Chia sẻ

Tre Làng

NHÀ ĐÀI NÊN XEM LẠI "GIAI ĐIỆU TỰ HÀO"

Bài của một bạn đọc Tre Làng gửi đăng.

“Giai điệu tự hào”, một sô mà nhà đài VTV đã mua bản quyền từ một chương trình thành công của truyền hình Nga mang tên “Báu vật quốc gia” đã đến Việt Nam và đi được 2 số. Quả thực đây là một chương trình rất đáng làm, rất đáng xem bởi những bài ca đi cùng năm tháng được thể hiện trong chương trình không những đã thực sự làm người xem xúc động mà nó còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua những ký ức lịch sử đáng trân trọng, lòng biết ơn đối với những thế hệ cha ông đã hi sinh biết bao xương máu để chúng ta có được độc lập, hòa bình như ngày hôm nay.

Điều đầu tiên phải ghi nhận là ekip làm sô đã chọn lọc được những ca khúc hay, dàn dựng công phu, ca sĩ thể hiện tốt, có một số cách điệu mới, thu hút được số lượng khán giả bình chọn cao. Bỏ qua một số tiểu tiết về trang phục ca sĩ, MC… thì chương trình này cơ bản về mặt chuyên môn là đạt. Ở đây chúng tôi muốn nói về những người bình luận cho các ca khúc.

Sẽ không có gì đáng bàn nếu thực sự những đội “bình luận viên” làm tốt vai trò của họ là giúp cho người nghe hiểu hơn, cảm sâu hơn về ý nghĩa, cái hay của ca khúc. Tham gia bình luận cho chương trình có 2 cánh: cánh già gồm nhưng bậc lão thành, trưởng thượng như nhà báo Hữu Thọ (nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, NSND Trung Kiên, giáo sư Văn Như Cương, diễn viên Minh Châu,nhà văn Trần Thị Trường…, và các nhạc sĩ chủ nhân của ca khúc được trình bày; cánh trẻ gồm những nhà văn, ca sĩ, hoa hậu, MC, kiến trúc sư, bác sĩ… với những cái tên nổi có, chưa nổi cũng có. 

Sau khi chương trình số 1 được phát vào ngày 25 Tết Giáp Ngọ, đã có nhiều ý kiến phản hồi trên các diễn đàn, trang mạng về cái sự “bình loạn” của cánh trẻ. Chương trình phát sóng đầu tiên có chủ đề “Bài ca năm tấn” gồm các ca khúc: Bài ca năm tấn, Tôi là người thợ lò, Cô thợ hàn, Những ánh sao đêm, Quảng Bình quê ta ơi và Tiến lên chiến sĩ đồng bào. Ngay từ ca khúc đầu là “Bài ca năm tấn”, không một lời khen, sau một hồi tán hưu tán vượn rằng ca khúc này đã lỗi thời với thời đại và xã hội, nhà văn trẻ Trang Hạ đã phán: “…xuyên suốt bài hát là hình ảnh người phụ nữ trên ruộng lúa, con trâu đi trước cái cày theo sau (và đó) là một cái hình ảnh đẹp đẽ nhưng mà nó làm tổn thương xã hội này (?!). Bởi vì suốt hơn 50 năm qua thì điều đấy nó không thay đổi, thậm chí là nói xin lỗi một số thanh niên nông thôn vẫn nói rằng là chúng tôi chẳng khác gì đời cha anh (?!), tức là lấy mông con trâu làm thước ngắm”. Tiếp đó nàng “dạy” rằng: “nếu như chúng ta coi rằng cái sự nghèo đói của thôn quê mà con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp và chúng ta coi vẻ đẹp của những cái mái rạ khói lên trong chiều mơ màng thì đó là cái vẻ đẹp mà chúng ta phải có trách nhiệm với cái sự nghèo đói đấy của xã hội. Có lẽ chính những cái người thành phố được ăn học như chúng ta và có hiểu biết và có nhiều sự lựa chọn phải có trách nhiệm với những người nông thôn mà vẫn đi đằng sau lưng con trâu đó”.

Tôi không nghĩ rằng hình ảnh “người phụ nữ trên ruộng lúa, con trâu đi trước cái cày theo sau” trong những năm 60, phải nhấn mạnh rằng đó là những năm mà nhân dân miền Bắc phải căng mình chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, vừa chiến đấu vừa thi đua tăng gia sản xuất để chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ, lại là cái có thể “làm tổn thương” xã hội. Với những người bình thường thì khi được nghe những giai điệu mượt mà và được xem lại những hình ảnh nhân dân miền Bắc anh hùng chắc tay súng vững tay cày trong ca khúc “Bài ca năm tấn”, chắc hẳn rằng không ai không bồi hồi xúc động và trào dâng một niềm cảm phục khó tả. Ấy thế mà những người được gọi là “nhà văn” ấy lại phán rằng hình ảnh ấy “làm tổn thương” xã hội. Đúng là cái nhìn của một kẻ lệch lạc và thần kinh có vấn đề. Nhà văn này lại tiếp tục xuyên tạc rằng “suốt hơn 50 năm qua thì điều đấy nó không thay đổi”. Không biết cái thể loại nhà văn này có bị mù, bị điếc hay không mà không thấy được sự đổi thay kì diệu của nông thôn Việt Nam ngày nay. Dẫu rằng nhiều nơi trên đất nước vẫn còn chưa thoát khỏi đói nghèo nhưng sự thật rằng Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện và đạt được những thành tích đáng tự hào trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Điều này thiết nghĩ không cần minh chứng thêm vì thế giới cũng đã nói nhiều.

Và cũng cần nói thêm rằng chính nhờ những người nông dân hàng ngày vẫn “đi sau đít con trâu” mà nữ nhà văn “danh giá” như cô mới có cái hạt cơm mà bỏ vô mồm. Tôi không biết cô nhà văn này xuất thân từ đâu nhưng cái cách mà cô đánh giá về người nông dân thoạt nghe thì có vẻ rất cảm thông nhưng đằng sau đó lại mang nặng tính miệt thị, bề trên của một kẻ vẫn tự cho mình là “người thành phố được ăn học”.

Tiếp theo đó một ca khúc nữa bị “chịu trận” là bài “Tôi là người thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Khi NSND Quang Thọ biểu diễn ca khúc này, những khán giả đủ lứa tuổi đã say mê hào hứng hát theo ca sĩ. Điều này khiến người xem cực kỳ hưng phấn. Khỏi phải nói thì ai cũng phải công nhận giá trị của ca khúc này. Ấy thế mà bọn nhà báo… lố như Quỳnh Hương sau khi giả vờ tôn vinh người công nhân của thế hệ trước đã ngay lập tức xỏ xiên rằng: “người công nhân của ngày hôm nay thì là những cái người mà cuộc sống ít an toàn nhất, khổ nhất và thu nhập thấp nhất, và họ có những cái gọi là, chúng ta có thể vẫn nói rằng cái xã hội này là xã hội của công nông binh đi vì đấy là XHCN, nhưng mà tôi nghĩ rằng đấy là những cái người mà họ không có một cái lựa chọn để mà cuộc sống họ tốt hơn và họ không có một cái gì để mà tự hào và kiêu hãnh về cái công việc, về cái nghề nghiệp của mình hết” (?!). Nói thật khi nghe câu này máu tôi đã sôi lên! Bản thân tôi tuy không phải là công nhân trực tiếp sản xuất nhưng công việc của tôi gắn liền với quá trình lao động và đời sống của người công nhân. Đành rằng công việc của họ rất nặng nhọc, đặc biệt là thợ lò (mà nói thật là công việc nào cũng vất vả cả, chả sướng được như mấy cô nhà báo!) nhưng không phải vì thế mà phán bừa rằng người công nhân họ không có cái gì làm thì mới phải buộc phải làm công nhân, rằng họ chỉ biết cắm mặt mà làm chứ không có gì mà tự hào. Vẫn chưa hết, thạc sĩ - bác sĩ Tăng Hà Nam Anh lại tiếp tục “phang” rằng “người thợ lò người ta rất muốn đổi nghề lắm nhưng người ta biết đổi cái gì, và thậm chí là đôi khi người ta cũng sợ và không dám đổi”. Rất nhiều khán giả xem đài, đặc biệt là người trong ngành than đã bày tỏ sự bức xúc, thậm chí là phẫn nộ khi nghe những lời “bình loạn” trên. Hết đá xéo, xỏ xiên, miệt thị nông dân lại đến công nhân. Vâng, nông dân, công nhân thì ai mà chả cực khổ, chỉ có cái bọn “nhà văn, nhà báo, bác sĩ” như các người mới là kẻ ngồi mát ăn bát vàng mà thôi!

Về khả năng thẩm âm của tay thạc sĩ - bác sĩ này thì khỏi phải bàn. Một ca khúc đỉnh cao như “Tôi là người thợ lò” mà anh ta cho rằng nó chỉ là bài hát “cổ động”, và rằng anh ta rất dị ứng với ca khúc cổ động. Tuy nhiên anh ta nghe ca sĩ Quang Thọ hát thì hay, nghe thì thấy nó hay nhưng nó không có cảm xúc gì cả, nó hay chỉ vì nó hay (?!). Thực tế, qua bình chọn hôm đó, ca khúc này đạt số phiếu bình chọn cao nhất. Đúng là mời “tai trâu” nghe nhạc có khác! Lẽ ra đối với những “bình luận gia” như thế thì MC phải khéo léo chuyển hướng sang mời những người khác. Đằng này MC Hồng Thanh Quang cứ xơi xơi làm tới, khuyến khích cho những lời lẽ chói tai ấy tiếp tục phun ra. Lẽ ra khi thấy những hạt sạn to tướng như trên thì những người làm chương trình và những người có trách nhiệm của VTV phải nhặt vứt ra ngay. Đằng này với cái tiêu chí “sẽ không có bất kỳ giới hạn nào trong việc đối thoại giữa hai thế hệ khán giả ngay trên sóng truyền hình, để họ có quyền bộc lộ quan điểm của mình” nên họ cứ xem như không biết, không nghe, không thấy và vẫn tiếp tục mời những kẻ xỏ xiên và “tai trâu” ấy bình loạn trong chương trình số thứ 2.

Đỉnh cao của sự bố láo là phần bình luận của kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương sau khi nghe bài “Đất nước trọn niềm vui”. Anh ta nói rằng đã có lần anh ta ngồi cùng với một người không cùng chiến tuyến của những người chiến sĩ ở miền bắc, và có một nỗi đau nó thầm lặng, nó cứ cứa đi cứa lại mỗi lần họ được nghe bài này vào cái dịp đó. Và anh ta đặt câu hỏi rằng “chúng ta đang hòa nhập tất cả những người Việt Nam trên cả thế giới, thế nhưng nếu chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện này mãi như thế liệu chung ta có thể xóa đi được ranh giới mà chúng ta vẫn tự tạo ra hàng năm hay không?”. Xem ra anh ta đang rất đồng cảm với “bên thua cuộc” (theo cách nói của tay osin Huy Đức). Anh ta sợ là sự hân hoan sung sướng của cả dân tộc Việt Nam trong ngày vui thống nhất đất nước qua ca khúc sẽ làm “đau lòng” những người lính ngụy và bọn cờ vàng đu càng máy bay Mỹ vẫn thường gào réo ngày 30/4 là ngày “cuốc hận”, ngày “mất nước” của bọn chúng. Cũng giống như tay bọ Lập (Nguyễn Quang Lập) “sợ” rằng việc phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho những bà mẹ liệt sĩ sẽ làm đau lòng những bà mẹ lính ngụy. Và theo ý anh ta (mặc dù không nói ra) thì chắc là để “hòa hợp, hòa giải” dân tộc, nhà nước đừng có tổ chức kỷ niệm ngày 30/4 nữa và chúng ta cũng đừng có hát bài “Đất nước trọn niềm vui” nữa vì đây sẽ là rào cản cho việc hòa hợp dân tộc (?!). Không “nhắc đi nhắc lại mãi” thì là im luôn à, là chạy tội cho giặc à, là xóa luôn lịch sử à? Đây đích thực là luận điệu của bọn phản động!

Không biết tự bao giờ VTV đã trở thành cái diễn đàn công khai cho bọn trí thức rởm thỏa sức lộng hành hết xiên xỏ, miệt thị công nông, bôi bác xã hội đến đòi bỏ luôn bài ca chiến thắng! Trách nhiệm của nhà đài đến đâu khi để xảy ra những hiện tượng như thế này? VTV là đài truyền hình quốc gia mà để cho bọn “rận” mặc sức tuyên truyền đầu độc khán giả như thế à?

Kiểu này thì diễn biến hòa bình ở đâu xa, ở ngay VTV đấy! Báo mạng có thể ít người đọc nhưng tivi đài quốc gia thì cả mấy chục triệu người xem. Vậy nên tác động của nó là rất lớn, rất nguy hiểm. Mong rằng những người có trách nhiệm của nhà đài VTV hãy kịp thời chấn chỉnh, xem lại tư cách MC, tư cách khách mời, đặc biệt là khách mời trẻ. Đừng để chúng nó phá hỏng một chương trình hay và có ý nghĩa lịch sử sâu sắc như thế!

ĐĐK
Thai Vu Nguyen

3 nhận xét:

  1. Dân thường10:15 27/2/14

    Vớ vẩn! VTV là cơ quan tuyên truyền quan trọng thứ hai sau báo Nhân dân của Đảng, phản động thế nào được. Kẻ viết bài này mới thực sự là phản động. ĐĐK (Thai Vu Nguyen) đã ngu lại còn tỏ ra nguy hiểm.

    Trả lờiXóa
  2. Phường Điện Biên12:13 27/2/14

    Ukraine khác, Việt Nam khác . Ukraine không có Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo, VN có . Ukraine không có đối lập trung thành, VN có . Ukraine không có công an “Còn Đảng, còn mình”, VN có . Ukraine không có trí thức “Còn Đảng, còn sổ hưu”, VN có . Ukraine không có Bác Hồ vĩ đại và Tướng Giáp hơi kém phần vĩ đại, VN có .

    VN sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách của mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc . Không cần phải học theo ai cả để làm mất ổn định xã hội . Các tổ chức dân sự hãy làm tốt nhiệm vụ phản biện ôn hòa trong khuôn khổ của pháp luật Xã Hội Chủ Nghĩa . Hãy sống và làm việc trên tinh thần tôn trọng pháp luật Xã Hội Chủ Nghĩa . Thế nhá!

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh16:26 28/2/14

    Ngày 30/4 thì cứ kỷ niệm, hò hét thật lực vào. Đéo liên quan, cơ mà sao cái ngày chiến thắng anh tàu khựa thì sao họ hàng hang hốc nhà chúng mày lại cứ im thin thít thế.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog