Chia sẻ

Tre Làng

Trần Đăng Khoa: Tết Độc lập bàn chuyện chống tiêu cực


Nếu làm việc vì lợi ích của người dân thì sẽ được dân ủng hộ, dân tin tưởng.

Cách đây có dễ đến cả tháng trời rồi, trong một lần rải chiếu ra giữa cái sân đình hiện đại có tên là VOV.VN, rồi mời “các cụ” lên chiếu, rồi “hầu chuyện “các cụ” cùng với các Thượng đế, tôi cũng đã chuyển đến “các cụ”, các quý ngài câu chuyện tào lao của tôi với ông bạn cựu chiến binh, là bạn học thuở chăn trâu cắt cỏ. Cứ tưởng thế là vãn chuyện rồi. Ai ngờ trong dịp nghỉ Tết Độc lập này, ông bạn lại đáp tầu lên thăm tôi.

Hóa ra việc vẫn chưa hết. Thế mới biết anh bạn Nga mắt xanh mũi lõ Ivan Novichxki tài thật. Anh bảo: “Người Việt chúng mày kỳ thật. Nếu chỉ có một thằng là ngủ. Có hai thằng trở lên là lại rỉ rả bàn chuyện chính trị”. Đây không phải chuyện chính trị, mà chỉ là chuyện đời sống. Đúng là mấy lão già hết thời, nhưng lại lắm chuyện! Mà toàn chuyện tào lao. Chuyện cũ rích!
Nếu làm việc vì lợi ích của người dân thì sẽ được dân ủng hộ, dân tin tưởng. Lúc ấy thì việc gì cũng làm được (Ảnh minh họa)

- Tớ phải chọn đúng ngày nghỉ lễ mới túm được cậu. Vì chí ít, cậu cũng không có việc để đánh bài chuồn, rồi lại hát “trường ca bận” như mấy tờ báo ta thán…

- Có chuyện gì mà ghê thế ông?

- Chả có chuyện gì cả. Mà tại sao cứ phải có chuyện mới gặp nhau nhỉ? Tớ vui quá, nên muốn tìm đến cậu chia sẻ. Thế thôi.

- À ra thế!

- Nói thật với cậu, ở mình bây giờ, ngổn ngang bao nhiêu chuyện. Nhưng chỉ có hai chuyện dân quan tâm thôi. Đó là việc chống tham nhũng và ổn định tình hình Biển Đông. Cả hai việc đều lớn và rất phức tạp. Ngay cả chuyện chống tham nhũng cũng đâu phải đơn giản…

- Nhưng chúng ta cũng đã làm và làm rất quyết liệt. Những cán bộ mắc sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng ở tập đoàn Vinasin, Vinaline đã phải ra hầu tòa. Rồi gần đây, báo chí lại phát hiện chuyện chế tác xăng bẩn. Cả đến mấy ông trùm cộm cán trong lĩnh vực kinh tế tưởng không ai làm gì được, cuối cùng cũng đã bị bắt. Điều đó cho thấy chúng ta đã làm và làm rất quyết liệt. Nghị quyết IV đã đi vào đời sống và bắt đầu phát huy hiệu quả…

- Đúng vậy. Vì thế dân rất vui. Niềm tin tưởng đã mất giờ đang dần được phục hồi. Phát hiện cái xấu, cái ác không khó. Anh nào khuất tất dân biết cả. Nhưng rồi xử lý như thế nào mới là vấn đề. Nhiều việc nổi cộm mà rồi cứ bùng nhùng mãi cũng vì thế. Việc làm xăng bẩn dân cũng đã thấy từ rất lâu rồi qua hàng loạt xe cháy. Chỉ bây giờ chúng ta mới bắt được quả tang qua loạt phóng sự “Biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu” của phóng viên báo Tuổi trẻ. Nếu phóng viên nào cũng vì dân như thế thì cuộc sống của chúng ta cũng đã khác rồi…

- Thế thì vui chứ?

- Nhưng tôi vẫn lo ở khâu xử lý. Sợ nhất là cái chuyện “đầu voi đuôi chuột”. Làm sao xử đúng người, đúng tội. Cần kiên quyết và triệt để. Nghĩa là không để lọt tội phạm. Những kẻ tội phạm cộm cán trong linh vực kinh tế đã bị bắt. Thế còn những kẻ lũng đoạn, thâu tóm đất đai thì sao? Tội của họ có đáng xử không, khi họ gây nên bao chuyện bất bình trong dân, dẫn đến những vụ khiếu kiện kéo dài, cả những cảnh tao loạn ở rất nhiều tỉnh thành trên cả nước, và còn nguy hiểm hơn, khi sự vụ lợi của họ còn làm ảnh hưởng đến cả uy tín của các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Điều ấy là vô cùng nguy hiểm ông ạ. Vì thế mà phải xử lý thật nghiêm. Chỉ có xử lý nghiêm mới minh oan được cho các đồng chí lãnh đạo.

Tất nhiên việc xử lý bao giờ cũng rất khó. Nhưng nếu không xử lý được triệt để thì đừng xới ra làm gì. Xới ra mà không làm đến nơi đến chốn thì chỉ rối thêm, mất niềm tin thêm. Tất nhiên bài toán khó nào cũng có cách giải. Ông còn nhớ chuyện một bà nông dân làm đơn “mượn ghế” Chủ tịch huyện để xử lý các vụ việc tiêu cực không?

- Nhớ. Nhưng chuyện đó cũ rồi ông ạ.

Đúng. Chuyện đã cũ, vì sự việc xảy ra cách đây cũng đã hơn một thập kỷ rồi, đã 11 năm. Nhưng vấn đề của nó thì vẫn không cũ. Vẫn nóng bỏng tính thời sự. Vẫn là những vấn đề của hôm nay…

- Báo chí cũng đã bàn đến nhiều…

Đúng là hồi đó, rất nhiều tờ báo cũng đã bàn đến. Nhưng hay nhất vẫn là bài của phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam. Mà cũng phải thôi, phóng viên báo Nông nghiệp là bạn đường của nông dân. Họ hiểu nông dân đến tận chân tơ, kẽ tóc. Hồi đó, tôi còn đang trong lính, cũng chỉ vì tò mò, tôi đã dành ngày nghỉ, lặn lội về thôn Đình Tổ, thị trấn Quốc Oai, chỉ để ngắm bà Phùng Thị Tùng, một phụ nữ chân lắm tay bùn, bỗng chốc thành người hùng, khi bà xin “mượn ghế” chủ tịch huyện hai tháng để giải quyết tất cả đơn thư khiếu nại của dân.

Trong đơn, bà cũng đã nói rõ, bà chỉ làm Chủ tịch huyện đúng hai tháng, không nhận lương. Xử lý xong hết mọi vụ việc, bà trả lại “ghế quan”, rồi trở về với đồng ruộng. Nhiều người nghĩ bà điên. Không bình thường. Nhưng bà đâu có điên. Ngược lại, rất tỉnh táo. Bà còn mua mấy bộ Luật về nghiên cứu. Bà nhận thấy tuần nào cũng có hàng chục, thậm chí cả trăm người đội đơn khiếu nại đến huyện. Nhiều người oan ức ngập đầu: Bị cướp ruộng. Bị chiếm nhà. Bị bắt giam oan...

Đa số là đơn tố cáo cán bộ xã, huyện tham ô, làm trái pháp luật, ức hiếp dân lành. Nhiều vụ bà biết từ đầu đến cuối rõ rành rành. Theo bà, chỉ một buổi, thậm chí vài giờ cũng có thể giải quyết xong. Thế mà mấy năm trời, dân kêu khản cổ, hàng chục tổ công tác của huyện, tỉnh đã được phái xuống các xã. Rồi cả Đoàn công tác Chính phủ do ông Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính hồi đó dẫn đầu cũng về, mà rồi vẫn còn bùng nhùng, chẳng đâu vào đâu. Vậy thì làm sao bà dám khẳng định chỉ sau hai tháng bà sẽ giải quyết xong tất cả mọi việc? Bà bảo, bà chẳng có tài cán gì. Nhưng bà làm được và làm rất đơn giản. Đảng và Nhà nước đã ban hành đủ các loại luật rồi. Điều luật nào cũng rõ như ánh sáng mặt trời. Chỉ vì bụng dạ của một số người có chức, có quyền không thẳng nên nó thành cong queo, và rồi tất cả cứ rối như canh hẹ.

Khi dân chất vấn bà Bí thư Đảng ủy thị trấn Quốc Oai thời đó (Sau bà này đã bị mất chức do sai phạm), về việc lãnh đạo thị trấn làm thất thoát hàng trăm triệu công quỹ, bán trái pháp luật hàng vạn mét vuông đất, bà ta trả lời: “Tỉnh, huyện chết thì xã mới chết”. Thế tức là trên dưới dắt dây nhau. Xã không được ăn cả. Cấp trên trị cấp dưới khác gì trị chính mình. Vậy nên khi dân khiếu nại, tố cáo thì họ chỉ tìm cách bênh che, bảo vệ cho nhau, cũng là bảo vệ chính họ. Họ đối phó với dân chứ đâu phải vì lợi ích của dân. Nay bà không tham nhũng, chẳng bè cánh, không dây rợ với ai, thì cứ thẳng pháp luật mà làm, lại được dân ủng hộ. Tại sao bà không giải quyết được?

Ai cũng có thể làm được nếu thực sự muốn làm. Cứ như lời bà, tất cả những gì thanh tra đã kết luận, rồi những gì dân đã biết, đều phải xử lý dứt điểm. Cứ người đứng đầu mà bổ trách nhiệm. Dân giao cho anh lãnh đạo một địa phương, nay làm sai, anh phải chịu tội đầu tiên cái đã. Giải quyết hết mọi khiếu kiện một cách công bằng thì dân sẽ yên. Dân yên thì nước yên. Đơn giản thế thôi.

Câu chuyện bà nông dân xin được làm Chủ tịch huyện hai tháng, không thành hiện thực, nhưng vấn đề đặt ra lại là một hiện thực nhức nhối. Bởi thế, chuyện đã cũ, nhưng vẫn không cũ. Một số vụ việc báo chí đưa ra mà dân đều đã biết, thử xem chúng ta đã xử lý như thế nào. Căn cứ vào kết quả xử lý ấy mà dân biết chúng ta vì dân hay chỉ đối phó với dân. Từ đó, niềm tin của dân sẽ được hồi phục hay lại tiếp tục bị xói mòn và băng hoại.

Tôi đồng ý với bà Phùng Thị Tùng. Việc xử lý các vụ việc tiêu cực không khó, nếu người xử lý không bè cánh, cũng không vướng vào dây dợ bùng nhùng.

Bây giờ bà Phùng đã ở tuổi 61. Niềm mong ước cuối cùng của bà là làm sao có được một hiệp hội dành cho những người chống tiêu cực để họ được bảo vệ, được quan tâm và để họ có thể làm được nhiều việc hơn trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống cái xấu, cái ác.

Và như thế, cùng với ước vọng của rất nhiều người dân lương thiện, tôi cũng mong có một con đường riêng, một con đường điện tử chống tham nhũng. Con đường này, hình như ông cũng đã kiến nghị rồi, nhưng thiết nghĩ cũng cần nhắc lại. Làm sao chỉ một cú “nháy chuột”, bất cứ người dân bình thường nào cũng có thể báo cho Ủy ban Phòng chống tham nhũng Quốc gia, cùng với đó, báo cho cả các nhà báo “tâm sáng, mắt trong, bút sắc”, những người luôn đồng hành với dân, biết những vụ việc tiêu cực ở địa bàn họ sinh sống. Tất cả đều minh bạch thì tiêu cực sẽ giảm.

Chí ít, những ông Giời con, những gã Bố già sẽ bớt tác oai tác quái, và cuộc sống của chúng ta sẽ trở lại trong lành, bình dị, như chúng ta đã từng có ở cái thuở xa xưa…/.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog