Chia sẻ

Tre Làng

KHÔNG THỂ LẮP "CỖ MÁY" ĐẠI HỌC NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM

Bài chỉ để tham khảo:

Không thể lắp “cỗ máy” đại học nước ngoài vào VN

Gs Nguyễn văn Tuấn/ FB Nguyen Tuan

Tôi nghĩ những đề nghị cải cách giáo dục theo hướng các nước “tiên tiến” sẽ không bao giờ thành công ở VN. Xin nói rõ “tiên tiến” ở đây là các nước Âu Mĩ hay các nước theo thể chế và hệ thống Âu Mĩ, nói thẳng ra là các nước theo tư bản chủ nghĩa (TBCN). Vì thể chế VN căn bản vẫn là XHCN, nên không thể nào lắp đặt bộ máy của TBCN vào XHCN được. Chính sự khác biệt căn bản này có thể giải thích cho rất nhiều bất cập hiện nay ở VN.

Thử nhìn cái vỏ tắc ráng ở miền Tây. Nó được thiết kế chở khoảng 4-5 người hoặc ít hơn, dài độ 5 thước, bề ngang khoảng là 1.5 m. Vỏ tắc ráng có máy đuôi tôm như máy BS9 hay BS10. Thử tưởng tượng, chúng ta đem đầu máy xe hơi như Toyota gắn vào vỏ tắc ráng thì chuyện gì sẽ xảy ra. Thứ nhất là họ gây ô nhiễm môi trường, rất ồn ào, tiếng máy lớn đến nỗi đinh tai nhức óc cư dân hai bên bờ sông. Nó chạy rất nhanh, nhưng đồng thời gây sóng lớn, và làm chìm xuồng và gây thiệt hại cho những người bơi xuồng. Về thẩm mĩ, cái đầu máy bự “tổ chảng” trong khi cái vỏ thì chỉ nhỏ thó, nhìn rất dị hợm, chẳng giống ai. Nói tóm lại, gắn cái đầu máy xe hơi vào vỏ tắc ráng chẳng những làm cho hình ảnh cái vỏ bị méo mó, mà còn gây tác hại đến môi trường và người dân. Điều này chắc không khó hiểu, vì cái động cơ đó được thiết kế cho xe hơi trên đường bộ, chứ đâu được thiết kế cho vỏ tắc ráng trên sông.

Dùng hình tượng trên, tôi nghĩ việc áp đặt hay áp dụng các cơ chế về giáo dục ở các nước TBCN vào Việt Nam XHCN sẽ khó thành công. Trước hết, có thể lấy việc tự trị đại học làm ví dụ để hiểu vấn đề. Ở nước TBCN như Úc chẳng hạn, mỗi đại học ra đời là có một đạo luật riêng cho đại học đó, và đạo luật dĩ nhiên là do Quốc hội thông qua (rất khác với VN, đại học thường do Bộ GDĐT phê chuẩn). Trong đạo luật không có ghi rõ về autonomy (mà thường hay được dịch sang tiếng Việt là “tự trị”), nhưng trong thực tế, không chỉ là tự trị mà còn tự chủ. Tôi có thể lấy ví dụ như sau:

• Đại học tự trị bởi có một cái board (có nơi gọi là council), và thành viên trong board là hiệu trưởng đại học VÀ các nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng được chọn hàng năm. Các nhân vật này có thể là cựu chánh án, CEO của các tập đoàn nổi tiếng, giám mục, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, thậm chí có cả cựu chính trị gia. Nói chung, họ thật sự là “khuôn mặt” của cộng đồng. Một số thành viên là do Bộ trưởng Giáo dục bổ nhiệm, một số thì do bầu cử, một số do chỉ định. Thời gian phục vụ trong board cũng có giới hạn chứ không vô hạn định.

• Đại học tự chủ về mặt tài chính, hoạt động đào tạo và nghiên cứu, và nhân sự. Trường chịu trách nhiệm về thu chi tài chính trước board của đại học. Trường hoạch định chương trình giảng dạy và đào tạo, nhưng có tham khảo với các hiệp hội chuyên môn. Nghiên cứu khoa học do mỗi nhà khoa học tự định hướng. Trường bổ nhiệm và đề bạt nhân sự khoa bảng. Tất cả các hoạt động trên đều không có sự can thiệp của chính phủ.

Giả dụ như đại học VN được cho quyền tự trị và tự chủ, hiểu theo nghĩa Bộ Giáo dục & Đào tạo không điều khiển và không can thiệp vào chương trình đào tạo, tuyển sinh, và tuyển dụng / đề bạt nhân sự. Đó có lẽ là những gì nhiều người đang lớn tiếng đòi. Nhưng vấn đề là sau đó thì họ sẽ làm gì? Thử tưởng tượng nếu họ đem cái thiết chế của nước ngoài (mà tôi vừa mô tả) “lắp” vào một đại học ở VN mới được trao quyền tự trị và tự chủ, chuyện gì sẽ xảy ra.

Ở VN tất cả đều chịu sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Đại học cũng chịu sự lãnh đạo của đảng cộng sản, và chi bộ là một thể hiện sự lãnh đạo đó. Mấy năm gần đây, đại học cũng có hội đồng quản trị, trên danh nghĩa giống như board ở đại học nước ngoài, nhưng thực chất thì không. Làm sao hội đồng quản trị có sự đại diện của các tổ chức cộng đồng thực sự, khi mà tất cả các tổ chức cộng đồng đều chịu sự lãnh đạo của đảng. Cho dù có tổ chức tôn giáo hay tổ chức dân sự độc lập với đảng, nhưng đảng và Nhà nước không công nhận, thì họ sẽ không bao giờ có đại diện trong board của đại học. Hay như thành viên là chánh án, nhưng chánh án ở VN thì lại không độc lập với Nhà nước và thường là đảng viên. Do đó, trong cái hệ thống thể chế hiện nay, đại học VN sẽ KHÔNG BAO GIỜ có một board / council như các đại học phương Tây.

Bây giờ thử bàn về tự chủ. Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của tự chủ là bổ nhiệm các chức vụ điều hành đại học và giáo sư. Ở các đại học nước ngoài, như tôi nói, các đại học toàn quyền bổ nhiệm và đề bạt giáo sư. Người kí giấy bổ nhiệm tôi là hiệu trưởng, và qui trình đánh giá và bổ nhiệm tôi là việc của một hội đồng khoa bảng của trường. Ở trường UNSW, việc bổ nhiệm hiệu trưởng là do board đảm nhận. Thường, họ lập một “uỷ ban tìm hiệu trưởng”, họ quảng cáo khắp thế giới và trên các tập san khoa học quốc tế. Uỷ ban đó có nhiệm vụ xem xét và đánh giá đơn của ứng viên, đến khi có danh sách các ứng viên có tiềm năng cao, uỷ ban trình lên board, và phỏng vấn sẽ được thực hiện. Ứng viên tốt nhất sẽ được board bổ nhiệm – tức kí hợp đồng 5 năm. Quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng hay giáo sư không có can thiệp của Chính phủ. Một qui trình như thế tốn khoảng 1-2 năm.
Nhưng một qui trình tự chủ như thế không thể thực hiện ở VN trong điều kiện hiện nay. Theo qui định, hiệu trưởng phải là đảng viên (ngay cả đại học tư thục, hiệu trưởng vẫn phải là đảng viên), nên việc tìm hiệu trưởng nước ngoài là điều không thể. Còn ở trong nước thì phải theo qui trình ở trong nước: đó là “qui hoạch” cán bộ. Mà, qui hoạch thì phải chịu sự chi phối của đảng và Nhà nước. Còn việc bổ nhiệm hay tuyển dụng giáo sư cũng không thể làm theo nước ngoài. Thứ nhất, VN chưa có đủ số giáo sư có khả năng giảng dạy và nghiên cứu để trường đại học có thể quảng cáo. Nếu quảng cáo tìm giáo sư nước ngoài thì các đại học VN không có tiền để trả lương, và ngay cả có tiền trả lương thì các giáo sư nước ngoài có thể sẽ không đến VN vì đại học VN chưa có cái prestige để thu hút họ. (Ít ai dám hi sinh sự nghiệp đang lên cho một nơi mình chưa biết tương lai ra sao). Thứ hai, cho dù không có sự can thiệp của Bộ GDĐT (vì đã tự chủ) nhưng vẫn có sự can thiệp của đảng, bởi vì chi bộ đảng vẫn còn ở trường và họ phải có tiếng nói. Do đó, các đại học VN không thể tự chủ trong vấn đề tuyển dụng nhân sự ở đại học như các đại học phương Tây.

Có thể lấy chương trình đào tạo ra làm một minh hoạ khác. Ở các đại học nước ngoài, một chương trình đào tạo được thiết kế có sự tham vấn của các hiệp hội chuyên môn (các hiệp hội này độc lập với Nhà nước). Lí do đơn giản là trường đại học đào tạo sinh viên để đáp ứng nhu cầu của kĩ nghệ, nên các course học chuyên môn mang tính ứng dụng cao cần phải có sự tham vấn của giới kĩ nghệ. Còn ở VN hiện nay, các đại học VN muốn xây dựng một chương trình giảng dạy cao học chẳng hạn thì phải có sự phê chuẩn của Bộ GDĐT. Nhưng giả dụ nay thì đại học đã được tự chủ nên đại học có quyền thiết kế chương trình. Tuy nhiên, ở VN vẫn chưa có các hiệp hội chuyên môn đúng nghĩa, nên họ chưa thể đóng vai trò tham vấn chuyên môn. Cho dù có hiệp hội đúng nghĩa thì cũng không thể độc lập với đảng và Nhà nước. Hoặc giới kĩ nghệ chưa có tương tác tốt với đại học thì việc tham vấn về chương trình giảng dạy chưa thể xảy ra một cách thích hợp.

Thật ra, nhiều người ở VN, kể cả trong giới quản lí đại học, nói đến tự trị đại học nhưng rất có thể họ cũng chưa hiểu thấu khái niệm này, và chưa biết được thực hành ra sao hay bao gồm những gì. Ngay cả tôi ở nước ngoài và làm việc trong hệ thống đại học ở đây trên 20 năm, đã và đang ngồi trong hội đồng faculty, mà tôi cũng không hiểu hết tự trị và tự chủ đại học cụ thể bao gồm những gì (bởi tôi đâu phải là hiệu trưởng hay ngồi trong board của đại học). Chẳng ai hiểu khái niệm và không biết nó bao gồm những gì, mà đem “tự trị” vào đại học VN là một việc làm có thể nói là nguy hiểm.

Nhưng cho dù có hiểu tự trị và tự chủ là gì và bao gồm những gì, thì những lí giải trên cho thấy không thể nào “lắp đặt” cái cơ chế đó vào các đại học Việt Nam. Lí do đơn giản là vì khác thể chế. Ở các nước tư bản theo chế độ đa đảng, nhưng đảng không có vai trò lãnh đạo tuyệt đối trong xã hội, và Nhà nước chủ trương không can thiệp sâu vào các hoạt động chuyên môn. Với chủ trương đó và theo thời gian, các nước tư bản đã xây dựng được một “critical mass” về nhân lực và một nền tảng cho các thiết chế xã hội. Và, khi một đại học hình thành, họ có đủ điều kiện để tự trị và tự chủ, mà không cần can thiệp của chính phủ. Còn ở VN, đảng lãnh đạo tuyệt đối và chi phối đến tất cả các hoạt động xã hội, kể cả giáo dục và đào tạo. Do đó, một đại học mới hình thành sẽ không thể nào có sẵn thiết chế tự trị (hay có thì cũng không đúng nghĩa), không thể nào tự chủ vì không có điều kiện và một "pool of critical mass" (hiểu nôm na là nguồn nhân lực và cơ sở vật chất) để lựa chọn. Trong một xã hội như thế thì không thể nào “lắp đặt” các thiết chế của các nước tư bản vào đại học, và dù có gượng ép cài đặt thì cũng không thể thành công. (Ở đây tôi không nói thể chế TBCN sai hay XHCN đúng, mà chỉ nói sự khác biệt để thấy cái khó khăn trong việc chuyển giao những thiết chế của TBCN sang XHCN). Nói ví von một chút là hai cỗ máy khác nhau về thiết kế, thì không thể lấy cơ phận của cỗ máy kia lắp vào cỗ máy nọ. Nói chuyện có lẽ hơi ngoài lề nhưng có liên quan: cầu thủ Lee Nguyen có thể xuất sắc ở Mĩ nhưng khi về VN anh bị cỗ máy trong nước “chặt chém” [chữ của báo chí]. Tương tự, không thể nào lấy cơ chế vận hành của đại học phương Tây áp dụng vào các đại học VN.

10 nhận xét:

  1. Nếu áp dụng cách giáo dục của phương Tây vào nước ta thì chúng ta hãy xem xét cho thật kỹ lưỡng đặc biệt là về vấn đề văn hóa dân tộc, bản sắc dân tộc cần phải được giữ vững, thử nhìn qua là hiểu thôi, ở các trường quốc tế, các em học sinh sinh viên sẽ có cách nghĩ, cách nhìn khác và đôi khi có hơi lệch lạc về văn hóa dân tộc so với các em trường bình thường, do đó khi áp dụng cái gì thì cũng cần phải tính toán để cho nó thật trơn tru

    Trả lờiXóa
  2. Trước tiên phải cái cách và thay đổi nên giáo dục của nước ta đó là vấn đề cần phải làm, nhưng vấn đề khó ở đây là chúng ta nên thay đổi, cải cách như thế nào cho đúng cho phù hợp đó mới chính là điều cần phải bàn, chúng ta không thể bê y nguyên một nền giáo dục khác vào nước ta được, bởi lẽ điều kiện, văn hóa, trình độ nó sẽ có những sai khác do đó cần phải xem xét và chọn lọc

    Trả lờiXóa
  3. Việc thay đổi ngành giáo dục nước ta là việc nên làm vì tình trạng giáo dục nước ta hiện nay có nhiều vấn đề quá bất cập, nhưng vấn đề là thay đổi theo hướng tốt chứ đừng theo đổi rồi làm tùm beng thêm vấn đề nữa, nhất là việc áp dụng các biện pháp giáo dục mới, phải tính đến chuyện văn hóa dân tộc, bản sắc dân tộc, rồi vấn đề đạo đức nữa, nước ta không giống như phương Tây đâu, văn hóa Á đông còn nhiều cái phải nói lắm

    Trả lờiXóa
  4. Áp dụng cách giáo dục phương tây vào nước ta không phải là không được mà cần phải tính toán xem xét và có những thay đổi cho phù hợp, đặc biệt là phải giữ được những nét truyền thồng của dân tộc chứ đừng để bị tây hóa đi và nó cũng phải phù hợp với điều kiện của nước ta, chứ đừng cái kiểu như các trường quốc tế hiện nay, là phải bỏ nhiều tiền vào mới học được, rồi đào tạo ra không đủ kiến thức

    Trả lờiXóa
  5. Không phải cái gì của Phương Tây cũng là tiên tiến. Muốn áp dụng những cái mới thì phải xem xét những hệ lụy tác động của nó. Những cỗ máy đại học ở phương tây được nhận xét là rất tốt nhưng vói điều kiện của Việt Nam thì nó thực sự không tốt. Như tác giả nói, với sự lãnh đạo tuyệt đối và duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với mọi mặt của đất nước thì không thể để giáo dục bị tách rời tự trị được. Bởi Giáo dục rất quan trọng đối với đất nước, là nơi cung cấp nguồn nhân lực tương lai. Nếu để giáo dục tự trị thì loạn mất

    Trả lờiXóa
  6. Đồng ý là nên giáo dục của ta cần phải có một cách đổi mới cho phù hợp với thời đại phát triển, tuy nhiên mỗi một dân tộc có một nên văn hóa riêng, do vậy không thể áp dụng nguyên cỗ máy giáo dục của phương Tây vào Việt Nam được, cần phải nghiên cữu kỹ để áp dụng tùy từng ngành, nghề và điều kiện hiện tại thực tế ở Việt Nam

    Trả lờiXóa
  7. Cảm ơn tâm huyết của tác giả khi đã phân tích để người đọc dễ dàng nhận ra những thứ không phù hợp khi bê nguyên nên giáo dục của một nơi khác đối với Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  8. tôi thấy bây giờ cái nền giáo dục nước nhà đã quá phức tạp rồi, không phải có phải đây là lĩnh vực mang bản chất phức tạp nên mới thế không, những theo tôi thì ngày càng phải đơn giản hóa nó đi, chứ đừng trừu tượng hóa lên như thế, lý luận này lý luận kia làm gì, mục đích là đào tạo ra công dân có ích thì đâu phải lằng nhằng nhiều như thế chứ

    Trả lờiXóa
  9. tôi thấy add ví nền giáo dục áp dụng từ nước ngoài như hình ảnh đem đầu máy xe hơi như Toyota gắn vào vỏ tắc ráng cũng rất ý tứ, tuy nhiên theo tôi thấy việc vận dụng chỗ này chỗ khác không phải cứng nhắc áp dụng toàn bộ, thành công hay không là do con người vận dụng sáng tạo mà thôi, ai bảo học hỏi là đa phần vận dụng, chỉ cần vận dụng cái khung xương thôi còn 80% mình sáng tạo ra thì sao không thể chứ

    Trả lờiXóa
  10. Mỗi đất nước có những con người khác nhau, không thể áp đặt cái này lên cái kia được, trong tất cả mọi lĩnh vực cũng không thể làm thế được huống chi là áp đặt trong nền giáo dục. thiết nghĩ cái gì tiến bộ và phù hợp thì nên học tập và cái gì của ta lỗi thời, lạc hậu, không hiệu quả thì sửa chữa, thay thế

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog