Chia sẻ

Tre Làng

PHẠT NGUỘI: NÊN TẠO MỌI ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO NGƯỜI DÂN CUNG CẤP CLIP

Khoai@

Trước tiên tôi ủng hộ việc CSGT phạt nguội những người và phương tiện vi phạm luật giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Báo Thanh Niên sáng nay có bài "CSGT phạt nguội từ hình ảnh của dân: Nên cho gửi video clip qua mạng !" của tác giả M.Giao. Đây là một đề xuất không tồi nếu không muốn nói là khá tích cực. Nói cho thơm mồm là "xã hội hóa" việc phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật. 

Câu chuyện phạt nguội manh nha từ năm 2015, nóng lên vào những năm 2017 và 2018. Nhiều địa phương đã triển khai, tuy nhiên những hình ảnh và clip sử dụng làm chứng cứ phạt nguội chủ yếu có từ nguồn các camera công cộng của lực lượng công an. Cũng có một vài trường hợp sử dụng hình ảnh clip từ mạng xã hội do người dân đưa lên. Nhưng có rất ít từ nguồn do người dân trực tiếp cung cấp cho cảnh sát giao thông.

Hôm qua, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM thông báo, từ 1/8/2019 đơn vị này sẽ tiếp nhận video clip của người dân ghi hình phương tiện có dấu hiệu vi phạm luật Giao thông đường bộ để xác minh, xử lý. Đây là tín hiệu vui vì từ nay, người dân có thể tham gia quản lý trật tự an toàn giao thông theo cách của mình.

Tôi ủng hộ ý kiến của bạn đọc rằng, với điều kiện hiện nay, người dân không cần thiết phải đến tận Trụ sở phòng CSGT để cung cấp clip mà có thể gửi qua mạng tới trang Web hoặc Fanpage của đơn vị này. Làm như vậy vừa tiếp nhận được nhiều clip và người dân cũng cảm thấy rất thuận tiện khi cung cấp. 

Tôi chưa tìm thấy văn bản nào của Phòng CSGT công an TP HCM bắt buộc người dân phải đến tận Trụ sở của đơn vị này để cung cấp. Vì thế, không nên đặt viết rằng "Rất nhiều BĐ đặt câu hỏi là thời đại công nghệ thông tin rồi, sao phải cứ đến trụ sở CSGT mới nộp video clip được?". Cách viết như vậy có thể gây hiểu nhầm, làm người dân hiểu rằng CSGT gây khó cho dân hoặc CSGT chỉ tiếp nhận thông tin gửi đến phòng mà không xử lý các clip "vãng lai" trên mạng.

Thực tế, khi chưa có thông báo này thì CSGT cũng đã xử phạt, xử lý nhiều trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ thông qua các clip được đăng tải trên mạng xã hội. Đó là những trường hợp mà người dân KHÔNG CUNG CẤP cho CSGT mà chỉ tán phát trên mạng. Nói như vậy để thấy, dù người dân không đến tận Trụ sở thì CSGT TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp nhận xử lý clip qua mạng xã hội.

Hẳn nhiên, clip mà người dân gửi đến CSGT hoặc tán phát trên mạng cũng là cơ sở để phạt nguội ngay cả CSGT nếu anh ta làm sai.

Trước đây, CSGT chưa thể kêu gọi vì nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng mắc về các quy định của Pháp luật. 

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phòng Tuyên truyền và điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết, "Theo quy định pháp luật, các clip do người dân tự quay chưa được coi là bằng chứng, mà chỉ có thể xem là các tài liệu để lực lượng chức năng căn cứ vào đó tiến hành xác minh, xử lý".

Thượng tá Nhật cho hay, Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cho phép lực lượng CSGT sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Các đơn vị này đã được tập huấn về kỹ thuật, nghiệp vụ, cũng như được trang bị đầy đủ các phương tiện theo quy chuẩn, nên việc xác minh tương đối dễ dàng. Trong khi đó, các clip do người dân cung cấp rất đa dạng; nhiều trường hợp không rõ ràng về thời gian, địa điểm, nên để xác minh rất khó khăn. Mặc dù vậy, quan điểm của lãnh đạo Cục CSGT cũng như các địa phương, là luôn hoan nghênh người dân phát hiện, ghi lại các bằng chứng vi phạm gửi đến lực lượng chức năng để xác minh, xử lý. Tuy nhiên, người dân nên quay rõ hình ảnh về địa điểm, thời điểm và phương tiện vi phạm, để việc xác minh của cơ quan chức năng được nhanh chóng, thuận lợi hơn; đồng thời, không lợi dụng việc quay lại hình ảnh người tham gia giao thông vi phạm để phục vụ cho mục đích xấu, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Nói gì thì nói, chuyện vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ đang trở thành vấn nạn mà chỉ có lực lượng CSGT đảm trách là không thể đáp ứng. Bên cạnh việc kêu gọi người dân tham gia giao thông tự giác chấp hành thì việc kêu gọi họ tham gia quản lý là biện pháp hay, trong đó có việc cung cấp các video clip cho CSGT xử lý. Theo tôi, CSGT nên khuyến khích người dân gửi qua mạng tới trang Web hoặc Fanpage của mình, nhưng vẫn cần lưu ý tới những clip mà người dân không gửi tới đơn vị song vẫn được đăng tải trên mạng.

4 nhận xét:

  1. Cảnh sát giao thông luôn tạo điều kiện tốt để người dân có thể cùng giám sát, quản lí việc thực hiện giao thông của tất cả mọi người tham gia, khuyến khích quay rõ ràng địa điểm, biển số để lực lượng cảnh sát thuận tiện làm việc mà thôi. Cứ chưa hiểu rõ đã thắc mắc rồi nói này nói nọ đến chịu luôn

    Trả lờiXóa
  2. Tan nạn giao thông để lại biết bao nhiêu hậu quả đáng tiếc cho người dân vì vậy việc mỗi người dân ta tự nâng cao ý thức, cũng như là tự mình tham gia vào việc giám sát để kịp thời phát hiện ra các trường hợp vi phạm bằng việc quay clip gửi lên các cơ quan chức năng sẽ góp phần tạo giảm thiểu tai nạn giao thông

    Trả lờiXóa
  3. Dù sao thì chuyện vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ đang trở thành vấn nạn mà chỉ có lực lượng CSGT đảm trách là không thể đáp ứng. Bên cạnh việc kêu gọi người dân tham gia giao thông tự giác chấp hành thì việc kêu gọi họ tham gia quản lý là biện pháp hay, trong đó có việc cung cấp các video clip cho CSGT xử lý.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của tác giả; cơ quan chức năng kêu gọi người dân cung cấp các thông tin vụ việc; nhưng cũng phải lưu ý tới những clip người dân không gửi đến nhưng vẫn đưa lên mạng xã hội.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog