Chia sẻ

Tre Làng

BỆNH QUYỀN LỰC HÌNH THỨC

Mới đây, theo khẳng định của lãnh đạo Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Phước, trong kỳ họp sắp tới, "cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương” tỉnh này vẫn chưa tiến hành xem xét bãi nhiệm chức vụ đối với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước – người đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng như đã được nêu ra trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Bản chất của câu chuyện "trên bảo nhưng dưới chưa nghe” đang khiến dư luận đặt vấn đề nhức nhối về căn bệnh quyền lực hình thức trong quá trình thực thi quyền lực của nhân dân qua cơ quan dân cử.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ, ông Trương Tấn Thiệu, với cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước trong quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành đã nhiều lần vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quy chế của Ban Cán sự Đảng và quy định của UBND tỉnh; thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quá trình lãnh đạo, quản lý; ký một số quyết định có nội dung trái quy định của pháp luật, trong đó có một số vụ việc làm thất thu ngân sách, gây hậu quả nghiêm trọng, phải chuyển cho cơ quan pháp luật xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy, sai phạm của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước là rất nghiêm trọng. Vị quan chức đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở một tỉnh trở thành một trong những minh chứng mới nhất cho sự khẳng định thẳng thắn của Đảng trước nhân dân về "một bộ phận không nhỏ” trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên chính là tác nhân xâm hại đến lợi của dân, của nước. Thi hành kỷ cương trong Đảng, Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trương Tấn Thiệu, đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thi hành kỷ luật cảnh cáo về chính quyền và cho thôi chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước. Ngày 23-11-2012, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước cũng đã cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã nộp đơn xin thôi chức vì "lý do sức khỏe”. Nghĩa là vị cán bộ cao cấp nhất của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Bình Phước nay đã hoàn toàn không còn khả năng đảm đương chức vụ vì phải gánh chịu hậu quả bất lợi từ trách nhiệm chính trị trước Đảng, trước nhân dân và vì sức khỏe không đảm bảo công tác.

Thế nhưng, người mắc khuyết điểm, sai phạm nghiêm trọng vẫn tiếp tục có cơ sở đàng hoàng để phải tại vị, và chưa phải chịu trách nhiệm pháp lý dù đã có đơn xin thôi chức. Theo một vị Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước thừa nhận, chương trình kỳ họp đầu tháng 12-2012 của HĐND tỉnh này sẽ không xem xét các hình thức kỷ luật cũng như bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đối với ông Trương Tấn Thiệu. Nghịch lý này xuất phát từ lý do thật đơn giản! Lãnh đạo HĐND tỉnh Bình Phước cho biết, cho đến thời điểm cuối tháng 11-2012, HĐND tỉnh này chưa nhận được bất cứ đơn từ chức nào của ông Trương Tấn Thiệu cũng như các văn bản thông báo, quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm của ông Thiệu. Điều đáng nói là theo luật định, HĐND tỉnh Bình Phước phải là một trong những nơi đầu tiên có trách nhiệm nhận đơn xin thôi chức vụ của Chủ tịch UBND tỉnh này.

Mặc dù ai cũng hiểu việc HĐND tỉnh Bình Phước xem xét, xử lý chức vụ đối với cán bộ sai phạm như ông Trương Tấn Thiệu cho dù mang tính thủ tục, thì danh chính ngôn thuận đó vẫn là thi hành ý chí nguyện vọng của nhân dân qua cơ quan đại diện của dân. Thực tiễn họat động công quyền bất cập trong trường hợp này chẳng khác nào "Trung ương bảo, địa phương không nghe” - như thể vị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước sau khi có nhiều sai phạm lớn vẫn đang "trong sạch, vững mạnh” dưới lăng kính của cơ quan HĐND cùng cấp. Đó là một dẫn chứng sinh động lý giải vì sao nhân dân bức xúc lo lắng về những đảo lộn về kỷ cương phép nước. Bởi, trên thực tế dường như HĐND tỉnh Bình Phước chẳng tạo ra hiệu lực đối với việc ngăn chặn những sai phạm gây thiệt hại thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho đến trước khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc. Để xảy những hậu quả tiêu cực từ sai phạm của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, lãnh đạo HĐND cùng cấp lý giải về sự hạn chế, kém hiệu lực trong họat động giám sát của cơ quan dân cử do không có biện pháp chế tài. Quả thực, theo quy định hiện hành, những thẩm quyền được trao cho HĐND chỉ dừng lại ở mức được "xem xét”, "xét thấy”, " khi cần thiết”. Biện pháp cao nhất mà cơ quan dân cử ở địa phương có thể thực hiện là "bỏ phiếu tín nhiệm” nhưng từ trước đến nay công cụ giám sát này không được thực hiện. Tính chất "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã cuốn theo chủ nghĩa hình thức trong quá trình thực thi qua hình thức dân chủ đại diện là HĐND. Cơ quan dân cử ở địa phương từ lâu vẫn không có "thanh kiếm” hữu hiệu nào để trực tiếp xử lý những tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện nghiêm túc những kiến nghị trong kết luận giám sát của mình. Thực tế đó khiến thiết chế "đại diện cho dân” lắm lúc lắm nơi chỉ khoác lên mình chiếc áo "quyền lực hình thức”.

Câu chuyện bức xúc ở tỉnh Bình Phước không chỉ thể hiện sự bất cập về thực thi trách nhiệm, quyền hạn thực chất của HĐND ở một tỉnh trước đòi hỏi của thực tiễn, mà đó còn là dẫn chứng về căn bệnh quyền lực hình thức trong họat động của các cơ quan dân cử ở địa phương không mấy xa lạ ở nhiều nơi. Bất cập về thực hiện quyền giám sát của cơ quan dân cử ở cơ sở đang là nguyên nhân không nhỏ tạo tiềm ẩn sự tha hóa quyền lực nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của dân, của nước. 

Chu Ninh

2 nhận xét:

  1. Đây là căn bệnh quyền lực hình thức trong họat động của các cơ quan dân cử ở địa phương không mấy xa lạ ở nhiều nơi.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng là căn bệnh kinh niên!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog