Chia sẻ

Tre Làng

DÙNG THẺ NHÀ BÁO ĐỂ DỪNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐÚNG HAY SAI?

Cuteo@

Trên báo Giao thông, số ra ngày báo chí Việt Nam 21/6/2015, có bài "Dùng thẻ nhà báo… “bắt” xe chở xi măng quá tải" (hình bên chụp từ màn hình) của phóng viên Tuấn Anh viết về tác giả và PV Văn Thanh dùng thẻ nhà báo để dừng phương tiện giao thông đường bộ, nhằm bắt xe xi măng chở quá tải. (link dưới)

http://www.baogiaothong.vn/dung-the-nha-bao-bat-xe-cho-xi-mang-qua-tai-d109656.html

Ở đây, các nhà báo đã có 2 cái sai: (1) Nhà báo không được quyền dừng các phương tiện giao thông đường bộ; (2) Các nhà báo không được quyền vào cabin xe khi chưa được lái xe cho phép. 

Cần nhớ rằng nhà báo khi tác nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ pháp luật và không được lạm quyền.

Bài báo viết (Trích nguyên văn): 

"14h20 ngày 5/8/2014, thông tin hàng loạt nhà máy sản xuất xi măng có dấu hiệu tiếp tay cho xe xi măng chở quá tải, tôi cùng PV Văn Thanh từ QL1 ngược lên QL12 về hướng Nhà máy Xi măng Sông Gianh.

Qua địa phận thị trấn Ba Đồn khoảng 2 km, phát hiện xe bồn 73L-6628 đi ngược chiều xuôi về QL1. Liên tục nháy đèn xe báo hiệu, hạ kính xe xuống vẫy, chiếc xe vẫn không hề giảm tốc độ. Cực chẳng đã, tôi liền móc ví, bảo Thanh: “Chú lấy Thẻ nhà báo của anh ra, hạ kính xuống, khi anh vượt xe lên thì đưa thẻ ra nhưng đừng để lộ chữ Thẻ nhà báo”. Bắt kịp chiếc xe, PV Văn Thanh miễn cưỡng áp dụng “chiêu” tôi vừa nói. Khi phát hiện lái xe đã nhận ra “hiệu lệnh”, tôi từ từ bật xin nhan phải ép dần chiếc xe dừng lại tại thị trấn Ba Đồn.

Mở cửa xe, tôi nói PV Văn Thanh lấy máy ảnh, bật máy và ngồi im trong xe. Chạy ngược lại phía chiếc xe bồn, bước sang ghế phụ, tôi khoát tay cho phụ xe xuống xe và mặt lạnh tanh: “Chú đưa anh xem cái hóa đơn xuất hàng để anh kiểm tra”. Không chút nghi ngờ, phụ xe trèo ngược lên xe, lấy hóa đơn xuất hàng đưa cho tôi. Không để cho lái, phụ xe kịp nhận ra ý đồ, tôi đi nhanh về phía chiếc xe, mở cửa đưa cho PV Văn Thanh: “Chú chụp ảnh nhanh”, đồng thời đóng cửa xe và bấm khóa chốt cửa từ bên ngoài. Cùng lúc này, cả lái xe và phụ xe chạy theo đòi mở cửa xe lấy hóa đơn.

Một mình bên ngoài, tôi vẫn bình tĩnh: “Anh em từ bộ vào nên cứ để cho tụi tôi kiểm tra xong sẽ đưa lại ngay, không liên quan đến lái phụ xe đâu”.

Phía trong xe, PV Văn Thanh đã chụp xong ảnh, tôi ra tín hiệu hạ kính xe xuống và đưa trả lại tờ hóa đơn rồi hỏi han thêm thông tin từ lái phụ xe....". (Hết trích)

Phải nói rằng tinh thần chống tiêu cực của các anh rất đáng khen, mục đích của các anh cũng rất đáng trân trọng, và kết quả công việc của các anh là rất tốt.

Tuy nhiên, tôi không tin rằng, các anh tác nghiệp như thế là đúng luật. Các anh không thể dùng cái sai này để tìm cái sai khác. 

Điều 87 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ: Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Theo Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 và Thông tư số 45/2012/TT-BCA ngày 27/7/2012 của Bộ Công an, khi thực hiện tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát. Song người có thẩm quyền kiểm soát phải mang theo Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ và xuất trình khi có yêu cầu đồng thời phải đeo biển hiệu (thẻ xanh) khi làm nhiệm vụ.

Theo quy định tại Nghị định 27/2010/NĐ-CP định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGT đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết, các lực lượng Cảnh sát khác và công an xã, phường, thị trấn được huy động phối hợp với CSGT tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo thông tư 08/2010/TT-BGTVT ngày 19/3/2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của thanh tra đường bộ: Thanh tra giao thông đường bộ có quyền dừng phương tiện giao thông đường bộ đang lưu thông trong trường hợp cấp thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, vi phạm Điều 86 Luật Giao thông đường bộ, đình chỉ hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm theo quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ khi phát hiện có dấu hiệu vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ; có dấu hiệu vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ. 

Như vậy, việc các nhà báo, kể cả khi tác nghiệp cũng không được dừng các phương tiện giao thông đường bộ. Các anh cũng không được quyền tự tiện vào trong xe rồi đóng cửa lại (theo lời kể của PV) vì cabin xe thuộc sở hữu của lái xe.

Trường hợp trên, các phóng viên đã vi phạm pháp luật khi tác nghiệp.

Mong rằng, những việc làm sai như trên sẽ không lặp lại. Các cơ quan báo chí cũng nên tổ chức học tập nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật cho đội ngũ phóng viên để những việc đáng tiếc như trên không còn xảy ra.

Nhân ngày nhà báo Việt Nam, xin chúc các anh chị phóng viên mạnh khỏe, có đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

13 nhận xét:

  1. Hạ Xuân21:57 21/6/15

    Nhà báo giờ cũng làm cảnh sát giao thông, thanh tra đường bộ cơ ah? thẻ nhà báo giờ ngang với thẻ công an, thanh tra rồi sao? Đời đúng là có nhiều người chẳng ra làm sao, nghề của mình mà còn không biết mình được làm gì, phải làm gì là sao?

    Trả lờiXóa
  2. Vậy là không chỉ hai anh bạn phóng viên này mà cả ban biên tập của báo giao thông cũng đều chẳng hiểu gì về luật pháp cả.Không những thế,ai lại đem cái sai của mình ra khoe nhân ngày truyền thống của nghành.
    Gía như hai anh phóng viên phối kết hợp với CSGT hoặc TTGT thì đã có một việc làm tốt và một bài báo hay.

    Trả lờiXóa
  3. Việc dùng thẻ nhà báo để dừng các phương tiện giao thông đường bộ lại là không đúng pháp luật. Hai anh nhà báo này nên có sự phối hợp với lực lượng chức năng để có cách xử lý tốt nhất và hợp lý, tránh những tính huống xấu có thể xảy ra khiến thiệt hại không đáng có

    Trả lờiXóa
  4. Động cơ của các vị nhà báo này có lẽ là vô tư, vì tình thần trách nhiệm mà đã kiên quyết đấu tranh với hành vi xe chở xi măng quá tải.
    Có điều các vị nhà báo đúng là đã dùng cái sai của mình để bắt cái sai của người khác, vớ được mấy anh lái xe trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế chứ không biết là nếu vào người nắm được luật thì mọi chuyện sẽ phức tạp thế nào.
    Người làm báo phải xông pha vào "chiến trường trắng" (Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước) để tả xung, hữu đột thì mới ra được một tác phẩm hay, có ý nghĩa. Song, không phải vì thế mà chính các vị lại vi phạm pháp luật như vậy thì lại phản tác dụng rồi.

    Trả lờiXóa
  5. Động cơ của hai nhà báo này là tốt nhưng hai nhà báo này hành động như vậy là không đúng, thậm chí là sai pháp luật. Nếu phát hiện sai phạm thì cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền như (công an, thanh tra giao thông) để những chứng cứ về những hành động sai phạm được củng cố về mặt pháp lý và xử lý được nghiêm minh

    Trả lờiXóa
  6. Nhà báo là người đưa những thông tin cập nhật ở mọi lúc, mọi nơi tới quần chúng nhân dân. Nhiều sự thật đã được phanh phui nhờ những cây bút quả cảm, có trách nhiệm. Thế nhưng nếu hoàn thành nhiệm vụ mà vi phạm những quyền không cho phép , vi phạm pháp luật thì thật không đáng.

    Trả lờiXóa
  7. Mấy cha nhà báo hình như không hiểu luật thì phải. Hành động của 2 phóng viên là mạo danh công an. Bên cạnh đó, họ không có quyền kiểm tra giấy tờ của các phương tiện. Không có quyền sao chụp lại những giấy tờ đó. Điều này là vi phạm pháp luật.

    Trả lờiXóa
  8. Đúng là ấu trĩ. Từ phóng viên đến ban biên tập tờ Giao thông tự thể hiện mình là kẻ kém cỏi trong nghề. Sai còn vạch áo cho người xem lưng. Đã vậy còn miêu tả lại bằng giọng điệu hết sức hả hê. Người làm báo mà kém hiểu biết đến mức vậy thì hết chịu nổi

    Trả lờiXóa
  9. Nhà báo vừa làm báo, cũng làm cảnh sát giao thông, thanh tra đường bộ, làm ăn cướp, làm xin đểu, làm kẻ tống tiền... Chẳng có cái gì là không làm được. Thượng vàng hạ cám, nhà báo chơi tuốt. Thật đáng nể

    Trả lờiXóa
  10. Thật là bá đạo với các chú nhà báo này. Các chú chả xem pháp luật ra gì nữa. Các chú giờ chắc thay lực lượng công an đi luôn quá.

    Trả lờiXóa
  11. Một nhà báo điều tra mà không hiểu luật, không xem xét hậu quả hành vi của bản thân mình, vẫn thực hiện bất chấp các quy định của pháp luật. Chắc chắn sẽ tiếp tục vi phạm. Và nếu không ngăn chặn, với ảo tưởng vào "quyền lực thứ tư"; liệu nhà báo này có giữ được chính bản thân mình trong sạch hay không?

    Trả lờiXóa
  12. Bản thân tôi chỉ là một độc giả, nhưng thực sự tôi không thể hiểu Ban biên tập Báo Giao thông có suy nghĩ gì khi nhắm mắt bỏ qua vi phạm của nhân viên thuộc quyền. Thậm chí công khai ủng hộ việc làm của phóng viên trên bằng cách đăng tải nội dung trên báo điện tử. Phải chăng, pháp luật nhà nước xây dựng không "đụng" được đến báo chí. Và nhà báo có quyền dẫm lên luật?

    Trả lờiXóa
  13. Mấy chú lái xe cũng đek biết luật. Cứ ngoan ngoãn làm theo như con cún. Nhà báo chứ có phải là cảnh sát giao thông đâu mà chặn xe các chú. Thế mà cũng dừng. Nhà báo chứ có phải cảnh sát đâu mà kiểm tra giấy tờ. Thế mà các chú cũng đưa. Thế này chỉ tổ cho mấy ông ngoáo ộp làm thịt thôi

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog