Chia sẻ

Tre Làng

Cơ quan Tình báo quân đội Nga GRU

Bạch Dương biên dịch

Binh sĩ Spetsnaz tập luyện trong rừng. Ảnh: TASS

Đề cập đến tình báo Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, người ta thường nhắc tới Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB), tiền thân của Cơ quan An ninh quốc gia liên bang (FSB). Tuy nhiên, Nga còn một cơ quan tình báo hoạt động hiệu quả nhưng “kiệm lời”, đó là Cơ quan Tình báo quân đội (GRU), trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng vũ trang Liên bang Nga.

Thành tố quan trọng của an ninh quốc gia Nga

Theo RIA Novosti, sau Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày 5-11-1918, Bộ Tham mưu chiến trường Hồng quân đã thành lập Cục Đăng ký nhằm tăng cường hoạt động của các cơ quan tình báo quân đội. Đây chính là tiền thân của GRU. Từ năm 1918 đến 1921, cơ quan tình báo quân sự được gọi là Cục Thu tin. Tháng 6-1942, Cục Thu tin nâng cấp thành Cơ quan Tình báo quân sự (GRU). Năm 1947, Chủ tịch Liên Xô J. Stalin hợp nhất các cơ quan tình báo thành một cơ quan duy nhất của Ủy ban Thông tin (KI). Sau đó, KI bị giải thể và GRU được cơ cấu thành một bộ phận thuộc Bộ Tổng tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô. Năm 1991, GRU trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng vũ trang Liên bang Nga.

Tổng hành dinh của GRU nằm trên Đại lộ Khoroshevski ở Thủ đô Moscow, gồm các tòa nhà khép kín, được bảo vệ bằng hàng rào đặc biệt gia cố bằng bê-tông, xe thiết giáp không thể đâm thủng. Tổ hợp gồm chín tầng trên mặt đất và nhiều tầng ngầm. Tầng 9 đặt hệ thống kỹ thuật nhằm bảo đảm hoạt động cho toàn bộ tổng hành dinh. Tầng thượng có hai sân bay trực thăng phục vụ lãnh đạo cấp cao. Tổ hợp văn phòng hiện đại này do các đơn vị quân đội xây dựng. Tất cả trang thiết bị điện tử, vật liệu xây dựng đều do Nga sản xuất và được kiểm tra vô cùng kỹ lưỡng để đề phòng bị cài đặt thiết bị nghe lén. Cơ sở vật chất tại đây bảo đảm đáp ứng điều kiện tốt nhất cho các sĩ quan tình báo quân sự có thể làm việc, tập luyện, sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí mà không cần phải ra ngoài. 

Trụ sở của GRU được ngăn cách thành nhiều khu vực, mỗi khu vực chỉ dành riêng cho những nhân vật có trách nhiệm; một số khu vực được bảo vệ an ninh cực kỳ nghiêm ngặt và hạn chế số người ra vào. Trong trụ sở có một số khu vực đặc biệt như Trung tâm tình huống, mô phỏng các tình huống khẩn cấp, khủng hoảng, xung đột, thậm chí chiến tranh. Trung tâm chỉ huy của GRU thu thập thông tin khắp nơi trên thế giới và chỉ có cấp chỉ huy mới được quyền truy cập. Ngoài ra, trụ sở GRU còn có tổ hợp thể thao gồm các sân chơi thể thao, tập luyện võ thuật, bể bơi,... với trang thiết bị tiên tiến, hiện đại và nhiều công trình phụ trợ như đài phun nước, vườn hoa... Mỗi tầng của trụ sở đều có hệ thống an ninh, an toàn độc lập với các camera thế hệ mới. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy được thiết kế, xây dựng như trên tàu ngầm: nếu một khoang bị cháy, các khoang khác không bị ảnh hưởng. Hệ thống cửa sổ được thiết kế đặc biệt, các hành lang, trần, sàn nhà trong tổ hợp đều sáng mầu. Các phòng làm việc không có biển hiệu, đều quay vào phía trong, tách biệt với hành lang. 

Theo trang Spetsnaz Razvedki, GRU là một trong những thành tố quan trọng nhất trong hệ thống an ninh quốc gia và an ninh quân sự Nga; góp phần bảo đảm vững chắc lợi ích chiến lược của Nga, cả ở nội địa lẫn ngoài biên giới quốc gia. Khác với Mỹ, quốc gia có 16 tổ chức tình báo, GRU là cơ quan tập trung toàn bộ hoạt động thu thập, xử lý tin tức tình báo quân sự của quân đội Nga trên các lĩnh vực tình báo con người, tình báo tín hiệu điện tử. Nhiệm vụ công khai của GRU là tiến hành hoạt động tình báo quân sự chiến lược, chiến thuật và thu thập tin tức tình báo, song thực chất GRU còn thực hiện nhiều nhiệm vụ bí mật khác. 

GRU hoạt động tương tự cơ quan tình báo quân đội ở nhiều nước khác. Người đứng đầu GRU hiện nay là ông Igor Kostyukov (được bổ nhiệm năm 2018). Tổng Cục trưởng GRU là cấp dưới trực tiếp của Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga và Bộ trưởng Quốc phòng, không báo cáo tin tức trực tiếp lên lãnh đạo quốc gia như Tổng thống, Thủ tướng... Khác với Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại (SVR) được trực tiếp báo cáo Tổng thống vào thứ hai hằng tuần, Tổng Cục trưởng GRU không có lịch cố định báo cáo trực tiếp với nguyên thủ quốc gia. 

Cơ quan này có 12 cục nghiệp vụ: Cục 1 chuyên trách địa bàn châu Âu; Cục 2 chuyên trách địa bàn châu Mỹ, Anh, Australia và New Zealand; Cục 3 chuyên trách địa bàn châu Á; Cục 4 chuyên trách địa bàn châu Phi; Cục 5 chuyên trách tình báo chiến thuật; Cục 6 chuyên trách tình báo vô tuyến điện; Cục 7 chuyên trách theo dõi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); Cục 8 thực hiện nhiệm vụ tình báo đối với một số quốc gia riêng lẻ đặc biệt; Cục 9 chuyên trách công nghệ quân sự; Cục 10 chuyên trách về kinh tế quân sự; Cục 11 chuyên nghiên cứu về các học thuyết quân sự và khí tài quân sự; Cục 12 phụ trách thông tin liên quan vũ khí hạt nhân. 

Sở hữu lực lượng tinh nhuệ bậc nhất

Trong cơ cấu của GRU, trinh sát đặc nhiệm là một đơn vị truyền thống, được gọi là “Spetsnaz”, có thể tác chiến ở bất cứ địa hình nào và trong mọi điều kiện. Theo Spetsnaz-gru.com, Spetsnaz GRU được thành lập năm 1949, được coi là lực lượng đặc nhiệm lâu đời nhất ở Nga và là một trong những lực lượng đặc biệt tinh nhuệ nhất thế giới. Lực lượng này có thể so sánh với các lực lượng nổi tiếng khác như Lực lượng Đặc nhiệm Không quân (SAS) của Anh hay Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân (SEAL) của Mỹ.

Sau khi được thành lập, Spetsnaz GRU bao gồm một số đại đội độc lập, mỗi đại đội có 120 người. Tính đến giữa năm 1951, GRU sở hữu 46 đại đội đặc nhiệm. Năm 1962, các đại đội được biên chế lên cấp lữ đoàn. Năm 1979, GRU có 14 lữ đoàn trực thuộc các quân khu. Việc Mỹ sở hữu vũ khí hạt nhân chính là động cơ thúc đẩy sự ra đời của Spetsnaz GRU, với mục đích thực hiện các chiến dịch nhằm phá hủy cơ sở hạt nhân của Mỹ. Nhiệm vụ chính được giao cho các đơn vị đặc nhiệm lúc đó là phát hiện các đơn vị hạt nhân của đối phương, tiến hành các hoạt động đặc biệt ở hậu phương địch, chống khủng bố và biệt kích...

Trong giai đoạn 2009 - 2010, theo kế hoạch cải tổ toàn diện quân đội Nga, các đơn vị Spetsnaz đã bị giải tán và cơ cấu lại. Năm 2015, Bộ Quốc phòng Nga quyết định thành lập Lực lượng Đặc nhiệm quân đội (SSO) mới dựa trên cơ sở các đơn vị đặc nhiệm của tất cả lực lượng vũ trang, trong đó có các lữ đoàn quân sự của GRU. SSO giải quyết những nhiệm vụ đặc biệt để ngăn chặn chiến tranh và thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt tại các vùng chiến sự bên ngoài lãnh thổ Nga.

Spetsnaz GRU được đào tạo theo giáo trình bài bản, dựa trên hệ thống lý luận khoa học; phối hợp hành động, sử dụng thành thục nhiều loại vũ khí, nhận diện được các trang thiết bị quân sự đặc chủng. Điểm khác biệt chủ yếu của Spetsnaz GRU là huấn luyện. Lính đặc nhiệm GRU trong quá trình thử thách phải trải qua chương trình huấn luyện cường độ cực cao, mỗi người theo một giáo án riêng, có chế độ tập luyện khắc nghiệt.

Theo giới chuyên gia, trong quá trình hình thành và phát triển của GRU, các đơn vị đặc nhiệm của lực lượng này đã tiến hành hàng loạt chiến dịch quy mô lớn ở nước ngoài. Trong số đó nổi bật nhất là chiến dịch bí mật đánh chiếm sân bay Prague (Tiệp Khắc) năm 1968, lập đầu cầu chuyển quân cho khối quân sự Hiệp ước Warsaw. Sau này, các đơn vị đặc nhiệm của GRU còn tiến hành hàng chục chiến dịch ở nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ latin. Tuy nhiên, thông tin về các chiến dịch của lực lượng Spetsnaz GRU tinh nhuệ phần lớn vẫn được giữ bí mật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog