Chia sẻ

Tre Làng

CẢNH GIÁC KHÔNG BAO GIỜ THỪA

PetroTimes - Việc Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki có kế hoạch triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa tới để thể hiện lập trường của Tokyo sau khi Vụ trưởng Vụ các vấn đề Châu Á - Thái Bình Dương Junichi Ihara gọi điện cho Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản Hàn Chí Cường để phản đối trước việc Trung Quốc quyết định thiết lập Khu vực Xác định Phòng không (Vùng nhận dạng phòng không - ADIZ) trên biển Hoa Đông, chứng tỏ căng thẳng Trung - Nhật đang tiếp tục gia tăng. Thậm chí tạo điều kiện nguy hiểm đối với khả năng đụng độ giữa máy bay quân sự Trung Quốc và Nhật Bản tại ADIZ trên biển Hoa Đông.

Năng lượng Mới số 277

Giới bình luận coi đây là hành động đổ thêm dầu vào lửa trên biển Hoa Đông. Bởi ADIZ bao gồm các khu vực gần Hàn Quốc và Nhật Bản, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền.

Mối hiểm họa từ ADIZ

Ngày 23/11, Ủy ban Hữu nghị thế kỷ XXI Trung - Nhật lần thứ 5 đã giao lưu phi chính thức tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, nhưng cũng trong ngày hôm đó, Bắc Kinh thông báo quyết định thiết lập ADIZ. Và không phải nước nào cũng có ADIZ bởi tại Châu Á - Thái Bình Dương mới có Nhật Bản, Mỹ, Indonesia, Hàn Quốc và Philippines. Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, việc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông là phù hợp với các thông lệ chung quốc tế. Ngoài ra, việc Trung Quốc thiết lập ADIZ dựa trên nhu cầu phải đối phó với môi trường an ninh ngày càng phức tạp và đó là hành động chính đáng nhằm duy trì chủ quyền, an ninh lãnh thổ và không phận của quốc gia.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân cho rằng, việc thành lập ADIZ là để đối phó với các mối đe dọa trên không tiềm tàng; đồng thời nhấn mạnh: tất cả máy bay qua lại khu vực ADIZ phải thông báo trước kế hoạch bay, hồi đáp lập tức với thái độ chừng mực qua sóng radio khi nhận được yêu cầu nhận dạng từ nhà chức trách Bắc Kinh, giữ liên lạc trong suốt quá trình bay và máy bay phải gắn logo, cờ hiệu rõ ràng. Nếu máy bay nào không đáp ứng, Trung Quốc sẽ đưa ra các biện pháp quân sự khẩn cấp. Các quy định kể trên có hiệu lực kể từ 10 giờ ngày 23/11/2013.

Ngay lập tức, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đều cho biết, Washington bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời cam kết bảo vệ Nhật Bản sau khi Trung Quốc quyết định thiết lập ADIZ. Ngoại trưởng John Kerry coi đây là hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại biển Hoa Đông và hành động leo thang này sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng khu vực và tạo nguy cơ xung đột. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tái khẳng định, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý nằm trong Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật và điều này có nghĩa Washington sẽ bảo vệ đồng minh Tokyo nếu bị tấn công. Ông Chuck Hagel còn nhấn mạnh, hơn 70.000 binh sĩ đồn trú ở Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không tôn trọng tuyên bố thiết lập ADIZ của Trung Quốc. Ngày 24/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã trao công hàm phản đối chính thức tới Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc liên quan tới phản ứng của Washington về việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ.

Theo Tạp chí The Diplomat (Mỹ), ADIZ đã chính thức đưa tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ vùng biển lên vùng trời. Giới chuyên môn còn cảnh báo, sau ADIZ tại biển Hoa Đông sẽ đến ADIZ ở Biển Đông. Ngày 24/11, khi phát biểu với tư cách Phó chủ tịch đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP), cựu Ngoại trưởng Masahiko Komura, ngoài việc phản đối Bắc Kinh, còn nhấn mạnh: Tokyo nên tiếp tục làm những gì đã và đang làm với một thái độ thẳng thắn; đồng thời lo ngại về khả năng xảy ra xung đột với Trung Quốc tại ADIZ.

Cũng trong ngày 24/11, Đài NHK đưa tin, Nhật Bản quyết định tăng cường các hoạt động giám sát trên biển Hoa Đông nhằm phản ứng lại việc Trung Quốc thiết lập ADIZ. Tối 23/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã họp khẩn để thảo luận với các quan chức và chỉ huy cấp cao về các biện pháp phản ứng sau khi Trung Quốc thiết lập ADIZ. Ông Itsunori Onodera coi hành động đơn phương của Trung Quốc là cực kỳ nguy hiểm.

Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự

Đài NHK đưa tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất tăng số lượng tàu khu trục trong thành phần lực lượng phòng vệ hiện nay từ 48 đơn vị lên thêm 10 đơn vị, nhưng muốn giảm số lượng xe tăng từ 700 đơn vị xuống 300 đơn vị vào năm 2024. Được biết, từ năm 2016, Tokyo sẽ triển khai 300 xe bọc thép mới hiện đại nhằm nâng cao khả năng phòng thủ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo nhỏ khác gần Trung Quốc và Đài Loan.

Trong khi đó, tờ Yomiuri đưa tin, Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng máy bay tiếp nhiên liệu trong thành phần hải quân. Nhật Bản hiện có 4 máy bay tiếp nhiên liệu và tuyên bố kể trên cho thấy, Tokyo sẽ không gặp trở ngại gì khi bay tới những hòn đảo xa ở biển Hoa Đông thời gian tới. Trước đó (21/11), Đài NHK cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã kiến nghị mua thêm 10 tàu hộ vệ cho lực lượng hải quân để tăng cường khả năng bảo vệ biển đảo, trước mối đe dọa đang ngày một gia tăng của Hải quân Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel
Ngày 22/11, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề lãnh thổ của Nhật Bản, ông Ichita Yamamoto cho biết, Tokyo sẽ mở một trang web phục vụ công tác khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo tranh chấp ở vùng biển lân cận. Trang web này sẽ được khai trương trong năm nay và động thái kể trên đang làm dấy lên căng thẳng mới với Trung Quốc và Hàn Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và quần đảo Takeshima/Dokdo.

Cũng trong ngày 22/11, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) thông báo, 4 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) đã đi vào lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Đây là lần thứ 71 tàu Trung Quốc thâm nhập vùng biển này kể từ khi Nhật Bản mua lại 3/5 đảo tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012.

Trước đó (21/11), tàu tuần tra của Trung Quốc đã kiểm tra các tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản đã cảnh báo các tàu tuần tra Trung Quốc: Không cho phép nước ngoài thi hành luật về đánh bắt cá ở vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Trong chương trình “Nhật Bản không ngại tuyên truyền máy bay quân sự Trung - Nga bay áp sát”, kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc cho biết, gần đây, Nhật Bản đã điều khẩn cấp máy bay chiến đấu cất cánh, theo dõi máy bay trinh sát của Trung Quốc và Nga bay gần không phận của họ.

Những quan ngại từ Trung Quốc

Ngày 22/11, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin, quân đội nước này đã thử nghiệm chiếc máy bay chiến đấu không người lái tàng hình đầu tiên (Lợi Kiếm), trở thành cường quốc thứ tư đưa máy bay không người lái tàng hình lên bầu trời, sau Mỹ, Anh và Pháp. Đây là sản phẩm của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc. Theo ông Vương Á Nam, Phó tổng biên tập Tạp chí Kiến thức Hàng không Vũ trụ, Lợi Kiếm phù hợp nhất với các hoạt động trên biển.

Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Trước đó (19/11), tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu diễn tập tác chiến đổ bộ ban đêm quy mô lớn ở phía bắc biển Hoàng Hải và biển Bột Hải. Cuộc diễn tập quy mô lớn mang tên “Liên hợp-2013D” là cuộc diễn tập ban đêm với nội dung đổ bộ vượt biển mà quân đội Trung Quốc lần đầu tiên công khai tiến hành. Ông Narushige Michishita, Giám đốc chương trình nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Chính sách quốc gia Tokyo nhận xét: Trung Quốc đang chơi trò nguy hiểm và việc này chắc chắn là hành động leo thang và có thể khiến căng thẳng ở khu vực gia tăng và kéo dài.

Ngày 21/11, chủ biên Tạp chí “Lợi ích quốc gia” Harry Kazianis khuyến cáo, Nga xuất khẩu máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc sẽ mang lại nhiều rủi ro bởi lợi ích của 2 nước không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau. Hơn nữa, bài học máy bay chiến đấu Su-27 vẫn còn đó - Moskva lên án Bắc Kinh sao chép Su-27 (đặt tên là J-11 hoặc J-11B). Cũng trong ngày 21/11, tờ Thời báo Hoàn Cầu có bài đề cập tới việc Nhật Bản chia rẽ giao dịch Su-35. Cùng ngày 21/11, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, Bộ Quốc phòng Trung Quốc vừa bổ nhiệm người phát ngôn cho Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Cảnh sát vũ trang, Hải quân, Không quân và Tên lửa chiến lược nhằm nâng cao tính minh bạch.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera
Trung Quốc đã nổi giận sau khi Mỹ bán cho Đài Loan 4 tàu hộ vệ lớp Oliver Hazard Perry. Ngày 20/11,Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Mỹ đã cho phép bán 4 tàu hộ vệ lớp Oliver Hazard Perry cho Đài Loan. Đài Loan đã đặt mua 4 tàu khu trục nhỏ Oliver Hazard lớp Perry của Mỹ và sẽ nhận 2 chiếc đầu tiên vào năm 2015. Việc Đài Loan tiếp nhận 6 máy bay trực thăng vũ trang tiên tiến nhất của Mỹ là AH-64E Apache cũng đang khiến Trung Quốc lo lắng bởi đây được coi là sản phẩm “sát thủ diệt tăng”. Ngày 22/11, Hãng Kyodo News đưa tin, người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu bác bỏ kêu gọi sửa đổi yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông (do chính quyền Quốc Dân đảng tự vẽ năm 1947) để bảo vệ những lợi ích lâu dài của mình trong khu vực.

Mỹ đẩy mạnh quan hệ với Philippines

Ngày 22/11, Philippines đã chính thức biên chế và triển khai hoạt động cho tàu hộ tống lớn nhất và hiện đại nhất BRP Ramon Alcaraz (mua của Mỹ) với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin. Trước đó (21/11), tờ ABS CBN News đưa tin, Bộ Quốc phòng Philippines đã lên kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân với tổng mức đầu tư 7,29 triệu USD (mời thầu ngày 2/12) tại vịnh Oyster trên đảo Palawan, cách quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) khoảng 160km. Ngày 19/11, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, Mỹ giúp Philippines là một phần quan trọng của chiến lược quay trở lại Châu Á - Thái Bình Dương.

Tân Đại sứ Mỹ tại Philippines, Philip Goldberg
Trước đó (18/11), tờ Nhật báo Phố Wall đưa tin, Mỹ viện trợ cho Philippines có “mục đích ngoại giao”. Phát biểu trong chuyến thăm Hàn Quốc hôm 22/11, Đô đốc Harris, tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh: Quân đội Mỹ sẽ triển khai các vũ khí, khí tài hiện đại nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương (như thay máy bay trinh sát P-3C Orion bằng máy bay P-8A Poseidon) để đối phó với các mối đe dọa an ninh khu vực.

Cũng trong ngày 22/11, tờ Philstar đưa tin, Mỹ đã tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức tân Đại sứ Mỹ tại Philippines cho ông Philip Goldberg, nguyên Giám đốc Phòng Tình báo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông Philip Goldberg thay thế ông Harry Thomas trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh các nỗ lực viện trợ cho Philippines khắc phục hậu quả siêu bão Haiyan. Cùng ngày 22/11, tờ Inquirer đưa tin, Hội đồng Điều phối đa quốc gia (MNCC) của Chính phủ Philippines và lực lượng vũ trang 15 nước đang có mặt tại quốc gia này đang đẩy mạnh hoạt động cứu trợ, nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm cứu hộ, khắc phục hậu quả siêu bão Haiyan.

Tổng tham mưu trưởng Philippines, tướng Emmanuel Bautista cho biết, có tổng cộng 61 máy bay, 14 tàu hải quân và hàng trăm nhân viên cứu hộ thuộc các lực lượng vũ trang đã thường xuyên có mặt trong các hoạt động cứu trợ. Trung Quốc cũng đang gửi mấy chục lính thủy quân lục chiến trên tàu đổ bộ Côn Lôn tháp tùng tàu quân y viện Hòa bình Ark tới Philippines theo lệnh của Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi.

Ngày 21/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố, Zumwalt DDG-1000 là tàu khu trục lớn nhất (trị giá 3,5 tỉ USD) do Hải quân Mỹ chế tạo (hạ thủy tại bang Maine ngày 28/10), sẽ phát huy vai trò quan trọng ở Châu Á - Thái Bình Dương sau khi được triển khai ở căn cứ hải quân San Diego. Được biết, 3 tàu khu trục lớp Zumwalt gồm USS Zumwalt (1000), USS Michael A.Monsoor (1001) và USS Lyndon B.Johnson (1002) sẽ ở căn cứ San Diego, phụ trách bảo vệ an toàn cho khu vực Thái Bình Dương. Trong khi đó, Mỹ - Trung đang tranh cãi xung quanh báo cáo quân sự - an ninh của Ủy ban Thẩm định an ninh và kinh tế Mỹ - Trung (UCESRC) thuộc Quốc hội Mỹ vừa đưa ra hôm 21/11.

Những vụ phát hiện tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại vùng biển nước khác ngày càng nhiều làm dấy lên mối lo ngại cho thế giới, bởi nó ảnh hưởng đến nghề đánh bắt cá toàn cầu và cho thấy mưu đồ bá quyền đại dương của Trung Quốc. Tàu cá Trung Quốc hoạt động ở vùng biển nước khác đánh bắt trung bình 4,6 triệu tấn cá/năm (2000-2011), trị giá tới 12 tỉ USD.
Theo nghiên cứu của Tabitha Grace Mallory, thuộc văn phòng quốc gia Nghiên cứu châu Á, Trung Quốc là nước trợ cấp lớn thứ hai cho ngành công nghiệp đánh cá và năm 2015, Trung Quốc sẽ tăng đội đánh bắt biển xa của họ lên 2.300 tàu so với 2.000 tàu hiện nay. Tháng 8 khoảng 23.000 tàu cá (gần 9.000 tàu của Hải Nam và 14.000 tàu của Quảng Đông) Trung Quốc đăng ký ra Biển Đông đánh bắt. Tháng 9, hơn 3.000 tàu cá của Trung Quốc đã ra biển Hoa Đông để tận thu nguồn tài nguyên quý giá của vùng biển này. Trên trang businessweek.com thậm chí còn cho rằng, ngư tặc Trung Quốc đe dọa vùng biển thế giới.

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

11 nhận xét:

  1. đúng vậy, đừng để mất trâu mới làm hàng rào

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta cần phải đề phòng, cảnh giác cao độ với những nước như Trung Quốc. Chúng luôn tìm cách hãm hại các nước xung quanh, đặc biệt là các nước yếu thế. Đã đến lúc chúng ta cần phải đồng tâm hiệp lực, cần phải có sự can thiệp của các nước quốc tế, chúng ta không để một nước hống hách như Trung Quốc muốn làm gì thì làm, phải mạnh tay ngay từ đầu.

    Trả lờiXóa
  3. Ngay cả Mỹ cũng đang rất thận trọng, luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ với Trung quốc, và nếu không cảnh giác với Trung Quốc, hậu quả sẽ như vụ 11/9. Ông Dana Rohrabacher, chủ tịch Tiểu ban châu Âu, Á-Âu và các mối đe dọa mới thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ đã tuyên bố: "Chúng ta đang chiến tranh lạnh với Trung Quốc".

    Trả lờiXóa
  4. Chúng ta có thể thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là “mối đe dọa quốc tế với mưu đồ to lớn” nhằm “thống trị khu vực và sau đó là cả thế giới”. Mối nguy hiểm đe dọa thế giới mang tên Trung Quốc. Không thể tin nổi, một quốc gia lớn như Trung Quốc, đông dân nhất thế giới lại có mưu đồ tham chiếm cả thế giới, có vẻ như thế chiến thứ ba đang thực sự sắp bùng nổ.

    Trả lờiXóa
  5. Có thể nói Trung Quốc sẽ đưa ra bất kỳ tuyên bố nào có thể tưởng tượng ra được nhằm giành lấy chủ quyền hoặc lãnh thổ từ tay bạn, bao gồm cả việc đe dọa, khiêu khích, làm những trò mạo hiểm, biểu tình, và ngoại giao pháo hạm, đồng thời rên rỉ trên khắp diễn đàn quốc tế có thể có về cách mình bị đối xử. Đúng là không thể tin nổi bọn tàu khựa lại càng ngày càng bẩn tính như vậy.

    Trả lờiXóa
  6. Trung Quốc quả thực là là đang có những động thái rất " rắn " liên quan đến những vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ , người Trung Quốc có lẽ đang có âm mưu rất lớn trong việc bành trướng cũng như âm bá chủ của mình trên toàn thế giới , đầu tiên là tranh chấp lãnh thổ với các nước quanh khu vực , sau đó mở rộng ra sẽ là nhiều thứ khác, người Trung Quốc quả thực là quá thâm hiểm

    Trả lờiXóa
  7. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu hành động đơn phương của Trung Quốc là nỗ lực để thay đổi hiện trạng vùng biển tranh chấp với Nhật. "Washington quan ngại sâu sắc trước tình hình và hành động của Trung Quốc sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố". Mỹ tuyên bố không công nhận vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc mới đưa ra và cam kết sẽ ủng hộ Nhật trong trường hợp có xung đột xảy ra trong khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc chỉ có co vòi.

    Trả lờiXóa
  8. người Trung Quốc vẫn chứng tỏ họ bẩn tính như từ trước tới nay vẫn vậy , liên tục có những hành động gây hấn , đẩy căng thẳng lên cao đối với các vấn đề nhạy cảm như lãnh thổ như thế này . Không sớm thì muộn cộng động quốc tế cũng sẽ phản đối mạnh mẽ tình trạng đó và buộc trung quốc phải qui thuận

    Trả lờiXóa
  9. Trung Quốc giờ chẳng còn nể nang gì pháp luật quốc tế , thực hiện âm mưu bành trướng không hề che giấu , không hề tôn trọng các nước lân cận , luôn muốn đẩy căng thẳng lên cao . Quốc tế đều nhận rõ bộ mặt tồi tệ của Trung Quốc như vậy , rồi sẽ có ngày người trung quốc phải hối hận vì những gì đã gây ra

    Trả lờiXóa
  10. Nói chung là người Trung Quốc thì không thể tin được gì cả , người Trung Quốc vô cùng thâm hiểm , xem phim Tàu thì biết , âm mưu , thủ đoạn không biết thế nào mà lần cả , dù cho Trung Quốc có những hành động gì thì cũng cần phải hết sức cảnh giác , không thể xem thường người Trung Quốc được đâu

    Trả lờiXóa
  11. chúng ta luôn luôn phải trong tư thế chuẩn bị, cánh giác với trung quốc. Trung quốc là một nước không thể tin tưởng được, chúng có thể nói những điều từ không thành có, đổi trắng thay đen. tình hình trên biển đông đang rất căng thẳng và trung quốc cũng rất quyết tâm với những gì họ làm họ cho là đúng, diễn biến xấu có thể xảy ra và hoàn toàn có thể xảy ra chiến tranh vũ trang nên đề phòng là không thừa.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog