Chia sẻ

Tre Làng

THANH SẮT OAN NGHIỆT VÀ LƯỠI TẦM SÉT TRÊN THIÊN ĐƯỜNG

Thanh sắt oan nghiệt và lưỡi tầm sét trên Thiên đường

Phúc Lai

VNN - Chúng ta quen sống với những tiêu chuẩn kép. Có thể chúng ta dám lên tiếng trước một việc nào đó ảnh hưởng đến bản thân, nhưng nhiều khi, việc có thể ảnh hưởng đến người khác, chúng ta tặc lưỡi cho qua.

Khi viết những dòng này, tôi nhớ đến Giọt nước mắt trên Thiên đường (Tears in Heaven), bài hát rất nổi tiếng của danh ca Eric Clapton, kể về nỗi đau mất mát tột cùng khi con trai ông đột ngột giã từ cuộc sống. Cậu bé 4 tuổi đã rơi từ tầng 53, mãi mãi không trở về...

Còn ngày hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho một người mới ra đi được siêu thoát, còn hai người khác nằm bệnh viện chóng qua khỏi. 

Sáng sớm, một thanh sắt nào đó rơi từ cần cẩu của công trường xây dựng đường sắt trên cao, đường Nguyễn Trãi, Hà Đông.

Chuyện một vật gì đó bỗng nhiên rơi vào đầu người đi đường, không phải bây giờ mới xảy ra. Ít nhất tôi vẫn còn nhớ hai trường hợp: một lần xà sắt rơi chết công nhân ở công trường, còn lần khác, bê tông rơi bẹp xe Honda Civic đi dưới đường.

Lại nhớ, ngày trước trên đường Lạc Long Quân có một công trình thi công khá lâu, mà ngày nào đi qua, tôi cũng sợ cứng cả người vì cái cần cẩu của công trường, phần lớn các hôm khi nghỉ vào cuối ca, cũng treo một vật gì đó và thò ra đường. Hôm thì cái thùng sắt đựng dụng cụ khoảng nửa mét khối, hôm thì cả một cái xe cải tiến bằng sắt. Tôi từng chụp lại cảnh tượng đó, gửi kèm thư điện tử cho một tòa soạn báo mạng, những mong họ đăng để cảnh báo. Nhưng rồi không thấy phản hồi nào, coi như nó rơi vào "im lặng đáng sợ."

Còn trên đoạn đường kia, người nối người, vẫn từng giờ từng phút đi qua đi lại dưới cái xe cải tiến đó, sợ thì có sợ đấy, nhưng vẫn phải sống, coi như là "sống cùng sợ hãi." Lâu dần thành quen, những cái đó trở thành bình thường. Và nếu như một ngày, cái dây cáp hoặc cái móc cẩu đó có vấn đề và xe cải tiến rơi xuống, thì "Trời gọi ai người ấy thưa." Nhìn thấy đấy, biết đấy, nhưng nếu bây giờ bảo ngồi mà viết cái đơn phản ánh, thì chúng ta sẽ có một nghìn lẻ một lý do để ngại ngần. "Thôi, đấu tranh thì tránh đâu...", "Ai người ta giải quyết việc đó, rồi lại xong ấy mà..."

Trong những câu chuyện về tai họa "trên trời" kiểu này, chúng ta dễ tìm thấy ngay sự quy trách nhiệm đầu tiên cho những người đang thi công trong công trình: "vô cảm...", "vô trách nhiệm với tính mạng của người khác..."

Tất cả những điều trên đều đúng cả. Đời sống chúng ta đang sống, không thiếu những sự vô cảm với tính mạng của người khác.

Nhưng..., lúc nào cũng lại là "nhưng".

Thử đặt mình vào địa vị của một người sống trong đô thị của Việt Nam, khi bạn tự đứng ra xây cho mình căn nhà. Chắc chắn trong hoàn cảnh điều kiện hiện nay, tốp thợ đến làm nhà cho bạn sẽ dựng lên trên mái vài thanh sắt hoặc gỗ, dựng lên một hệ thống pa-lăng, dùng một cái máy nổ điêden hoặc động cơ điện và kéo văng tê cái xô cao su đựng bêtông lên tầng ba, tầng bốn nhà bạn. Và cũng chính bằng hệ thống đó họ kéo đủ các thứ khác lên: gạch, gạch lát... rồi tời đủ các thứ xuống.

Và bạn hãy hiểu cho rằng cái hệ thống cần trục tự chế tầm cỡ ấy, hoàn toàn có khả năng thả nguyên cái xô bêtông hoặc chục viên gạch vào đầu ai đó đi bên dưới. Bản thân tôi cũng vừa nghe chuyện người quen có mẹ vợ, bị chính công nhân xây dựng nhà cho mình, quẳng một thùng sơn vào đầu theo cách như vậy và qua đời ngay tại chỗ.

Nguy hiểm vậy đó. Nhưng đặt trường hợp là bạn, liệu bạn có đủ can đảm móc túi trả thêm tiền cải tiến "công nghệ cũ" - cần cẩu "chạy bằng cơm", hoặc thuê một cái thang máy (vận thăng) đúng tiêu chuẩn an toàn hay không? Có lẽ phần nhiều là không, hoặc nếu bạn làm, cũng sẽ không có ai đánh giá cao điều đó.

Năm ngoái nhà tôi sửa nhà, và đội thợ cũng sử dụng "công nghệ cần trục" kiểu đó. Nhà có sân, nên việc người đi lại dưới cái "cần cẩu" là không có, nhưng bản thân tôi, thú thực cũng chưa rõ nếu nhà không có sân mà việc đó diễn ra ở đường đi công cộng, thì tôi có dám móc hầu bao trả cho cái sự "an toàn xa xỉ" đó hay không.

Cũng có thể chúng ta cho rằng, chủ thầu xây dựng thì trong mười người, học đại học xây dựng may ra chỉ được một, và trong một người đó không biết anh ta có chấp hành những quy tắc về an toàn lao động hay không. Nhưng trước hết, chúng ta cần tự vấn bản thân chúng ta cái đã. Có thể ở những môi trường khác, một nước khác, những việc tiềm tàng rủi ro như thế, con người không bao giờ dám làm, không bao giờ nghĩ đến được làm, thì ở ta, lại trở thành bình thường.

Bởi vì chúng ta quen sống với những tiêu chuẩn kép. Có thể chúng ta dám lên tiếng trước một việc nào đó ảnh hưởng đến bản thân, nhưng nhiều khi, việc có thể ảnh hưởng đến người khác, chúng ta tặc lưỡi cho qua, vẫn để cho nó được tiến hành. Nếu tất cả chúng ta đều dễ dãi như thế, từ bản thân chủ công trình, người thi công đến chính quyền cũng dễ dãi chỉ "phạt cho tồn tại", thì làm sao mỗi người trong số chúng ta, thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó.

Nói một cách khác, thiên đường và địa ngục, chính chúng ta tạo ra, không phải ai khác. Chừng nào mà chúng ta còn sống với "tiêu chuẩn kép", thì "thiên đường" luôn luôn có những "lưỡi tầm sét" treo lơ lửng trên đầu sẵn sàng giáng xuống.

19 nhận xét:

  1. Chẳng biết nhà thầu xây dựng công trình này làm ăn thế nào chứ, cho thi công công trình giữa lúc bao nhiêu người tham gia giao thông trên đường như thế mà không có sự bảo hộ lao động gì hết, không có ranh giới quy định gì thì quá là nguy hiểm. Cơ quan chức năng nên vào cuộc và điều tra, xác định lại khả năng của nhà thầu này thì hơn.

    Trả lờiXóa
  2. đường hà nội còn phải xây dựng, cải tạo nhiều, dân càng nhiều mật độ giao thông càng lớn thì đường cũng phải nâng cấp theo mà thôi, cái này làm xong thì sáng đường khác, làm xong đường khác rồi quay lại làm đường đấy là vừa, thế nên người dân ở hà nội cứ phải xác định cho mình một kỹ năng đi xe tham gia giao thông đỉnh cao đi, bảo vệ tính mạng cho mình và người xung quanh

    Trả lờiXóa
  3. tôi không tin vào số phận gì đâu, chết nằm trong một xác xuất xã hội mất rồi, vào mình hay không đều có xác xuất cả, thế nhưng phải công nhận rằng chúng ta không hề mạnh mẽ như trong phim ảnh đâu, ngược lại còn rất yếu đuối là đằng khác, chỉ cần 1 cái ốc vít rơi vào đầu từ trên cao cũng đủ chết rồi, không thì ngã xe đập đầu cũng chết, nói chung là rất mỏng manh

    Trả lờiXóa
  4. tóm lại là ở chỗ đông đúc thì khả năng chết vì khách quan rất là cao, tại nạn giao thông, tại nạn xây dựng, rồi đủ loại ô nhiễm, cháy nổ...thế nên đừng tưởng về thành phố mà ở là sướng, nhiều thứ giải trí cũng đồng nghĩa với nhiều cạm bẫy, riêng tôi thì muốn sau này làm ở tỉnh lẻ hoặc nông thôn là lành, bản thân không thích ồn ào khói bụi đã đành, mà còn sợ những cái chết vớ vẩn nữa

    Trả lờiXóa
  5. một vụ tai nạn xây dựng đáng tiếc xảy ra, dù là hy hữu cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho xã hội về thực tế tai nạn là có thể xảy ra với bất kỳ ai, xã hội và dư luận xôn xao lo lắng, các diễn đàn được đặt ra từ vỉa hè đến quốc hội về tính trạng này, nhưng tôi mong nói được mọi người ý thức thường xuyên chứ không phải là để một thời gian nữa lại chìm vào im lặng và chờ vụ tiếp theo lại nổi lên

    Trả lờiXóa
  6. nếu như việc xây dựng các công trình đường bộ ở mình mà nhanh chóng và làm việc hiệu quả hơn thì tránh được bao nhiêu thiệt hại không đáng có rồi, nếu như vì thời tiết, vì địa hình làm gián đoạn công trình thì còn chấp nhận được, nhưng vì thiếu vốn hay vì tại nạn mà dừng lại, kéo dài thời gian, rồi đường tắc mà nguy cơ mất an toàn vẫn ở đó thì không đáng một chút nào, mong sao các công trình không bị lý do gì làm chậm tiến triển

    Trả lờiXóa
  7. xin chia buồn cùng gia đình anh ngọc - người tử nạn trong vụ tai nạn đáng tiếc đó, thời tiết mưa lạnh càng làm cho gia đình và người thân anh cảm thấy thêm phần nặng nề, một con người ra đi quá đột ngột và với lý do khó chấp nhận, khó cam tâm được, người phải chịu trách nhiệm chắc chắn không thể chốn được, giờ việc bù đắp, quan tâm những người trực tiếp chịu tổn thất mới là điều đáng nói và đáng chia sẻ

    Trả lờiXóa
  8. Một tai nạn đáng tiếc không đáng có, thật đau lòng. Tình trạng giao thông nước ta đang là vấn đề nan giải, công trình thi công thì chậm trễ, không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, đây là tắc trắc của chủ đầu tư, không phổ biến sát sao đối với người thi công.

    Trả lờiXóa
  9. Tai nạn không đáng có, xin chia buồn cùng gia quyến. Đây cũng là bài học cho những chủ đầu tư khác về đảm bảo an toàn tính mạng cho con người.

    Trả lờiXóa
  10. Nặc danh13:39 9/11/14

    Ban ngày, con người vẫn tham gia giao thông ở dưới đường bình thường mà ở trên công trình vẫn thì công, lại không có bảo hộ? Không hiểu nhà thầu làm ăn kiểu gì nữa?

    Trả lờiXóa
  11. Công trình thi công không đảm bảo làm ảnh hưởng dến đời sống của rngười dân, thật đáng lo ngại.

    Trả lờiXóa
  12. Sự việc xảy ra là điều không ai mong muốn hết, dù sao cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà thầu khác.

    Trả lờiXóa
  13. đây chính là cảnh báo cho việc thi công các công trình hiện nay . các yếu tô đảm bảo an toàn trong thì công không chỉ cho người lao động mà cả những người khác cần được quan tâm thật nhiều chứ không thể hời hợt không được .thật là tham hại

    Trả lờiXóa
  14. đúng là thật không may và xui xẻo cho những cái chết oan uổng như thế này. cái vấn đề này đúng là như là thêm cái chuông cảnh tình cho vấn đề an toàn trong lao động đây. sự chủ quan thiếu trách nhiệm như thế này cần phải trả giá một cách đích đang . không thì sự thiếu trách nhiệm ảnh hưởng đến chính bản thân mình còn có những người xung quanh nữa chứ

    Trả lờiXóa
  15. thật là đau sót cho những người mà chết oan uổng như kiểu này. vấn đề này cần phải xử lí thật nghiêm đối với vấn đề thiếu trách nhiệm thiếu chủ động trong việc phong ngừa các vấn đề sai sót trong thi công công trình an toàn lao động như thế này. thật là đáng tiếc

    Trả lờiXóa
  16. Hầu như tất cả các công trình xây dựng giao thông hay dân dụng đều có những tấm biển “An toàn là trên hết”.Tuy nhiên, đằng sau những tấm bảng ấy, điều kiện làm việc cũng như việc chấp hành các vấn đề an toàn trong quá trình xây dựng chỉ làm một cách đối phó gây nguy hiểm cho người dân xung quanh

    Trả lờiXóa
  17. Nặc danh09:23 10/11/14

    Các ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, tăng cường kiểm tra tại công trình, lập lại kỷ cương về công tác bảo hộ ATLĐ, đồng thời phải có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm

    Trả lờiXóa
  18. Trong những ngày vừa qua cả đất nước đang xôn xao vì sự việc tai nạn xảy ra khi đang thi hành thì xảy ra vụ tai nạn làm cho một người thiệt mạng qua vụ việc trên chúng ta cần xem xét lại an toàn lao đọng của các công trình đang thi công và công trình đường sắt trên cao để tránh những tai nạn thương tâm như thế xảy ra tiếp theo vụ việc trên cũng làm chúng ta phải xem lại công trình này liệu có hợp lý không hay có bất cập để có cách giải quyết cho phù hợp.

    Trả lờiXóa
  19. Bác viết hay quá đấy.làm chúng ta đáng phải suy nghĩ ,qua chuyện này ngoài cái câu "trời gọi ai thì người đấy thưa," rồi duyên số đến hạn,thì ta nhắc đên cái cẩu thả của việc làm công trình hay ý thức phản hồi của người dân,người dân Việt Nam là vậy chưa đụng đến mình thì còn kệ,và ai mà bị thế nào thì đổ cho trời đổ cho số phận,thói tặc lưỡi cho qua của người việt chắc chẳng sửa được

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog