Chia sẻ

Tre Làng

Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý tài chính của “ông lớn” ngành Than

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Theo đó, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác tài chính, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tập đoàn này.

Cuộc kiểm toán được tiến hành tại TKV từ ngày 7/9/2022 đến 31/10/2022, cho thấy ngoài việc hoạt động theo điều lệ, quy chế nội bộ, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính-kế toán, đầu tư, mua sắm và quản lý, sử dụng vốn, tiền, tài sản Nhà nước của Công ty mẹ TKV và các đơn vị được kiểm toán còn có những hạn chế, tồn tại nhất định.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác tài chính, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tập đoàn TKV. (Ảnh: Kiểm toán nhà nước)

Đối với nội dung quản lý nợ phải thu, phải trả, kết quả kiểm toán cho thấy, còn tình trạng quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ để phát sinh nợ đọng, nợ phải thu khó đòi phải trích lập dự phòng theo báo cáo của TKV, tổng giá trị nợ phải thu khó đòi tại ngày 31/12/2021 của TKV là 279.157 triệu đồng, trích dự phòng nợ phải thu 238.278 triệu đồng; đối chiếu nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, vẫn còn trường hợp cho khách hàng nợ tiền hàng không đúng quy định theo hợp đồng, dư nợ vượt bảo lãnh thanh toán; chậm hoàn ứng theo quy định của đơn vị. Một số hợp đồng bán than tại Chi nhánh Công ty Kinh doanh than Hải Phòng của Công ty Cổ phần Kinh doanh than miền Bắc - Vinacomin chưa quy định hình thức bảo đảm thực hiện hợp đồng, chưa quy định điều khoản thưởng phạt. Ngoài ra, còn trường hợp có hệ số thanh toán nợ ngắn hạn chưa đảm bảo...

Về quản lý hàng tồn kho, còn có trường hợp chưa yêu cầu đơn vị giám định cung cấp các tài liệu thể hiện số lượng mẫu được lấy, sơ đồ lấy mẫu; chưa thực hiện kiểm định/hiệu chuẩn và đánh giá sai số của thiết bị đo mức tự động tại bể chứa xăng dầu; chưa thực hiện giám định độ ẩm lượng than sau khi nhập về kho, tiềm ẩn rủi ro chất lượng, độ ẩm hàng nhập kho...

Về hiệu quả sử dụng tài sản cố định còn có các trường hợp: Công suất bình quân thực tế hoạt động của một số phân xưởng sàng tuyển thấp hơn so với công suất thiết kế; hiệu suất sử dụng một số đoàn tàu vận chuyển còn thấp, vòng quay chậm; chi phí xây dựng cơ bản dở dang, theo kết quả kiểm toán, ngày 31/12/2021, một số khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang của các dự án dừng/không tiếp tục đầu tư từ nhiều năm trước đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Quản lý doanh thu, thu nhập còn có đơn vị chưa thực hiện kê khai giá bán than theo quy định; một số khách hàng chưa có hồ sơ đủ điều kiện hộ kinh doanh thương mại.

Về quản lý chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh chưa ban hành đầy đủ các định mức kinh tế-kỹ thuật; chưa xây dựng, ban hành tỷ lệ hao hụt đối với công đoạn vận chuyển than theo từng cung độ vận chuyển, loại phương tiện, độ ẩm thực tế áp dụng; chưa cập nhật, xây dựng định mức tiêu hao nhiên liệu trên cơ sở định mức tiêu hao nhiên liệu TKV; định mức năng suất thiết bị, tiêu hao nhiên liệu đối với xe ô tô và máy xúc phục vụ công nghệ chưa gắn với năng suất hoạt động (Tkm/h; tấn/h)...

Đối với việc quản lý các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước, có đơn vị chưa kê khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng biếu tặng; tính thiếu thuế thu nhập cá nhân; chưa loại trừ một số khoản chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; chưa giảm thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ cổ tức; trích Quỹ khoa học và Công nghệ vượt quy định.

Về quản lý đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hóa, sửa chữa tài sản cố định, thuê ngoài cung cấp dịch vụ, qua kiểm toán chọn mẫu một số gói thầu đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hóa, sửa chữa tài sản cố định, thuê ngoài cung cấp dịch vụ tại các đơn vị được kiểm toán cho thấy còn tồn tại trong công tác: Lập, phê duyệt kế hoạch mua sắm; lập, phê duyệt thiết kế và dự toán; lập hồ sơ mời thầu; lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp; ký kết và thực hiện hợp đồng; quản lý chất lượng, tiến độ, nghiệm thu thanh toán.

Trong quản lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn, cuộc kiểm toán cũng chỉ ra, công ty mẹ TKV còn một số khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả như: Đầu tư vào Công ty cổ phần Cromit cổ Định Thanh Hóa, Công ty liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam, Công ty TNHH Vinacomin Lào, Công ty CP sắt Thạch Khê...

Đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý đầu tư xây dựng đối với 06 dự án được kiểm toán, kết quả kiểm toán chỉ ra nhiều kết quả quan trọng ở 6 nội dung công tác: Lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương, dự án đầu tư; công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán; lựa chọn nhà thầu và ký kết thực hiện hợp đồng; quản lý tiến độ; quản lý chất lượng và đánh giá về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đối với 6 dự án.

Khánh An - Trúc Quyên (T/H)

6 nhận xét:

  1. Hoa Co May10:54 6/2/23

    Gần như tất cả các mặt hoạt động của TKV đều có vấn đề, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sau bất cập trong thời gian dài như thế mà vẫn tồn tại, hoạt động được cho đến khi có cơ quan kiểm tra vào làm việc, nếu không có hoạt động thanh, kiểm tra thì còn thất thoát bao nhiêu tiền của đây

    Trả lờiXóa
  2. Đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý đầu tư xây dựng đối với ngành than là điều quan trọng, bởi đây là tài nguyên có giới hạn và trữ lượng nhất định vì vậy không thể sử dạng lãng phí gây thất thoát được, ngành than là ngành quan trọng đối với công nghiệp nước ta

    Trả lờiXóa
  3. Ngành tha nhiều năm trước có giai đoạn báo lỗ liên tục, bây giờ chính phủ quản lý chặt chẽ hơn mới đỡ được chứ, hoạt động của các tập đoàn như than khoáng sản ảnh hưởng tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, nhất là đối với ngành năng lượng, vì vậy phải nhanh chóng giải quyết những bất cập để ngành than hoạt động có hiệu quả

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngành than năm 2022 báo lãi kỷ lục đấy bạn, nếu không có nhiều vấn đề trong công tác nghiệp vụ tài chính, thì có lẽ số tiền lời đã lớn hơn công bố nhiều, riêng việc để khách hàng chiếm dụng vốn của doanh nghiệp quá nhiều, thiếu căn cứ xác đáng đã là không được rồi

      Xóa
  4. cần phải kiểm tra, báo cáo các hoạt động tài chính của TKV. Ta có thể thấy qua bài báo trên, tại TKV vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến nguồn vốn của Nhà nước trong các lĩnh vực như quản lí nợ thu/trả, quản lí hàng tồn kho, quản lí doanh thu, chi phí,....Vậy nên, sự quản lý chặt chẽ hơn các tập đoàn than, khoáng sản bởi các cơ quan có thẩm quyền cũng như chính quyền địa phương là cần thiết để tránh tổn thất đến nguồn tài chính của quốc gia

    Trả lờiXóa
  5. Công nhận rằng những doanh nghiệp, tập đoàn khoáng sản gần đây có rất nhiều biến động, từ đó hiện ra nhiều sai phạm, chủ yếu đến từ các khâu quản lí tài chính cũng như số lượng khoáng sản khai thác, xuất khẩu. Những sai phạm trên vấn đề đó gây ảnh hưởng nặng nề đến ngân sách nhà nước. Vì vậy, đúng là không sai khi nói rằng cần có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên đề phòng những trường hợp gây tổn thất tương tự như vụ ở PVN

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog