Chia sẻ

Tre Làng

THAM NHŨNG ĐÂY CHỨ ĐÂU?

Cuteo@

Tham nhũng đây chứ đâu?

Theo báo chí, một số sếp móc cống của 4 doanh nghiệp công ích tại TPHCM nhận các mức lương khủng (tới 2,6 tỷ đồng/năm) tạo nên làn sóng phản ứng dữ dội từ phía người lao động, và đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận của cả nước.

Là sếp doanh nghiệp, mà làm việc không hiệu quả, quản lí tồi, thất thoát lớn, lương cấp dưới không đủ sống, để mất đoàn kết nội bộ, và tình trạng ngập lụt, mất vệ sinh ở TP HCM vẫn ngày càng trầm trọng, mà sao dám nhận lương khủng? Bạn có thể đi từ châu Phi đến châu Mỹ, liệu có thấy ai nhận mức lương khủng như vậy không? 

Được biết, ở xứ ta, chuyện lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nhận mức lương cao ngất ngưởng đã từng bị phát hiện, bị công luận lên án nhưng rồi đâu vẫn đóng đấy. Có hai nguyên nhân dẫn đến chuyện này: Thứ nhất, Nhà nước đang “ôm” các doanh nghiệp này và đương nhiên sẽ xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”, người có quyền sẽ tự xếp lương “khủng” cho mình. Thứ hai là xử lý không nghiêm (chính xác là biết rồi để đấy, không xử lý) nên chuyện lương khủng ở nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn cứ tiếp diễn, bất chấp doanh nghiệp làm ăn lỗ lãi ra làm sao, và đời sống cán bộ công nhân viên như thế nào.

Còn nhớ là trước đây, người đứng đầu Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lương cao gấp cả chục lần lương Chủ tịch nước đã được phát hiện, và bị đưa ra chất vấn ở Quốc Hội. Nhưng rút cuộc, chuyện đó được kết luận thế nào, có ai bị xử lý kỷ luật không, và bây giờ lương Tổng giám đốc SCIC ra sao thì không rõ. Hoặc trường hợp ông Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) than thở với báo chí rằng ông thương cán bộ, công nhân ngành điện lương bình quân chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng, dư luận cả nước tỏ ra tức giận. Người dân giận vì ngành điện luôn kêu lỗ, nhưng cán bộ, công nhân vẫn hưởng mức lương cao ngất ngưởng. Nhưng thực tế thì lương những công nhân lao động vất vả, nguy hiểm cũng chỉ bằng một nửa con số ông Tổng giám đốc nêu ra. Chỉ các sếp mới hưởng vài chục triệu đồng/tháng. Nhưng rồi vụ việc đó cũng chìm nghỉm. Rõ ràng, ở đây sự minh bạch có vấn đề, những chuyện không bình thường ở cơ quan cấp trung ương còn chưa được xử lý nghiêm chỉnh, thì ở địa phương làm ăn xằng bậy là điều dễ hiểu.

Trở lại vụ lương khủng ở TP HCM, một anh công nhân làm việc cật lực trong cống được 8 triệu/tháng, không có bảo hiểm, nhưng sếp ngày ngày ngồi phòng máy lạnh thì bỏ túi hơn 200 triệu đồng. Dư luận cho rằng đây là việc làm vô luân, và dã man, bởi họ đã bòn rút sức lao động của những công nhân ngụp lặn trong rác thải cống rãnh để mưu sinh.

Nhiều người đã đặt câu hỏi: Nếu vụ việc không bị phanh phui, liệu mấy sếp có chịu trả lại tiền? Câu trả lời đơn giản là chữ "không" tròn chĩnh. Điều đáng lên án và cũng là cảnh báo đối với cơ quan quản lý kinh tế là các sếp này công tác tại các doanh nghiệp nhà nước, sử dụng vốn ngân sách mà lại vin vào cái cớ “có lãi” để hưởng mức lương cao gấp vài chục lần người khác. Ấy là chưa kể “lãi giả, lỗ thật” như thường thấy. Bi hài là ở chỗ, một thành phố quanh năm bị ngập nhưng ông giám đốc công ty thoát nước lại hưởng lương tới 2,6 tỷ đồng. Một sự việc kéo dài hàng năm trời, với những khoản chi khổng lồ như vậy mà vẫn lọt thì quả là một chuyện lạ. Về bản chất, đây là một vụ tham nhũng điển hình cần phải được xử lý nghiêm bất chấp việc họ có đem trả lại tiền hay không.

Đã có một sự so sánh thú vị nhưng chát mặn mà báo chí nêu ra, lương Thủ tướng Chính phủ chưa tới 15 triệu, lương của một Bộ trưởng và Chủ tịch các tỉnh thì còn thấp hơn… và các giáo sư, sau nhiều năm nghiên cứu, cống hiến thì mức lương của họ cũng chỉ khoảng 7 triệu/tháng. Và ngay lương của một kỹ sư cầu đường 14 năm trong nghề như tôi cũng chỉ được hơn 6 triệu đồng/tháng. Vậy thì làm sao chúng ta tìm được người tài cho cơ quan nhà nước? Làm sao chống tham nhũng?

Trong khi cuộc chiến chống tham nhũng dường như đi vào bế tắc, như một cách giải tỏa áp lực từ công luận, một bản báo cáo mang danh "báo cáo khoa học" về đề tài chống tham nhũng được vội vã công bố. Theo đó, tham nhũng được đổ lên đầu mấy tay cảnh sát giao thông, bằng minh chứng số liệu "điều tra xã hội học", rằng cảnh sát giao thông đứng đầu danh sách những người tham nhũng. Vậy là báo chí đã định hướng dư luận và chĩa mũi nhọn vào cảnh sát giao thông, thay vì vào quan chức (nhóm người có khả năng tham nhũng đích thực), điều này về bản chất là cản trở việc điều tra chống tham nhũng. Thực ra, ai cũng biết, một số cảnh sát giao thông có hành vi nhận tiền bẩn của người vi phạm luật giao thông (người nhận đã xấu, nhưng người chủ động đưa còn xấu hơn), nhưng so với tham nhũng của quan chức thì đồng tiền mà họ nhận chả thấm vào đâu. Thử tưởng tượng, tham nhũng tiền mặt đã là kinh khủng, nhưng tham nhũng quyền lực, tham nhũng bằng chính sách (liên quan đến nhóm lợi ích và lợi ích nhóm) thì thiệt hại cho dân cho nước sẽ như thế nào?

Chúng ta kêu gọi chống tham nhũng, nhưng lại kêu khó trong khâu phát hiện và xử lý. Tôi lại nghĩ khác, vấn đề chỉ là quyết tâm mà thôi. Để mở đầu cho cuộc chiến chống tham nhũng, có lẽ sẽ là việc xử lý các quan chức móc cống nêu trên.

Chúng ta hãy chờ xem!

2 nhận xét:

  1. Làm gì có chuyện lương hơn 200 triệu/tháng? Có mà đi buôn lậu thì may chăng mới được vậy! Mức lương đó cao gấp cả mười mấy lần lương Chủ tịch nước, thật không thể chấp nhận được! Ngồi phòng điều hòa cả ngày mà vẫn nhận lương khủng như vậy thì khác nào cướp tiền nhà nước, hút máu nhân dân?

    Trả lờiXóa
  2. Mình nghĩ trong việc chống tham nhũng, điều quan trọng hàng đầu, chính quyền phải nêu khẩu hiệu và thực hành cho bằng được “thượng tôn pháp luật”, tức là nguyên tắc trước tiên luật pháp phải được thực hiện nghiêm minh triệt để.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog