Chia sẻ

Tre Làng

HLV Troussier và tuyển Việt Nam: Sai ngay từ đầu

Dưới thời HLV Troussier, bóng đá Việt Nam trượt dốc chỉ trong thời gian ngắn ngủi.

Thảm bại 0-3 ngay trên sân Mỹ Đình trước Indonesia và gần như đóng sập cánh cửa vòng loại thứ 2 World Cup 2026, HLV Philippe Troussier khiến người hâm mộ cạn kiệt sự kiên nhẫn. Cho đến lúc này, có thể khẳng định tuyển Việt Nam và Troussier là một mối duyên lạc nhịp ngay từ lúc bắt đầu.

Sự ảo tưởng của một triết lý

Nhà cầm quân người Pháp tranh cử và thắng cử nhờ triết lý đầy cấp tiến và cách mạng, trong đó nhấn mạnh mục tiêu kiểm soát bóng, từ đó làm chủ trận đấu và kết liễu đối thủ. Tuyển Việt Nam được kỳ vọng sẽ không chỉ có kết quả tốt mà còn tiến bộ về mặt lối chơi, trình độ, và đẳng cấp được cải thiện song hành với giấc mơ tìm vé đi World Cup.

Ông Troussier được ủng hộ vào thời điểm đó cũng là điều dễ hiểu. Triều đại của HLV Park Hang-seo vừa kết thúc mà sự lung linh, huyền thoại của nó bị sứt mẻ ít nhiều: thua Thái Lan, không bảo vệ được ngai vàng AFF Cup, còn lối chơi phòng ngự phản công vốn mang lại vô số hào quang thì bị chỉ trích là lạc hậu và yếm thế.

Người ta cứ nghĩ rằng sau khi đã là Á quân U23 châu Á, Top 4 ASIAD, vào tứ kết Asian Cup, liên tiếp bỏ túi các chức vô địch AFF Cup, SEA Games, và nhất là đi đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022, bóng đá Việt Nam đến lúc cần một thuyền trưởng tài ba hơn thầy Park để chinh phục những vùng biển xa sâu thẳm.

Và người ta đặt mọi kỳ vọng vào chữ ký của Troussier - người vốn không quá xa lạ ở mảnh đất hình chữ S. Ông từng làm bóng đá trẻ khá lâu tại Việt Nam nhưng không để lại dấu ấn nào đặc biệt. Thứ nâng đỡ ông ở lần nắm đội tuyển này thực chất chỉ là quá khứ vinh quang cùng Nhật Bản vô địch Asian Cup 2000 và sau đó, dự World Cup 2002. Đã xa, rất xa rồi…

Nhưng có vẻ thời gian không ủng hộ ông Troussier. Nó là kẻ thù của ông – một thế hệ HLV nay được coi là cũ mòn trong làng bóng đá thế giới. Cương lĩnh tranh cử của Troussier hứa hẹn thứ bóng đá tấn công quyến rũ, có hơi thở, có nhịp điệu, dễ làm chúng ta liên tưởng đến Pep Guardiola hay Jurgen Klopp. Nhưng khi bắt tay vào việc, thứ hiện ra rõ mồn một, đó là ngài Philippe suýt soát tuổi 70 đính kèm sự chậm chạp và bảo thủ.

Thật ra, ông thầy người Pháp có sự khởi đầu không hề tệ. Tuyển Việt Nam liên tiếp thắng Hongkong, Syria và Palestine, nhưng những đối thủ đó không thể coi là thước đo xứng đáng. Người hâm mộ không dễ bị đánh lừa, họ vẫn chờ những cuộc đấu ở cấp độ cao hơn với Hàn Quốc, Trung Quốc, Iraq… Đấy mới là sân chơi mà tất cả cùng hướng tới cho một cuộc chuyển mình.

Nhưng chính ở sân chơi đó, “phù thủy trắng” mà chúng ta đang nín thở dõi theo, đã bộc lộ hầu hết hạn chế của ông. Hạn chế lớn nhất chính là ông đã phạm vào nguyên tắc cơ bản của phép dụng binh: biết mình - biết người.

Ông Troussier trước sau như một trung thành với triết lý kiểm soát bóng mà không chịu chấp nhận sự thật rằng cầu thủ trong tay ông không còn, hoặc chưa đủ tầm để chơi thứ bóng đá đòi hỏi trình độ cao như vậy. Chất lượng cầu thủ là yếu tố khách quan, nhưng sự cứng nhắc của ông Troussier là yếu tố chủ quan, đẩy thất bại đến như là điều tất yếu.

Điều thiệt thòi cho ông Troussier: khi thầy Park rời đi cũng là giai đoạn thoái trào của lứa cầu thủ tài năng nhưng đã bị vắt kiệt tinh hoa. Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Tuấn Anh, Quế Ngọc Hải, Đỗ Duy Mạnh, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Quang Hải, kể cả Đặng Văn Lâm, Nguyễn Hoàng Đức… vì những lý do khác nhau, đều đã không còn tỏa sáng.

Trong khi đó, các gương mặt trẻ mà ông Troussier nuôi bao hy vọng như Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Thái Sơn, Lê Phạm Thành Long, Phan Tuấn Tài, Võ Minh Trọng… thì chưa đủ lớn ngay ở CLB của mình, nói gì đến phải gánh vác nhiệm vụ nặng nề khi lên tuyển.

Trẻ hóa nhân lực đội tuyển là quyết định đúng đắn, có tính lâu dài của Troussier mà dư luận đều ủng hộ. Nhưng trẻ hóa khác với đốt cháy giai đoạn, và lại càng khác với bỏ phí kinh nghiệm của những gương mặt dạn dày. Mang dàn cầu thủ trẻ đi đá những trận giao hữu, tích lũy vốn liếng là tích cực, nhưng vẫn dùng lực lượng non nớt ấy để chơi những trận tranh thứ hạng thì là liều lĩnh và mù quáng.

Thầy Philippe được trao mọi điều kiện tối ưu để phục vụ ý tưởng của ông, từ nhân sự, kế hoạch tập luyện, thi đấu đến quỹ thời gian thử nghiệm, tất cả đều rộng dài, khoáng đạt. Nhưng ông trượt dài qua chuỗi các trận thua, để rồi khi người hâm mộ bắt đầu nghi ngờ năng lực thực sự của ông thì đội tuyển bước vào chu kỳ then chốt nhất, đó là các trận vòng loại thứ 2 World Cup 2026.

Sự chậm chạp của một tướng cầm quân

Chúng ta không muốn so sánh thầy Troussier với bất kì ai, nhưng chuỗi kết quả yếu kém của tuyển Việt Nam buộc chúng ta phải làm điều đó.

Thua Nhật Bản, Iraq không phải là tác nhân gây sức ép lên chiếc ghế của nhà cầm quân người Pháp. Thậm chí ông còn nhận được sự khích lệ, động viên khi đội bóng có những phút gây khó dễ cho đối thủ đẳng cấp cao hơn. Nhưng thua Indonesia, mà thua liên tiếp 3 lần, lần sau kết cục thê thảm hơn lần trước thì quả thực là điều quá khó chấp nhận.

HLV Shin Tae-yong khổ sở bao nhiêu khi đối đầu thầy Park, thì nay lại thảnh thơi, nhẹ nhõm bấy nhiêu khi chạm trán ông Troussier. Tương đối khó để đánh giá sức mạnh của tuyển Indonesia sau mỗi làn sóng nhập tịch, nhưng rất dễ dàng khẳng định tuyển Việt Nam đã sa sút quá nhiều kể từ ngày thay tướng.

Những cầu thủ trẻ được HLV Troussier tin tưởng chưa chứng tỏ được bản thân. Ảnh: Việt Linh.

Hãy nhìn băng ghế dự bị tuyển Việt Nam trong trận lượt đi thúc thủ tại Gelora Bung Karno. Ở đó có Quang Hải, Văn Thanh, Tấn Tài, Văn Toàn, Tiến Linh - họ đều là “hung thần” của Indonesia ở một thì quá khứ chưa xa.

Trong khi ấy, trên sân chính thì Phạm Xuân Mạnh, Phan Tuấn Tài, Nhâm Mạnh Dũng, Võ Minh Trọng, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Đình Bắc phải “bơi” ra để truy cản đối phương, mà rồi vẫn bị trừng phạt bởi một sai sót cá nhân.

Ông Troussier sau trận đấu bào chữa rằng đội tuyển đã tập nhiều phương án chống bóng bổng, chống ném biên, nhưng thua do “tai nạn”. Ông còn cẩn thận “chú thích” thêm một đội như Nhật Bản mà cũng thủng lưới trước bài này của thầy Shin.

Thế rồi khi gặp lại Indonesia tại Mỹ Đình, đội bóng của thầy Troussier cũng lại sớm thua vì một tình huống tương tự. Bàn thua tai hại phá nát mọi kế hoạch lội dòng mà “phù thủy” vẽ ra trước trận. Nó đẩy tuyển Việt Nam oanh liệt ngày nào rơi vào trạng thái hoảng loạn, mất phương hướng trên chính thánh địa của mình.

Chúng ta không hiểu nổi các bài tập kiểm soát của ông Troussier hiệu quả đến đâu mà ở tình thế cần bình tĩnh đòi lại thế trận và bàn gỡ, các học trò của ông không lên nổi một đường bóng ra hồn. Vô số những đường chuyền sai, chuyền vội, chuyền trong vô vọng, chuyền mà không cần biết đồng đội có chạy chỗ hay không… Và hàng thủ, trận nào cũng mắc sai lầm, trận này vẫn giữ nguyên phong độ khi biếu đối phương 3 bàn trong sự hớ hênh, chểnh mảng.

Đá trên sân nhà 90 phút và 9 phút bù giờ, nhưng thực chất kết quả đã an bài với tuyển Việt Nam chỉ trong vài phút đầu tiên. Chiếc đũa phép của thầy Troussier trở nên vô dụng với những lần thay người khó hiểu.

Quang Hải không được sử dụng một phút nào. Văn Toàn được tung vào quá muộn, khi Tiến Linh chơi mũi nhọn đơn độc đến khi không còn sức tranh chấp bóng. Đình Bắc như trận lượt đi, chỉ có mặt trên sân để ném biên. Trong thế trận cần tấn công, tiền vệ Khuất Văn Khang lại được rút ra để trám vào hậu vệ Võ Minh Trọng…

Những tấm băng rôn kêu gọi Troussier từ chức đã căng khắp các khán đài. Điều này quá lâu rồi mới tái hiện. Lần gần nhất khán giả đòi một HLV rời ghế là năm 2015, khi tuyển Việt Nam thua Thái Lan cũng với tỷ số 0-3 tại chính mặt sân này, và vật “tế thần” là Toshiya Miura. Nhưng chúng ta có cảm giác rằng với Miura, dù sao người hâm mộ cũng vẫn còn thiện cảm hơn bởi tính cách khiêm nhường, cầu thị của ông thầy Nhật.

Tương lai của Troussier vẫn đang còn để ngỏ, nhưng tương lai của đội tuyển Việt Nam trên đường đi World Cup 2026 thì đã khép lại 99%. Từ hạng 94, chúng ta đã trượt dài ra khỏi top 110 và đà xuống dốc chưa dừng lại.

Chúng ta đang có một đội tuyển sa sút trầm trọng về niềm tin, hưng phấn thi đấu lúc này là thứ quá ư xa xỉ. Chúng ta cũng đang có một đội tuyển sa lầy về chiến thuật, lênh đênh giữa công và thủ, đến nỗi người hâm mộ buộc phải đặt ra câu hỏi khi quay về với ao làng Đông Nam Á, tuyển Việt Nam liệu sẽ đứng ở đâu so với Thái Lan? Indonesia bây giờ là khắc tinh của chúng ta, Singapore 2 trận gần đây đều chơi ngang ngửa Trung Quốc. Âu lo nhiều quá…

Chúng ta đã cho ông Troussier rất nhiều thời gian để thay đổi, nhưng kết quả không thay đổi. Đã đến lúc bóng đá Việt Nam phải làm một điều gì đó, để tự cứu lấy mình?

Quốc Bảo

8 nhận xét:

  1. Ông Trâu nên lý thuyết thì giỏi mà làm thì kém, giống như Mã Tốc của thời Tam quốc bên Tàu vậy. Một kẻ đem nướng cả vạn quân trong 1 trận, 1 kẻ thì làm vỡ nát 1 triệu trái tim yêu bóng đá trong 1 trận vậy! (tổng số là 11 trận). Đến nỗi Thủ tướng phải bấm bụng vì trận thua tan nát này nhưng vì toàn thể dân tộc, vì hàng triệu người hâm mộ và cũng vì nền bóng đá Việt Nam trong tương lai mà vẫn phải xuống sân động viên các cầu thủ như thể họ vừa đoạt cúp vô địch vậy. Nhìn cầu thủ của ông Trâu đã mà cứ ngỡ là đổ 1 tải khoai tây ra sân, ai lăn chỗ nào thì lăn, lăn đến đâu thì đá đến đó !; đã thế thì không thua mới là lạ!.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. người huấn luyện viên là người bao quát và dẫn dắt toàn thể đội bóng với những lối chơi, chiến thuật giúp cho đội bóng giành thắng lợi, nhưng nếu họ không làm được nhiệm vụ quan trọng này, chắc chắn thành tích của đội bóng cũng sẽ ảnh hưởng phần lớn, không thể để tình trạng ấy diễn ra trong thời gian dài được

      Xóa
  2. có một quá khứ huy hoàng cũng chưa chắc hiện tại đã có thể tỏa sáng. Thời thế đã thay đổi quá nhiều, cách đá bóng những năm 2000 cũng không còn phù hợp với hiện tại nữa, vả lại các cầu thủ của đội tuyển cũng không thể đáp ứng được cái trình độ của chiến thuật mà ông đưa ra. Nói chung là không hợp với tuyển ta, thôi thì nên đường ai nấy đi vậy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thôi nói chung là sông có khúc, người có lúc, không thể nào mà lúc nào cũng phải toả sáng, lúc nào cũng phải là thắng mà không có thất bại, đây cũng là một bài học sâu sắc đáng ghi nhớ của đội bóng cũng như của LĐBĐ để có thể đưa ra được những giải pháp khắc phục và phát triển tốt hơn trong thời gian tới

      Xóa
  3. Thể thao không phải quá to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. nhưng nó là một phần không thể thiếu của người Việt Nam, nó góp phần xây dựng tình yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, rèn luyện thể chất người Việt và là niềm tự hào với bạn bè thế giới

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế nhưng ông Troussier đến với bóng đá Việt Nam vì cái gì mà chê bóng đá Việt Nam yếu kém, trong khi các nước châu Âu trả lương cao hơn mà ông không đi, thành tích ông Park để lại là một phần của lịch sử bóng đá Việt Nam, vậy mà ông cũng phủ nhận, lên giọng triết lý bố đời để chỉ trích lại truyền thông và người hâm mô. Như vậy ông có biết ông đến với bóng đá VN để làm gì không, hay để phủ nhận thành tích của người đi trước, chê trách bóng đá Việt Nam và chỉ trích truyền thông

      Xóa
  4. Giọng của ông Trâu y như là giọng của giới tinh hoa hiện nay của Liên Âu vậy, cái gì cũng cho là nhất, là văn minh và muốn mọi người trên trái đất này phải theo họ!; nhưng xem lại thì thấy nó thối hơn cứt : Ngay tại chân tháp Ep-phen mà trộm cắp, lừa đảo đầy rẫy cứ y như tại Việt Nam những năm 80-90 của thế kỷ trước ở Chợ Sắt (Hải Phòng), chợ Si (Diễn Châu) ....Tính cách tinh tướng như thế thì sao mà chẳng thất bại cho được!.

    Trả lờiXóa
  5. Các đời huấn luyện viên trước xây dựng một đội bóng cũng đều là có ý đồ, trong đó chắc chẳn muốn đời sau kế thừa để phát huy những gì đã làm được trước đó, ông sửu mùi này về là đòi đập xây lại từ đầu, trong khi chất cầu thủ mới làm gì đáp ứng được nhưng gì trong suy nghĩ của ông, chưa bàn đến góc độ năng lực của HLV có làm được điều bản thân muốn không nữa

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog