Chia sẻ

Tre Làng

SỞ TOÀN SẾP

Có lần, khi được hỏi về con số 6 vị phó giám đốc, Giám đốc Sở VHTT và DL Hà Nội nói báo chí nên tìm hiểu các vấn đề “lớn”, không nên viết về vấn đề này, vì nó là “vấn đề nhỏ”.

6 vị PGĐ thì đúng là nhỏ thật, nhỏ so với cái hồi sở này có tới 10 vị PGĐ.

Hà Nội có thể là một cá biệt, bởi chính Bí thư Thành ủy vừa tháng trước lý giải “quá trình hợp nhất với tỉnh Hà Tây cũ còn đang trong thời kỳ quá độ”. Vấn đề chỉ là cách giải thích của vị Giám đốc Sở khi ông nhắc đến thực tế nhiều bộ hiện nay cũng có số Thứ trưởng lên đến “con số 8”.

Nhớ có lần ĐB Nguyễn Bá Thuyền chất vấn Bộ Nội vụ: “Hiện có nhiều bộ có từ 6 – 8 thứ trưởng, bộ máy phình to trong khi quy định chỉ có 4 thứ trưởng?”. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình “thống nhất ý kiến với ĐB là nhiều bộ còn nhiều thứ trưởng”. Và: “Chúng tôi sẽ xin ý kiến Chính phủ để quy định lại về vấn đề này, chỉ mở ở chừng mực nào đó thôi” – Ông hứa.

Vài tháng sau đó, Bộ Nông nghiệp được tăng thêm 1 vị thứ trưởng. Vị thứ trưởng thứ 7.

Đấy, nghị định 178 quy định mỗi bộ chỉ có 4 thứ trưởng, thực tế thì đang cho thấy quy định là quy định, thực tế là thực tế.

Nhưng đến hôm qua, khi câu chuyện “3 sếp chỉ đạo một nhân viên” ở Nghệ An được đưa lên báo, thì dường như, Hà Nội không phải là cá biệt nữa. Và câu chuyện cũng khó có thể nói là nhỏ.

Con số được đưa ra bởi chính Sở Nội vụ, trong khi đó, thật hài hước, chính tại Sở nội vụ Nghệ An, trong số 31 biên chế nhưng đã có tới 19 lãnh đạo gồm 1 giám đốc, 4 phó giám đốc và các trưởng, phó phòng. Phòng Công chức viên chức của Sở có 4 biên chế thì có tới 3 lãnh đạo gồm 1 trưởng phòng, 2 phó phòng, và chỉ có 1 nhân viên. Nhưng hài hước nhất là ở Nghệ An, có nơi chỉ có quan không có quân, chỉ có thầy, không có thợ, như “tình hình dân số” ở phòng Tài chính kế toán UBND huyện Anh: 4 biên chế. Tất cả đều là “sếp”, gồm: 1 trưởng phòng và 3 phó phòng.

Thật khó có thể bình luận hơn nhận định “dân gian”: “Chuyện chỉ có ở Việt Nam”. Đúng là “Nhân lực thì thiếu, nhân sự thì thừa”. Cũng thật khó tưởng tượng việc làm nhân viên trong những “Sở toàn sếp” như này thì khổ thế nào.

2,4 triệu công chức hưởng lương đã là một gánh nặng. 30% chỉ chờ lĩnh lương đã là một sự bất công. Và bây giờ là một sự khôi hài với tình trạng, hoàn toàn không cá biệt: “Cấp phó đông như quân Nguyên”, thậm chí “toàn sếp”.

Hôm qua, một hội thảo về việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu do Bộ Lao động- Thương binh và xã hội tổ chức. Nhiều ý kiến rằng: Đối với “Đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu là người làm công tác quản lý, nên thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ có hệ số lãnh đạo từ 0,7 trở lên thay vì phương án 0,9 hoặc 1,3”.

Không nói cũng biết người phát biểu là ai. Không nói cũng biết ai là người thích tăng tuổi về hưu nhất, Không nói cũng biết kéo dài tuổi hưu thì ai là người được lợi.

Khi được hỏi về câu chuyện “cấp phó đông như quân Nguyên”, một đại diện Bộ Nội Vụ nói nên “thông cảm” cho Hà Nội.

Nhẽ nào nhân viên, nhẽ nào những người đóng thuế nuôi “thông cảm” lại không đáng được thông cảm?!

1 nhận xét:

  1. Đen Đủi22:52 2/2/13

    Một cơ quan có đến hàng chục vị "sếp " là chuyện bình thường.Một ông trưởng còn lại thì thi nhau làm phó.làm phó chắc chắn là đc lợi hơn nhiều rồi nên ai chẳng muốn,nhưng liệu các ông phó đó đã làm việc tốt bằng 1 nhân viên quèn

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog