Chia sẻ

Tre Làng

Bàn về "Tước chứng chỉ hành nghề y bác sĩ bỏ việc"

Đây là chuyên mục Ý kiến của Vietnamnet

'Công việc này quá vất vả, hằng ngày tiếp xúc với bệnh tật, nguy cơ lây nhiễm và luôn áp lực, nhưng đổi lại là lương quá thấp'.

"Cần phải có quy định biểu dương, khen thưởng kịp thời với các cá nhân có thành tích xuất sắc. Tuy nhiên, cũng phải có chế tài xử lý những y bác sĩ tự ý bỏ việc lúc này, vì nếu ai cũng sợ cả thì chắc chắn không có đủ lực lượng y tế để chữa bệnh cho người dân. Hãy nghĩ cho kỹ, nếu tôi bỏ việc 5-6 tháng, chờ đến khi dịch bệnh lắng xuống vẫn xin làm việc lại bình thường được thì tội gì tôi lao vào nguy hiểm? Nếu vậy, lấy ai để chữa bệnh khi bệnh nhân ngày càng tăng? Vì vậy, cần có chế tài hành chính để tránh tình trạng y bác sĩ đồng loạt ngừng công việc".

Đó là quan điểm của độc giả Mai Ngọc xung quanh thông tin Bộ Y tế lo lắng về chuyện y, bác sĩ bỏ việc và đang 'xem xét biện pháp kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề' trước tình trạng một số nhân viên y tế tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được phân công.

Bạn đọc Thuy Phamngoc nêu quan điểm: "Những ai làm việc tốt, có thành tích nên được biểu dương, khen thưởng xứng đáng. Còn những ai tự ý bỏ việc sẽ phải bị kỷ luật. Không thể viện lý do 'mệt mỏi kéo dài, phụ cấp không cao', để bỏ vị trí lúc dịch bệnh. Nhân viên y tế trong lúc này quan trọng không kém các chiến sĩ lúc ra trận, nếu viện lý do để đào ngũ thì cục diện sẽ ra sao? Việc huy động tổng lực nhân sự y tế lúc này không cho phép bất kỳ ai lẩn trốn trách nhiệm với nhân dân".

Theo thống kê của Công đoàn Y tế Việt Nam, từ đầu đại dịch năm 2020 tới ngày 9/8, có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm khi làm việc, ba người tử vong gồm hai tại TP HCM, một Bình Dương, trong cuộc chiến chống Covid-19. Đến nay, hơn 16.000 y bác sĩ từ miền Bắc, Trung đã vào tâm dịch phía Nam chi viện. Ngoài đối mặt với lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi bệnh nhân quá đông, trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, máy móc, đồ bảo hộ; ăn uống, ngủ nghỉ qua loa...

Nói về những khó khăn, vất vả của lực lượng y bác sĩ trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, độc giả Tôi chia sẻ: "Chị gái tôi là cán bộ y tế của một trường Tiểu học. Từ lúc quê có dịch, Bộ Y tế kêu gọi nhân viên đi làm công tác chống dịch. Chị có con gái mới tròn một tuổi, chồng làm nhân viên bưu điện. Chị đi làm và không được về nhà, thân phụ nữ tối phải về trường học ngủ một mình ròng rã ba tháng qua. Trong khi đó, chồng làm nhân viên bưu điện nên cũng không được về với con. Thế là con phải gửi về ngoại. Hơn hai tháng nay, gia đình ba người, mỗi kẻ một nơi. Nếu chị không tham gia chống dịch theo thì sẽ bị xem xét thu chứng chỉ hành nghề. Giờ tham gia rồi, chịchưa biết ngày về.".

Là một nhân viên y tế đang tham gia chống dịch, bạn đọc Pham Phuong Dung bày tỏ: "Tôi đang đi chống dịch và mỗi buổi sáng phải ăn mì gói vì không ăn nổi suất ăn mà bệnh viện thuê bên ngoài cung cấp. Buổi trưa, buổi chiều, tôi phải ăn cơm với canh không vì món mặn quá tệ (thịt, cá bị hôi). Mỗi ngày, tôi chỉ mong chờ có ai đó có lòng hảo tâm, nấu đồ ăn ủng hộ nhân viên thì hôm đó mới ăn ngon miệng được. Trong khi đó, đồng lương chỉ nhỏ giọt, dù tôi chưa cần xài tiền nhưng cũng phải trả nợ ngân hàng, làm nghĩa vụ với ba mẹ. Mỗi lần mẹ hỏi tôi 'ăn uống ra sao?', tôi vẫn phải cố tỏ ra mọi thứ đủ đầy, cơm ngon canh ngọt để người nhà khỏi lo lắng".

Đồng cảm với những khó khăn của các y bác sĩ trong mùa dịch, độc giả Mkoi54 chia sẻ: "Tôi cũng có vợ làm ở bệnh viện. Thực sự, công việc này quá vất vả, hằng ngày tiếp xúc với bệnh tật, nguy cơ lây nhiễm và luôn áp lực, nhưng đổi lại chỉ là một mức lương quá thấp theo quy định, chế độ đãi ngộ cũng không có gì đặc biệt. Học hành 5 năm ra trường, đi làm hơn 10 năm, nhưng lương vợ tôi không bằng người phụ hồ. Tôi so sánh như vậy, chắc nhiều người sẽ nói không công bằng vì y bác sĩ còn có bảo hiểm xã hội, nhưng thực sự, số tiền chênh lệch chẳng đáng là bao so với thu nhập của các ngành nghề khác. Chúng tôi cũng đang tính đến chuyện sẽ nghỉ việc để đầu tư làm việc khác".

Đề cập đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng cần có chính sách riêng cho lực lượng y tế tuyến đầu như phụ cấp về độc hại, cường độ làm việc, làm ngoài giờ... Bạn đọc Trung Hiếu Lê ủng hộ: "Tôi loại bỏ vấn đề y bác sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng, không thể chấp nhận. Còn lại, tôi cho rằng thời điểm này không phải là lúc kỷ luật, răn đe. Họ đã ròng rã tham gia chống dịch suốt hai năm nay, họ cũng có gia đình, người thân, họ cũng đã rất mệt mỏi và đuối sức. Nếu dùng biện pháp mạnh như tước giấy hành nghề, liệu phản ứng tiêu cực dây chuyền có lan rộng ra tất cả y bác sĩ còn lại?

Chúng ta nói đã chăm lo cho họ, hỗ trợ và có chế độ ưu đãi, nhưng thực tế thì sao? Các cấp quản lý đã tìm hiểu rõ lý do tại sao họ tự ý bỏ việc chưa? Chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó. Hãy tìm hiểu kỹ và động viên từ tinh thần cho đến vật chất (phụ cấp, lương) và đặc biệt là phải trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ an toàn tối đa cho lực lượng y tế".

Cùng chung suy nghĩ, độc giả Truongxuanloc2303 cho rằng, nhưng đãi ngộ, chính sách phụ cấp, nghỉ ngơi mới là giải pháp tốt nhất, ngăn y bác sĩ bỏ việc: "Tôi nghĩ Bộ Y tế nên quan tâm tại sao bác sĩ lại bỏ việc? Theo quan sát từ nhiều nước trên thế giới về phòng chống Covid-19, các bác sĩ sau một thời gian công tác sẽ có biểu hiện trầm cảm vì đã chứng kiến nhiều bệnh nhân lần lượt qua đời. Về khía cạnh y đức, điều này có thể rất làm tổn thương tâm lý bác sĩ. Vậy nên, tôi cho rằng, Bộ Y tế nên cảm thông hoặc lập một đội công tác tâm lý để các bác sĩ không phải chịu quá nhiều gánh nặng. Họ đã hy sinh trong mùa dịch này rất nhiều và đã đến lúc chúng ta phải thông cảm cho họ thay vì những hình thức kỷ luật, răn đe là quá cứng rắn".

Bạn đọc MyloveisWinter bổ sung thêm: "Nói đi cũng cần nói lại, trách nhiệm phải đi liền với quyền lợi. Các y bác sĩ đã thể hiện trách nhiệm rồi, nhưng còn quyền lợi của họ, của gia đình họ, lương bổng, khen thưởng thì sao? Họ cũng là con người, cũng có tình cảm, cũng biết mệt mỏi. Chúng ta cũng nên cho họ thời gian làm việc, nghỉ ngơi và nghỉ phép hợp lý để họ có thể tái tạo lại năng lượng và tiếp tục chiến đấu. Hằng ngày, họ tiếp xúc bao nhiêu người, bao nhiêu kẻ chống đối, khó chịu nên họ cũng mệt, tinh thần cũng bị bẻ gãy. Bằng đó con người cứ căng mình chống dịch mà không có hỗ trợ hiệu quả thì dù có dùng hình phạt để răn đe, e rằng họ cũng sẽ chẳng trụ lại lâu".

"Nên có chế độ luân chuyển, luân phiên các y bác sĩ đi vùng dịch sau khi đảm bảo quy trình bong bóng. Tuyến đầu đã căng sức hàng tháng trời và stress do nhiều ca bệnh không qua khỏi. Thay vì xét trách nhiệm, Bộ Y tế hãy tạo điều kiện để họ cân bằng và nạp lại năng lượng. Y bác sĩ dù chuyên môn và bản lĩnh đến mấy, cũng vẫn là con người, không thể chạy 300% sức liên tục được. Phải có quãng nghỉ, phải có lúc tạm thay đổi môi trường để giảm tải áp lực cho họ", độc giả Hysay2 kết lại.

Việt Thành tổng hợp

18 nhận xét:

  1. không có từ ngữ nào có thể diễn tả được những vất vả của các y,bác sĩ trên tuyến đầu. Những con người hy sinh thầm lặng, không một lời ca thán, không một chút trách móc với chiếc đầu luôn luôn phải tỉnh táo để không bị lây nhiễm từ bệnh nhân và chịu nhiều sức ép công việc. Đúng là cần phải có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho họ.

    Trả lờiXóa
  2. thời điểm này, vấn đề bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế là rất quan trọng, nhưng nhiều y bác sĩ, sinh viên chi viện lần đầu tiên tiếp cận với F0 và đồ bảo hộ nên chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ về mặt nhân lực phục vụ ở các điểm nóng, có nhiều bệnh nhân để giảm thiểu tình trạng lây nhiễm.

    Trả lờiXóa
  3. Các cơ quan liên quan phải kiến nghị HĐND các cấp có chính sách hỗ trợ nhân viên y tế từng địa phương, ở trung ương thì có chính sách chung cho lực lượng tuyến đầu chi viện vào các "tâm dịch". Chính sách cụ thể phải nghiên cứu nhưng trước hết phải có 3 phụ cấp gồm phụ cấp độc hại, phụ cấp cường độ lao động và phụ cấp ngoài giờ cho nhân viên y tế.

    Trả lờiXóa
  4. Các cơ quan chức năng của Bộ Y tế cần có chính sách phù hợp để các y bác sĩ không bỏ việc. Cần động viên, cổ vũ tinh thần cho nhân viên y tế vững tâm vì có chỗ dựa vững chắc. Sau lưng lực lượng tuyến đầu còn có Đảng, Nhà nước, cộng đồng chung tay, góp sức, ủng hộ họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

    Trả lờiXóa
  5. Cuộc chiến có thể kéo dài, khốc liệt hơn nhưng chúng ta luôn mong những điều tốt đẹp sẽ đến và phải dự liệu những điều không thuận lợi. Vì vậy, chúng tôi mong các y, bác sỹ giữ gìn sức khỏe, giữ vững tinh thần. Tổ chức Công đoàn luôn quan tâm, thấu hiểu và sẵn sàng hỗ trợ để các chiến sỹ áo trắng có thêm sức mạnh đẩy lùi dịch COVID-19.

    Trả lờiXóa
  6. Thực sự tôi cảm phục, trân trọng, tri ân các y, bác sĩ, những người đang bảo vệ sức khỏe nhân dân và nỗ lực chiến thắng đại dịch. Con người đều có quyền tự do lựa chọn nhưng trong lúc đất nước đang rất cần các y bác sĩ thì mong những chiến binh áo trắng sẽ không bỏ cuộc mà nỗ lực hết mình vì sự nghiệp chung.

    Trả lờiXóa
  7. chưa bao giờ các bác sĩ gặp áp lực lớn như bây giờ". Áp lực về mặt tâm lý khi phải làm nhiều ca, mỗi ca 8 tiếng, ca đêm tới 10 tiếng trong bộ đồ bảo hộ cấp 4, nguy cơ nhiễm bệnh khi bệnh nhân hoàn toàn có thể ho vào thẳng người y bác sĩ... Với những hiểm nguy đó, chúng ta nên thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ những khó khăn với họ, đừng chỉ trích nếu họ không còn đủ sức lực và ý chí chiến đấu.

    Trả lờiXóa
  8. Các cơ quan chức năng cần đưa ra chính sách phù hợp cho các y, bác sĩ vì các y, bác sĩ, sinh viên ngành Y trong 3 tháng qua phải đảm nhận từ quản lý chỉ đạo, chăm sóc, trực tiếp xét nghiệm, truy vết, tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Vất vả nhất là lực lượng lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có các em sinh viên, nhiều ca làm việc lên đến 12h đồng hồ, trong điều kiện thời tiết nắng nóng... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các y, bác sĩ, nhân viên y tế...

    Trả lờiXóa
  9. Số lượng cán bộ nhân y tế cũng rất thiếu. Nếu có đủ lực lượng, giảm thời gian tiếp cận F0 sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm. Việc nhân viên y tế mệt mỏi làm việc lâu cũng sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm. Vì thế các cơ quan chức năng cần có biện pháp thay đổi ca kíp trực phù hợp, giúp các y, bác sĩ có thời gian nghỉ ngơi để không ở trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng 1 thời gian dài.

    Trả lờiXóa
  10. trong lúc tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp là lúc các y bác sĩ, nhân viên y tế thể hiện trách nhiệm với đất nước, lương tâm của người thầy thuốc với bệnh nhân. Dịch bệnh COVID-19 ập đến, hơn lúc nào hết đất nước đang cần đội ngũ nhân viên y tế xông pha tuyến đầu chống dịch.

    Trả lờiXóa
  11. Những y bác sĩ, nhân viên y tế về hưu, cán bộ y tế, các cháu sinh viên chưa ra trường ở miền Bắc đang còn tình nguyện đăng ký đi vào tâm dịch ở 19 tỉnh miền Nam, huống chi là các y bác sĩ đang sống ngay trên quê hương mình thì càng phải ra sức bảo vệ chiến tuyến, bảo vệ đồng bào của mình. Chiến sĩ là phải ra trận trong lúc như này. Nhưng rõ ràng cần phải có chính sách phù hợp với họ.

    Trả lờiXóa
  12. Thương các cán bộ chiến sĩ bao nheieu thì thương đội ngũ y bác sĩ gấp nhiều lần bấy nhiêu, thương! Cuộc chiến với covid là cuộc chiến dai dẳng, sẽ còn kéo dài, đội ngũ y bác sĩ đã dốc hết tâm huyết, sức lực cùng tinh thần để bảo vệ mọi người, đây là nhiệm vụ cũng là tấm lòng nhân ái thiêng liêng cao cả xứng đáng được biểu dương, ghi nhận sâu sắc

    Trả lờiXóa
  13. Qua những lời chia sẻ sâu sắc thật lòng từ những y bác sĩ đang trong tuyến đầu chống dịch, cảm thấy biết ơn vô hạn đối với đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm dùng hết sức lực để cứu chữa bệnh nhân. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng chúng ta phải có 1 chế độ, thời gian nghỉ ngơi hợp lý cho đội ngũ này, vì họ đã cố gắng hết sức lực của mình rồi.

    Trả lờiXóa
  14. Thương đội ngũ y bác sĩ rất nhiều thì cũng rất căm tức nhiều kẻ không biết cảm thông mà ở ngoài chỉ biết trách móc, bôi nhọ, xuyên tạc lực lượng tuyến đầu, không chỉ vậy nhiều kẻ không chấp hành đúng quy định phòng chống dịch làm tang nguy cơ gia tăng dịch bệnh làm cho số ca nhiễm ngày càng nhiều gây thêm áp lực cho đội ngũ y bác sĩ .

    Trả lờiXóa
  15. Chỉ có những người trong cuộc mới thật sự hiêu rõ những khó khăn vất vả mà đội ngũ y bác sỹ phải đối mặt, công việc ngày thường đã rất áp lực rồi thì việc ngày ngày đối mặt với số lượng ca mắc này một tăng, tử vong nhiều như thế thì áp lực càng nhân lên gấp bội. Vì vậy thay vì những kỷ luật răn đe đó thì nên có những chính sách đãi ngộ đảm bảo hơn cho đội ngũ y bác sỹ nói riêng và các lực lượng phòng chống dịch nói chung vì những hi sinh, những cống hiến họ đã bỏ ra.

    Trả lờiXóa
  16. Đúng vậy chỉ có người trong cuộc mới hiểu được sự tình, hiểu được hết hoàn cảnh của chính đội ngũ y bác sỹ lúc bấy giờ. Xa nhà, xa vợ con xa gia đình, cứ làm liên tục như thế, nguy cơ lây nhiễm, bệnh tật thì rất cao rồi. Suất ngày trùm đồ bảo hộ như thế, thế nhưng điều trị như vậy mà lương tháng tong teo, chế độ đãi ngộ không cao, rồi biết bao áp lực. Cái này mấy cô điều dưỡng hiểu rõ nhất, chúng ta đặc biệt phải nên cảm thông cho đội ngũ y bác sỹ. Họ thực sự đáng được trân trọng, đáng được yêu quý và đáng được hưởng những chế độ cao hơn về những hy sinh của họ. Quan điểm của tôi là thế...

    Trả lờiXóa
  17. Các cơ quan chức năng cần đưa ra chính sách phù hợp cho các y, bác sĩ vì các y, bác sĩ, sinh viên ngành Y trong 3 tháng qua phải đảm nhận từ quản lý chỉ đạo, chăm sóc, trực tiếp xét nghiệm, truy vết, tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Vất vả nhất là lực lượng lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có các em sinh viên, nhiều ca làm việc lên đến 12h đồng hồ, trong điều kiện thời tiết nắng nóng... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các y, bác sĩ, nhân viên y tế

    Trả lờiXóa
  18. Những y bác sĩ, nhân viên y tế về hưu, cán bộ y tế, các cháu sinh viên chưa ra trường ở miền Bắc đang còn tình nguyện đăng ký đi vào tâm dịch ở 19 tỉnh miền Nam, huống chi là các y bác sĩ đang sống ngay trên quê hương mình thì càng phải ra sức bảo vệ chiến tuyến, bảo vệ đồng bào của mình. Chiến sĩ là phải ra trận trong lúc như này. Nhưng rõ ràng cần phải có chính sách phù hợp với hoàn cảnh.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog