm, hoặc KHÔNG có giá thị trường chính xác. Không ai đấu giá cái điện thoại, xe máy sản xuất hàng loạt, thứ mà nhà sản xuất đã niêm yết giá và ai cũng có thể ra hàng mua. Người ta chỉ đấu giá những thứ có giới hạn, và không thể đúc thêm, như cổ vật, tác phẩm nghệ thuật hay bất động sản, mà thôi.

Trong phiên đấu giá này, thì Nhà Nước chính là bên BÁN, và đối với người bán, thì hiển nhiên càng được giá cao sẽ càng tốt. Nếu có ai bị thiệt, thì đó luôn là người MUA, tức doanh nghiệp. Ở mức giá mua hớ (nếu có), doanh nghiệp sẽ phải chịu một suất đầu tư siêu cao, dẫn tới sản phẩm sẽ phải bán giá cực đắt mới có lãi. Tôi không hiểu nhiều anh chị trăn trở cho Nhà Nước, tức bên bán và thu tiền trong thương vụ, là lo về cái gì? Lo thu được nhiều tiền quá Nhà Nước sẽ đâm hư, hay như nào???

Chính vì Nhà Nước cũng không thể xác định được giá chính xác của các lô đất này, nên buộc phải được đấu giá công khai để tìm ra giá thị trường - chính là giá cao nhất được người mua sẵn sàng trả. Đấu giá là phương thức công khai, minh bạch duy nhất, ngăn chặn tuyệt đối việc thông đồng, đi đêm để bán tài sản Nhà Nước với giá rẻ. Đổi lại, người mua sẽ không gặp bất kỳ rủi ro pháp lý, thanh tra, hồi tố nào về sau như một số anh chị đang chuẩn bị vào lò vì thông đồng mua rẻ tài sản quốc gia.

Một lo lắng nữa, đó là việc xác lập kỷ lục giá này sẽ thổi giá đất và tạo bong bóng thị trường. Tuy nhiên nếu hiểu luật đất đai thì sẽ thấy nó không liên quan, vì giá đất đấu giá thành công hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu, tầm nhìn của doanh nghiệp đối với từng lô đất cụ thể, và giá này KHÔNG liên quan gì tới quy trình định giá hay giao đất. Hay nói một cách dễ hiểu, giá chốt cuối cùng KHÔNG phải giá được quy định bởi Nhà Nước, nên nó không tác động tới khung giá đất như nhiều người lầm tưởng.

Nhà Nước thực chất chỉ có 2 chức năng: đưa ra giá khởi điểm, và chấp nhận BẤT KỲ mức giá nào CAO NHẤT trong phiên đấu giá. Nếu Nhà Nước đưa ra trần giá, thì đó mới là vấn đề, vì nó mất đi tính cạnh tranh và bóp méo quy luật cung cầu của thị trường. Một doanh nghiệp có thể cướp miếng đất bằng cách chốt luôn giá trần ngay từ đầu, và điều này khiến việc đấu giá, vốn với mục đích tăng tính cạnh tranh để bán được tài sản giá cao nhất có thể, trở nên vô nghĩa.

Còn việc lý luận “giá đất cao dân sẽ không mua được”, thì phải xác định xem “dân” là ai đã, vì nếu là dân lao động, thì tôi cũng không hiểu họ cần sống ở Thủ Thiêm - nơi được quy hoạch làm trung tâm tài chính, để làm gì? Ở đây không có các nhà máy để họ làm công nhân, không cho phép hàng rong để họ đẩy xe hủ tíu, không có quán cơm tấm bình dân để họ ăn với giá 20k. Đây là nơi quy hoạch dành cho dân nhà giàu, những anh em không giàu tất nhiên sẽ sống ở chỗ khác, như các Xóm Nước Đen, nhà trọ công nhân hoặc nhà ở xã hội, nơi có nhiều hiệp sĩ và thấm đẫm cái tình người.

Nhiều anh chị cũng nói giá đất như thế là vượt quá giá trị thực. Cơ mà giá trị thực, lại phụ thuộc vào nó sẽ được dùng làm gì, quy hoạch cho phép nó xây dựng cao bao nhiêu, với mật độ thế nào, và sản phẩm đầu ra hướng tới phân khúc nào. Xây văn phòng không có lãi, nhưng chung cư thì khác, xây 20 tầng không có lãi, nhưng 40 tầng thì khác, bán vài tỉ/căn không có lãi, nhưng vài triệu đô/căn thì khác, quay mặt vào bãi tha ma không có lãi, nhưng mặt quay view sông thì lại khác, vv và vv. Tất cả những thứ này, hãy để cho doanh nghiệp tuỳ nghi tính toán.

Vườn thú của Văn Vương trăm dặm, thiên hạ vẫn cho là nhỏ. Vườn thú của Tuyên Vương năm dặm, người Tề đã chửi là to. Người ở vị trí khác nhau, nhu cầu chẳng thể như nhau được vậy. Để thị trường tự do vận động, chỗ nào đắt thì để người giàu vẽ skyline, chỗ nào rẻ thì cho anh Thản đắp pháo đài, đất đai bán đấu giá thật cao để tăng nguồn thu cho địa phương. Chỉ cần biết rằng, công khai, minh bạch, trong bất kỳ hoạt động kinh tế nào cũng luôn là tốt. Tiền vào ngân sách, Nhà Nước hoàn toàn cầm đằng chuôi, tài sản quốc gia không bị xâu xé với giá rẻ mạt, thì đó chính là lợi nước lợi dân vậy.

Quả là:

Đấu công khai, tiền thu từng quyển,
Tái đầu tư, mấy huyện ấm no.
Đất vàng cỏ mọc nuôi bò,
Bắt tay bán rẻ mới lo ăn lon.

Nguồn: Phú Ngẫn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog