Chia sẻ

Tre Làng

BÁO DÂN TRÍ KÍCH ĐỘNG DƯ LUẬN, XÂM PHẠM QUYỀN LỢI CỦA NẠN NHÂN

Bài trên Google.Tienlang: Theo yêu cầu của bạn đọc, Google.tienlang xin đăng tấm hình xinh đẹp của bạn gái Nguyễn Thị Giang:

Nguyễn Thị Giang đã xinh đẹp trở lại - Ảnh do PV Báo Tiền phong chụp tháng 7/2012

Chúng tôi chúc bạn thêm nghị lực vươn tới cuộc sống tươi đẹp ở phía trước!
********* 
Do có đơn của người bị hại rút yêu cầu truy tố, TAND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa ra quyết định đình chỉ vụ án "thiếu nữ bị xăm hình quái vật", đình chỉ tố tụng đối với các bị can Nguyễn Thị Anh (tên còn gọi Trâm Anh, 35 tuổi, ngụ P.Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) và Nguyễn Thị Hương (22 tuổi, nhân viên của Trâm Anh) về các hành vi “Cố ý gây thương tích” và “Làm nhục người khác”. Sau khi hay tin này, Báo Dân Trí liên tục đăng bài tung tin dường như có uẩn khúc gì đó, có sự vi phạm pháp luật nào đó ở vụ án. Ngày hôm nay, báo Dân Trí vừa công khai chỉ trích trong bài Vụ cô gái bị xăm “quái vật”: “Đa kim ngân phá luật lệ”?

Phải chăng với việc đăng bài như vậy, báo Dân Trí đang muốn kích động dư luận, dùng dư luận để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan mà trước hết là của nạn nhân? Đồng thời, với việc tung tin thiếu trách nhiệm như vậy, báo Dân Trí đang vu khống Tòa án TP Vũng Tàu có tình trạng “Đa kim ngân phá luật lệ”?

Tại bài “Cô gái bị xăm "quái vật" lên mặt và ngực được bồi thường 400 triệu đồng” báo Dân Trí không quên kể công: “Tại thời điểm đó, PV Dân trí đã liên hệ với một đơn vị y tế ở Hà Nội để nhận chữa trị miễn phí giúp em N.T.G, đồng thời báo Dân trí đề nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương vào cuộc điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can để làm sáng tỏ vụ việc chấn động dư luận này.” Thông thường, đã gọi là làm việc thiện, người có tâm sẽ không bảo giờ kể lể. Phải chăng ở đây, Báo Dân Trí muốn kể lể để nạn nhân phải hàm ơn, phải bị khống chế, bắt buộc phải hy sinh quyền tự quyết của mình để làm theo ý muốn của báo?

Cũng tại bài báo này, Báo Dân Trí trích đăng lời của luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội):

“Theo luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), cho hay: Dù nguyên đơn là N.T.G có rút đơn kiện nhưng hành vi phạm tội của Trâm Anh, Thị Hương rõ ràng, gây xôn xao dư luận thì vẫn phải khởi tố, xét xử để răn đe, phòng ngừa. Việc bồi thường chỉ là yếu tố giảm trừ, là tình tiết giảm nhẹ trong quá trình xét xử. Chính vì vậy, đề nghị TANDTC, VKSNDTC, TAND và VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần khẩn trương vào cuộc xem xét làm rõ những điều "bất thường" khi đình chỉ vụ án từng chấn động dư luận cả nước này.”

Nếu là luật sư thì buộc phải am hiểu tường tận pháp luật. Nhưng có lẽ ông Trương Anh Tú còn trẻ, thiếu am hiểu pháp luật nên mới đưa ra cái nhận định trái pháp luật, xâm phạm thô bạo quyền và lợi ích của nạn nhân đến như vậy. 

LS Trương Anh Tú trẻ người nên có thể còn non trình độ pháp luật?
Theo Cáo trạng của Viện KSND TP Vũng Tàu, các bị cáo Nguyễn Thị Anh (tên còn gọi Trâm Anh, 35 tuổi, ngụ P.Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) và Nguyễn Thị Hương (22 tuổi, nhân viên của Trâm Anh) bị truy tố về tội “Làm nhục người khác” tại khoản 1 điều 121 Bộ luật hình sự và tội “cố ý gây thương tích” tại khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự. 

Về góc độ pháp luật, theo quy định tại Điều 105, Bộ luật tố tụng hình sự quy định những trường hợp khởi tố theo yêu cầu người bị hại bao gồm: “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Trong vụ án này, Nguyễn Thị Anh và Nguyễn Thị Hương bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 1 Điều 104 và tội “Làm nhục người khác” theo Khoản 1 Điều 121 BLHS. Đây là hai tội chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Do đó người bị hại hoàn toàn có quyền yêu cầu hoặc rút đơn yêu cầu. Trong trường hợp người bị hại rút đơn trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì Tòa án bắt buộc phải đình chỉ vụ án trừ trường hợp Tòa án TP Vũng Tàu có căn cứ chứng minh rằng việc người bị hại rút đơn là do bị ép buộc, cưỡng bức. Theo quy định của pháp luật thì trong trường hợp này không đặt ra vấn đề tiền bạc, không có quy định việc bị cáo phải bồi thường cho nạn nhân. Bị cáo có thể bồi thường 400 triệu, 4 tỷ hay chỉ 4 ngàn đồng, thậm chí không có đồng nào chăng nữa thì đó là chuyện riêng của 2 người. Miễn sao người bị hại có đơn rút yêu cầu truy tố. Nạn nhân- người bị hại trong vụ này là người đã thành niên và hoàn toàn không phải là “người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Do vậy, không một tòa án nào có quyền bất chấp pháp luật để xâm phạm quyền tự quyết của người bị hại như “quan điểm chỉ đạo” của ông LS Trương Anh Tú: “Dù nguyên đơn là N.T.G có rút đơn kiện nhưng hành vi phạm tội của Trâm Anh, Thị Hương rõ ràng, gây xôn xao dư luận thì vẫn phải khởi tố, xét xử để răn đe, phòng ngừa.”

Như trên chúng tôi đã nói, ông Trương Anh Tú có thể vì còn trẻ người, non trình độ pháp luật nên không thể hiểu bản chất sâu xa của các quy định về “Khởi tố theo yêu cầu của người bị hại” trong tố tụng hình sự.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, một số tội phạm ít nghiêm trọng, liên quan đến hành vi xâm hại sức khoẻ, nhân phẩm hoặc một số quyền khác của người bị hại (cố ý gây thương tích, hiếp dâm, vu khống, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...), các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại. Nếu không có yêu cầu của người bị hại thì không cơ quan tiến hành tố tụng nào có quyền khởi tố vụ án hình sự. Và nếu đã có đơn yêu cầu khởi tố và vụ án đã được khởi tố thì vụ án lập tức bị đình chỉ ở bất cứ giai đoạn nào cho đến trước ngày mở phiên tòa nếu có đơn rút yêu cầu truy tố của người bị hại. 

Thực tế cho thấy quy định này có nhiều tác dụng tốt trong việc khắc phục hậu quả cho người bị hại. Chẳng hạn với tội phạm “cố ý gây thương tích”, nhiều trường hợp người có hành vi trái pháp luật đã nhận thức được sai phạm, đã xin lỗi - bồi thường thoả đáng cho người bị hại, nhờ đó họ được người bị hại rút đơn tố cáo. Khi các đương sự hoà giải được với nhau, điều đó cho phép nhận định mối thù oán tiềm ẩn những nguy cơ khó lường cũng đã được loại bỏ. Việc khởi tố hành vi hiếp dâm đôi khi lại gây bất lợi cho chính người bị hại, hậu quả có thể rất nặng nề. Người phụ nữ là bị hại của vụ án hiếp dâm có thể không lấy được chồng và còn phải chịu điều tiếng suốt cả cuộc đời. Quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại trong trường hợp này nhằm bảo vệ chính quyền lợi của người bị hại.

Ở vụ án mà chúng ta đang bàn, theo như thông tin từ chính báo Dân Trí thì các nhà hảo tâm ở Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc tại Hà Nội đã “tận tâm, tận sức quyên góp tiền bạc, sức lực giúp đỡ cô gái một phần để cô gái có đủ chi phí “tái tạo” lại vẻ đẹp của mình”.

Vậy là đủ. Hy vọng bạn trẻ N.T.G hãy gắng sức quên đi quá khứ đau buồn để thêm nghị lực vươn tới cuộc sống tốt đẹp ở phía trước. Đề nghị Báo Dân Trí hãy tôn trọng luật pháp và hãy nghĩ đến quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân để chấm dứt chuyện đay đi, nhấn lại vụ án.

Lê Hương Lan

----

Trích Bộ luật Hình sự:

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Điều 121 Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
Phạm tội nhiều lần;
Đối với nhiều người;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
Đối với người thi hành công vụ;
Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.

Trích Bộ luật Tố tụng hình sự:

Điều 105. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại

1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.
Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.


============
Mời xem nguyên văn bài trên báo Dân Trí ngày 21/4/2013:

Thiếu nữ bị xăm "quái vật" lên mặt và ngực được bồi thường 400 triệu đồng(Dân trí) – Làm nhục, gây thương tích đến 28% khi xăm hình 3 con rết lên ngực, mặt nhân viên để hả cơn ghen nhưng khi bị can đền bù 400 triệu đồng thì vụ án được đình chỉ. Thông tin này đã gây "sốc" dư luận cả nước.

Nhiều người không khỏi kinh hãi khi thấy những vết xăm hình con rết trên khuôn mặt trắng trẻo và ngực của N.T.G
TAND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với các bị can Nguyễn Thị Anh (tên còn gọi Trâm Anh, 35 tuổi, ngụ P.Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) và Nguyễn Thị Hương (22 tuổi, nhân viên của Trâm Anh) về các hành vi: “Cố ý gây thương tích” và “Làm nhục người khác”.

Lý do vụ án được đình chỉ là phía các bị can Trâm Anh, Thị Hương đã đền bù cho bị hại là chị N.T.G (quê Nghệ An, nhân viên của Trâm Anh) số tiền 400 triệu đồng nên phía bị hại cũng đã có đơn bãi nại và rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự này. Trao đổi qua điện thoại với PV Dân trí, người thân của bị hại N.T.G cho biết đã rút yêu cầu khởi tố hình sự vụ án này vì phía các bị can đã thỏa thuận đền bù cho G.

Hình xăm rết đỏ hỏn, lồi lõm trên ngực G khi chưa được điều trị
Theo hồ sơ vụ án, Trâm Anh có cửa hàng bán tạp hóa, bán card, sim điện thoại và tiệm cà phê nên cần người bán. Do hoàn cảnh khó khăn, năm 2008, N.T.G rời vùng quê Nghệ An vào TP. Vũng Tàu làm thuê cho Trâm Anh. Cùng làm với N.T.G còn có chị ruột của G. là N.T.L và một số cô gái đồng hương Nghệ An khác như: Nguyễn Thị Hương (21 tuổi), Hồ Thị Quỳ, Phan Thị Tính (18 tuổi), Thái Thị Tuất (21 tuổi)…

Do nghi ngờ N.T.G có quan hệ bất chính với chồng mình nên ngày 26/11/2011, Trâm Anh cho người bắt N.T.G cùng chị ruột của mình đến nhà riêng để chất vấn. Bị Trâm Anh dọa tạt axit và sẽ cho xã hội đen “xử” nên hoảng sợ, N.T.G thừa nhận có quan hệ với chồng Trâm Anh 3 lần. Nghe xong, Trâm Anh nhiều lần chửi bới, đánh đập, xé áo của G. Trâm Anh còn gọi em dâu đem kéo, tông đơ đến cạo sạch tóc của N.T.G.

Chưa hả cơn ghen, ngày 28/11/2011, Trâm Anh ra lệnh cho nhân viên của mình là Nguyễn Thị Hương đưa chị N.T.G đến tiệm xăm hình trên đường Hoàng Hoa Thám (TP. Vũng Tàu). Tại đây, Hương nói với G: “Giờ dì (Trâm Anh – PV) cho mày 2 cách lựa chọn. Một là tạt a xít lên mặt, hai là xăm 1 con rết lên mặt và 2 con rết lên ngực”. Do không thể bỏ trốn nên N.T.G đành chọn cách xăm hình rết. Đến đêm 30/11/2011, Trâm Anh mua vé xe và cho 2 chị em N.T.G về Nghệ An.

Khi bước chân về đến quê nhà, N.T.G được sự động viên của người thân nên mới dám đến cơ quan công an viết đơn tố cáo những người đã làm nhục mình.

Tại thời điểm đó, PV Dân trí đã liên hệ với một đơn vị y tế ở Hà Nội để nhận chữa trị miễn phí giúp em N.T.G, đồng thời báo Dân trí đề nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương vào cuộc điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can để làm sáng tỏ vụ việc chấn động dư luận này.

GS.BS Nguyễn Thị Dụ, Giám đốc Bệnh viện cùng PV Dân trí đang giới thiệu cho cho G. xem những lời chia sẻ, động viên của bạn đọc Dân trí.
Ngay sau đó, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra và khởi tố đối với Trâm Anh, Thị Hương. Kết quả điều tra, cả Trâm Anh và Hương đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tỉ lệ thương tật do ba hình xăm để lại cho chị G. là 28%.

Nguyễn Thị Anh bị Viện KSND TP Vũng Tàu truy tố về tội “cố ý gây thương tích” và “làm nhục người khác”, còn Nguyễn Thị Hương bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, vụ án gần đến ngày đưa ra xét xử thì bị đình chỉ vì hai bên đã thỏa thuần bồi thường thiệt hại.

Theo luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), cho hay: Dù nguyên đơn là N.T.G có rút đơn kiện nhưng hành vi phạm tội của Trâm Anh, Thị Hương rõ ràng, gây xôn xao dư luận thì vẫn phải khởi tố, xét xử để răn đe, phòng ngừa. Việc bồi thường chỉ là yếu tố giảm trừ, là tình tiết giảm nhẹ trong quá trình xét xử.

Chính vì vậy, đề nghị TANDTC, VKSNDTC, TAND và VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần khẩn trương vào cuộc xem xét làm rõ những điều "bất thường" khi đình chỉ vụ án từng chấn động dư luận cả nước này. 

1 nhận xét:

  1. Báo chính thống đấy ạ, đến báo chính thống mà vẫn còn cái kiểu viết bậy bạ, xuyên tạc nhàm câu like, câu view rẻ tiền như vậy thì báo không chính thống nó thảm hại như bây giờ cũng đúng thôi, đúng là thời đại công nghệ thông tin.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog