Chia sẻ

Tre Làng

XUNG QUANH DỰ ÁN BAUXITE VÀ CẢNG KÊ GÀ: "HỌ ĐÃ COI THƯỜNG PHẢN BIỆN"


Ông Cao Sỹ Kiêm, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội: Phải đưa các dự án liên quan đến bauxite ra mổ xẻ tới cùng.

“Việc dừng dự án cảng Kê Gà - một trong những hạng mục quan trọng phục vụ cho việc vận chuyển bauxite, cùng với thông tin từ Vinacomin cho biết kết quả đàm phán giá xuất alumin chưa sinh lãi cho thấy công tác quy hoạch, làm chính sách của chúng ta ở một tầm nhìn rất ngắn. Vì ngắn nên triển khai xảy ra mâu thuẫn nên cứ phải dừng, hoãn, cắt khúc… Những cái thiếu, yếu trong tầm nhìn quy hoạch đó đã và đang gây nhiều tổn thất cho kinh tế đất nước và lợi ích của các doanh nghiệp. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại toàn diện để kịp thời sửa sai” - ông Cao Sỹ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nói.

“Ủy ban kinh tế phải vào cuộc”

. Không chỉ cảng Kê Gà, nhiều ý kiến còn cho rằng quy hoạch và quyết định triển khai xây dựng dự án bauxite Tây Nguyên cũng không phù hợp…

+ Ông Cao Sỹ Kiêm: Đây là thời điểm phù hợp để chúng ta tính toán lại toàn bộ dự án bauxite ở Tây Nguyên để có quyết định dứt khoát về dự án trên. Nếu không, cứ được cái này mất cái khác. Dứt khoát lần này phải đưa dự án ra mổ xẻ nghiên cứu đến cùng chứ chỉ phản ánh, giải thích qua loa thì sẽ không đi đến đâu cả. Nếu chúng ta không quyết định sớm thì sau này dự án bauxite sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ về nguồn lực phát triển kinh tế, thu hút du lịch, bố trí nguồn lao động, hậu quả khi đó còn lớn hơn nhiều.
Đóng gói và vận chuyển alumin về kho. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

. Nhưng thưa ông, khi thuyết phục về dự án, Bộ Công Thương và Vinacomin (khi ấy là TKV) đều đưa ra những căn cứ khẳng định hiệu quả và cho rằng đã tính toán kỹ quy hoạch?

+ Nói thật, khi họ nói như thế thì nhiều chuyên gia đã cho rằng họ nghiên cứu chưa đầy đủ. Nay vụ việc đã xảy ra, chúng ta đang trong giai đoạn tái cấu trúc lại nền kinh tế, chỉnh sửa khuyết điểm thì phải tỏ thái độ dứt khoát với dự án trên. Việc Thủ tướng dừng cảng Kê Gà, tôi cho rằng đó là một quyết định đúng đắn.

. Theo ông, Ủy ban Kinh tế có nên tiến hành phiên điều trần đối với toàn bộ các dự án liên quan bauxite?

+ Trước đây chỉ có Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành giám sát. Nay tôi cho rằng Ủy ban Kinh tế bắt buộc phải vào cuộc. Phải tiến hành một phiên điều trần để nghe và phân tích, đánh giá toàn diện và ra quyết định cuối cùng.

Thiếu nghiêm túc lắng nghe

. Ông có ngạc nhiên khi nghe thông tin về việc dừng dự án cảng Kê Gà và việc xuất khẩu alumin cầm chắc sẽ lỗ?

+ GSNguyễn Lân Dũng, đại biểu QH khóa X, XI, XII, Ủy viên UBTW MTTQ VN:Tôi không ngạc nhiên, bởi trong nhiều năm nay các nhà khoa học có trình độ, có tâm huyết đã phát biểu rất nhiều ý kiến về hiệu quả kinh tế thấp, tính bất an toàn cao với môi trường của dự án bauxite. Viện Tư vấn phát triểnCODE thuộc Liên hiệp Các hội KH-KT Việt Nam sau khi khảo sát sản xuất alumin tại Tây Nguyên cũng đã khuyến cáo: Vinacomin cần đề nghị Chính phủ cho dừng triển khai dự án Nhân Cơ cho đến khi kết thúc việc thí điểm Tân Rai (Lâm Đồng).

Tuy nhiên, các cơ quan tư vấn cho Chính phủ đã thiếu nghiêm túc lắng nghe để rồi vẫn cứ triển khai. Nay thì đã bắt đầu có những thông tin đáng tin cậy cho thấy việc xuất khẩu alumin là cầm chắc thua lỗ. Bởi giá xuất khẩu theo kết quả đàm phán là 340 USD/tấn không có lãi. Nếu ở cửa nhà máy thì giá đó còn lỗ ít nhưng nếu ở cảng thì lỗ rất nhiều vì chi phí vận chuyển không nhỏ. Đấy là chưa kể đến việc dừng xây dựng cảng Kê Gà cho thấy những nghiên cứu, lập luận mà Vinacomin đưa ra trong thời điểm trước là chưa hoàn toàn đúng đắn.

. Phải chăng các đơn vị trên đã báo cáo một cách không trung thực hoặc nghiên cứu một cách qua loa, chưa kỹ lưỡng, thấu đáo?

+ Tôi không nghĩ là thiếu trung thực mà có lẽ là do coi thường các ý kiến phản biện của các nhà khoa học có chuyên môn sâu. Nếu Bộ Công Thương và Bộ TN&MT cũng lắng nghe ý kiến từ các trí thức là đại biểu Quốc hội phản biện về dự án bauxite thì chắc rằng chúng ta sẽ có những bước đi vững chắc, cẩn trọng hơn. Giá trị lớn lao của Tây Nguyên là tài nguyên đất, nước và tài nguyên sinh học chứ chưa phải là tài nguyên khoáng sản. Nếu khai thác khoáng sản mà ảnh hưởng đến vùng đất quý giá này thì cần hết sức thận trọng.

Cả Ủy ban Kinh tế lẫn Ủy ban Khoa học-Công nghệ của Quốc hội cần vào cuộc và cần tổ chức các cuộc hội thảo hết sức dân chủ, khoa học để lắng nghe mọi ý kiến phản biện của các chuyên gia về khoa học, công nghệ và kinh tế, nhằm có biện pháp tháo gỡ các khó khăn trước mắt và lâu dài.

------------------------------------------------------------------------
Càng “cựa quậy”, càng bị “cứa” đau

Việc “khảo sát một cách kỹ lưỡng, có trách nhiệm” dường là một khái niệm xa vời. Tôi không rõ ai là “thầy dùi” cho Vinacomin và cho Bộ Công Thương về việc chọn địa điểm Kê Gà để xây cảng. Nhưng tôi biết rất rõ rằng những người có thẩm quyền ký trình và quyết định của Vinacomin đều không rành về cảng biển và cả về bauxite.

Vinacomin đã từng đề nghị Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng tính toán, đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án Nhân Cơ. Đến nay vẫn chưa có kết quả. Hình như không ai có thể tính ra hiệu quả kinh tế của dự án Nhân Cơ (dù chỉ là trên giấy, giống như dự án Tân Rai). Điều này bản thân nó đã nói lên rất nhiều. Việc “thử nghiệm” đã diễn ra trong hơn ba năm qua như vậy là đã quá đủ. Vinacomin nên tổng hợp kết quả và báo cáo rõ với Chính phủ, càng sớm càng tốt, nếu không càng “cựa quậy” càng bị “cứa” đau.

TS NGUYỄN THÀNH SƠN, Giám đốc Ban Quản lý Các dự án than đồng bằng sông Hồng (thuộc Vinacomin)

Việc dừng dự án cảng nước sâu Kê Gà sẽ đánh dấu khúc quanh lớn, có thể phải dẫn tới việc đánh giá lại một cách toàn diện chương trình khai thác bauxite ở VN. Nhìn rộng hơn, những gì đang diễn ra phản ánh hệ quả của tư duy lạc hậu về quản lý và khai thác tài nguyên. Đó là sự dễ dãi, ảo tưởng rằng mình giàu có về tài nguyên, tưởng có thể thịnh vượng bằng khai thác khoáng sản. Tư duy ấy không chỉ thấy trong dự án bauxite, mà cả trong các chương trình khai thác titan trong tầng cát đỏ ở Bình Thuận, khai thác mỏ sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh, rồi dự án khai thác bể than ở đồng bằng sông Hồng...

Ông PHẠM QUANG TÚ, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE)


THÀNH VĂN

2 nhận xét:

  1. Tiền bỏ ra rồi bây giờ có nói gì cũng bằng thừa.Điều quan trong là có ai dám đứng ra nhận trách nhiệm hay không mà thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Đó là lý do giải thích tại sao luật pháp quốc tế không chấp nhận hành động xâm phạm chủ quyền với danh nghĩa bảo vệ nhân quyền. Thay vào đó, để thúc đẩy sự hưởng thụ nhân quyền của tất cả thành viên trong “gia đình” nhân loại, Liên hợp quốc sử dụng các giải pháp hợp tác, đối thoại và trợ giúp quốc tế.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog