Chia sẻ

Tre Làng

Các hoạt động giao dịch tiền ảo là vi phạm pháp luật tại Việt Nam

(HNMO) - Sau Bitcoin, cơn sốt tiền ảo tiếp tục tăng mạnh ở Việt Nam. Mới đây nhất, nhiều người truyền nhau thông tin về đào đồng Pi (Pi Network), vậy là hàng nghìn người lại “lao” vào loại tiền ảo mới, với hy vọng sẽ trở thành triệu phú trong tương lai. Tuy nhiên, đại diện các cơ quan chức năng đều khẳng định, tiền ảo chưa được chấp nhận ở Việt Nam và mọi hoạt động liên quan đến tiền ảo đều vi phạm pháp luật. 

Ứng dụng "đào Pi" trên điện thoại di động.

“Cơn sốt” đào đồng Pi

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước, thời gian qua, đơn vị này thường xuyên phối hợp với cơ quan công an xử lý các vụ việc liên quan đến các sàn giao dịch, tiền ảo, chứng khoán có tính chất tương tự xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đang có xu hướng diễn ra nhiều hơn.

Chẳng hạn như sàn giao dịch Forex (www.forex.com) tại quận Ba Đình, Hà Nội; sàn giao dịch Emrfx (www.emrfx.com) tại tỉnh Nghệ An... Các sàn giao dịch này thường có cùng một số đặc điểm tương đồng, chủ yếu hoạt động kêu gọi đầu tư trái phép do nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước (không xác định được tư cách pháp nhân) lập ra sau đó lôi kéo nhà đầu tư tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức, như mua bán chứng khoán quốc tế, đồng tiền kỹ thuật số, giao dịch quyền lựa chọn nhị phân (Binary Option) với hình thức dự đoán giá trị lên xuống của một tài sản (có thể là đồng tiền ảo crypto, vàng, chứng khoán, cổ phiếu, tỷ giá...).

Mới đây nhất, thị trường rộ lên cơn sốt “đào Pi”. Chỉ cần gõ cụm từ “Pi Network” vào công cụ tìm kiếm Google, có thể thấy hàng trăm nghìn kết quả, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin về đồng Pi.

Đổ xô đi đào Pi với hàng loạt chia sẻ trên Facebook và càng nhiều chia sẻ, rủ càng nhiều bạn chơi đào Pi, số tiền mà người chơi được hưởng càng lớn. Theo quảng cáo, để đào được Pi, người dùng chỉ cần cài đặt một ứng dụng dành cho smartphone và hằng ngày vào đó bấm nút “khai thác”.

Để kích thích người dùng tích cực mời người khác tham gia, ứng dụng này đưa ra cơ chế tăng tốc độ đào Pi. Cứ mời thêm một người dùng, tốc độ đào Pi sẽ tăng thêm 0,5 lần/giờ, gấp hơn 4 lần tốc độ mặc định ban đầu. Ở thời điểm hiện tại, người tham gia đào Pi không phải nạp bất kỳ loại tiền nào vào ứng dụng. Tuy nhiên, người dùng bắt buộc phải cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại hoặc tài khoản Facebook…

Vì lời quảng cáo khá hấp dẫn là có thể đào Pi miễn phí, nên nhiều người không ngại tham gia với suy nghĩ là không mất gì. Người chơi cũng kỳ vọng, tương lai, đồng Pi cũng tăng giá như đồng Bitcoin. Theo thống kê mới nhất, Pi đã thu hút hơn 13 triệu người chơi trên thế giới, trong đó, số người chơi ở Việt Nam cũng tăng nhanh chóng. 

Trước “sức nóng” của đồng Pi, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại về rủi ro lớn nhất là người chơi có nguy cơ mất thông tin cá nhân. 

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đồng Pi không có nguồn gốc rõ ràng nên không định giá được, người chơi vì thế không nên tin tưởng. Mô hình hoạt động của Pi đang giống mô hình của hoạt động đa cấp, lấy của người sau trả cho người trước.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, người dùng không phải đầu tư bất kỳ khoản tiền nào vào Pi Network, nhưng đến một thời điểm, cùng với việc nắm trong tay dữ liệu cá nhân quan trọng, ứng dụng này sẽ buộc người dùng phải nạp tiền vào để tiếp tục đầu tư. Bởi thực tế, đồng Pi chưa có lịch sử, chưa có thị trường. Thị trường mà những thành viên Pi Network quảng cáo chỉ là thị trường ảo, chưa có cơ quan nào kiểm chứng. 

Ngoài ra, việc người chơi phải cung cấp thông tin cá nhân dễ dẫn đến nguy cơ người dùng bị mất tài khoản cá nhân như Facebook, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy khác. 

Sử dụng tiền ảo là vi phạm pháp luật

Theo quy định, tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hóa. Còn tại khoản 6, 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt có quy định: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định vừa nêu. Như vậy, đồng Pi không được chấp thuận tại Việt Nam, nên việc giao dịch đồng Pi hiện nay là trái pháp luật. 

Mới đây, Bộ Tài chính cũng cảnh báo về rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp. Theo Bộ Tài chính, chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Theo pháp luật chứng khoán, tiền ảo không phải là một loại chứng khoán.

Đồng thời, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.

Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của bộ này có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản ảo, tiền ảo; đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp. 

Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng đã có thông báo trên cổng thông tin điện tử khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.

Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng yêu cầu các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới tiền ảo trái pháp luật.

Trong khi đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không được thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh ở Việt Nam. Bitcoin và một số loại tiền ảo khác là loại tài sản ảo, tiền số được mã hóa, là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghiệp. Do đó, việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay chức năng như đồng tiền là vi phạm pháp luật. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang làm rõ cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc cung ứng dịch vụ mua bán ngoại tệ, dịch vụ phái sinh ngoại tệ trong nước và quốc tế đều phải do các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Đến nay, cơ quan này chưa cấp phép cho sàn giao dịch Forex nào cả.

Vì vậy, những tổ chức hoạt động trên sàn Forex hiện nay là trái pháp luật, cần được xử lý theo quy định. Việc người dân tham gia đầu tư vào những sàn này vì thế hết sức rủi ro và không được pháp luật bảo vệ.

"Chúng tôi cũng đề nghị mỗi người dân hết sức thận trọng, nhất là với dạng kinh doanh mời chào đến mấy trăm phần trăm lãi suất lợi nhuận khi trong điều kiện hiện nay rất khó khăn", Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog