Chia sẻ

Tre Làng

"Người dùng nắm chìa khóa quan trọng nhất trong cuộc chiến chống tin giả"

Đó là nhận định của nhà báo Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam trong cuộc trò chuyện với báo Nhà báo & Công luận xung quanh vấn đề “cuộc chiến chống tin giả”.

Ông cũng nhấn mạnh: Dù chúng ta có quy định chặt chẽ, dù các nền tảng đã thanh trừng hàng triệu tài khoản giả, báo chí cũng tích cực đưa tin thật để tăng niềm tin nhưng người dùng mới thực sự là quan trọng. Vì tin giả sống được là ở người dùng, khi họ còn đọc, còn chia sẻ, thì tin giả còn được phát tán”.

Khi người dùng “dính” thuật toán của mạng xã hội

+ Được biết ông là một trong số ít chuyên gia đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về fake news và quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng tin giả ngày càng tinh vi và đa dạng như hiện nay?

- Tin giả (fake news) ngày càng đa dạng với nhiều hình thức khác nhau. Có những đối tượng lập tài khoản giả trên Facebook, Twitter rồi dẫn đường link từ các trang web đăng tin thất thiệt hoặc ảnh chế dạng meme, có người thì lập ra các kênh YouTube rồi lấy hình ảnh từ các kênh báo chí chính thống và đắp nội dung giả mạo. Thậm chí nhiều đối tượng giả mạo tài khoản mạng xã hội của các cơ quan báo chí chính thống hoặc xây dựng các trang web với tên miền dễ gây nhầm lẫn là của các báo nổi tiếng. Tin giả thực sự đã trở thành vấn nạn toàn cầu trong vài năm qua, không chỉ rộ lên trước khi diễn ra các sự kiện quan trọng như bầu cử mà thậm chí hằng ngày hằng giờ, nhắm đến mọi thành phần từ cá nhân, tổ chức cho đến các chính thể.


Trước đây, muốn đọc báo điện tử nào thì chúng ta vào thẳng trang web đó hoặc dùng máy tìm kiếm. Nhưng nay nhiều người theo dõi thông tin qua mạng xã hội và không để ý lắm đến đường link, cứ nhìn thấy nội dung quan tâm là nhấp chuột hoặc chia sẻ ngay nên rất dễ dính phải tin giả. Đã vậy, thuật toán của Facebook và Google lại gợi ý những thông tin/nguồn liên quan tới nội dung đã đọc nên việc bị cuốn từ tin giả này sang tin giả khác là điều hiển nhiên xảy ra.

+ Điều đó cho thấy, nội dung tin giả đang được “chắp cánh” từ ứng dụng công nghệ hiện đại, thưa ông?

- Đúng vậy, các kỹ thuật để làm nội dung giả ngày càng tinh vi. Chẳng hạn như công nghệ deepfake đang là một đe dọa khủng khiếp nếu bị sử dụng vào mục đích đen tối. Chỉ cần thu thập được một số lượng ảnh nhất định về một cá nhân thì công nghệ này có thể tạo ra một đoạn video khiêu dâm của cá nhân đó. Hoặc có thể “nhét lời vào miệng” người khác trong một đoạn video. Có một phần mềm cho phép chỉnh sửa nội dung dưới dạng âm thanh, và việc chỉnh sửa đơn giản tới mức chỉ cần gõ thêm từ thì sẽ tạo ra âm thanh tương ứng với giọng nói của chính đối tượng. Một số hệ thống trí tuệ nhân tạo như OpenAI có thể tự động viết tin, và viết chuẩn như người thật. Công ty công nghệ đứng sau hệ thống này không dám tung ra vì sợ rơi vào tay kẻ xấu thì lượng tin giả sẽ lên tới con số khủng khiếp. Ngày 20/12/2019, Facebook đã xóa 610 tài khoản, 89 page, 156 nhóm và 72 tài khoản Instagram có nguồn gốc từ Việt Nam và Mỹ. Facebook cho biết một số tài khoản sử dụng ảnh profile do trí tuệ nhân tạo tổng hợp ra và giả là người Mỹ để phát tán những thông điệp ủng hộ tổng thống Donald Trump. Đây là một trong những vụ tung tin giả đầu tiên trên thế giới sử dụng nội dung do AI tạo ra.

Tin giả chạy nửa vòng trái đất rồi thì mình mới kiểm chứng được

+ Với thực trạng đó, trên thế giới đã có cách thức gì đối phó với tin giả, thưa ông?

- Trong vài năm qua, trên thế giới đã có gần 200 dự án độc lập về kiểm chứng thông tin (fact-check). Các cơ quan báo chí lớn cũng vào cuộc, hoặc một số cơ quan báo chí tạo lập ra những liên minh để thẩm định thông tin trước khi diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng. Các hãng thông tấn Reuters, AP, AFP có lợi thế sở hữu mạng lưới phóng viên và cộng tác viên ở khắp nơi trên thế giới, họ cũng hợp tác cùng các công ty công nghệ lớn như Facebook để cảnh báo người dùng khi chia sẻ những nội dung đã được thẩm định là sai lệch.

+ Như vậy nghĩa là chúng ta chỉ chạy theo để xử lý. Chuyện “sống chung với lũ” có vẻ như đúng trong trường hợp này, thưa ông?

- Trong bối cảnh thông tin tràn ngập như hiện nay thì nỗ lực kiểm chứng thông tin cũng như muối bỏ bể mà thôi. Đã vậy, tin giả chạy được nửa vòng Trái Đất rồi thì chúng ta mới kiểm chứng được mà chưa chắc người đọc tin giả tiếp cận nội dung kiểm chứng của mình. Sức người không đủ để đối phó nên đang có những dự án sử dụng công nghệ để phát hiện tin giả, ví dụ sử dụng trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ blockchain. Tất nhiên, sử dụng những công nghệ này thì khá tốn kém, chỉ những đơn vị lớn mới có thể làm được.

Nhưng cuộc chiến chống tin giả liên quan đến nhiều bên. Cần có khung pháp lý và những quy định về luật pháp để ngăn chặn các đối tượng sản xuất hoặc phát tán tin giả, giống như một số nước trong Liên minh châu Âu hay Singapore đã làm, với những khoản tiền phạt rất lớn hoặc thậm chí phải chịu án tù. Một số quốc gia như Thái Lan thì lập ra trung tâm chống tin giả. Cũng cần quy trách nhiệm cho các công ty công nghệ vì họ chính là những nền tảng phát tán tin giả. Facebook, Google đã có những nỗ lực nhất định trong việc này. Báo chí chính thống cũng phải tích cực góp sức trong việc phát hiện tin giả và đăng tải nhanh chóng những thông tin trung thực để giành lại niềm tin của công chúng. Nhưng quan trọng nhất chính là ý thức của từng người sử dụng mạng xã hội. Họ cần phải được trang bị những kỹ năng đối phó với tin giả và không vô tình chia sẻ những nội dung không chính xác.

Nhà báo Lê Quốc Minh – Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Dự án “Nói không với Fake News”

+ Thưa ông, ở góc độ bên thứ ba, Hãng thông tấn quốc gia đã có phương án nào đối phó với tin giả?

- Có lẽ chúng tôi là một trong những đơn vị báo chí ít ỏi đã kiên trì bền bỉ thực hiện nội dung phản hồi thông tin không chính xác, thậm chí từ khi chưa có khái niệm tin giả. Ngày 24/12/2019, TTXVN đã bắt đầu triển khai dự án có tên là “Nói không với Fake News”, giao cho Đoàn Thanh niên TTXVN thực hiện, nhắm vào đối tượng là học sinh từ cấp tiểu học đến trung học. Thông qua các buổi trao đổi với phóng viên trẻ của TTXVN, các em tự trang bị cho mình kỹ năng nhận diện và ứng xử với fake news ngày càng tràn lan trên Internet và được phát tán nhanh chóng trên mạng xã hội. Phản ứng của các em học sinh với nội dung chống tin giả rất tích cực, các thầy cô giáo cũng rất quan tâm. Rốt cục thì người dùng mới nắm chìa khóa quan trọng nhất trong cuộc chiến chống tin giả, và chúng tôi cho rằng đối tượng học sinh sẽ giúp lan truyền kỹ năng phòng chống tin giả trong gia đình và cộng đồng một cách hiệu quả nhất.

Đây là một trong những dự án báo chí hướng tới cộng đồng của TTXVN, với kỳ vọng phủ sóng toàn bộ 63 tỉnh thành thông qua mạng lưới cơ quan thường trú của mình và lực lượng thanh niên vô cùng đông đảo. Dự án được lên kế hoạch từ quý I/2019 vì phải chuẩn bị khá nhiều việc, từ các file thuyết trình, giáo án cơ bản cho đến các trò chơi nhận diện tin giả/thật, và cả tờ rơi để sử dụng như cẩm nang trong cặp sách.

+ Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Vân (Thực hiện)

2 nhận xét:

  1. Các cư dân mạng cần phải tỉnh táo xem xét thông tin 1 cách cần thẩn có chọn lọc , kiểm duyệt từ nhiều nguồn , từ các kênh chính thông , có trách nhiệm trong việc chia sẻ thông tin có như vậy thì mới tránh được fake news, các tin tức độc hại.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng là như vậy. Nếu người dùng biết chọn lọc thông tin, tiếp cận với những nguồn tin chính thống và có bản lĩnh trước thông tin thì không một tin giả nào có thể tồn tại được. Người dùng nắm vai trò cốt yếu trong công cuộc chống tin giả

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog