Chia sẻ

Tre Làng

NỮ CỬ NHÂN BƯNG BÊ VÀ VỊ GIÁO SƯ 500 TRIỆU

Đào Tuấn

Liệu có chính sách thu hút nhân tài nào chỉ nhăm nhăm nhìn vào sự sang trọng của học hàm học vị, thậm chí, dựa trên suất xứ của một tấm bằng?

Tháng 10-2012, Báo điện tử Bạc Liêu kể lại câu chuyện gian nan tìm việc của một “cử nhân ngữ văn”. Bắt đầu bằng việc “gõ cửa” cùng lúc 3 cơ quan đang có nhu cầu tuyển người, nhiều tháng sau đó, những lá đơn của cô vẫn bóng chim tăm cá. Không nản lòng, cô tiếp tục gửi hồ sơ đến 3 cơ quan khác và tất lẽ dĩ ngẫu vẫn là… tăm cá bóng chim. Đến giờ, không rõ số phận nữ cử nhân ra sao. Cũng chẳng loại trừ cô phải đi “bưng bê” ở đâu đó, cử nhân gì thì cũng phải có miếng đút miệng để sống. Và trường hợp của cô, thật tròn vạnh cho một hiện thực không ít phổ biến: Tri thức, hay chất xám, mà không có điều kiện đảm bảo, chẳng hạn như dân gian vẫn gọi là 4C, hay nói như PGS Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Viện Mác – Lênin là tệ “ấm tử, ấm sinh” (tình trạng bố trí, cất nhắc con em, người thân vào các vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước), thì tất nhiên sẽ bị loại “ngay từ vòng gửi xe”.

Nữ cử nhân ngữ văn không phải là bi kịch duy nhất ở Bạc Liêu. Một chàng kỹ sư nuôi trồng thủy sản sau khi “gõ hết các cửa”, đánh liều xin làm công nhân cho một DN. “Giở hồ sơ thấy cái bằng đại học, họ không chịu nhận”. Kỹ sư nuôi trồng thủy sản ở một tỉnh “miệt biển” như Bạc Liêu mà thất nghiệp. Nghĩ cũng bi kịch. Nhưng bi kịch nhất là lời than thở của chàng kỹ sư “Tốt nghiệp đại học mà xin “cao” cũng chẳng được. Xin “thấp” cũng không xong”.

Những bi kịch này, theo báo Bạc Liêu, là do tấm bằng cử nhân có xuất xứ từ “Đại học Bạc Liêu”. “Nghe “Đại học Bạc Liêu”, nhiều cơ quan tỏ ra không còn mặn mà gì với việc xem xét hồ sơ. Thậm chí, có một số cơ quan như Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL, Ngân hàng NN&PTNT… đã loại ngay từ vòng… nộp hồ sơ”- bài báo viết.

Các cơ quan công quyền ở Bạc Liêu, kỳ thị con em Bạc Liêu, chỉ vì họ tốt nghiệp đại học Bạc Liêu. Đúng là chuyện chỉ có ở Bạc Liêu.

Nhưng đó không chỉ là chuyện ở Bạc Liêu. Còn nhớ trong một hội nghị về công tác nhân tài, PGS-TS Đỗ Minh Cương, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc Ban Tổ chức trung ương đã nói ra một sự thật: “Giả thiết nếu Bill Gates có làm việc trong hệ thống chính trị nước ta thì đến già cũng không lên được trưởng phòng…”.

Những cử nhân “Chính gốc Bạc Liêu” hẳn sẽ ngậm ngùi lắm khi hôm qua, họ đọc trên báo dòng tin về chính sách trải thảm đỏ của tỉnh nhà. Sau Quảng Ngãi, Bạc Liêu đã đưa ra những con số khủng để “thu hút nhân tài”. Ừ thì giáo sư được hỗ trợ 500 triệu khi ok về công tác tại Bạc Liêu. Ừ thì bác sĩ, dược sĩ, thạc sĩ được “trăm bảy đến hai trăm hai”. Ừ thì học hàm học vị. Ừ thì trọng nhân tài. Nhưng còn những cử nhân bản địa với ước mơ lãng mạn đóng góp xây dựng quê nhà?

Liệu có chính sách thu hút nhân tài nào chỉ nhăm nhăm nhìn vào sự sang trọng của học hàm học vị, thậm chí, dựa trên suất xứ của một tấm bằng?

Liệu có sự thành công nào có được bằng việc vọng ngoại, và kỳ thị nguồn nhân lực bản địa đang ế chỏng ế trơ?

Trong cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2008, Tổng thống Lý Quang Diệu, người đã biến Singapore thành một nơi “quần hào tụ hội” đã chân thành, rằng: Quan trọng là không để trì trệ nằm trong dòng chảy của mình.

Hình như chính sách trải thảm ở Quảng Ngãi, ở Bạc Liêu phải được bắt đầu bằng việc dẹp bỏ sự trì trệ trong tư duy những người làm công tác cán bộ.

38 nhận xét:

  1. Ở Việt Nam ta hiện nay đang trong tình trạng chảy chất xám cực kỳ nhiều.Vẫn còn nhiều ngành ưu tiên con em trong ngành nên những người giỏi thì không có còn chỗ để mà vào nên chất lượng công việc hiện nay còn rất kém.Chúng ta muốn phát triển thì phải bỏ cái ưu tiên con em trong ngành đừng để nhân tài bị lãng phí.

    Trả lờiXóa
  2. tiêu cực đã xảy ra nhiều trong tuyển dụng cán bộ, cũng là cơ hội để nhiều bọn cơ hội chính trị, con em, hình thành chân rết, cực kỳ nguy hiểm

    Trả lờiXóa
  3. Đúng vậy nhiều năm nay vấn đề tuyển công chức có nhiều biểu hiện tiêu cực nhưng chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức. Mong rằng các bác lãnh đạo thay đổi tư duy vì hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí có vượng thì đất nước mới mạnh được.

    Trả lờiXóa
  4. Người có tài thì không được tuyển dụng còn những kẻ bất tài nhưng là con ông cháu cha thì luôn được lên ngôi. Đúng là với những tiêu cực như vậy thì xã hội khó mà phát triển được

    Trả lờiXóa
  5. Hiện nay có rất nhiều người có bằng đại học xịn nhưng lại không có việc làm trong khi đó một bộ phận những thanh niên đi học trung cấp liên thông lên đại học lại nắm giữ những chức vụ cao trong công ty doanh nghiệp. Đấy chính là bất cập trong cơ chế quản lý của nước ta cần phải được tìm cách tháo gỡ ngay

    Trả lờiXóa
  6. Một câu chuyện đáng để lưu tâm, khi mà nhân tài không được trọng dụng cũng đồng nghĩa với việc nước ta đánh mất đi khả năng phát triển đất nước để cùng sánh vai với các cường quốc.

    Trả lờiXóa
  7. Mong rằng những người giỏi thật sự sẽ được tuyển vào nhà nước có như vậy mới đưa đất nước phát triển được. Muốn vậy thì phải tạo cơ chế minh bạch thông thoáng cho người ta, trọng dụng người tài thì họ mới tin theo và công hiến cho đất nước được

    Trả lờiXóa
  8. hiện tượng này chỉ là thiểu số, không thể lấy đó để đánh giá chung toàn xã hội

    Trả lờiXóa
  9. Bây giờ đa số các cơ quan, doanh nghiệp đều nhận người có tri thức vào làm việc. Những hiện tượng ntn sẽ sớm được loại bỏ hết.

    Trả lờiXóa
  10. Trọng dụng người tài là 1 điều đáng được ủng hộ, và khuyến khích. Nhưng bỏ phí nhân tài là 1 tội ác, kính mong rằng, bên cạnh việc thu hút các bác đừng để chảy máu chất xám.

    Trả lờiXóa
  11. Có hôm mình đi xe khách về quê, anh lơ xe rõ đẹp trai còn là cử nhân ĐH Bách Khoa HN, hic...nhưng thiết nghĩ, nếu những cử nhân thật, thạc sỹ thật, nếu không có cơ hội làm việc trong nhà nước, nhưng họ có năng lực, có trình độ, họ sẽ xin được việc trong doanh nghiệp, hay có thể thành lập công ty này nọ....cơ quan nhà nước có số lượng biên chế nhất định, không thể ai học đại học ra cũng xin vào nhà nước được, còn nếu muốn như thế, thì chắc hạn chế thí sinh thi đầu vào đại học theo số lượng biên chế sao??? Còn một số ngành có đặc thù nhất định, ưu tiên cho con em, nhưng không phải tuyển thẳng, mà vẫn xét hồ sơ bình thường và cộng thêm điểm ưu tiên con em trong ngành. Tôi cho rằng cơ chế đó cũng hợp lý. Nên các bạn sinh viên, các bạn hãy cố gắng đầu tư công sức của mình vào việc học, các bạn tích lũy được kiến thức, các bạn không bao giờ sợ thất nghiệp. Các cơ quan, doanh nghiệp cũng vậy, nên có cơ chế tuyển dụng phù hợp và minh bạch, để ai xứng đáng sẽ được vào làm việc, tránh tình trạng con ông cháu cha, gây ảnh hương tâm lý lao động cống hiến và ảnh hưởng hiệu quả công việc

    Trả lờiXóa
  12. Thời buổi kinh tế ngày càng khó khăn, người nhiều việc thì ít, thất nghiệp là khó tránh khỏi các bác ạ. Hic hic

    Trả lờiXóa
  13. Ngành nào thiếu nhân lực thì vẫn thiếu, chẳng có ngành nào thừa cả, doanh nghiệp họ rất cần người làm có năng lực chuyên môn cao và kinh nghiệm nữa

    Trả lờiXóa
  14. Cái kiểu của Việt Nam bây giờ là thừa thì rất thừa mà thiếu thì rất thiếu, thừa vì đào tạo ra không xin được việc làm, thiếu thì vẫn rất thiếu những người có năng lực.

    Trả lờiXóa
  15. càng khó thì con người ta mới cần phải tiến lên, mới cần phải phát triển hơn nữa.

    Trả lờiXóa
  16. Mình nghĩ cái cô cử nhân kia liệu có chắc là cô ý có học lực tốt và có khả năng làm việc tốt không? Còn những giáo sư, bác sĩ dược sĩ mà người ta trải thảm đỏ muốn mời về ít ra là người ta cũng phải có 1 trình độ học thức nhất định, đã khẳng định được vị trí và năng lực làm việc qua thời gian rồi.

    Trả lờiXóa
  17. Khéo 3 cái cơ quan kia người ta chỉ muốn tuyển thạc sỹ trở lên thì sao? Mà cử nhân đã có năng lực thì sợ gì thất nghiệp? Sợ gì đi bưng bê? Chẳng qua là năng lực không có nên mới phải chịu cảnh đi bưng bê chứ?

    Trả lờiXóa
  18. Vớ vẩn! Cử nhân bây giờ nhiều như lợn con ý. Tại sao lại có thể so sánh cử nhân với Giáo sư nhỉ? Khập khiễng quá!

    Trả lờiXóa
  19. Mình thấy cứ học giỏi, có năng lực thực sự thì ắt có việc làm ấy mà. Cần gì phải bằng cấp đâu? Các công ty nước ngoài họ đều tuyển người dựa trên năng lực thực sự đấy chứ! Nếu bạn cử nhân kia không xin được ở cơ quan nhà nước thì đi ra công ty tư nhân mà xin việc. Cần gì phải đi bưng bê cho nó khổ. Mình kiểu gì cũng tốt nghiệp đại học ra cơ mà.

    Trả lờiXóa
  20. vạn sự khởi đầu nan thôi mà! Sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm thì nên biết học hỏi, chấp nhận thực tế. Đừng quá ảo tưởng và sống trong mơ là được.

    Trả lờiXóa
  21. Ôi! Giáo sư được tận 500 triệu cơ à? Rồi bác sỹ, dược sỹ,...cũng phải được đến hơn 200 triệu. Ôi thích thế! Mình có cố được không nhỉ?

    Trả lờiXóa
  22. học giỏi chưa chắc đã thành công! muốn thành công người ta cần có thêm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp và phong thái của một cử nhân nữa! mà sinh viên của ta thường thiếu nhiều cái đó

    Trả lờiXóa
  23. Đây là nghịch lý đáng buồn. Tỉnh thừa, tỉnh thiếu cán bộ giỏi. Cách thu hút này xem ra chỉ là thời vụ, cần có sách lược dài hơi như tạo điều kiện công tác tốt, chính sách lương,thưởng, thăng chức rõ ràng

    Trả lờiXóa
  24. Theo tôi thì chỉ với kiến thức trên ghế giảng đường đại học là chưa đủ, bên cạnh đó các bạn sinh viên cần chủ động trau dồi thêm nhiều kiến thức thực tế, tăng cường thực hành, có vốn ngoại ngữ tốt thì mới có cơ hội việc làm cao.

    Trả lờiXóa
  25. Chính sách thu hút mà chỉ dùng tiền thì chưa hiệu quả. Vì ở tỉnh tôi cũng làm chính sách này nhưng chẳng có bác sỹ nào tốt nghiệp y hà nội về tỉnh làm cả trừ trường hợp hy hữu

    Trả lờiXóa
  26. Nhiều người trình độ cao cần một môi trường nghiên cứu tốt thì họ về chứ không phải cứ cho tiền là họ về

    Trả lờiXóa
  27. Đó không phải là tình trạng của riêng tỉnh Bạc Liêu mà còn là tình trạng chung trên khắp các tỉnh thành.4C hay con ông cháu cha là điều kiện đầu tiên để một người có một công việc "ngon" ,theo như mọi người nói.Những cử nhân đại học ,cao đẳng tốt nghiệp hàng loat,có trình độ chuyên môn thì lại không có việc làm hoặc phải làm việc không đúng ngành nghề.Còn quá nhiều bất cập trong cơ cấu việc làm của nước ta !

    Trả lờiXóa
  28. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  29. việc đào tạo dàn trải trên nhiều mặt là tốt nhưng cũng phải quản lý và thống kê được nguồn nhân lực ở từng lĩnh vực cụ thế chứ tình trạng ở nước mình nhiều trường tư thục và dân lập mọc lên đào tạo theo kiều quất ngựa truy phong ấy thì chết. sinh viên học xong ra trường chẳng biết làm gì với tấm bằng đó cả và thực tế thì học xong chữ thầy trả lại thầy nữa chứ. nếu như phân cấp được việc học thì tốt nhất. ai có khả năng học thì tiếp tục còn không thì học nghề và làm nghề chứ ai cũng cử nhân này cư nhân kia trong khi công việc cơ bản thì ko làm được. còn chuyện chảy máu chất xám là chuyện đương nhiên. tới tài giỏi như giáo sư NGÔ BẢO CHÂU kia cũng ko thể nghiên cứu và làm việc trong nước mình được vì họ ko thể nào phát huy hết công năng của họ. ôi nói chung là chuyện này nó dài muôn thủa

    Trả lờiXóa
  30. việc đào tạo theo mô hình của chúng ta dẫn tới dư thừa lao động trí thức quá trong khi đó lại thiếu những lao động lành nghề. cần lắm cái mô hình quản lý lao động ý. chứ ko thì bọn sinh viên chúng e chết thôi

    Trả lờiXóa
  31. mình thấy nên có sự phân các giai đoạn học và làm đúng chứ sư mất cân bằng về vấn đề lao động làm ảnh hưởng tới nhiều thế hệ của đất nước và tới sự phát triển của đất nước chúng ta ghê lắm ý

    Trả lờiXóa
  32. làm việc j cũng được miễn là mình thành công trên cuộc sống và gia đình mình có được cuộc sống thoải mái về mọi mặt thì ok hết.

    Trả lờiXóa
  33. ở Việt Nam có rất nhiều nhân tài, nhưng sự trọng dụng dành cho họ thì còn ít và chưa được thỏa đáng, hằng năm lượng nhân tài của đất nước bị nước ngoài thu hút mất không ít, chúng ta cần có chính sách hợp lý để thu hút nhân tài về xây dựng đất nước

    Trả lờiXóa
  34. Việc con ông cháu cha được ưu tiên trong tuyển dụng vào nhà nước vẫn còn khá nhiều ở nước ta, chính vì vậy mà những nhân tài thực sự nhiều khi bị nước ngoài thu hút và sử dụng, đó là điều rất lãng phí

    Trả lờiXóa
  35. muốn đất nước giàu mạnh thì việc giữ chân nhân tài là rất cần thiết, và là việc cấp thiết mà chúng ta nên làm, tránh để người Việt Nam mà lại cống hiến làm giàu cho nước khác, đó sẽ là điều rất đáng buồn

    Trả lờiXóa
  36. có những người được đào tạo một cách bài bản và có thực tài lại bị từ chối khi tuyển dụng vì những "xuất" của con ông cháu cha, đó là điều thật đáng tiếc, những nhân tài đó vừa có năng lực vừa có sự hăng hái của tuổi trẻ sẽ góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh mà mạnh hơn

    Trả lờiXóa
  37. Đầy người không qua một trường lớp nào vẫn thành công đó thôi, chăm học hoi, có niềm đam mê thì tất thành công

    Trả lờiXóa
  38. Chính tình tràng ưu tiên cấp bằng không thử việc thế nên mới xảy ra tình trạng mua bằng bán cấp, mất ổn định và làm tình trạng thiếu việc làm xảy ra nhiều

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog