Chia sẻ

Tre Làng

Điêu toa

Tên bài nguyên văn: "Khi nhà báo gieo "Trái đắng" cho đồng nghiệp" trên trang Cảnh sát toàn cầu. Nhiều phóng viên đã phải "ngậm trái đắng" từ nhiều phía, khi đi tác nghiệp mà gặp sự phản ứng tiêu cực từ các nhân vật, vùng quê...

Tự dựng lên cái gọi là "câu chuyện ly kỳ"

Sau một chặng đường hơn l00km lặn lội từ Hà Nội về xã Hạ Bì (huyện Kim Bôi, Hòa Bình) để tìm hiểu, chúng tôi rơi vào trạng thái hụt hẫng và vô cùng bức xúc. Từ nguồn tin trên một tờ báo có một câu chuyện cảm động: "Chờ người hiếp dâm mình ra tù để... kết hôn". Nhưng khi về cơ sở xác minh thì câu chuyện đó hoàn toàn là bịa đặt.

Câu chuyện kể về mối tình đặc biệt của một cựu quân nhân tên Bùi Văn Tình (Hạ Bì, Kim Bôi, Hòa Bình) và cô sơn nữ Trịnh Thị Hương. Hai người quen nhau do mai mối, sắp đặt. Sau những lần chuyện trò hai người đã có cảm tình với nhau, đặc biệt về phía anh Tình. Thế rồi, một lần Tình và Hương được sắp xếp đến nhà một người bạn dùng cơm tối. Sau bữa cơm tối thân mật đó Tình rủ Hương ra bờ suối để bày tỏ tình cảm. Hương không biết trả lời sao vì mọi thứ đến quá nhanh.

Ba ngày sau anh Tình lại rủ chị Hương đi chơi và lại ngỏ lời. Nhưng thái độ chị Hương rất khó hiểu, khi chị Hương quay lưng ra về, anh Tình liều nhào người ôm và ghì chặt chị. Không kiềm chế được, Tình đã cưỡng hiếp chị Hương. Sau khi sự việc xảy ra, chị Hương có nói với bố mẹ, gia đình đã đưa đơn kiện anh Tình vì tội hiếp dâm. Với chứng cứ rõ ràng anh Tình bị tòa án tuyên phạt 5 năm tù giam về tôi hiếp dâm. Sau khi anh Tình ngồi tù chịu án chị Hương thấy động lòng, ngày ngày vẫn vào trại thăm nuôi anh Tình. Một kết cục đầy nhân văn khi anh Tình ra khỏi tù, họ lấy nhau, sinh con đẻ cái và làm ăn kinh tế khá giả.

Tấm ảnh chị Hương trong bài báo "Chờ người hiếp dâm mình ra tù để... kết hôn"

Đem câu chuyện với kết thúc có hậu này kể cho lãnh đạo Công an xã Hạ Bì chúng tôi nhận được câu trả lời là hoàn toàn bịa đặt. Trưởng Công an xã đã cho người xác minh tất cả những thông tin mà một số bài báo đưa nhưng hoàn toàn không có. Trưởng Công an xã Hạ Bì chia sẻ: "Chúng tôi đã cho kiểm tra sổ theo dõi những người đã từng mãn hạn tù, những người đang thụ án nhưng không có ai tên là Bùi Văn Tình. Hơn nữa cũng không có ai là Trịnh Thị Hương kết hôn cùng anh Bùi Văn Tình cả. Khi bài báo đưa tin ảnh chị Hương đã bị làm nhòa mặt nên không thể xác định đây có phải là người của địa phương hay không".

Họ bịa chuyện "quật mộ tìm cổ vật" gây hoang mang dư luận để làm gì?

Lại trên một tờ báo điện tử ra ngày 26/3/2013 có bài viết "về nơi người sống canh gác cho người chết" nói về hiện tượng gần đây có nhiều kẻ lạ mặt thường xuyên đến khu nghĩa địa của xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình để quật mộ truy tìm cổ vật. Ngay mở đầu sapo bài báo đã viết những câu rất nhức nhối: "Gần đây, người dân ở xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi, Hòa Bình bỗng dưng phải sống cảnh hoang mang, lo lắng vì những ngôi mộ ngoài nghĩa địa thường xuyên bị đào bới tìm cổ vật. Mỗi khi có người lạ mặt xuất hiện, cả làng lại phải thức thâu đêm canh mộ cho người chết...". Và để tăng phần giật gân, tác giả đã đặt cho tít phụ thứ nhất của bài viết là: "Trắng đêm ngoài nghĩa địa"

Nghĩ rằng đó thực sự là một vấn đề nhức nhối, gây hoang mang cho những người đang sống tại địa phương nên chúng tôi đã quyết định lên đường tìm hiểu về vấn nạn đang diễn ra tại Nuông Dăm. Người đầu tiên mà chúng tôi đến gặp để tìm hiểu là trưởng thôn Bùi Văn Kiếu. Vừa nghe chúng tôi trình bày, anh Kiếu đã ngắt lời: "Chết thật, ở địa phương chúng tôi làm gì có hiện tượng như thế. Báo nào mà lại viết bịa đặt như vậy, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương".

Nói rồi ngay lập tức anh Kiếu cầm máy gọi điện tới đồng chí bí thư chi bộ của thôn, đồng chí Công an xã và mời luôn cả đồng chí lão thành cách mạng của địa phương đến nhà mình để họp khẩn. Mục đích một phần để thông báo với các vị kia là đã có thông tin trên báo chí như thế, một phần để những người có uy tín nhất của địa phương có dịp khẳng định với chúng tôi rằng những thông tin mà báo đưa là hoàn toàn sai sự thật. Người cảm thấy oan ức hơn cả là ông Bùi Văn Tô, người đã từng dẫn phóng viên ra nghĩa địa của xã. Ông Tô nói: "Nhà báo đó chỉ nhờ tôi dẫn ra nghĩa địa để chụp ảnh, vậy mà trên báo lại chụp cái ảnh tôi và chú thích là tôi đang chỉ ngôi mộ mới bị đào bới".

Người chiến thắng hà bá cũng "sợ nhà báo quá rồi"

Nhân vật mà chúng tôi tìm gặp là người đàn ông được báo chí mệnh danh là "người cướp cơm hà bá bên dòng sông Cầu"; "Người trọn đời vớt xác, cứu người", ông tên là Nguyễn Văn Chừng (Nguyệt Đức, Thổ Hà , Bắc Giang). Những tưởng đã nhiều lần ông Chừng tiếp xúc với báo chí thì việc chúng tôi tìm đến gặp và viết về ông cũng là điều không mấy khó khăn. Thế nhưng, sự thực đã như một hòn đá tảng đè nặng lên những suy nghĩ, dự đoán của chúng tôi trước đó.

Khi biết chúng tôi là phóng viên muốn được gặp ông để viết chân dung, ông đã đóng cửa và nhất mực không tiếp mặc dù chúng tôi đã ra sức thuyết phục và có phần nài nỉ. Ông không giải thích mà chỉ nói vọng ra một câu duy nhất: "Cô cậu về đi. Tôi sợ báo chí lắm rồi!". Trước sự kiên quyết của ông Chừng chúng tôi đành quay gót ra về với tâm trạng thất vọng và đầy rẫy những băn khoăn. Cứ hỏi với nhau rằng vì sao ông Chừng lại có thái độ kỳ thị và dè chừng với báo chí đến vậy.

Ông Chừng được các nhà báo gắn cho mác thần y- có thể cứu người chết đuối sống lại

Cuối cùng thì chúng tôi cũng có được câu trả lời khi tấp vào một quán nước chè ngay trên bến sông Cầu. Người phụ nữ bán nước chè ấy không ngờ lại chính là em gái của ông Chừng. Bà giải thích: "Trước đây có một bài báo viết về anh tôi nhưng hoàn toàn sai sự thật. Trong bài báo đó viết ông ấy có thể cứu sống được cả người đã chết đuối. Thế là một hôm có gia đình ở tận Nội Bài thuê cả xe ôtô để chở con trai của họ đã bị chết đuối cách đó mấy tiếng về nhờ anh tôi chữa hộ. Lúc đến họ hy vọng nhiều lắm nhưng khi nghe anh tôi bảo "tôi đâu có phép thần thánh mà có thể làm người chết sống lại được" thế là họ buồn lắm. Nhìn họ thất vọng đưa con trở về anh tôi thương lắm. Cũng từ đó ông ấy quay ra ghét báo chí, vì đưa thông tin sai sự thật làm khổ người vô tội".

Không thể phủ nhận báo chí có một vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận xã hội. Thế nhưng bên cạnh những bài báo có ảnh hưởng dư luận tốt, những nhà báo thực sự có tâm thì vẫn còn không ít những bài báo chỉ đơn thuần với mục đích giật gân câu khách, tăng lượng xuất bản, lượng truy cập. Và đó cũng là nguyên nhân chính lý giải cho việc vì sao có quá nhiều người ngại tiếp xúc với báo chí với suy nghĩ: "Cứ tránh cho lành". Hy vọng, những câu chuyện chúng tôi kể trên đây chỉ là "con sâu bỏ rầu nồi canh". Quả thật, làng báo Việt Nam, đất nước Việt Nam ta vẫn có rất rất nhiều nhà báo trung thục, tâm huyết, tài năng, hàng ngày hàng giờ cống hiến, chiến đấu cho các giá trị tốt đẹp của lòng nhân ái, lẽ công bằng.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động): Sẵn sàng "vạch áo cho người xem lưng" để bảo vệ phẩm cách của người viết!

Tôi thật lòng cảm thấy mình cần phải thận trọng khi nói về đạo đức của một số đồng nghiệp làm bừa, làm ẩu mà bạn vừa hỏi. Bởi tâm lý người Việt Nam mình vẫn không muốn "vạch áo cho người xem lưng". Tuy nhiên, tôi tự hỏi, tại sao hàng ngày hàng giờ tôi đi chống tiêu cực, mà "tiêu cực" (nếu có) trong làng báo ta lại không "chống" để chúng ta luôn luôn thấy tự hào khi nhìn tấm "Thẻ nhà báo" của mình nhỉ?

Trong quá trình đi dọc ngang đất nước, tôi đã gặp không ít chuyện bịa đặt xuyên tạc đau lòng của đồng nghiệp. Tôi nghĩ, nghề nào cũng có thể có sai sót, còn làm còn sai, tôi và bạn cũng có thể gặp sai sót để rồi xin được tha thứ. Nhưng sự bịa tạc "dã man", sự bán rẻ phẩm cách ngòi bút thì quả là đáng lên án lắm.

Ngoài chuyện bịa bố chồng quan hệ tình dục với con dâu "dính" không gỡ ra được, phải đi gặp bác sỹ (tôi đã trả lời phỏng vấn "vụ việc" này trên báo) và những vụ ầm ĩ bạn đã biết, tôi muốn nhấn mạnh: còn quá nhiều chuyện bi hài khác mà tôi vẫn giữ hồ sơ rõ ràng, biên bản rõ ràng khi tôi trực tiếp chứng kiến cảnh bi hài đi "khắc phục hậu quả". Chúng ta và bà con nói chung thích "mũ ni che tai", "dĩ hòa vi quý", "chả dại gì đi kiện báo chí" nên những gì chúng ta "tố cáo" hôm nay chỉ là phần nổi nhỏ bé của tảng băng chìm.

Tôi ví dụ: một anh nhà báo khá xông pha, anh ta bịa ra cảnh lễ bón cơm cho người chết của dân tộc Mông ở sơn La. Toàn cảnh rùng rợn, ở bản Pay Trò gì đó trên Phù Yên, nào là răng lợi người chết để lâu đã mủn ra, môi lợt nát đi, nước từ thi thể rơi xuống đống tro bếp, với những lời kể của người có tên có tuổi, có vẻ rất "người thật việc thật"... Rồi cơ quan Trung ương yêu cầu điều tra. Tôi đi bộ cả ngày vào khu vực đó. Thì ôi thôi! Đến cái bản đó cũng bị xóa sổ từ lâu, chỉ còn vài thanh gỗ pơ mu đen kịt giữa rừng hoang. Hỏi người dân và cán bộ thì từ lâu lắm không có lễ cúng nào như vậy. Bức ảnh anh ta "minh họa" cho bài viết là chụp ở tít tịt nơi khác, mà ảnh lờ mờ, chứ có diễn tả gì liên quan đến miêu tả kinh dị kia đâu. "Người trả lời phỏng vấn" kia cũng... chỉ có ở trên mây.

Chưa hết, có vụ, khi tôi có mặt ở đình làng ấy (dưới Hải Phòng), bà con kéo đông nghịt, lãnh đạo Sở Truyền thông cũng có mặt, họ xếp hàng một loạt người già trẻ ra trước mặt tôi, mà rằng: thưa nhà báo, trong loạt bài ma quái vừa rồi, ông nhà báo kia đều nói là chúng tôi đã bị "ma quỷ" vật chết. Nay chúng tôi "xếp hàng" đầy đủ ra đây cho nhà báo xem mặt ạ. Con cái tôi từ nước ngoài đọc báo, gọi về, ối trời ơi, bà ấy chết thê thảm đến mức báo chí người ta viết lên, mà sao không báo con về viếng tang.

Xin thưa, với hàng trăm vụ bịa tạc mà tôi biết kia, cũng đủ để đôi khi tôi xem lại tấm thẻ nhà báo của mình, nhớ lại lời người ta mỉa mai "nhà văn nói láo, nhà báo nói sai (nói thêm)" mà... hơi hổ thẹn. Vẫn biết, đó cũng chỉ là "con sâu bỏ rầu nồi canh" thôi, và những ai không có Tâm với Nghề thì sớm muộn cũng bị đào thải; nhưng mà: nếu loại bỏ được hết "sâu" khỏi vườn rau đầy kiêu hãnh của làng báo chúng ta thì còn gì bằng, bạn nhỉ!
------------
Xin lỗi tác giả, Tre Làng tự đặt lại cái tai tồ câu khách

Theo Cảnh Sát Toàn Cầu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog