Chia sẻ

Tre Làng

ĐÚNG LÀ RÁCH VIỆC

Việc viết lại sách giáo khoa phổ thông hãy để cho các nhà giáo dục lo liệu, kẻ ngoại đạo chớ có can thiệp vào! Rách việc lắm!

Bùi Đức (NLM số 239)

Cách đây 1 năm, dư luận rộ lên những ý kiến lo lắng đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc dự chi 70.000 tỉ đồng để viết sách giáo khoa mới. Sau cuộc hội thảo “Trí thức thủ đô với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam” thì dư luận đã tạm thời lắng xuống. Bởi tại cuộc hội thảo này, các giáo sư đầu ngành, những người tâm huyết với giáo dục đã phân tích thực trạng, đề xuất phương án, hướng đi phù hợp cho ngành giáo dục hiện nay. Và đề xuất viết sách giáo khoa cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp mà hầu hết đều khẳng định: “Không cần đến 70.000 tỉ đồng để viết sách giáo khoa mới!”.

Theo lộ trình được đề xuất thì năm 2015 mới bàn tiếp về đổi mới giáo dục phổ thông và làm thí điểm, rồi sau đó mới viết lại sách giáo khoa. Thế nhưng, cách đây mấy ngày, trên kênh truyền hình VTV lại có hai vị khách mời say sưa bàn về vấn đề này. Nói lại chuyện cũ đã là việc không cần thiết lúc này nhưng những giải pháp mà các vị đưa ra lại đáng phải xem xét lại bởi nó rất lạ đời. Một vị là giáo sư có tên tuổi nhưng không phải chuyên gia về lĩnh vực làm sách giáo khoa; vị khách thứ hai là đạo diễn điện ảnh Lê Hoàng. Chủ thể để bàn về viết sách giáo khoa mà lại là người ngoại đạo thì làm sao ý kiến có tính khả thi bằng các chuyên gia suốt đời cống hiến cho công việc đó. Vậy hai vị đã nói những gì?


Sau nửa giờ đồng hồ “diễn” trên sóng truyền hình, vị giáo sư và nhà đạo diễn điện ảnh nêu ra nhiều ý kiến xung quanh việc đổi mới sách giáo khoa. Nhưng có một ý kiến rất mới lạ là hãy để cho mọi người đều tham gia vào việc viết sách giáo khoa rồi sau đó chọn lọc, thử nghiệm để đưa vào chương trình giảng dạy chính thức! Một sáng kiến gây sốc cho những người làm giáo dục. Ngay sau khi xem chương trình này, PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Phó giám đốc Trường ĐH Quốc gia Hà Nội đã nói: “Tại sao việc viết sách giáo khoa mà lại để cho mọi người cùng tham gia được. Tôi thấy lạ và thực sự ngạc nhiên với ý kiến của hai vị đó”.

Quả thật, chỉ nghe giới thiệu danh tính của hai vị khách mời này thì những người không công tác trong ngành giáo dục cũng đã thấy cuộc trao đổi, hiến kế không có tính thuyết phục rồi. Huống chi những chuyên gia trong ngành chả bức xúc! Vị giáo sư chỉ chuyên giảng dạy theo giáo trình và chương trình đã được quy định chứ không phải chuyên gia viết sách.

Còn đạo diễn điện ảnh Lê Hoàng thì chỉ nổi tiếng ở lĩnh vực đạo diễn phim, tên tuổi của ông gắn liền với nhiều bộ phim được giải thưởng. Nhưng vài năm gần đây, Lê Hoàng đã lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác chẳng có liên quan gì đến công việc chuyên môn của mình. Ông tham gia ban giám khảo các cuộc thi khiêu vũ, thi giọng hát hay và tại các sự kiện ấy, ông cũng nhiều lần bị khán giả và thí sinh phê phán bởi trình độ chuyên môn. Hiện nay ông còn tham gia dẫn chương trình “Chuyện đêm muộn” trên VTV3, chuyên nói về tình yêu, tình dục. Có hôm, ông quên vai trò của người dẫn chương trình nên nói nhiều hơn cả người được phỏng vấn. Do ông không chuyên sâu những lĩnh vực này nên nhiều chương trình rất tẻ nhạt, tầm phào. Thế mà giờ đây, ông lại tham gia ý kiến cho việc viết sách giáo khoa nữa. Những người tổ chức sự kiện và chương trình giải trí không tìm đâu ra người khác hay sao mà chỗ nào cũng thấy Lê Hoàng xuất hiện? Chẳng lẽ nhà đạo diễn điện ảnh này đa tài đến thế?

Trở lại vấn đề viết sách giáo khoa phổ thông, chúng ta hãy xem các nhà giáo và các chuyên gia bậc lão làng trong nghề nói gì. GS Nguyễn Lân Dũng (Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn khoa học - giáo dục, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) nêu ý kiến: “Việc in sách giáo khoa nên để cho từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản làm. Còn việc lựa chọn bộ sách nào để giảng dạy, để học là tùy thầy cô và học sinh. Chỉ có cạnh tranh khoa học, lành mạnh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt. Nên dựa vào các hội khoa học chuyên ngành để lựa chọn những chuyên gia giỏi, kết hợp với thầy cô giáo có kinh nghiệm lâu năm, biên soạn ngay một chương trình mới. Bộ GD&ĐT chỉ cần xin chương trình phổ thông của những nước đáng học hỏi để tham khảo kinh nghiệm... Chương trình sau khi biên soạn xong thì đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trước khi thông qua hội đồng quốc gia đầy đủ tín nhiệm. Bộ sách nào hay sẽ được tái bản nhiều lần và ngược lại. Tôi mong việc này có thể làm ngay mà không cần phải chờ đến năm 2015”.

Hơn 40 năm làm nghề dạy học, Nhà giáo nhân dân Khổng Doãn Điền cho rằng, không nên coi sách giáo khoa là trọng tâm của đổi mới giáo dục và càng không thể đồng tình với dự án đổi mới sách giáo khoa với số tiền 70.000 tỉ đồng, trong khi đất nước chúng ta còn nhiều khó khăn mà Đảng và Nhà nước cũng đã dành cho giáo dục nhiều ưu ái. Số tiền dự định làm sách giáo khoa nên dành để đầu tư trường, lớp và cho vùng sâu, miền núi. Tôi đã nhiều lần chứng kiến sự gian khổ của các thầy cô giáo miền xuôi lên cắm bản, cần phải dành cho họ sự ưu tiên nhất định, nếu không làm được việc đó thì chưa thể đổi mới.

Là một trong những người đầu tiên tham gia viết sách giáo khoa từ năm 1956, Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu cho biết: “Lúc bấy giờ, sách giáo khoa thường có ít nhất 2 người biên soạn, khi cần có thể mời thêm một số giáo viên giỏi tham gia. Chúng tôi cũng tham khảo thêm chương trình của một số nước. Sau đó cử một số tổ trưởng các môn dạy thí điểm tại các trường. Nhờ đó mà kịp thời chỉnh lý nội dung kiến thức, phương pháp trình bày sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, gắn với thực tiễn và vận dụng tốt.

Bây giờ sách giáo khoa phải cùng lúc biên soạn chương trình mới ở tất cả các môn từ lớp 1 đến lớp 10 và viết sách tập trung, không làm kiểu cuốn chiếu hoặc chia giai đoạn. Trong quá trình viết, phải luôn trao đổi với nhau giữa các môn, các cấp, kể cả giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Cần phải huy động một đội ngũ cán bộ, giáo viên thực sự giỏi chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm sư phạm để viết sách giáo khoa, tránh để sai kiến thức, đưa vào những nội dung rườm rà, vô bổ, không thiết thực, mâu thuẫn, diễn đạt khó hiểu như sách giáo khoa hiện hành”.

Chỉ qua mấy ý kiến đóng góp trên đây, chúng ta cũng thấy rõ 2 điều: một là việc viết sách giáo khoa phải giao cho những chuyên gia và giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm trong ngành giáo dục; hai là không cần thiết phải chi 70.000 tỉ đồng như đề án của Bộ GD&ĐT.

Từ xưa, các cụ ta đã có câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Làm việc gì phải hiểu rất rõ về việc đó, phải tinh thông nghiệp vụ thì mới bảo đảm chất lượng công việc, nghĩa là phải có nghề. Một người không thể giỏi nghề này lại nhảy sang làm ngay nghề khác mà không được học hành, không có thâm niên tích lũy kinh nghiệm. Cũng không có ai lại hiểu biết và giỏi nhiều nghề. Câu ví “một nghề thì sống, đống nghề thì chết” là nói về những người tham lam, ôm đồm, việc gì cũng làm và không thành công ở lĩnh vực nào cả. Thực tế cho thấy, đã có nhiều cán bộ được xếp nhầm vị trí, không phát huy được sở trường nên liên tiếp thất bại trong thừa hành công vụ. Họ càng tích cực làm thì càng hỏng việc nặng. Những người dốt nát mà được giao làm những việc quan trọng nữa thì trở thành kẻ phá hoại. Lê-nin đã đúc kết: “Nhiệt tình cộng với ngu dốt trở thành sức mạnh phá hoại” là thế.

Cho nên, việc viết lại sách giáo khoa phổ thông hãy để cho các nhà giáo dục lo liệu, kẻ ngoại đạo chớ có can thiệp vào! Rách việc lắm!

16 nhận xét:

  1. Việc này đã được GS Nguyễn Lân Dũng nói nhiều, đề đạt nhiều rồi nhưng vẫn chưa được thực hiện, nói thật chỉ là một người bình thường nhưng việc cứ phải thay đổi chương trình giáo dục liên tục cũng thấy mệt mỏi mà cuối cùng chương trình vẫn bị chê là nặng, không trọng tâm thiếu tính định hướng rồi đủ thứ. Viết sách là công việc phải có tính chuyên môn cao nên cứ giao cho mấy thầy, mấy cô tâm huyết, chuyên môn giỏi, khả năng sư phạm tốt là được. Còn mấy ông ngoại đạo có hiểu gì đâu nhưng cứ nói linh tinh lại gây thêm bức xúc, người ta đã bảo rồi biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết đã nói đúng. Những kẻ ngoại đạo cũng đòi tham gia vào thì làm sao mà thành công được. Viết sách giáo khoa là đang viết những kiến thức cơ bản và nền tảng để giáo dục cho thế hệ tương lai của đất nước chứ đâu phải như chuyện làm một bộ phim đâu mà ai muốn viết cũng được đâu. Thế mà lại có cả các nhạc sĩ với đạo diễn phim ảnh tham gia để làm việc cùng, tham gia góp ý. Thật là chỉ có ở Việt Nam chúng ta mà thôi. Theo tôi thì tôi đồng ý với việc đổi mới giáo dục không chỉ xuất phát và xem trọng đổi mới sách giáo khoa mà phải coi trọng đầu tư cho nhiều mảng khác nữa. Chẳng hạn như tăng lương giáo viên và hỗ trợ cho các trẻ em vùng sâu vùng xa...Phải tạo điều kiện cho các vùng còn khó khăn của đất nước nữa chứ đâu có thể lấy giáo dục thành phố làm chuẩn được.

    Trả lờiXóa
  3. 70000 tỉ đồng để đổi mới sách giáo khoa, có thật sự cần đến con số lớn như vậy không? Mình không nghĩ rằng để sửa đổi sách giáo khoa lại tốn đến 70000 tỉ đồng. Đầu tư cho giáo dục là đương nhiên nhưng đầu tư cần ở mức hợp lý. Vả lại việc viết sách đâu yêu cầu quá nhiều những người không liên quan, góp ý thì được nhưng cùng viết sách thì không

    Trả lờiXóa
  4. Đúng là cái việc giáo dục ở xứ ta còn quá là bất cập, chất lượng giáo dục có đi lên đâu. Cải cách giáo dục thì vẫn hô hào đấy nhưng tất cả vẫn chỉ là cái điệp khúc dậm chân tại chỗ chứ không hơn tí nào cả. Qua bài viết này mới thấy ra được một cái trò hề nữa là mời chuyên gia về giáo dục để góp ý về đổi mới sách giáo khoa mà lại mời một đạo diễn phim thì có lẽ nền giáo dục nước ta khó mà tiến xa được. Giáo dục ngày hôm nay chính là đang đầu tư cho tương lai của đất nước chứ chẳng phải là chuyện đùa mà các vị lại làm như vậy. Nếu cứ như thế này thì hội thảo cứ diễn ra và phong bì vẫn cứ nhận nhưng chất lượng giáo dục thì sẽ là sống chết mặc bay mà thôi. Để lấy ý kiến thì cần lấy ý kiến của những người có tâm huyết với nền giáo dục và lấy ý kiến của những người có thâm niên công tác lâu năm trong ngành giáo dục chứ đâu có thế lấy ý kiến bừa bãi như vậy được.

    Trả lờiXóa
  5. Nếu đó là chương trình có kịch bản, có bố trí câu hỏi và câu trả lời thì không chắc đấy là ý kiến cá nhân của họ, mà đã được sắp xếp rồi. Còn là chương trình nói chuyện, hỏi ý kiến của hai vị đó xem ra không hợp lý. Những người nghiên cứu kỹ lưỡng còn chưa đưa ra được ý kiến cụ thể thì sao hai vị không liên quan đến công việc đó có thể có ý kiến chuẩn xác được.

    Trả lờiXóa
  6. Ai có khả năng thì mới viết được sách chứ, vả lại việc thẩm định một cuốn sách có phù hợp hay không và có thể sử dụng là cả một vấn đề. Mỗi người mỗi nghề, có năng lực phù hợp thì mới làm việc có hiệu quả được, bây giờ bảo một người làm điện ảnh sang viết sách thì viết được sách gì? ai thèm đọc? và chưa chắc đã được chấp nhận ấy chứ. Vì vậy ai được phân công nghề gì thì cứ làm tốt công việc của mình đã, lấn sân sang lĩnh vực hoàn toàn khác làm gì.

    Trả lờiXóa
  7. Số tiền dự định làm sách giáo khoa nên dành để đầu tư trường, lớp và cho vùng sâu, miền núi. tôi đồng ý với quan điểm này của Nhà giáo nhân dân Khổng Doãn Điền, bởi vì bây giờ nước ta đang còn quá nhiều điều bất cập, mà 1 trong số đó là trường lớp cho trẻ em dân tộc vùng cao.

    Trả lờiXóa
  8. viết lại sách với số tiền 70.000 tỷ đồng một lần viết sách liệu có cần thiết trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái và còn nhiều việc cần dùng đến tiền hơn là việc viết sách,bộ giáo dục việt nam măm nào cũng là những bất cập từ chạy thành tích đến đề ra như thế nào.bây giờ sách giáo khoa mới mấy năm gần đây cũng vừa mới thay giờ lại thay nữa thì có hợp lý không,chúng ta nên suy xét kĩ càng

    Trả lờiXóa
  9. Mọi người có nhìn thấy nên giáo dục của nước ta bây giờ đang đào tạo ra những thứ gì không, giết người, cướp của, con gái thì đang học cứ mang thai ầm ầm, học sinh toàn lũ rác rưởi, xé cả lịch sử dân tộc, rồi sinh viên thì không chịu học hành gì cả, suốt ngày chơi bời, cờ bạc rượu ché.

    Trả lờiXóa
  10. năm tôi học lớp 6 là bắt đầu học sách cải cách,sách mới, đến nay đã cả chục nắm rồi, nhưng nhìn lại kết quả của nó xem, nó chẳng mang lại gì cả, ngoài sự suy đồi về văn hóa, đạo đức của thế hệ 9x bấy giờ, thế nên, thiết nghĩ cải cách giáo dục mà trước hết là cải cách sách giáo khoa là vấn đề vô cùng cấp bách hiện nay.

    Trả lờiXóa
  11. Làm việc gì phải hiểu rất rõ về việc đó, phải tinh thông nghiệp vụ thì mới bảo đảm chất lượng công việc, nghĩa là phải có nghề. Một người không thể giỏi nghề này lại nhảy sang làm ngay nghề khác mà không được học hành, không có thâm niên tích lũy kinh nghiệm. vì thế mà người ta mới phân chia nghành nghề của mỗi người là khác nhau đừng có chõ vào chuyện của người khác. Rách việc.

    Trả lờiXóa
  12. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tuy không phải là người viết sách nhưng kinh nghiệm thực tế của ông khá nhiều và ông cũng là người có tâm huyết những đóng góp của ông cũng đáng lưu tâm đó chứ, còn về đạo diễn Lê Hoàng thì đúng là không phải chuyên môn về giáo dục mà lại bàn về viết sách thì không hợp lý chút nào cả

    Trả lờiXóa
  13. Đổi mới sách giáo khoa là điều hợp lý nhưng kinh phí như vậy liệu có thực sự cần thiết ngay bây giờ không, khi mà sách đổi mới xong nhưng những vùng khó khăn thì học sinh vẫn phải học trong nhà tranh vách nứa, đi học thì đu dây đi học, bộ sách hiện tại bây giờ cũng không đến mức là kém hiệu quả, cái gì cần đầu tư ngay thì nên đầu tư để mang lại hiệu quả cao hơn đó mới là điều hợp lý

    Trả lờiXóa
  14. Điểu buồn cười nhất là những người không trong giáo dục cũng nhảy vào góp ý kiến. Nếu cứ dân chủ kiểu đẽo cày giữa đường thế này thì giáo dục chúng ta còn lâu mới phát triển. Tôi nghĩ cần đồng bộ hóa giữa phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất và sách giáo khoa. Chúng ta mất quá nhiều tiền cho sách giáo khoa và dụng cụ học tập như thực sự chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Hơn nữa sánh nên để giáo viên các cấp viết, sau đó hội đồng duyệt. Mấy ông ngồi trên bộ chỉ ba hoa chứ không thực tế.

    Trả lờiXóa
  15. Việc cải cách giáo dục là việc làm cần thiết, mang tính nóng bỏng của xã hội, song để đem lại hiệu quả thì cần được thống nhất giữa tư tưởng cải cách mà những vị giáo sư tham gia cải cách, không phải cứ nhiều cái đầu viết một cuốn sách sẽ hay, mà người biết cần nắm chắc tư tưởng chủ đạo trong cải cách viết sách mới.

    Trả lờiXóa
  16. Không phải chuyên môn của mình thì không nên nhúng tay vào đặc biệt là những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao như giáo dục nói chung hay viết sách, biên soạn sách cũng vậy hãy để những người có trình độ chuyên môn giải quyết. Việc viết lại sách giáo khoa thiết nghĩ là một việc cần thiết cần thay đổi theo hướng tích cực để giáo dục hiệu quả hơn. Theo quan điểm của cá nhân tôi là nên giảm tải một chút và theo hướng để học sinh phát huy sự sáng tạo của mình nhiều hơn.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog