Chia sẻ

Tre Làng

LÀM BÓNG ĐÁ KIỂU TRÁI TAY


Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ tiết lộ một thời gian dài LĐBĐ VN tập hợp nhiều người không có chuyên môn…

Đấy là một chia sẻ rất thành thật của vị đứng đầu LĐBĐ VN như ông đã từng rất thành thật về xuất thân của mình từ môn bóng rổ. Ông Hỷ cho biết Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Phạm Ngọc Viễn đã chuyển sang kiêm nhiệm ở VPF nên không còn thời gian cho phần việc chính của mình trong ngôi nhà LĐBĐ VN.

Câu chuyện này không mới vì không phải nó chỉ mới xảy ra sau thất bại của ở AFF Cup 2012. Nó kéo dài suốt gần hai nhiệm kỳ qua với những nhân vật làm trái tay mà nói như cựu Phó Chủ tịch Lê Thế Thọ là ông rất lạ lùng khi một tổ chức xã hội nghề nghiệp như LĐBĐ VN lại tập hợp nhiều người không có nghề.

Riêng về cách nhìn nhận LĐBĐ VN sai lầm vì khuyết người làm chuyên môn như ông Viễn dẫn đến đội tuyển không được tư vấn, hỗ trợ trong quá trình chuẩn bị chỉ là cách nói giảm, nói tránh của ông chủ tịch. Thực chất Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn chỉ mới trở lại LĐBĐ VN hai năm qua, sau khi ông nghỉ chức tổng thư ký vụ bồi thường tiền tỉ cho HLV Letard năm 2004.

Nghĩa là trong hơn bảy năm qua, bộ máy LĐBĐ VN vẫn cứ chạy dưới tay của những người trái nghề và vẫn xin lỗi rồi rút kinh nghiệm. Nó như một điệp khúc nhàm chán mà nói như HLV Lê Thụy Hải là: “Nếu cứ xin lỗi rồi… để đó thì tôi có thể xin lỗi cả đời”.



Chính vì không có nghề nên trách nhiệm của nhiều người từ một nhiệm vụ cụ thể (AFF Cup) chứ đừng nói đến chiến lược (mục tiêu, phương hướng xây dựng nền bóng đá) rất mơ hồ và chỉ cần một đại diện trực tiếp (HLV Phan Thanh Hùng) từ chức là xong.

LĐBĐ VN thừa nhận sai lầm thứ hai của thất bại tại AFF Cup 2012 chính là việc để HLV Phan Thanh Hùng kiêm nhiệm công việc từ CLB Hà Nội T&T lẫn đội tuyển quốc gia. Thế nhưng họ không quên thòng thêm nguyên nhân của chuyện này do không có HLV nào chịu nhận đội tuyển chuyên trách, toàn thời gian.

Đấy cũng là một cách nói tránh của LĐBĐ VN bởi cái việc kiêm nhiệm xuất phát từ thời của HLV Calisto hồi năm 2008 từng bị từ chối vì không ai muốn ông “vừa xay gạo vừa bế em”. Nghĩa là LĐBĐ VN hoàn toàn biết rất rõ HLV kiêm nhiệm là không nên và ngay cả khi chấp nhận HLV Phan Thanh Hùng, rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo nhưng không ai muốn nghe.

Riêng về việc mời HLV không nhận lại là chuyện dài nhiều tập, không phải vì lời mời mà bởi cách mời theo kiểu tung đòn gió rồi nghe ngóng hơn là mời bằng một thái độ trân trọng.

HLV Phan Thanh Hùng đã xin lỗi và xin từ chức là một hành động dũng cảm khi nhìn ra những sai lầm của mình dù ông rất mong muốn có thời gian lẫn sự thanh thản để sửa chữa những sai lầm đó. Vì đấy là lòng tự trọng nghề nghiệp của một người có nghề và đam mê cùng đạt được một số thành công nhất định bằng năng lực của chính mình.

Tiếc là nhiều người đứng sau và đứng trên HLV Phan Thanh Hùng không có suy nghĩ lẫn cách hành xử như cấp dưới sau thất bại ở AFF Cup.
Đỉnh và đáy

Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2008 là đỉnh điểm sau nửa thế kỷ mới có chức vô địch Đông Nam Á. Nó làm cho nhiều người say trên ánh hào quang mà bỏ qua nhìn nhận thực tế đội tuyển may nhiều hơn hay và sống lại từ cõi chết sau pha chuyền bóng thành bàn của Vũ Phong vào lưới Malaysia giúp thầy trò Calisto lấy suất bán kết. Bài học xương máu diễn ra ngay ở kỳ SEA Games 25 năm sau, U-23 Việt Nam gãy trận chung kết và năm sau nữa, tuyển Việt Nam vẫn bị chính đối thủ Malaysia loại ở bán kết khiến ông Calisto phải mất chức.
Cần biết là nhờ cái đỉnh 2008 của đội tuyển Việt Nam đã gia cố cho nhiều chiếc ghế ở LĐBĐ VN thêm một nhiệm kỳ nữa. Chức vô địch dễ dàng làm lẩn khuất đi rất nhiều hạn chế và yếu kém của một tổ chức xã hội nghề nghiệp gồm nhiều cá nhân không có nghề.
Sau cái đỉnh 2008, bộ mặt của bóng đá Việt Nam là đại diện đội tuyển quốc gia xuống sắc thảm hại và minh chứng hùng hồn là cái thua ở hai năm gần nhất. Nguyên nhân gần chính là giới hạn của thầy trò Phan Thanh Hùng đã được chỉ ra thẳng thắn nhưng vấn đề sâu xa nằm ở cấu trúc thượng tầng cần phải cải tổ mạnh mẽ mới hy vọng bóng đá Việt Nam thoát khỏi cái đáy sâu thăm thẳm.
ĐĂNG HUY
CÔNG TUẤN

1 nhận xét:

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog