Chia sẻ

Tre Làng

TIN TẶC THẾ GIỚI CHÍNH LÀ TRUNG QUỐC – Kênh CCTV-7 “lộ hàng”

Từng bị cáo buộc đứng sau nhiều vụ tấn công mạng, Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm của một số thông tin mới liên quan đến tin tặc.

Thời gian qua, một số quốc gia và tập đoàn lớn lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh dính líu đến nhiều vụ tấn công mạng nghiêm trọng. Tháng trước, Bloomberg dẫn lời giới điều tra Mỹ kết luận gián điệp mạng Trung Quốc đã xâm phạm hệ thống máy tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế hồi tháng 6.2011. Cùng thời điểm, Hàn Quốc cũng cho rằng nhiều trang mạng của nước này bị tấn công bởi tin tặc có nguồn gốc Trung Quốc. Trước đó, Mỹ, Nhật và tập đoàn Google cũng từng có cáo buộc tương tự.

Kênh CCTV-7 “lộ hàng”

Trước nay, Trung Quốc kịch liệt phủ nhận các cáo buộc nói trên và khẳng định nước này cũng là nạn nhân của nhiều cuộc đánh phá trên mạng. Tuy nhiên, mới đây một kênh truyền hình Trung Quốc không biết vô tình hay cố ý đã để lộ hình ảnh về phần mềm của một học viện quân sự Trung Quốc dùng để tấn công các website. 

Theo tờ The Washington Post, kênh CCTV-7, thuộc Đài truyền hình trung ương Trung Quốc ngày 17.7 phát sóng một phim tài liệu giới thiệu về khả năng chống lại các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc. Trong đó, đại tá Đỗ Văn Long, chuyên gia thuộc học viện nói trên, nhận định bên cạnh phòng thủ, Trung Quốc cần phát triển cả khả năng tấn công mạng.

Trong đoạn phim tài liệu dài 22 phút, đại tá Đỗ Văn Long mô tả một số dạng tấn công mạng có thể được triển khai để đánh sập hệ thống của đối phương. Minh họa cho lời của ông này, CCTV-7 chiếu một phân đoạn dài khoảng 10 giây ghi lại thao tác nhấn phím khởi động phần mềm tấn công để bắt đầu vô hiệu hóa các trang mạng. Mục tiêu tấn công trong phân đoạn trên là một website đăng ký tại Đại học Alabama (Mỹ). Các hình ảnh tiếp theo cho thấy rõ phần mềm này thuộc sở hữu của Học viện Kỹ thuật điện tử Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Đáng chú ý, phim tài liệu được phát sóng chẳng bao lâu sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố các cuộc tấn công, phá hoại internet từ một quốc gia khác sẽ bị coi là hành động gây chiến. Sau đó, bộ phim đã được gỡ khỏi các website chính thức ở Trung Quốc.

Đến ngày 24.8, chuyên gia an ninh mạng Andrew Erickson của Hải quân Mỹ và chuyên gia bảo mật Gabe Collins xem được đoạn phim tài liệu của Trung Quốc, theo The Wall Street Journal. Hai chuyên gia này nhận xét phương thức tấn công mạng của Trung Quốc có tên gọi là DDoS (Distributed Denial of Service - phân tán từ chối dịch vụ). Theo họ, dù DDoS là phương thức tấn công còn thô sơ nhưng đây có thể xem là bằng chứng chống lại những lời thanh minh vừa qua của Trung Quốc sau các cáo buộc tấn công mạng. Đến nay, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về những thông tin này, còn Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington thì nói đó “chỉ là hình ảnh minh họa”. 

Mỹ quan ngại

Trong phúc trình mới nhất của Lầu Năm Góc về quốc phòng Trung Quốc công bố ngày 24.8, cơ quan này khẳng định sự lo ngại với việc Bắc Kinh đẩy mạnh khả năng tấn công mạng. Phúc trình cũng cho biết Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc 2010 nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh mạng và chiến tranh mạng. Theo đó, Bắc Kinh chỉ ra chiến tranh mạng phục vụ cho quân đội Trung Quốc gồm ba trọng tâm chính. Thứ nhất là thu thập dữ liệu. Thứ hai là hạn chế hành động của đối phương bằng cách đánh phá công tác hậu cần trên mạng, truyền thông và thương mại. Thứ ba là kết hợp cùng những lực lượng khác khi xảy ra các cuộc xung đột. Hai bài viết về học thuyết quân sự của Trung Quốc cũng ủng hộ việc phát triển khả năng chiến tranh mạng.

Theo The Wall Street Journal, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng 5 thừa nhận nước này đã phát triển một đội quân mạng mạnh. Ngày 25.5, Hoàn Cầu thời báo dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết lực lượng trên được triển khai tại Quân khu Quảng Châu. Trước đó, tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, cho biết Quân khu Quảng Châu đã đầu tư hàng chục triệu nhân dân tệ nhằm xây dựng đội quân mạng. Tuy nhiên, chi tiết về lực lượng trên vẫn chưa được làm rõ.

From Yahoo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog