Chia sẻ

Tre Làng

CHỈ HUY

Mình may mắn có người chỉ huy tài ba, lỗi lạc và quyết đoán. Do vậy, không khí làm việc thật dễ chịu. Ai cũng như ai đều được tôn trọng và tự do phát triển khả năng, thực hiện hoài bão của mình. Rộng ra một chút, có chỉ huy mới, cơ quan như thay da, đổi thịt, bộ mặt cơ quan giờ đã khác xưa. Điều này nói lên phương thức chỉ huy của người lãnh đạo.

Vụ cưỡng chế đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), để hậu quả 6 cán bộ chiến sĩ công an, quân đội trọng thương cho thấy bất cập về chính sách đất đai và việc thực thi nó đã dồn ép đã lâu, nay mới bung ra như lò so.

Nhưng ở phạm vi bài viết, xin miễn bàn thêm về chính sách đất đai, đã có quá nhiều người phân tích rồi. Xin chỉ nêu về vai trò người chỉ huy lực lượng vũ trang (công an, quân đội) khi bị yêu cầu đưa quân đi thực hiện cưỡng chế.

Còn nhớ hồi đi học, trong cuộc thảo luận về việc thực hiện mệnh lệnh cấp trên, trong một buổi thảo luận, chúng tôi băn khoăn: "Quân lệnh như sơn!", nhưng nếu gặp tình huống chỉ huy ra lệnh bắn vào thường dân vô tội, không lẽ công an nhân dân lại nổ súng vào dân? Không chấp hành, theo điều lệnh nhà binh, chỉ huy có thể xử lính tội bất tuân quân lệnh. Dự thảo luận, chỉ huy nói "Chúng tôi cũng như các đồng chí thôi, kẻ đi trước, người đi sau, đều là con em nhân dân cả. Không bao giờ tôi ra lệnh bắn vào dân". Có người hỏi: "Đồng chí không ra lệnh. Nhưng nếu có chỉ huy khác ra lệnh?". Chỉ huy cười: "Thì ta bắn lên trời. Công an nhân dân không bao giờ đối đầu với nhân dân! Trái lại, phải vì dân phục vụ". Mọi người cười thỏa mãn.

Cách nay ít lâu, trong buổi giao ban nội chính tỉnh nọ, quan đầu tỉnh to tiếng quở trách, nói đại tá P - Phó giám đốc công an (phụ trách an ninh) nên nghỉ việc về "tội" không mạnh tay dẹp việc người dân phản ứng do bị cưỡng chế lấy vượt đất (dù đã được cấp phép hơn 170ha) cho đại gia làm khách sạn, sân khấu thi hoa hậu, sân gôn... Nghiệt nỗi, bà con cứ treo băng rôn đòi đất, đòi công bằng ngay bên đường dẫn ra sân bay, nơi quan chức trung ương thường qua lại. Quan đầu tỉnh "xốn mắt" lắm! Bị nạt vô lối, đại tá P đối đáp: "Bà con đấu tranh ôn hòa, không bạo động. Không được phép sử dụng lực lượng vũ trang can thiệp, vì chỉ tạo thêm căng thẳng bức xúc, bất ổn xã hội. Đó là nguyên tắc". Quan đầu tỉnh lâm thế bất ngờ, đuối lý. Văn võ bá quan chứng kiến, tuy có "sốc", nhưng cũng có dịp phần nào hiểu bản chất "lực lượng vũ trang nhân dân".

Cũng công an tỉnh nọ, nhưng ông H (giám đốc kế nhiệm) lại chẳng được như ông P - Phó giám đốc tiền nhiệm. Biết tỉnh chủ trương huy động công an cưỡng chế lấy đất cho đại gia (công ty cổ phần) làm dự án khu đô thị mới (thực chất chỉ san nền - phân lô - bán!), tác giả khuyên đại tá H, với tư cách Thường vụ Tỉnh ủy, góp ý lãnh đạo tỉnh chẳng nên chủ trương cưỡng chế. Đây là dự án kinh doanh kiếm lời của doanh nghiệp, phải theo đường thỏa thuận dân sự. Nếu dân thỏa thuận bán đất nhận tiền rồi, lật kèo không giao đất, chủ dự án cứ việc đi thuê công ty vệ sĩ mà cưỡng chế. Rốt cuộc, không những ông H hăng hái điều quân tham gia cưỡng chế, mà còn cho lập trạm chốt 24/24 tại mặt bằng dự án, tạo điều kiện chủ dự án đổ đất san nền chiếm cả diện tích ngoài quy hoạch. Bà con kéo đến rùng rùng, phản ứng dữ dội, uất hận kiện thưa tận trung ương, đến nay vẫn chưa yên. Anh em cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền cũng râm ran ngờ vực giám đốc H.

Hai thái độ chỉ huy khác nhau, cho hậu quả an sinh xã hội rõ là khác nhau!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog