Chia sẻ

Tre Làng

Dự án Đường sắt trên cao: KHÔNG THỂ TIN NHÀ THẦU TRUNG QUỐC

Tổng thầu Trung Quốc hứa cả trăm lần nhưng... không thực hiện (!)

Dân trí: “Vướng mắc nhất ở Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là Tổng thầu Trung Quốc đồng ý rồi lật lại, kể cả là đồng ý bằng văn bản. Trong mọi vấn đề, Tổng thầu hứa cả trăm lần nhưng không thực hiện, cứ như họ đang giấu giếm điều gì đó…”.

Ông Lê Kim Thành - Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - đã thẳng thắn cho biết như vậy tại cuộc họp kiểm điểm Dự án án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) chiều 14/9.

Tổng thầu: Ta chẳng sợ ai?

“Nóng” như cái tên của dự án, tinh thần cuộc họp được Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẩn trương đốc thúc ngay khi các thành phần tham dự còn đang “lục tục” ngồi vào bàn làm việc. Tình hình dự án được Ban Quản lý dự án đường sắt (QLDA) báo cáo nhanh chóng, các vấn đề đưa ra đều chung một câu “chốt” là: Chậm.

Trên thực tế, sự chậm trễ của dự án Cát Linh - Hà Đông đã là “điệp khúc”. Vấn đề nằm ở chỗ dự án này đang trong giai đoạn nước rút với những yêu cầu cấp bách về tiến độ, nhưng Tổng thầu Trung Quốc thì vẫn “bình chân như vại”.

Bằng chứng là hạn chót tới 31/12/2015 phải hoàn thành 12 nhà ga trên tuyến (tức chỉ còn hơn 3 tháng), nhưng đến nay Tổng thầu vẫn đang “kì kèo” trong việc thương thảo với thầu phụ nên chưa ký được hợp đồng. Khối lượng thi công dù đã được bàn giao nhưng tổng thầu không thanh toán cho các thầu phụ khiến số dư nợ hiện rơi vào khoảng hơn 300 tỷ đồng. Trong khi đó, việc điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư và điều chỉnh hợp đồng EPC với khoản vay bổ sung nước ngoài là hơn 250 triệu USD dù đã có phê duyệt của Chính phủ Việt Nam và Ban QLDA đã làm việc nhiều lần nhưng tới nay tổng thầu Trung Quốc vẫn chưa có ý kiến phản hồi…

Tại cuộc họp, ông Lê Kim Thành - Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường sắt - thẳng thắn nêu bức xúc: “Tổng thầu không nghiêm túc. Chỉ riêng việc thanh toán tổng thầu hứa hẹn nhưng chờ 2 tuần nay tổng thầu không thực hiện. Ban QLDA gửi văn bản cho tổng thầu thì không trả lời”.

Lúc này, ông Yu Jiang - Giám đốc điều hành Dự án (người đại diện cao nhất của tổng thầu Trung Quốc tại Việt Nam) viện dẫn nhiều lí do. Khi Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đặt câu hỏi tại sao thầu phụ hoàn thành khối lượng mà không thanh toán? Ông Yu Jiang sau một lúc im lặng thì “lí nhí” nói, theo phiên dịch dịch lại là “chúng tôi sẽ cố gắng”.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: “Đi trên đường nhìn dự án rất sót ruột! Thời tiết đẹp mà không thi công, chỉ thấy lèo tèo 2-3 công nhân mặc quần áo đẹp chạy hết chỗ nọ chỗ kia.”

Vấn đề thi công dầm bê tông đang thực hiện theo tiến độ “chậm đột ngột”, từ 4 dầm trong một đêm xuống còn 1 dầm, thậm chí trong nửa đầu tháng 9 chỉ đổ được có 6 phiến dầm. Theo đơn vị thi công là Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, lí do là vì tổng thầu không cung cấp vật liệu, biện pháp thi công chuyển từ công nghệ cao xuống công nghệ thấp đã gây mất thời gian và không đảm bảo an toàn lao động.

Được biết, không có vật liệu, không có việc nên Tổng Công ty Thăng Long thậm chí phải cắt giảm nhân sự vì mỗi ngày đơn vị này mất 50 triệu đồng để cho 200 kỹ sư và công nhân “ăn không ngồi rồi”. Khi Thứ trưởng Trường truy trách nhiệm thì mới ra vướng mắc giữa tổng thầu và đối tác về chi phí, tổng thầu không đồng ý tăng giá nên đối tác ngừng cung cấp vật liệu và thiết bị thi công. Trước sức ép tại cuộc họp, tổng thầu Trung Quốc mới chịu tăng chi phí để tiếp tục triển khai công việc.

Còn “chần chừ” sẽ thay Giám đốc điều hành dự án

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Ban QLDA đường sắt thay mặt Bộ GTVT điều hành dự án nên có quyền buộc các bên phải làm theo mình, phải thay đổi cách làm chứ không thể để tổng thầu loay hoay mãi không xong. Thứ trưởng yêu cầu Ban này không tiếp tục trông chờ ở tổng thầu, vướng mắc ở đâu Ban toàn quyền xử lý, không xử lý được thì trình lãnh đạo Bộ giải quyết.

Cuộc họp kiểm điểm Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chiều 14/9

Một lần nữa đứng dậy trước cuộc họp, Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường sắt Lê Kim Thành khẳng định: “Vướng mắc nhất là Tổng thầu Trung Quốc đồng ý rồi lật lại, kể cả là đồng ý bằng văn bản. Trong mọi vấn đề, Tổng thầu hứa cả trăm lần nhưng không thực hiện, nhiều vấn đề được khẳng định bằng văn bản nhưng tổng thầu không gửi báo cáo sang Trung Quốc để lãnh đạo cấp cao hơn đưa ra hướng giải quyết, cứ như họ đang giấu giếm điều gì đó…”.

Tới đây, cũng một lần nữa, Giám đốc điều hành dự án Yu Jiang lại tiếp tục… im lặng (!?)

Phía đại diện Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTV) nêu quan điểm: “Mấu chốt là ở tổng thầu, nếu tổng thầu không ký hợp đồng thì không giải quyết được vấn đề tiến độ. Sự nhìn nhận thiếu nghiêm túc của tổng thầu là nguyên nhân của mọi vấn đề tại dự án”.

Đến lúc này, Thứ trưởng Bộ GTVT “nóng mặt” và gay gắt: “Tôi ra hạn chót đến 30/9 tổng thầu phải hoàn thành việc ký hợp đồng với 12 nhà thầu thi công 12 nhà ga và ký tại Bộ GTVT. Từ ngày 25-30/9 tôi sẽ không đi đâu cả, tôi chỉ ở Bộ để chờ các đơn vị lên đây và chứng kiến việc ký kết hợp đồng.

Nếu Tổng thầu không ký được hợp đồng với các thầu phụ thì tôi sẽ thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị sang Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thay Giám đốc điều hành dự án tại Việt Nam. 12 nhà thầu có làm được hay không cũng phải nói rõ để cần thiết thì thay luôn”.

Xét về tiến độ tổng thể dự án, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng sự chậm trễ có nguyên nhân cốt yếu là vấn đề con người, các đơn vị phối hợp chưa tốt, chưa sáng tạo. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu tổng thầu Trung Quốc phải có thái độ nghiêm túc.

“Tiến độ trong cuộc họp thì quyết liệt nhưng tiến độ ngoài công trường thì “rùa bò”. Đừng chỉ đạo để cho vui! Đến 30/9 tất cả phải kết thúc về tiến độ tổng thể và điều chỉnh tổng mức đầu tư, trong đó hạn 31/12/2015 phải xây dựng xong 12 nhà ga, tới 30/5/2016 phải xong phần thô toàn dự án và 30/6/2016 phải hoàn thành xây lắp” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kiên quyết.

Châu Như Quỳnh
Theo Dân Trí

18 nhận xét:

  1. Dự án đường sắt trên cao vừa gây tắc đường, mất an toàn cho người dân lại bò còn chậm hơn cả rùa về đích.

    Trả lờiXóa
  2. Mong rằng sự quyết liệt này của lãnh đạo Bộ Giao Thông Vận tải Việt Nam sẽ có tác động tích cực để thay đổi tình hình, tiến độ thi công dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Không làm được, làm nhanh và làm tốt thì dân kêu ca lắm. Vì thế lãnh đạo Bộ GTVT cần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để dự án này nhanh chóng được hoàn thiện.
    Quan trọng là sau những vụ việc làm ăn với Trung Quốc này thì lãnh đạo các cấp các ngành, thậm chí là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cần đánh giá toàn diện hơn trước khi cho Trung Quốc tham gia vào các dự án và đầu tư, làm ăn ở Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  3. Tiến độ chậm trễ của công trình đường sắt trên cao đã gây ra nhiều nhiều trở ngại cho người dân. Đó là tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, tai nạn... thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do công trình này gây ra. Hy vọng rằng trong thời gian tới Bộ Giao thông vận tải cần có những biện pháp quyết liệt hơn thúc đẩy nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, giải quyết những tồn đọng, nếu nhà thầu này không thực hiện được thì thay nhà thầu có khả năng tài chính hơn

    Trả lờiXóa
  4. Không thể hiểu nổi chúng nó đang diễn trò gì trên đầu của chúng ta nữa? và cũng không biết đến bao giờ cái dự án đường sắt kinh hoàng đấy mới kết thúc. Bao nhiêu sự cố thương tâm đã xảy ra từ khi tiến hành xây dựng đường sắt, chưa kể nạn ùn tắc diễn ra thường xuyên. mọi người cảm thấy sợ ra đường, chỉ cần bạn chậm 5 phút thôi thì bạn chắc chắn sẽ đến cơ quan muộn cả tiếng. Bên cạnh đó, mặt đường thì nham nhở, xây được cái đường trên cao thì hỏng luôn cái đường dưới đất.

    Trả lờiXóa
  5. Dự án đường săt trên cao cát linh-hà đông do nhà thầu Trung Quốc tiến hành đã chậm tiến độ lại thêm không đảm bảo an toàn khi thi công và đội gia tăng cao so với vốn đầu tư ban đầu điều này làm cho chúng ta nghi ngờ về khả năng thi công của nhà thầu Trung Quốc.

    Trả lờiXóa
  6. Nếu mà cứ cái điệp khúc chờ mà không thay thế được nhà thầu Trung Quốc thế này thì không hiểu đến năm nào tuyến đường sắt trên cao mới đưa vào sử dụng.

    Trả lờiXóa
  7. Thay giám đốc điều hành liệu có giải quyết được cái vấn nạn tiến độ rùa bò với công tác an toàn hay không. Chứ Nạn tắc đường do thi công tuyến đường sắt trên cao ngày càng trầm trọng.

    Trả lờiXóa
  8. Rõ ràng là năng lực thi công của nhà thầu Trung Quốc quá yếu kém. Cứ với cái đà này thì liệu 5 năm nữa có hoàn thành được không?

    Trả lờiXóa
  9. Tuyến đường sắt trên cao thi công với tốc độ còn chậm hơn cả rùa bò thế này bao giờ mới xong đây, rồi lại phát sinh ra bao nhiêu thứ, gây mất an toàn người tham gia giao thông.

    Trả lờiXóa
  10. Bộ giao thông cần phải mạnh tay hơn nữa với tổng thầu Trung Quốc thi công chây ì thế này, cần thiết thì thay thế nhà thầu khác chứ cứ để thế này thì tuyến đường sắt trên cao bao giờ mới đưa vào hoạt động?

    Trả lờiXóa
  11. Dự án đường sắt trêm cao tiến độ thì quá chậm, mà thi công thì quá mất an toàn. Thế mà vẫn không thúc ép được nhà thầu Trung Quốc đẩy nhanh thi công.

    Trả lờiXóa
  12. Hi vọng là bộ giao thông có thể làm thẳng tay như đã nói "Nếu Tổng thầu không ký được hợp đồng với các thầu phụ thì tôi sẽ thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị sang Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thay Giám đốc điều hành dự án tại Việt Nam. 12 nhà thầu có làm được hay không cũng phải nói rõ để cần thiết thì thay luôn"

    Trả lờiXóa
  13. Tiến độ thi công quá là chậm chạp, rồi thi thoảng lại xảy ra tai nạn. Tắc đường do thi công tuyến đường sắt trên cao thì diễn ra khắp Hà Nội. Vậy mà không thể có biện pháp cứng rắn với tổng thầu hơn à?

    Trả lờiXóa
  14. “Tiến độ trong cuộc họp thì quyết liệt nhưng tiến độ ngoài công trường thì “rùa bò”. Đừng chỉ đạo để cho vui! Đến 30/9 tất cả phải kết thúc về tiến độ tổng thể và điều chỉnh tổng mức đầu tư, trong đó hạn 31/12/2015 phải xây dựng xong 12 nhà ga, tới 30/5/2016 phải xong phần thô toàn dự án và 30/6/2016 phải hoàn thành xây lắp” Hi vọng là sẽ thực hiệc được như chỉ đạo.

    Trả lờiXóa
  15. Thi công kiểu chây ỳ, không xem tính mạng người đi đường ra gì cả. Phát sinh thì nhiều. Thế mà vẫn không làm gì được mấy thằng thầu Trung Quốc cả.

    Trả lờiXóa
  16. tôi chẳng hiểu sao ông Lê Kim Thành lại đi nói toẹt ra cái nghi vấn của mình tại cuộc họp kiểm duyệt “Trong mọi vấn đề, Tổng thầu hứa cả trăm lần nhưng không thực hiện, cứ như họ đang giấu giếm điều gì đó…” tại sao lại đánh rắn động cỏ đáng tiếc như thế chứ, đáng lẽ ra phải âm thầm điều tra ra những nghi vấn để giải quyết một cách triệt để chứ không thể mãi họp kiểm duyệt với kiểm tra một cách vô vọng và bị động như thế này được

    Trả lờiXóa
  17. nền công nghiệp xây dựng của nước nhà tiến bộ mỗi ngày nhưng vẫn không thể theo kịp được nhu cầu phát triển của đất nước, những công trình lớn đòi hỏi kỹ thuật tiên tiến cũng như kinh nghiệm dày dặn để đảm bảo an toàn bền vững cho công trình thì bắt buộc phải thuê nhà thầu nước ngoài xây dựng, và trung quốc là những quốc gia có nguồn lực lớn thuận tiện về địa lý để Việt Nam mời thầu xây dựng, cái gì đối phương có thế mạnh mà ta thế yếu thế cần họ thì làm sao mà không sinh ra được những trường hợp nhũng nhiễu kiểu này rồi

    Trả lờiXóa

  18. chứng tỏ rằng ngay từ đầu của dự án việc làm thủ tục cũng như những quy định trong ký kết hợp đồng xây dựng chưa chặt chẽ rồi, bị người ta bắt thóp từ đầu, không chặt chẽ trong quy định ràng buộc đối với nhà thầu nên bây giờ phải chịu hệ quả mà thôi, tốt nhất dùng hết nguồn lực mà làm tốt từ khâu tham mưu tìm đối sách xử lý cho đến khắc phục hậu quả trách gây phiền hà cho người dân tham gia giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog