Chia sẻ

Tre Làng

TỰ DO NGÔN LUẬN KHÔNG THỂ BIỆN MINH CHO TỘI LỖI

Truyền thông đóng vai trò lớn trong đời sống xã hội. Các sản phẩm truyền thông đều mang thông điệp tới xã hội, góp phần định hướng dư luận. Vì thế, mọi hành vi núp bóng "tự do ngôn luận", "tự do báo chí" nhằm mục đích cá nhân, gây bất ổn xã hội đều phải bị lên án.

Việc xét xử các bị cáo phạm một tội được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) là công việc bình thường của tòa án. Thế nhưng, một số cá nhân, tổ chức nước ngoài đã lợi dụng sự việc xét xử 3 thành viên của “CLB nhà báo tự do” để vu cáo chính quyền "vi phạm nhân quyền" mà chiêu bài vẫn chỉ xoay quanh cái gọi là "tự do dân chủ, tự do báo chí", từ đó có các hành động như viết bài xuyên tạc sự thật trên mạng internet, viết thư gửi các cơ quan quốc tế và tại Việt Nam để gây sức ép.

Xét xử là công việc của tòa án và tòa chỉ quyết định trên cơ sở pháp luật. Không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào khác ngoài Hội đồng xét xử của tòa án được giao trực tiếp xét xử vụ án có quyền can thiệp đến bản án. Đó là nguyên tắc không chỉ đối với luật pháp Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới cũng đều tuân thủ nguyên tắc này khi giao quyền độc lập xét xử cho tòa án. Việc mượn cớ các tổ chức xưng danh nhân quyền hay bất kỳ danh xưng nào khác để viết thư kêu gọi hay thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào nhằm gây sức ép lên cơ quan tiến hành tố tụng của một quốc gia trong xét xử vụ án là hoàn toàn phi lý. Vì vậy, thay cho việc tác động như trên, những thế lực vốn lâu nay mượn áo dân chủ, nhân quyền, chụp mũ "tự do ngôn luận", "tự do báo chí" cần phải nhận thức và tuân thủ những nguyên tắc sơ đẳng nhất.

Thực tế, việc các bị cáo bị tòa án đưa ra xét xử lần này đã có các hành vi phạm vào Điều 88 - BLHS, các hành vi này thể hiện rõ trong cáo trạng của Viện kiểm sát (VKS). Chỉ trong thời gian từ tháng 9/2007 đến tháng 10/2010, đã có 421 bài đăng trên “CLB nhà báo tự do”, trong đó có 94 bài do thành viên câu lạc bộ viết và 327 bài lấy lại từ các blog, trang web của các tổ chức hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam.

Trong số này, 26 bài được giám định, kết luận: "hầu hết những bài viết đều chứa nội dung, giá trị của sự phê phán trong tinh thần không phải để xây dựng, hoặc cao hơn là lên án, kết án nhằm hướng tới sự cổ động, kích động công luận tham gia đấu tranh thay đổi sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, thay đổi chế độ chính trị, Nhà nước hiện tại nhằm xây dựng một chế độ khác, nhà nước khác… Xác lập và công bố hệ thống quan điểm về thông tin báo chí, ngôn luận của một nhóm nhà báo mệnh danh tự do cố thể hiện mình như là thế lực mới đang được hình thành và từng bước trưởng thành trong lòng Chế độ Cộng sản ở Việt Nam hiện tại nhằm mục đích xây dựng, tập hợp lực lượng chính trị chống đối phục vụ cho âm mưu diễn biến, lật đổ trước mắt và lâu dài".

Việc viết bài trên các blog, mạng xã hội… với nội dung xuyên tạc, vu cáo, chống chính quyền nhân dân là vi phạm các quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam. Ngay tại nước Mỹ, nơi được cho là "thiên đường tự do ngôn luận", thì luật pháp các bang ở Mỹ cũng quy định rất rõ vấn đề này và không ít cá nhân vi phạm đã bị bắt, xử lý.

Chẳng hạn, ông James Buss, giáo viên Trường Trung học Milwaukee, bị bắt vì đã vào blog của các nhà chính trị bang Wisconsin với lời bình mang biệt danh "Người quan sát" (Observer) cho rằng, giáo viên Mỹ được trả lương cao nhưng lười biếng và khen vụ một thiếu niên xả súng ở Trường Trung học Columbine làm 12 học sinh và một giáo viên thiệt mạng hồi tháng 4/1999. Cảnh sát cho rằng, hành động của Buss có tính kích động bạo lực trong trường học, tương đương việc nói "có bom trên máy bay", đồng thời hạ thấp nhân phẩm giáo viên

Một ví dụ về hậu quả của "tự do ngôn luận", "tự do báo chí" ngoài tầm kiểm soát là việc chính quyền Mỹ, Pháp đang đau đầu vì làn sóng phản đối dữ dội của người Hồi giáo trên khắp thế giới, xuất phát từ nội dung báng bổ đạo Hồi trong bộ phim Mỹ và bức biếm họa nhà tiên tri Mohammed trên tạp chí Pháp. Không chỉ vì họ phải "nỗ lực cao nhất" để bảo đảm an ninh cho các nhân viên ngoại giao ở khắp nơi, mà còn bởi họ bất lực trước những "nhà truyền thông" là tác giả của những hành động này.

Paris không thể ngăn tuần báo đăng biếm họa. Wasington không thể cấm chiếu bộ phim và ép nhà mạng Google gỡ bỏ đoạn video dài 14 phút này trên trang Youtube. Tất cả chỉ vì quyền "tự do ngôn luận", "tự do báo chí" được Hiến pháp bảo vệ. Hơn ai hết, chính quyền Mỹ và Pháp hiểu rõ hiệu ứng cũng như hệ lụy từ các "sản phẩm truyền thông" của chính công dân nước họ.

Các quốc gia đều tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nhưng, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun chỉ rõ, quyền tự do này chỉ được bảo vệ khi nó được sử dụng vào các mục đích công lý và phục vụ cộng đồng. Lạm dụng tự do ngôn luận nhằm báng bổ các giá trị và đức tin, kích động bạo lực là hành động đáng hổ thẹn.

Truyền thông đóng vai trò lớn trong đời sống xã hội. Các sản phẩm truyền thông đều mang thông điệp tới xã hội, góp phần định hướng dư luận. Vì thế, mọi hành vi núp bóng "tự do ngôn luận", "tự do báo chí" nhằm mục đích cá nhân, gây bất ổn xã hội đều phải bị lên án.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog