Chia sẻ

Tre Làng

Tại sao Vovinam?

Từ nhỏ tôi đã đam mê võ thuật, thích xem phim anh hùng cưỡi ngựa, bắn cung, đánh kiếm, múa đao. Nhưng mẹ tôi làm ruộng, anh em chúng tôi phải giúp nhiều việc đồng áng và còn phải học tốt như kỳ vọng nên học võ không bao giờ được bố mẹ tôi chú ý. Nhổ mạ, gặt lúa, đập lúa, quạt thóc, phơi rơm, kéo xe cải tiến và dùng thành thạo liềm, đòn gánh, cuốc, cào, gậy… cũng đủ để rèn luyện sức khoẻ rồi!



Đến khi vào đại học rồi, tôi đăng ký vào học võ cổ truyền và đi tập được mấy buổi thì bố tôi biết. Nửa đêm ông gọi tôi dạy và đập bàn quát: “Cấm học võ!”. Ông bảo tôi nóng tính, học võ vào lại đi đánh người. Thế là lại lỡ hẹn với võ thuật. Nhưng mong muốn có cơ thể khoẻ mạnh và cường tráng thì không bao giờ phai nhạt. Vì thế thời thanh niên anh em tôi đúc tạ xi măng, trồng xà đơn và ngày nào cũng chạy, đẩy tạ, kéo xà. Khi phòng tập thể hình trở nên phổ biến, tôi cũng tham gia một câu lạc bộ nhưng một thời gian sau thì nghỉ vì đi làm hướng dẫn du lịch với lịch trình đi sớm về muộn, không có thời gian cố định cho tập thể dục thể thao. Hơn nữa làm hướng dẫn du lịch mỗi ngày phải đi bộ gần chục cây số cũng đủ làm cho sắt/quắt người lại rồi.

Nhưng võ thuật, như mối tình đầu, luôn tìm được lý do để gặp lại. Năm 2006, tôi được mời tham gia Ban vận động thành lập Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo Thành phố Hà Nội và sau đó tham gia Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo quốc gia và quốc tế trong vai trò làm truyền thông. Nhờ lợi thế làm việc ở kênh VTV4 của Đài truyền hình Việt Nam, tôi đã lập ra chương trình dạy võ thuật cổ truyền trên truyền hình với Vovinam là môn phái đầu tiên. Cùng với chương trình dạy võ là chương trình “Ngôi sao võ thuật Việt Nam toàn cầu” nhằm tìm kiếm những ngôi sao võ thuật để tạo nguồn cho diễn viên phim hành động sau này. Cho đến nay, chương trình võ thuật trên VTV4 vẫn còn tồn tại với tên gọi “Tinh hoa võ thuật” và hàng năm đều phát sóng một gala đặc sắc vào ngày 31/12 và Tết nguyên đán.

Khi tôi thôi làm việc ở VTV4 để nhận nhiệm vụ mới, một võ sư miền Nam nhắn tin cho tôi “cám ơn anh, nhờ có anh mà làng võ Việt Nam được mở mày mở mặt mấy năm vừa qua”. Nhưng thực ra, tôi phải cám ơn các võ sư và các võ sinh học võ cổ truyền, nhất là Vovinam vì nhờ họ mà chúng tôi có một chương trình truyền hình hấp dẫn. Quan trọng hơn, nhờ họ mà nhiều thanh thiếu niên Việt Nam được sống lại không khí hào hùng của lịch sử nhiều võ công hiển hách của tổ tiên. Chỉ cần nhắc lại chuyện quân và dân Đại Việt triều Trần đã ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông thiện chiến đã đủ thấy chúng ta không thể thắng giặc chỉ bằng ý chí mà còn phải bằng sức mạnh thể chất. Không thể xung trận bắt sống Ô Mã Nhi và giết chết Toa Đô nếu không tinh thông võ nghệ và anh dũng phi thường vì hai tướng giặc cũng thuộc hàng dũng tướng của nhà Nguyên Mông, dày dạn kinh nghiệm trận mạc và tinh thông võ nghệ và dáng vóc to lớn của người phương Bắc.

Ngày nay, thật vui mừng khi thấy thanh niên Việt Nam đã to cao và khoẻ mạnh hơn các thế hệ trước và rất quan tâm đến rèn luyện thể lực và thể hình để có cả sức khoẻ và cái đẹp qua việc tập thể hình, yoga, chạy, bơi, đá bóng, quần vợt, golf... Tôi đã tập thể hình, chạy, bơi và chơi golf và nay quyết định chỉ tập trung vào Vovinam bởi lẽ:

Vovinam mang nặng tính tự tôn dân tộc qua tên gọi và căn bản kỹ thuật của vật truyền thống.

Vovinam có tính hiệu quả cao vì mục đích ban đầu là giúp người học nhanh chóng nắm được kỹ thuật và chiến đấu có hiệu quả. Tính thực dụng này được liên tục rèn dũa và phát triển thành các đòn thế rất mãnh liệt và hiệu quả và được quân nhân, cảnh sát, lực lượng đặc biệt ở nhiều nước rất yêu thích, theo học.

Dùng vũ lực để bắt nạt, dùng sức mạnh để hà hiếp người yếu là sự hèn nhát. Người học võ chân chính, trải qua các đau đớn khi rèn luyện sẽ thấu cảm được nỗi đau để từ đó tránh gây tổn thương cho người khác. Vovinam không chỉ cho người tập chăm chỉ một thể hình đẹp, khoẻ mà còn dung dưỡng một tâm hồn cao đẹp, tinh thần nghĩa hiệp, sự khiêm tốn. Võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc truyền dạy Vovinam để chống giặc, cứu dân chứ không để mang đi thi đấu lấy danh.

Tôi đã làm nhiều nghề và có thể còn thay đổi nghề nghiệp để thích ứng với thay đổi của môi trường làm việc và để mưu sinh. Nhưng tôi sẽ không bao giờ thay đổi từ Vovinam sang một môn phái khác vì có thể đổi nghề chứ không thể đổi đạo lý và lẽ sống được.

PS: Ngày 17/2/2022 chúng tôi tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Vovinam EQuest tại Trường Liên cấp Newton. Chủ tịch Tập đoàn EQuest Nguyễn Quốc Toàn đã đến dự và nhắn nhủ “đây là ý tưởng tuyệt vời” và mong muốn mở rộng ra tất cả các đơn vị của Tập đoàn.

Bạch Ngọc Chiến

6 nhận xét:

  1. Người học võ chân chính trải qua quá trình rèn luyện đầy khó khăn vất vả sẽ thấu hiểu và tránh gây tổn thương cho người khác, võ thuật Vovinam không những làm rạng danh dân tộc Việt mà còn rèn luyện tâm hồn, cơ thể con người, rèn luyện một tinh thần nghĩa hiệp, sự khiêm tốn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Là người từng theo học Vovinam, tôi thấy môn võ này rất bổ ích. Hay nói cách khác, nó hội tụ đủ cái hồn của một môn võ Việt Nam, nó phù hợp với sự dẻo dai, bền bỉ, khiêm nhường, khéo léo mà dũng cảm, bất khuất của người dân Việt Nam. Thật tự hào vì môn võ này có lịch sử hình thành và phát triển dày dặn, khi đất nước thống nhất, môn võ này còn được đưa vào giảng dạy như một môn TDTT cho thanh thiếu niên. Thực sự đây là một bộ môn hữu ích và thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người Việt.

      Xóa
  2. Vovinam hay còn gọi là Việt Võ đạo là một môn võ rất đặc biệt được hình thành trên tất cả các môn phái võ cổ truyền, ngoài ra nó còn tiếp thu được nhiều xu hướng mới. Hiện nay chúng được phổ biến mạnh mẽ trên toàn đất nước ta nhưng cũng chưa được xếp vào danh sách quốc võ. Chúng được xem như sự quy tụ của tất cả những linh hồn võ của Việt Nam. Được thành lập từ năm 1936 cho đến nay đã có 84 năm phát triển và trưởng thành. Và hiện nay thế giới đã công nhận môn võ thuật này. Môn võ thuật này hiện nay đã được đưa vào các giải thi võ thuật trên toàn thế giới.

    Trả lờiXóa
  3. Từ nhỏ tôi đã đam mê võ thuật, thích xem phim anh hùng cưỡi ngựa, bắn cung, đánh kiếm, múa đao. Nhưng mẹ tôi làm ruộng, anh em chúng tôi phải giúp nhiều việc đồng áng và còn phải học tốt như kỳ vọng nên học võ không bao giờ được bố mẹ tôi chú ý. Nhổ mạ, gặt lúa, đập lúa, quạt thóc, phơi rơm, kéo xe cải tiến và dùng thành thạo liềm, đòn gánh, cuốc, cào, gậy… cũng đủ để rèn luyện sức khoẻ rồi!

    Trả lờiXóa
  4. Vovinam ( Việt võ đạo) ấy gốc là môn Vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp hợp tinh hoa của nhiều môn phái Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đòn thế của vovinam có rất nhiều tương đồng với các môn phái khác nhưng vẫn tạo được nét tinh hoa riêng của môn phái.

    Trả lờiXóa
  5. Vovinam - Việt võ đạo được ghi nhận do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập tại Hà Nội vào năm 1938 trên cơ sở lấy võ và vật dân tộc làm nòng cốt, đồng thời nghiên cứu tinh hoa các võ phái khác bao gồm võ thuật cổ truyền Việt Nam và một số môn võ trên thế giới để từ đó cải tiến và hệ thống hóa, sáng tạo nên một môn võ riêng rất đặc trưng và phù hợp với đặc trưng thể trạng nhỏ bé của người Việt. Có thể nói, Vovinam là tinh hoa của võ cổ truyền dân tộc và cũng chính là một nét tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam, chính vì thế gần 80 năm qua, Vovinam đã có sức lan tỏa rất mạnh mẽ và ngày nay đã được nhiều người coi là “Quốc võ” của Việt Nam, được bạn bè quốc tế rất mếm mộ và từng bước lan tỏa ra khắp các châu lục.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog