Chia sẻ

Tre Làng

"XÉT LẠI LỊCH SỬ" NHƯ VẬY ĐỂ LÀM GÌ?

"Xét lại lịch sử" như vậy để làm gì?

Xét lại lịch sử để rút ra bài học cho hiện tại, đó là một trong những biểu hiện của sự trưởng thành của ý thức dân tộc trong khi tự đánh giá về mình, để qua đó phát huy các giá trị tích cực, khắc phục các hạn chế.

Nhưng xét lại lịch sử để đề cao một số nhân vật, triều đại vốn không được khẳng định với ý nghĩa tích cực, thậm chí khơi dậy một số xu hướng tinh thần trong quá khứ để phủ nhận hiện tại là hiện tượng cần phải xem xét, bởi nếu không sẽ đưa tới sự ngộ nhận...

Hơn 60 năm về trước, trên khu đất cạnh đền Bà Kiệu (Hà Nội) có đặt tấm bia liên quan tới A. de Rhodes (Ðắc Lộ) - nhà truyền giáo người Pháp, đã được một số người xác định là "có công chế tác chữ Quốc ngữ". Về sau, tấm bia không còn và cũng không thấy ai nhắc tới. Vậy mà năm trước, tấm bia cùng "công ơn" của A. de Rhodes đã trở lại. Có người còn yêu cầu phải tạc tượng, đặt tên đường mang tên A. de Rhodes. Thậm chí có người coi tấm bia thất lạc là "do tư tưởng hẹp hòi không phù hợp với đạo đức của dân ta", và "vào thập niên 80 trên vị trí này đã dựng tượng đài Cảm tử cho Tổ Quốc quyết sinh và người ta cũng quên luôn nhà bia đó"! Một số tác giả đã cố chứng minh, khẳng định "công lao" A. de Rhodes, nhưng hầu như không ai nhắc tới vai trò của những người đi trước ông này. Thí dụ, dù là tham khảo thì vẫn nên lưu ý mục từ A. de Rhodes trên Wikipedia cho biết vào năm 1961, trên nguyệt san MISSI của các linh mục dòng Tên người Pháp từng viết: "Dĩ nhiên, không phải chỉ riêng mình cha Ðắc Lộ khởi xướng ra chữ Quốc ngữ. Trước đó, các cha thừa sai dòng Tên người Bồ Ðào Nha ở Ma Cao đã nghĩ ra một số phát âm tiếng Việt, viết bằng các mẫu tự la-tinh rồi", và A. de Rhodes cũng đã thừa nhận: "Khi tôi vừa đến Nam Kỳ và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế... Chỉ có cha Francois Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha Fernandez và Buzomi". Nghĩa là trước A. de Rhodes đã có người phương Tây hiểu và nói được tiếng Việt.

Các nhà nghiên cứu có thể còn bàn thảo về việc chữ Quốc ngữ hình thành thế nào, phát triển ra sao,... nhưng dù vậy khó có thể bác bỏ điều nhà báo Phan Quang đã viết trong bài Quá trình hình thành chữ quốc ngữ: "Tuyệt đại bộ phận các nhà nghiên cứu phương Tây cũng như Việt Nam từ trước tới nay không ai quy công đầu cho một tác giả đơn nhất mà đều khẳng định chữ quốc ngữ là sáng tạo tập thể, mỗi người góp phần một ít; những vị đi trước mở đường, những người kế tiếp hoàn thiện, nâng cao. Hình thành chữ quốc ngữ là một quá trình. Hoàn thiện nó cũng là một quá trình chỉ có thể tạm ngừng chứ không kết thúc, vì nó là một cơ thể sống đang phát triển".

Thời gian gần đây việc "đánh giá lại" một số người vốn không được đề cao trong lịch sử đang được một số tác giả quan tâm như kết quả của "nhận thức mới"!? Ðề cập việc đánh giá một triều đại chỉ trong hơn thế kỷ từng xảy ra hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân, một nhà sử học đã cho rằng "chưa thỏa đáng, chưa khách quan" vì đó là "thời kỳ mà nền sử học Mác-xít đang hình thành nên sự ấu trĩ, giáo điều, công thức buổi đầu là không tránh khỏi". Ðánh giá như thế, phải chăng ông đã quên các câu nói lưu truyền hằng trăm năm nay về việc "mãi quốc, khi dân", "Vạn niên là Vạn niên nào",... mà các câu nói đó đâu phải là kết quả nghiên cứu của nền sử học "đang hình thành nên sự ấu trĩ, giáo điều, công thức"? Hơn nữa nói như vậy, chẳng lẽ mấy năm trước, một số nhà nghiên cứu chỉ dựa vào một cuốn sách không có tác giả, không rõ niên đại để khẳng định lai lịch một ngôi đền ở Hà Nội, hay một nhà sử học lên vô tuyến truyền hình nói như đinh đóng cột rằng: "Trần Hưng Ðạo là một trong tứ bất tử của văn hóa truyền thống Việt Nam"(!) cũng là kết quả nghiên cứu của nền sử học "đang hình thành"? Nhưng có lẽ nổi trội trong xu hướng "xét lại lịch sử" là việc một vài người sử dụng thủ pháp hiện đại hóa quá khứ để làm sống lại vấn đề "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", rồi khẳng định "vấn đề lãnh thổ, khôi phục lãnh thổ quốc gia, tức vấn đề độc lập, được coi như là một bộ phận cần thiết nhưng không phải là cứu cánh của chương trình dài hạn rộng lớn, cơ bản hơn nhiều"! Và lập tức có tác giả hùa theo, như năm 2010, PGS, TS PVC nói: "Tôi từng phát biểu ngay trong lễ trao giải Phan Chu Trinh: "Khẩu hiệu của chúng ta là "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh"; phương châm ấy thua xa các cụ ngày xưa đã chủ trương là "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Dân sinh là vấn đề cuối cùng, tuy rất quan trọng nhưng vẫn phải đặt khai dân trí, chấn dân khí lên hàng đầu, rồi hậu dân sinh sẽ đến như hệ quả tự nhiên. Còn dân giàu đâu phải là giá trị tự thân, nước mạnh cũng không phải là giá trị tự thân. Nếu lấy tiêu chí đó làm đầu thì ta suốt đời thua thiệt, chạy đuổi nước khác cũng không lại. Mà mạnh thì mạnh đến đâu, phải bằng Mỹ, Nhật, Pháp hay Trung Quốc? Mà mạnh làm gì? Không những thế, ta lại đặt những ba tiêu chí: công bằng, dân chủ, văn minh trên một mặt bằng xã hội là bất khả thi. Chúng ta cần phải tìm những giá trị cao nhất, nhưng giá trị ấy là gì, ở đâu?... Ðã đến lúc cần sắp xếp lại hệ giá trị, dân giàu nước mạnh là những phương tiện, nhưng không phải là mục đích"!

Ý kiến trên đây không phải là kết quả của suy nghĩ chín chắn, thấu đáo. "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" là hệ thống yếu tố được xác định là mục tiêu mà nước Việt Nam hiện tại cần vươn tới, còn "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" là các biện pháp Phan Châu Trinh đề ra ở đầu thế kỷ 20 với hy vọng qua đó có thể chấn hưng dân tộc. Với phương pháp khoa học và nhãn quan tỉnh táo, không ai so sánh mục tiêu cụ thể mà một xã hội xác định cần phấn đấu đạt tới với các biện pháp có tính cách là giả định của một xu hướng tinh thần. Là hệ thống yếu tố nên mục tiêu có tính đồng bộ, toàn diện, không xác định mục tiêu nào phải đạt trước, mục tiêu nào sẽ đạt sau. Còn biện pháp của Phan Châu Trinh, vì thấy chữ "hậu" của nó, PGS, TS mới đặt vấn đề việc gì làm trước, việc gì làm sau. Không phân biệt sự khác nhau nên vị PGS, TS đã đi xa hơn người khởi xướng, từ đó phủ nhận các mục tiêu mà cả dân tộc Việt Nam đang phấn đấu vươn tới. Nên PGS, TS mới không muốn "nước mạnh, dân giàu", vì theo ông "mạnh làm gì?", và ông coi "dân sinh là vấn đề cuối cùng... sẽ đến như hệ quả tự nhiên" của "dân trí, dân khí"! Nói cách khác, ông không quan tâm tới việc đồng bào có cơm ăn, áo mặc, được học hành hay không, ông coi có "dân trí, dân khí" là sẽ có tất cả! Thử hỏi với tinh thần duy thức luận duy tâm chủ quan như vậy, ông PGS, TS muốn đưa đất nước này đi đến đâu. Phải chăng theo ông Nhà nước không cần phải triển khai các chương trình xóa đói, giảm nghèo, không cần phải hỗ trợ kinh tế cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn,... chỉ cần "khai dân trí, chấn dân khí" là có cuộc sống ấm no?! Lịch sử nhân loại cho thấy từ xưa đến nay chưa có một đất nước, dân tộc nào bị cướp đoạt chủ quyền, bị nước ngoài đô hộ, lại có thể tự phát triển, giành lại độc lập qua việc "khai dân trí, chấn dân khí". Các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân đô hộ chỉ có thể phát triển sau khi tự mình đấu tranh giành độc lập hay được trao trả độc lập vào lúc chủ nghĩa thực dân đã không thể đương đầu với phong trào giải phóng dân tộc. Từ lịch sử của đất nước có thể nói "dân trí, dân khí" có vai trò rất quan trọng, và ngày nay, trước rất nhiều thách thức, trước sự tha hóa một số giá trị văn hóa, cần phải tiếp tục nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, nhưng không thể vì thế mà xao nhãng chăm lo phát triển đời sống mọi mặt của toàn xã hội. Mặt khác, trong một thế giới đã có rất nhiều thay đổi, việc Nhà nước chủ động kết hợp đồng bộ những biện pháp cụ thể để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, hợp tác với các quốc gia, dân tộc khác cùng phát triển,... không chỉ là kết quả của quá trình tự ý thức, mà còn là một biểu thị cụ thể cho tư cách làm chủ một đất nước độc lập, có chủ quyền.

Xem xét lại quá khứ, đánh giá lại quá khứ là nhu cầu chính đáng của mỗi con người, mỗi cộng đồng dân tộc, vì đó là một trong các yếu tố giúp con người và cộng đồng có suy nghĩ, hành động đúng đắn hơn trong hiện tại, tương lai. Tuy nhiên, việc một số người nhân danh "nhận thức mới" nhưng bỏ qua quan điểm lịch sử - cụ thể để đánh giá một số cá nhân và triều đại đã đưa tới sự hồ nghi về động cơ, mục đích thật sự của sự xem xét? Bởi không ngẫu nhiên gần đây, một blogger đã công bố entry Khi nghề xuyên tạc lịch sử lên ngôi để cảnh báo. Ðánh giá nghiêm túc về hiện tượng này là thái độ đối với quá khứ - thái độ khách quan, khoa học và công bằng.

CẨM KHÊ/Báo Nhân Dân

18 nhận xét:

  1. Việc nhìn nhận và xem xét lịch sử là một việc cần thiết nhưng việc quá đề cao hay khơi lại những điều từ sâu trong quá khứ sẽ chẳng đem lại một lợi ích gì cho dân tộc thì quả thực là không nên, hãy để cho nó là quá khứ đi, chúng ta chỉ nên nhìn nhận quá khứ để trưởng thành và rút ra các bài học kinh nghiệm cho mình thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Những kẻ mà cố tình lôi quá khứ ra để mà chỉ trích, để mà kêu gọi ấy mới là những kẻ chẳng hiểu gì về vấn đề lịch sử cả, không phải cứ nói mình hiểu lịch sử, hô hào tưởng niệm lịch sử mới là những người yêu dân tộc, những người nhớ về lịch sử.

    Trả lờiXóa
  3. xét lại lịch sử để đề cao một số nhân vật, triều đại vốn không được khẳng định với ý nghĩa tích cực, thậm chí khơi dậy một số xu hướng tinh thần trong quá khứ để phủ nhận hiện tại là hiện tượng cần phải xem xét, bởi nếu không sẽ đưa tới sự ngộ nhận...

    Trả lờiXóa
  4. Xem xét lại quá khứ, đánh giá lại quá khứ là nhu cầu chính đáng của mỗi con người, mỗi cộng đồng dân tộc, vì đó là một trong các yếu tố giúp con người và cộng đồng có suy nghĩ, hành động đúng đắn hơn , nhưng không phải vì thế mà lợi dụng để kích động mâu thuẫn lịch sử để chống phá lại chính sách phát triển , chính sách đoàn kết của đất nước

    Trả lờiXóa
  5. Nhìn lại quá khứ để rút ra bài học kinh nghiệm, để biết điều chỉnh bản thân và các mối quan hệ. Nhìn lại quá khứ mà gây hằn thù thì không nên rồi.

    Trả lờiXóa
  6. Nếu suốt ngày chỉ nhìn về phía sau thì đâu thấy đường tiến lên trước!

    Trả lờiXóa
  7. Trong lòng tràn ngập hận thù sẽ không có sự sáng suốt.

    Trả lờiXóa
  8. Ghi nhớ và tôn trọng quá khứ và hướng tới tương lai là sáng suốt nhất.

    Trả lờiXóa
  9. dư luận viên lề phải08:27 13/3/14

    Nhân dân cũng nên quên đi những quá khứ đau thương như cải cách ruộng đất; nhân văn - giai phẩm; tàn sát dân lành ở Huế Tết Mậu Thân; cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam sau 1975; quân Trung Quốc tàn sát đồng bào ta ở các tỉnh biên giới phía Bắc... Quên hẳn đi để hướng tới tương lai 100 năm nữa xem "cái đó" đã xuất hiện chưa.

    Trả lờiXóa
  10. Bây giờ, trước những chiêu trò xuyên tạc lịch sử quốc gia ta của bọn phản động thì việc xét lại lịch sử, việc công khai rõ ràng lịch sử đất nước là một điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Việc xét lại lịch sử sẽ làm thất bại mọi âm mưu xuyên tạc về quá khứ đấu tranh của Việt Nam

    Trả lờiXóa
  11. Chúng ta cần phải xét lại lịch sử và tuyên truyền rộng rãi công khai trên các báo đài để người dân có thể biết rõ tường tận lịch sử dựng nước và giữ nước của nước ta. Việc xét lại lịch sử là cách tốt nhất để làm thất bại mọi âm mưu xuyên tạc của bọn phản động muốn chống phá nước ta hiện nay

    Trả lờiXóa
  12. Nặc danh12:57 13/3/14

    Chong phan dong la nhiem vu kho khan day.Moi nam no de ra vai trieu.Bay gio co khoang 70 trieu roi.Vai nam nua du 90 trieu.

    Trả lờiXóa
  13. Đọc bài báo của báo Nhân dân ngày 10-3-2014, nhan đề “Xét lại lịch sử” như vậy để làm gì”, tác giả Cẩm Khê (hay Cấm Khê).( nếu là Cẩm khê thì có nghĩa là dòng nước đep như hoa như gấm. Còn Cấm khê thì có thể có nghĩa là mẹ bảo nấu cơm cấm khê.) Do không đọc trực tiếp trên báo giấy, nên có hồ nghi như vậy. Viết mấy câu mở đầu như thế cho vui.





    Tôi không bàn về những lập luận của bài báo, mặc dầu nó có nhiều điều đáng bàn.. Tôi chỉ góp một chữ. Chữ “Hậu” mà tác giả bài báo đã để trong ngoặc kép. Nguyên văn câu của Cẩm Khê như sau: “Còn biện pháp của Phan Châu Trinh, vì chữ “hậu” của nó, mới đặt vấn đề việc gì làm trước, việc gì làm sau.”


    Như thế tác giả đã hiểu nghĩa chữ hậu này là sau. Còn nhớ hồi nhỏ học chữ nho với thầy đồ, thầy dạy bài học thuộc lòng để nhớ nghĩa: “Tiền trước, hậu sau, ngưu trâu, mã ngựa.” Chữ hậu này để chỉ cái phía sau, đối lập với cái phía trước là tiên hoặc tiền. Người ta chế diễu việc đi dấm dúi đút lót quan lại là đi cổng hậu. Vì chỉ dừng lại trình độ “tiền trước, hậu sau, ngưu trâu, mã ngựa”,nên tác giả Cẩm Khê mới giải (không) thích như vậy.

    Trả lờiXóa
  14. Giở Từ điển Hán Viêt bất kỳ, ta đều thấy chữ Hậu có đến 5 nghĩa. Một là chờ, hy vọng…Hai là cái thành nhỏ bằng đất, hay nấm đât bên đường để đánh dấu dặm đường. Ba là sau, ngược với tiền. Bốn là vua, vợ vua. Năm là sâu dày, ngược với bạc là mỏng. Cái nghĩa sâu dày này thừơng đi kèm với các từ như hậu hỉ, hậu đãi (hay bạc đãi), hậu lộc (bỗng lộc hậu hỉ) v…v.
    Trở lại tư tưởng “Tam Dân” của Phan Châu Trinh và các nhà nho cấp tiến tiền bối thuở ấy, ta thấy Họ nêu lên ba vấn đề của Dân là: Dân trí, Dân khí, Dân sinh. Mỗi vấn đề đều kèm theo trong tư duy một động từ trạng ngữ để nói rõ vừa là phương thức hành động, vừa là mức độ yêu cầu.
    Dân trí thì hưng, hoặc khai,nghĩa là nâng lên, mở rộng ra. Dân khí, nghĩa là khí phách, ý chí là ý thức về quyền lực của dân, không cúi đầu làm nô lệ, không thụ động, trông chờ, không cầu xin…thì trấn hay chấn có nghìa là kích động, dựng lên, chấn chỉnh cho mạnh mẽ… Một khí phách mới của người dân,mà Họ còn gọi một cách trân trọng là “Quốc Dân”,với nghĩa như là con người chủ thể của quốc gia.

    Trả lờiXóa
  15. Ngay như thời nay chữ dân sự, nghĩa là việc của người dân nhiều kẻ còn sợ, và ra lệnh cấm nói cấm bàn, nên bấy giờ đề cao quan niệm dân là quốc dân là một đóng góp lớn cho tiến trình dân chủ ,dân quyền ở nước ta. Chữ Dân thứ ba là Dân sinh, đời sống, cuộc sống của dân. Dân sinh thì phải “hậu”có nghĩa là làm cho đời sống của người dân tốt lên, sâu dày lên, tử tế, đàng hoàng lên, không qua loa chiếu lệ. Hậu là như vậy, chứ không có nghĩa là việc ấy làm sau, khi đã xong những việc trước thì đến viêc này!

    Các vị đại nho đâu có tùy tiện suy nghĩ như bọn hậu thế chúng ta. Ba thuật ngữ, ba khái niệm phải đồng đẳng, một đằng là khai mở ra, một đằng thì chấn phát lên , một đằng thì làm cho sâu dày, đầy đặn lên. Cách hiểu như thế làm cho trong hành xử, chính sách, chủ trương là phải coi trọng như nhau, làm đồng thời cho cái nọ hỗ trợ cái kia, liên hoàn làm tiền đề lẫn nhau.

    Trả lờiXóa
  16. Một ví dụ rất thú vị là vấn đề nông dân.Vào thời “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH” thì nông dân đói mà cả xã hội cũng đói.Về sau trả lại quyền làm chủ cho nông dân, (chưa chịu trả hết cho sòng phẳng), thì lương thực, thực phẩm dồi dào hơn, còn xuất khẩu với khối lượng lớn. Đó là bài học về tầm quan trọng của chấn dân khí ! Bây giờ ta thấy dân sinh có bề khá hơn trước, rõ ràng dân đã lo đến già nửa kinh phí giáo dục của Đất nước.
    Ai có tâm, có trí có tài có đức với những chủ trương, đường lối, kế hoạch, dự án hài hòa được cả ba vấn đề then chốt kể trên với tầm và phương thức của Thời đại mới, sẽ là vị cứu tinh của Dân tộc

    ————

    Trả lờiXóa
  17. Nặc danh22:59 13/3/14

    Ai k muon lam con cuu la cu chup ngay cho cai mu phan dong.Giong dieu nhu may ong gia huu tri,suot ngay chi doc bao Nhan dan va xem TV VTV1.Nuoc Vn con qua nhieu con ech noi day gieng.Ke khon ngoan thi toi mat vi tien.

    Trả lờiXóa
  18. việc xem xét lại lịch sử là không thể thiếu trong việc phát triển đi lên của mỗi quốc gia, mỗi đất nước muốn phát triển được thì phải dựa vào nền tảng lịch sử phát triển trước kia, kinh ngiệm của những người đi trước làm tiền đề để phát triển , và mỗi đất nước cũng cần phải biết tự hào về lịch sử của nước đó, đối với Việt Nam thì mỗi người cần phải xem lại lịch sử dựng nước giữ nước của dân tộc lấy đó làm tự hào.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog