Chia sẻ

Tre Làng

Máy chém ở nhà tù Hỏa Lò và cuộc hành quyết 90 năm trước

Bài chép của Fb Bảo Thư

Máy chém ở nhà tù Hỏa Lò và cuộc hành quyết 90 năm trước

Cách đây tròn 90 năm, tại cổng nhà pha Hỏa Lò, thực dân Pháp xử tử 4 chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng, trong đó có Ký Con Đoàn Trần Nghiệp. 

Dụng cụ được thực dân Pháp sử dụng để hành hình là máy chém hay còn gọi là Đoạn đầu đài. Đây là sản phẩm của Kỹ sư người Pháp Joseph Guillotine chế tạo nhằm mục đích giảm bớt sự đau đớn cho tội nhân. Năm 1892, máy chém được đưa sang Việt Nam và lần đầu tiên sử dụng tại pháp trường ở Trà Vinh. Năm 1931, người Pháp chuyển sang nhà pha Hỏa Lò một máy chém cải tiến. Chiếc máy chém này một lúc có thể hành hình được 6 người. Tuy nhiên, chưa có tài liệu ghi nhận chiếc máy chém này đã từng được đưa vào sử dụng.

Thời kỳ đầu, máy chém do người Pháp trực tiếp thao tác. Sau này chúng hướng dẫn cho người Việt sử dụng. Cai Công là đao phủ người Việt được đào tạo sử dụng máy chém. Cai Công béo lùn, cổ ngắn, đầu tròn, hai mắt trắng dã và tính rất cẩn thận. Trước khi giật chốt máy chém hành hình, Cai Công thường hay an ủi, động viên tù nhân. Giúp việc là người có tên Long, còn được gọi là “Long xách tai” bởi mỗi lần hành quyết, Long đều cầm tai tử tội xách đầu lên để quan giám trảm xác nhận và tính tiền công (5 đồng một thủ cấp).

Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại. Nguyễn Thái Học và 12 người bạn đồng chí của ông bị giải lên pháp trường Yên Bái hành hình. Còn Ký Con Đoàn Trần Nghiệp thì bị giam và hành hình ở Hà Nội, trước đề lao Hỏa Lò.

Đoàn Trần Nghiệp sinh năm 1908, quê gốc của ông ở làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Nhưng ông sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Sơn, Hà Nội.

Năm 1926, ông làm thư ký cho Hãng Godard. Năm 1928, ông gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng và được giao việc trông coi sổ sách cho khách sạn Việt Nam tại 38 Hàng Bông (Hà Nội). Do vóc dáng nhỏ bé thư sinh nên mọi người gọi đùa là Ký con. Sau khi thay Nguyễn Văn Viên làm Trưởng ban ám sát, ông lấy bí danh là Hiệp Sĩ. Ký Con nổi tiếng gan dạ, chỉ huy nhiều vụ ám sát gây xôn xao dư luận thời bấy giờ. Tên ông gây kinh hoàng cho chính quyền thuộc địa. Mật Thám Pháp treo thưởng hai ngàn đồng bạc cho ai bắt được Ký Con (Thời điểm đó giá gạo loại A chỉ 10 đồng một tạ). Và ngày 8/3/1930, Ký Con bị bắt tại làng Năng Tĩnh (Nam Định).

Hội đồng đề hình Hà Nội họp ngày 05/8/1930 kết án Ký Con và 3 người bạn đồng chí mức án xử tử. 

4 giờ 00 phút ngày 09/3/1931, Ký Con và những người bạn đồng chí bị giải ra pháp trường trước cổng nhà giam Hỏa Lò. Sau khi đại diện Hội đồng Đề hình đọc bản án và sắc lệnh bác đơn xin ân xá, những người bị hành hình đều được ăn uống và để lại lời nhắn cho gia đình. 

6 giờ kém 15 phút bắt đầu hành hình.





Chiếc máy chém đặt trước cửa nhà pha Hỏa Lò. NGUYỄN VĂN NHO (Em trai Nguyễn Thái Học) là người lên máy chém đầu tiên. Bước qua cánh cửa nhà pha để tiến đến đoạn đầu đài, Nguyễn Văn Nho ngoái lại nhìn Ký Con và những người đồng chí đã từng vào sinh ra tử trong những năm hoạt động của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng, gật đầu và khẽ nói: “Thôi, xin chào các anh em”.

NGUYỄN QUANG TRIỆU, học sinh trường Kỹ Nghệ Thực Hành, thành viên đội ném bom cảm tử là người thứ hai lên máy chém. Vẫn với dáng vẻ hiên ngang có phần bất cần, ông thản nhiên đưa đầu vào khoanh bán nguyệt dưới lưỡi dao.
 
KÝ CON (Đoàn Trần Nghiệp), Trưởng ban Ám Sát lẫy lừng của Việt Nam Quốc dân Đảng là người thứ ba bước lên máy chém. Vẫn cặp môi đỏ chót, vẫn khuôn mặt trắng trẻo điềm tĩnh ít biểu lộ cảm xúc, Ký Con hất hàm nói với đao phủ: “Thôi! Mau lên! Mau lên!"

LƯƠNG NGỌC TÔN (Cai Tôn) là người cuối cùng bước lên máy chém. Chậm rãi bước ra cánh cửa nhà pha, khuôn mặt tròn của Cai Tôn vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Trên môi còn phì phèo điếu thuốc lá. Lên đoạn đầu đài, nhìn xung quanh một lượt, Cai Tôn nhổ bẹt mẩu thuốc đang cháy dở ra xa rồi mới đưa đầu vào máy chém.

Việc hành hình kết thúc lúc 6 giờ ngày thứ hai, 9-3-1931. Thi thể và đầu của bốn chiến sĩ cách mạng đều bỏ vào quan tài gỗ đưa xuống nghĩa địa Hợp Thiện mai táng. 

90 năm trước tại nhà pha Hỏa Lò, Đoàn Trần Nghiệp (tức Doãn, tức Ký Con) cùng những người bạn đồng chí bình thản bước qua chiếc máy chém ghê rợn để đi vào lịch sử như thế đó.

Ghi chú ảnh:
- Hành quyết tại Hỏa Lò
- Đoàn Trần Nghiệp (Ký Con); Lương Ngọc Tôn; Nguyễn Văn Nho; Nguyễn Quang Triệu.

6 nhận xét:

  1. Đau đứn, nhìn để thấy được sự tàn bạo, độc ác của chiến tranh , những gì đau thương mà chính chúng gây cho đồng bào dân tộc ta là điều không thể hình dung nổi. Máy ché,. mổ bụng moi gan...ta phải nhớ và biết về thời kì ấy, để hiểu một đất nước quật cường đã rũ bùn đứng dậy sáng lòa như thế nào

    Trả lờiXóa
  2. Chỉ đứng đó thôi mà tôi cảm thấy rất ngột ngạt rồi, thực sự không dám tưởng tượng ngày xưa các chiến sĩ đã sống và vượt qua sự khắc nghiệt này như thế nào.Những câu chuyện và các trải nghiệm thực khiến tôi hiểu hơn về tinh thần thép của các chiến sĩ năm xưa

    Trả lờiXóa
  3. Đoàn Trần Nghiệp bằng tuổi Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ Nguyễn Đức Cảnh nhỉ, mà Nguyễn Đức Cảnh bị Pháp tử hình năm 1932. Pháp chỉ mượn đường của Việt Nam để tấn công Trung Quốc mà sao nó chém nhiều chiến sĩ Cách mạng của Việt Nam vậy?!

    Trả lờiXóa
  4. Một trang sử oanh liệt nhưng cũng đầy đau thương của dân tộc. Tội ác của chiến tranh, của những kẻ cướp nước và bán nước dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên. Nhìn lại quá khứ ta thấy được rõ nét những đau đớn, cơ cực trong cơn oằn mình để đứng lên, mất mát, hi sinh nhưng những anh hùng nước nam đã vô cùng kiên cường sống trọn đời với lý tưởng cao đẹp. Kỉnh cẩn nghiêng mình trước sự vĩ đại to lớn của các anh hùng liệt sĩ!

    Trả lờiXóa
  5. Tội ác của Mỹ là cực kỳ dã man và không thể dung tha được

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog