Chia sẻ

Tre Làng

ÔNG THÊM ĐƯỢC GIẢI OAN


Khoai@

Thật xót xa.

Đã 80 tuổi đời, 43 năm bị kết án oan sai với tội danh giết người, dẫu muộn còn hơn không, công lý cuối cùng đã hiện diện để ông được giải oan.

Bị oan, mang tiếng với đời là tận cùng của nỗi khổ. Vậy mà ông chịu oan 43 năm, thời gian đủ dài để nuôi dậy một đứa bé từ khi lọt lòng cho tới khi làm thủ tướng bên trời Tây.

Người bị hàm oan và mới được giải oan là ông Trần Văn Thêm, trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Chiều ngày 9/8/2016, sau buổi họp liên ngành, các cơ quan tố tụng đã đưa ra kết luận chính thức vụ ông Trần Văn Thêm, người mang thân phận tử tù suốt 43 năm là oan sai.

Ông Bùi Ngọc Hoà, Phó chánh án TAND Tối cao, cho biết sau khi khẩn trương xem xét nghiên cứu, ngoài tài liệu có trong hồ sơ thì các cơ quan tố tụng đã thu thập thêm một số tài liệu chứng cứ khác và đã có kết luận chính thức ông Trần Văn Thêm bị truy tố tội giết người, cướp giật tài sản trong vụ án giết người từ năm 1970 là oan sai.

Ông Phó chánh án cũng cho biết, các cơ quan thi hành tố tụng sẽ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để công bố trong thời gian sớm nhất để giải oan cho ông Thêm. Các cơ quan này cũng sẽ phải công khai xin lỗi và bồi thường cho ông Thêm theo quy định của Pháp luật.

Chuyện đau buồn bắt đầu vào đêm 23/6/1970, hai anh em ông Thêm mua hàng về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú) thì trời tối nên họ vào chòi cắt tóc ven đường để ngủ. Khoảng 1h ngày hôm sau, khi đang lơ mơ ngủ thì ông Thêm thấy choáng váng vì ai đó đã đập búa vào đầu ông.

Ông Trần Văn Thêm kêu lên, tên cướp cũng đã kịp đập một nhát vào đầu người em là Văn (em họ ông Thêm) nằm cạnh đó. Nghe tiếng kêu cứu trong đêm, người dân đưa anh em ông Thêm vào trạm xá xã Đông Tĩnh rồi sau đó chuyển lên bệnh viện huyện Tam Dương. Khi chuyển tiếp đến Bệnh viện tỉnh Vĩnh Phú thì người em đã chết. Khi đó, các cơ quan tố tụng ở Vĩnh Phú sau đó kết luận ông là hung thủ giết người. Tháng 8/1972, ông bị TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình. Tháng 8/1973, cấp phúc thẩm cũng cũng y án sơ thẩm vì HĐXX cho rằng đủ căn cứ tuyên tử hình ông vì tội Giết người và Cướp tài sản.

Sau nhiều năm kêu oan, thậm chí ông đã nhiều lần viết bằng máu, đêm 30 Tết năm Âm lịch (đầu năm 1976), ông Thêm cho biết, mình được bác sĩ ở Bộ Công an cấp một tờ giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động và được về địa phương sinh sống bình thường đến nay. 

Dù đã được về địa phương sau hơn 5 năm trong tù, nhưng ông vẫn phải chịu nỗi oan khuất trong suốt cuộc đời của mình cho đến ngày hôm qua.

Rồi đây, những kẻ làm oan cho ông sẽ phải trả giá cho sự ngu muội hoặc vô cảm của mình.

Dù thế nào cũng xin chúc mừng ông.

45 nhận xét:

  1. Những người như ông Thêm, ông Chấn chịu sự thiệt thòi biết bao nhiêu năm nay, ảnh hưởng rất lớn đến danh dự cá nhân, gia đình, họ hàng. May sao họ có những "lá bùa hộ mệnh" may mắn thoát khỏi cái chết oan khuất để bây giờ những năm tuổi già họ được trở lại với danh nghĩa một con người thanh bạch.

    Trả lờiXóa
  2. Bị mang án oan giết người suốt 43 năm là một nỗi khổ vô cùng lớn mà không phải ai cũng có thể hiểu. Đặc biệt trường hợp của ông Thêm thì không có nỗi đau nào bằng việc mang oan tội giết em trai ruột rồi chịu bao dị nghị từ trong nhà ra đến ngoài xã hội xung quanh ông.

    Trả lờiXóa
  3. Cũng may là tới tuổi gần đất xa trời cụ ông còn được minh oan trước khi nằm xuống. Đời người sống được là bao , ấy vậy mà cụ phải mang trên mình nỗi oan khuất tới hơn già nửa cuộc đời. Kèm theo đó là biết bao hệ lụy mà gia đình con cháu phải gánh chịu chung với nỗi oan đó .Giờ cụ có thể vui vẻ bên gia đình, con cháu rồi. Chúc cụ luôn luôn khỏe mạnh

    Trả lờiXóa
  4. Vậy là mất nửa đời người vì cơ quan pháp luật chậm trong việc điều tra cụ thể. Dẫu sao cũng hoan nghênh vì cuối cùng cũng được minh oan cho cụ. Mong là cụ được đền bù thoả đáng, Chúc cụ sống lâu trăm tuổi , sức khoẻ dồi dào sống quãng đời còn lại bên con cháu.

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh21:52 10/8/16

    BÀI TRÊN VNEXPRESS. Dài nên để 5 còm:
    Rũ oan cho cụ ông mang án tử hình xuyên 2 thế kỉ
    10/08/2016 19:39 GMT+7
    - Gần 80 tuổi, cụ Trần Văn Thêm (Yên Phong, Bắc Ninh) có hơn 40 năm âm thầm gõ cửa các cơ quan chức năng, xin được rũ bỏ tiếng oan giết em.
    Giọng run run, cụ Thêm kể: Ngày 23/7/1970, cụ rủ người em họ đạp xe cọc thồ từ Yên Phong, Bắc Ninh lên vùng Tam Dương để bán thuốc lào, rồi mua trám đen về bán kiếm sống.

    Đến huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) thì trời đã nhá nhem tối, hai người tìm đến nhà người quen xin ngủ nhờ nhưng không được. Hai anh em đành tìm đến căn lều cắt tóc quây bằng liếp tre ven đường, gần cầu Diện, xã Đồng Tĩnh để ngủ tạm.

    Hơn 12 giờ đêm, cụ Thêm thức giấc ngồi hút thuốc lá, bất ngờ bị đánh trộm một đòn rất mạnh vào đỉnh đầu. Cụ ôm đầu hô “Cướp, cướp”…

    Người em họ cụ Thêm vừa tỉnh giấc cũng bị kẻ thủ ác bổ tới tấp vào đầu, bất tỉnh. Khoảng 4 giờ sáng, hai người được đưa đến bệnh viện huyện Tam Dương cấp cứu. Cụ Thêm đề nghị các bác sĩ ở đây liên lạc về gia đình, thông báo hai người bị cướp, đang được cấp cứu để mọi người ở nhà yên tâm.

    Thế rồi, cụ Thêm bị bắt, đưa về Công an huyện Tam Dương.

    Trả lờiXóa
  6. Nặc danh21:53 10/8/16

    Sau đó cụ Thêm mới bàng hoàng khi biết, người em họ đã tử vong và cụ trở thành nghi phạm giết người, bị đưa đến trại giam ở Việt Trì. Chuỗi ngày tháng cay đắng, oan khuất bắt đầu từ lúc đó.

    Tại hiện trường chỉ có hai người, một người bị bổ vào đầu tử vong, còn cụ Thêm, tuy cũng bị thương ở đầu nhưng không chết. Cơ quan điều tra cho rằng cụ ngụy tạo vết thương đó.

    Giữa tháng 8/1972, cụ Thêm ra hầu tòa tại TAND tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Cụ kể: “Trước Tòa, tôi nói tôi không giết em họ, bản thân tôi cũng bị bọn cướp đánh vỡ đầu. Mặc dù vậy, Tòa nhận định, tôi đã dùng cọc xe đạp thồ đánh nhiều phát vào đầu nạn nhân, làm anh này tử vong để cướp tiền".

    Với 2 tội danh giết người và cướp của, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên phạt cụ Trần Văn Thêm án tử hình.

    Trả lờiXóa
  7. Nặc danh21:53 10/8/16

    Cụ Thêm làm đơn kháng cáo

    Vào tháng 8/1973, phiên tòa phúc thẩm được xử lưu động tại sân vận động Việt Trì. Cụ Thêm mong có bản án minh oan cho mình.

    Nhưng Tòa phúc thẩm bỏ ngoài tai những lời kêu oan, tuyên bị cáo Trần Văn Thêm có tội, giữ nguyên bản án tử hình.
    Trong những ngày bị giam tại trại giam Phủ Đức, tỉnh Vĩnh Phú (cũ) để chờ ngày thi hành án tử hình, tử tù Trần Văn Thêm liên tục kêu oan....

    Cụ Thêm nhớ lại: “Hồi ấy, tôi dùng ngón tay mình làm bút, cắn đầu ngón tay cho bật máu ra, rồi viết lên bất kì tờ giấy nào nhặt được trong trại giam. Khi không có giấy, tôi viết thư lên màn xô trắng được phát để chống muỗi đốt vào ban đêm”.

    Một ngày định mệnh, cụ thấy cán bộ quản giáo vào phòng giam, tháo cùm chân và dẫn ra ngoài. Người quản giáo bất ngờ đưa cụ bộ quần áo dân sự mới, và thông báo, cơ quan công an đã bắt được hung thủ giết em họ cụ.

    Cụ Thêm kể: “Sau đó, cán bộ công an đưa tôi về một đơn vị thuộc Bộ Công an đóng ở Hà Nội. Về đến phòng làm việc của công an, anh cán bộ nói: “Năm hết, Tết đến, chúng tôi có trách nhiệm đưa ông về nhà".

    Tôi được giải thích do có vết thương trên đầu, nên Bộ Công an cấp cho giấy chứng nhận miễn lao động nặng, rồi đưa ra bến xe Gia Lâm đi xe khách về nhà, mà không có một loại giấy tờ nào khác.

    Trả lờiXóa
  8. Nặc danh21:54 10/8/16

    Ra tù vẫn bế tắc

    Về đến quê nhà, không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh vô tội, cụ Thêm sống trong sự dày vò, xỉ vả của người đời khi mang tiếng giết em. Nhiều năm qua đi, cụ kiên trì viết đơn gửi đi khắp nơi, kiến nghị các cơ quan chức năng minh oan cho mình.

    Nhưng cụ chỉ nhận được câu trả lời chung chung "không quản lí hồ sơ”, hoặc “không tìm thấy hồ sơ”.
    Các văn bản sau này đều được 2 người nhận ủy quyền đi gõ cửa các cơ quan kêu oan.

    Văn bản số 587/CV/PT ngày 7/3/2005 ghi: "Không có căn cứ để xác định ông đã bị xét xử oan".
    Đến ngày 26/3/2007, toà hình sự TANDTC có văn bản số yêu cầu cụ Thêm phải mang tài liệu để chứng minh ông bị oan. Ngày 7/3/2014, VKSNDTC có văn bản trả lời: Không tìm thấy tài liệu liên quan đến vụ án của ông như ông trình bày trong đơn . Do đó không có căn cứ để xác định ông đã bị xét xử oan.

    Sự việc rơi vào bế tắc thì ngày 5/11/2014, phòng hồ sơ công an tỉnh Bắc Ninh gửi công văn phúc đáp công văn của công ty luật Hòa Lợi khẳng định: Hiện công an Bắc Ninh có lưu giữ 2 hồ sơ liên quan vụ án giết người xảy ra tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú năm 1970. Bị can Trần Văn Thêm sinh 1937. Tuy nhiên, các tài liệu khác của vụ án thì không thể tìm thấy ở bất cứ cơ quan tố tụng nào.

    Cuối tháng 3/2015, ông Nguyễn Văn Hòa và cụ Thêm tìm gặp cụ Cù Văn Tiện, nguyên Phó Phòng Hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phú, hiện đang nghỉ hưu tại khu 3, xã Vĩnh Chấn, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

    Cụ Tiện là người thụ lí và chỉ huy điều tra, phát hiện thủ phạm đích thực của vụ án. Ngoài 80 tuổi, cụ vẫn minh mẫn, vụ việc xảy ra đã hơn 40 năm, nhưng cụ vẫn nhớ như in, kể vanh vách từng chi tiết. Cuộc gặp cảm động khi hai người già, một là “tử tội”, một là ân nhân cứu người kia thoát án tử…

    Trả lờiXóa
  9. Nặc danh21:55 10/8/16

    Cụ Tiện kể: “Khi vụ án xảy ra, tôi vẫn công tác ở Bộ Công an, nên không biết. Từ tháng 12/1972 tôi mới được điều về tỉnh Vĩnh Phú, công tác tại Phòng bảo vệ cơ quan văn hóa tư tưởng (bảo vệ nội bộ Sở Công an tỉnh). Năm 1974, ngay sau khi được bổ nhiệm Phó Phòng cảnh sát hình sự, tôi bắt tay vào thụ lí vụ án giết người, liên quan đến Trần Văn Thêm. Tôi cũng có nghe anh em báo cáo, tại trại giam Phủ Đức có tử tù Thêm liên tục kêu oan, còn cắn đầu ngón tay lấy máu viết lên màn xô trắng, thậm chí xé cả chăn của trại để viết thư kêu oan…”.

    Vì sao Công an tỉnh Vĩnh Phú lại điều tra lại vụ án?

    Cụ Tiện cho biết, cụ chỉ được xem chứ theo nguyên tắc không được giữ, lá đơn kêu oan của tử tù Trần Văn Thêm, có bút tích của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng phê vào góc đơn: “Hủy án tử hình với Trần Văn Thêm, giao tỉnh Vĩnh Phú điều tra lại với thành phần khác”.

    Qua quá trình điều tra, căn cứ vào hiện trường xảy ra vụ án, xem xét các dấu vết để lại trên đầu tử tù Trần Văn Thêm, đồng thời xin ý kiến quyết định khai quật hộp sọ nạn nhân đưa về Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định, nhận thấy không đủ chứng cứ vì còn nhiều điểm mâu thuẫn.

    Trả lờiXóa
  10. Nặc danh21:56 10/8/16

    Cùng lúc đó, Ban Giám thị trại cải tạo Phố Lu, Lào Cai cung cấp cho Công an tỉnh Vĩnh Phú nguồn tin: Đối tượng Phan Thanh Nhàn đang cải tạo tại trại có biểu hiện chính là thủ phạm giết người tại cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương. Đối tượng, một kẻ trộm cắp mới 17 tuổi, chưa đủ tuổi thành niên, nên chỉ đưa đi tập trung cải tạo giáo dưỡng. Qua đấu tranh, đối tượng đã khai nhận đầy đủ hành vi phạm tội.

    Hiện trường vụ án được dựng lại. Cụ Tiện nói : “Hôm đó, sau khi thu giữ được chiếc búa bổ củi, là hung khí gây án, tôi còn mượn thêm 4 – 5 chiếc búa cùng loại để đối tượng nhận dạng. Nhàn đã nhận dạng đúng ngay chiếc búa gây án... Cuộc thực nghiệm thu được kết quả phù hợp với lời nhận tội của đối tượng và các hồ sơ, tài liệu khác. Từ đó khẳng định Trần Văn Thêm bị bắt, xử án tử hình là oan sai…”.

    Đối tượng bị đưa ra xét xử, kết án. Năm 1984, đối tượng này trốn trại về gây ra vụ cướp tiền tại thị trấn Me huyện Tam Dương và bị bắn chết. Còn cụ Thêm được trả tự do từ ngày 27/12/1975 (âm lịch) tới nay. Cụ Tiện khẳng định, ngày đó không có bản án Giám đốc thẩm như bây giờ, mà chỉ có văn bản trình xin ý kiến của Công an tỉnh Vĩnh Phú, được Bộ Công an phê chuẩn trả tự do cho cụ Trần Văn Thêm…

    Như vậy, sau 43 năm kể từ ngày tòa tuyên án sơ thẩm tuyên án tử hình, vụ án oan sai của cụ Thêm mới bắt đầu được làm sáng tỏ.

    Khúc Hạo

    Trả lờiXóa
  11. Do một mình nuôi con vất vả mà bà vợ ông Thêm chết sớm, do hoàn cảnh mà các con học không đến nơi. Nhà nước phải đền bù cả núi tiền cũng không đủ. Nhà nước ta phải nhận con cháu những người mà vợ chồng ông Thêm có trách nhiệm nuôi dưỡng vào làm việc và đảm bảo cuộc sống của họ. Các cơ quan tố tụng làm ăn tắc trách, oan sai rồi không chịu xem xét để đến 46 năm sau mới xin lỗi là không thể chấp nhận được. Quốc hội và Chính phủ phải ra tay quyết liệt với các cán bộ tố tụng làm sai.

    Trả lờiXóa
  12. Hoabinh03020022:10 10/8/16

    43 năm, quá nửa cuộc dời người ta phải chịu án oan sai với đời mà giờ đây các cơ quan ban ngành chỉ nói một câu giải oan là xong hay sao? Bồi thường thế nào cho được quãng thời gian ông Thêm phải sống với thân phận một tử tù? Cần lắm sự vào cuộc của pháp luật để trừng trị những kẻ quan liêu, vô cảm đã đẩy một người lương thiện vào vòng lao lý. Cần lắm một lời xin lỗi và sự bồi thường thỏa đáng cho nỗi đau tinh thần suốt 43 năm qua

    Trả lờiXóa
  13. Thaibinh02340022:15 10/8/16

    Cái mà ông Thêm cần chắc chắn những cán bộ làm sai sẽ không bao giờ đền bù được. Đó là danh dự của một con người, là bao nhiêu năm tuổi đời đã qua, là tương lai, là khoảng thời gian đã mất. Tất cả những đièu đó dù có đền bù bao nhiêu cũng là không đủ. Chỉ hy vọng giờ đây, trước xã hội, ông Thêm sẽ được mih oan, sẽ được trả lại tư cách và quyền lợi của một người công dân chân chính, và nhận được một lời xin lỗi công khai từ phía chính quyền.

    Trả lờiXóa
  14. Thaibinhquetoi23422:20 10/8/16

    Hơn nửa đời người sống trong tiếng oan, sống trong danh phận tử tù chỉ vì sự vô cảm và tắc trách của một số cán bộ thi hành án. Rồi đây những người này sẽ bị xử lý ra sao? không thể để tình trạng cứ làm sai, khi bị phát hiện ra thì xin lỗi và bồi thương là xong được. Nếu làm vậy thì quá bất công với người bị hàm oan

    Trả lờiXóa
  15. Bacgiang19022:24 10/8/16

    cá nhân ông Thêm chịu hàm oan nhưng đâu phải mình ông mới phải gánh chịu nối đau đó. Người thân của ông, vợ con ông phải sống với cái tiếng nhà có kẻ giết người trong suốt hơn 40 năm trời thì sao? Đó là nỗi đau tinh thần quá lớn mà không gì có thể bồi thường được cả. Cần xử phạt nghiêm những kẻ làm sai trong vụ án oan năm đó, để trả lại sự công bằng cho ông Thêm và gia đình

    Trả lờiXóa
  16. Hagiang83622:32 10/8/16

    Án oan hơn 40 năm trời là nỗi đau không phải ai cũng có thể hiểu được, nhất là cái án giết em trai, chịu sự dị nghị, ghẻ lạnh từ trong nhà tới ngoài xã hội. Không những ông Thêm mà ngay cả người thân của ông cũng phải cùng chịu chung nỗi đau đó. Thật may khi đã bước sang tuổi gần đất xa trời, cuối cùng ông cũng được minh oan, được trở về làm một con người trong sạch

    Trả lờiXóa
  17. chẳng có gì hạnh phúc, vui sướng hơn khi lấy lại được danh dự cho mình sau bao nhiêu năm phải chịu hàm oan, dằn vặt trong tù, và ngày hôm nay ông đã được chứng minh là bị oan, chỉ trách những cán bộ tắc trách đã không điều tra đến nơi đến chốn, bây giờ chỉ mong nhà nước sẽ đền bù cho ông nhanh để ông bù đắp lại những gì đã mất trong quãng thời gian đau khổ đã qua

    Trả lờiXóa
  18. Đầu tiên xin chúc mừng ông Trần Văn Thêm! Sau tất cả lí lẽ thuộc về những người tốt. Vẫn biết 43 năm đủ thời gian để nuôi một đứa con nít trở thành một thủ tướng ở bên Tây. 43 năm dằng dặc đấu tranh cho công lí, đấu tranh cho lẽ phải, và lẽ phải đã trở về. Cuối cùng thì ông cũng thanh thản sống những ngày tự do, ngẩng cao đầu để sống một cuộc sống cho bản thân, cho gia đình Mong rằng ông sẽ lạc quan nhất có thể. Xin một lần nữa chúc mừng ông

    Trả lờiXóa
  19. Sau hơn nửa đời người thì cuối cùng ông Thêm cũng được minh oan, được trả lại danh dự và quyền của một công dân chân chính. Chỉ vì sự tắc trách của một số cá nhân mà hơn 40 năm trời đã đẩy một người công dân lương thiện vào vòng lao lý. Giờ sự việc đã rõ ràng, rất cần một lời xin lỗi công khai, một sự đính chính minh bạch từ phía chính quyền cũng như sự đền bù thỏa đáng từ những cán bộ sai phạm cho ông Thêm

    Trả lờiXóa
  20. Nỗi đau và sự thiệt thòi của ông Thêm và gia đình không phải ai cũng có thể hiểu được. Rất may là cuối cùng sau từng ấy năm ông cũng đã được minh oan, được trả lại sự trong sạch. Cứ nói là bồi thường nhưng biết bồi thường sao với danh dự hơn 40 năm bị bôi nhọ, với sự kỳ thị của họ hàng, của làng xóm. Danh dự mất đi là cái không bao giờ có thể bồi thường được. Vì vậy, mong rằng các cơ quan chức năng hãy có tâm hơn mỗi khi xét xử, để không còn thêm bất kỳ vụ án oan sai nào nữa

    Trả lờiXóa
  21. Bangtuyetnhietdoi15:45 11/8/16

    Không biết còn bao nhiêu những người phải chịu án oan sai như ông Thêm, ông Chấn đây? Chỉ vì sự tắc trách, sự vô cảm của cán bộ tố tụng mà ông Thêm phải chịu án oan giết em hơn 40 năm trời. Một khoảng thời gian quá dài mà trong thời gian đó, con người ta mất đi rất nhiều thứ không bao giờ lấy lại được. Thế mới nói làm công việc gì cũng càn có tâm, nhất là nhữgn cán bộ chấp pháp thi hành luật

    Trả lờiXóa
  22. Hungyen363616:00 11/8/16

    Qua những vụ án oan sai thế này mới thấy hết được sự tắc trách của cơ quan tố tụng và những lỗ hổng trong quá trình thụ án, điều tra của cơ quan công an. Đâu thể để người dân chịu án oan sai tới mấy chục năm trời rồi khi điều tra rõ, người ta vô tội thì thả vè mà không có bất kỳ một sự đính chính công khai nào. Cứ nói rằng bồi thường nhưng liệu ai có thể bồi thường cho thỏa đáng những tổn thất và thiệt thòi của người bị oan?

    Trả lờiXóa
  23. Hoabinh023416:05 11/8/16

    Chúc mừng ông Thêm. Sau hơn 40 năm cuối cùng ông cũng được trả lại sự trong sạch, được công khai xin lỗi và tuyên bố vô tội. Có lẽ đây là điều ông mong mỏi nhất, còn hơn là sự đền bù về vật chất. Còn với những cán bộ sai phạm, cần xử lý thật nghiêm chứ không phải việc gì đã qua thì cho qua luôn được

    Trả lờiXóa
  24. Lê Huy Vũ19:38 11/8/16

    thật tủi khổ cho ông Thêm khi phải chịu oan ức suốt 43 năm qua. dẫu biết rằng 43 năm là cả nửa đời người, biết bao oan ức làm sao có thể đong đếm được, nhưng dẫu sao cái oan ức của ông cũng được giải, tòa án đã có lời xin lỗi đối với ông và chắc hẳn họ cũng sẽ có những sự bồi thường với sự oan ức của ông. mặc dù ly vỡ không thể hàn gắn, nhưng việc đã rồi, cũng chỉ biết trách số phận không đứng về phía ông, nước ta lúc ấy còn nghèo không đủ trình độ khoa học kỹ thuật để làm sáng tỏ oan ức cho ông, con người có trách nhiệm chưa thực hiện tốt vai trò của mình để ông phải chịu oan ức. nhưng biết trách ai bây giờ. chỉ mong ông sống tốt với quãng đời còn lại của mình.

    Trả lờiXóa
  25. Chậm nhưng dù nhận mình là chậm cũng không sao cả, chỉ cần tự tin chỉ cần nhận ra cái sai và quyết tâm sửa cái sai đó thôi. Chứ đó không phải là điều gì xấu dù không phải không đáng trách

    Trả lờiXóa
  26. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  27. Vẫn còn may cho cụ Thêm mới bị giam giữ gần 5 năm nhưng không bị thi hành án tử hình. Chứ không đến mạng sống cũng khó có thể giữ chứ nói gì đến việc kêu oan lấy lại danh dự. Cũng gọi là trong cái rủi vẫn còn có cái may

    Trả lờiXóa
  28. Gần 7 năm ngồi tù oan và mang cái danh tử tù 43 năm qua. Bồi thường bao nhiêu cho đủ những năm tháng tủi nhục, vất vả của ông đây. Ông đã tuổi cao sức yếu, được bồi thường thì cũng chẳng còn được hưởng thụ cuộc sống no ấm được nhiều nữa. Thực sự đây là một sai phạm lớn của cơ quan chức năng. Còn gì là đời người nữa. Thương thay cho cụ

    Trả lờiXóa
  29. 43 năm qua phải sống với cái mác "tử tù", với cái tội "giết người, cướp của", đi ra xã hội không dám ngẩng mặt lên, con cháu mang vết tự ti. Chắc mấy chục năm qua ông đã phải khổ tâm lắm. Bồi thường sao cho đủ. Mà cán bộ làm sai thì lại lấy tiền thuế của dân ra bồi thường, không gắn trách nhiệm vào nên nhiều người làm qua loa đại khái để xảy ra oan sai vậy thì lại chỉ khổ dân thôi

    Trả lờiXóa
  30. Vụ việc từ những năm 70-75 thì bây giờ truy cứu trách nhiệm cũng khó. Mọi vấn đề có lẽ nảy sinh từ sự việc năm 1975 bởi sự tắc trách của cơ quan chức năng khi không tuyên bố ông vô tội. Mong rằng ông Thêm sẽ được quan tâm, đền bù một cách thỏa đáng. Và những người liên quan tới vụ án của ông cũng cần phải đưa ra luận tội cho sự vô trách nhiệm, quan liêu của họ.

    Trả lờiXóa
  31. Vụ việc từ những năm 70-75 thì bây giờ truy cứu trách nhiệm cũng khó. Mọi vấn đề có lẽ nảy sinh từ sự việc năm 1975 bởi sự tắc trách của cơ quan chức năng khi không tuyên bố ông vô tội. Mong rằng ông Thêm sẽ được quan tâm, đền bù một cách thỏa đáng. Và những người liên quan tới vụ án của ông cũng cần phải đưa ra luận tội cho sự vô trách nhiệm, quan liêu của họ.

    Trả lờiXóa
  32. Một nỗi đau quá lớn mà ông Thêm phải gánh chịu suốt cả cuộc đời này. Sau tận 43 năm sau ông mới được giải oan nhưng dù bồi thường bao nhiêu chăng nữa cũng không thể bù đắp những tháng này khốn khổ, tủi nhục kia. Nhưng dù sao được giải oan vẫn còn tốt hơn là ông vẫn bị oan tới tận cuối đời, mấy chục năm trước pháp luật Việt Nam còn nhiều sơ hở, thiếu sót không thể tránh được.

    Trả lờiXóa
  33. Hãy trả lại danh dự cho ông đấy đi, ông đã bị oan biết bao nhiêu năm rồi, ông là người trong sạch mà do một số cán bộ làm việc không đúng trách nhiệm đã làm oan cho ông, ông phải chịu bao nhiêu ánh mắt dè bỉu của biết bao nhiêu người. Hãy làm rõ những người đã từ chối các đơn mà ông đòi minh oan đi, không thể để những người đó làm việc thiếu đi trách nhiệm như vậy được, những người đó quá vô tâm với nhân cách của một con người

    Trả lờiXóa
  34. Chiều 9-8, kết luận chính thức của liên ngành tư pháp trung ương về việc ông Trần Văn Thêm bị oan sai đã chấm dứt thân phận tử tù kéo dài suốt 43 năm qua của ông. Đây là một niềm an ủi cuối đời cho cụ ông năm nay đã 81 tuổi. Dù nó đến khá muộn màng nhưng đó cũng là xứng đáng cho những nỗ lực kêu oan của ông.

    Trả lờiXóa
  35. Ông Thêm sau hơn 40 năm lặn lội kêu oan đến nay mới được các cấp có thẩm quyền xem xét minh oan và công khai xin lỗi. Đây thực sự là một vết nhơ trong lịch sử của ngành tư pháp, cũng ngang tầm với vụ tù oan hơn chục năm của ông Nguyễn Thanh Chấn. Người dân cần lắm một ngành tư pháp trong sạch.

    Trả lờiXóa
  36. Có thể nói, trong bất cứ nền tố tụng nào cũng có thể xảy ra sai sót. Đất nước nào cũng có án oan, có một tỉ lệ án oan sai nhất định. Nhưng nếu để xảy ra nhiều án oan thì chứng tỏ nền tư pháp đang có vấn đề. Chúng ta là một nước xã hội chủ nghĩa, quyền con người phải được bảo vệ, chứ không thể để xảy ra án oan nhiều như vậy được.

    Trả lờiXóa
  37. Trong hành trình được minh oan của ông Thêm không thể không nhắc đến một người, đó là ông Cù Văn Tiện (nguyên phó trưởng ban chỉ huy cảnh sát hình sự (CSHS) Sở công an tỉnh Vĩnh Phú). Ông Tiện chính là người đã trực tiếp tiếp xúc với hung thủ thực sự của vụ án và đưa đối tượng này về công an Vĩnh Phú để tiến hành quá trình điều tra lại. Nếu như không có những người tâm huyết như vậy thì chắc ông Thêm sẽ phải mang nỗi oan ức của mình xuống dưới suối vàng rồi.

    Trả lờiXóa
  38. Câu chuyện về vụ án oan của ông Trần Văn thêm suốt hơn 46 năm nay hy vọng sẽ là bài học cho ngành tư pháp trong các hoạt động điều tra, tố tụng. Bởi trong ngành tư pháp, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra tai họa lớn. Và người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dân mà thôi.

    Trả lờiXóa
  39. Sau vụ án oan này, trong thời gian tới cần tăng cường thực hiện nguyên tắc tranh tụng - nguyên tắc lần đầu tiên được ghi nhận trong BLTTHS năm 2015 để tăng cường phản biện, giám sát, bào chữa của bị can, bị cáo và thực hiện nhiệm vụ, vai trò của người bào chữa. Pháp luật cần phải được thực thi, kẻ xấu phải chịu tội, chứ không thể để người dân chịu oan ức như vậy được.

    Trả lờiXóa
  40. Trước đây khi bắt được hung thủ thực sự của vụ án đó, đáng lẽ ra tòa án tối cao phải tuyên hủy bản án của ông Thêm để giao hồ sơ cho cơ quan điều tra đình chỉ nhưng không hiểu lý do gì mà các cơ quan tố tụng không thực hiện thủ tục này. Họ cho rằng "tạm tha" ông Thêm vì vấn đề sức khỏe, sau đó không thực hiện lại các thủ tục tố tụng để kết thúc vụ án. Chính điều này đã khiến cho ông thêm phải mang trong mình nỗi oan ức suốt hơn 46 năm nay.

    Trả lờiXóa
  41. Hành trình đi kêu oan cho ông suốt 43 năm qua có sự góp sức của rất nhiều người. Con cái đều nghèo và ít học, ông Thêm đã nhờ người cháu ruột là Trần Văn Năm đưa đi kêu oan. Và cuối cùng, công lý cũng đã được thực thi, oan ức bao năm nay của ông cũng đã được giải. Ông cần nhận được sự xin lỗi của cơ quan tư pháp đã làm sai, cùng với đó là bồi thường cho những năm tháng ông phải ngồi tù.

    Trả lờiXóa
  42. dù là cuối đời mới được minh oan, dù là mọi thứ đã muộn nhưng giải oan được rồi còn hơn là mang tiếng oan một đời, rất tiếc vì sự việc này đã xảy ra từ lâu và ông Thêm đã phải chịu biết bao nhiêu nỗi cay đắng trong tù ngục, nhưng được minh oan , oan cả đời là một niềm hạnh phúc vô bờ bến, chúc ông có sức khỏe để sống thật hạnh phúc trong quãng thời gian còn lại của 1 đời người

    Trả lờiXóa
  43. Qua vụ án này một lần nữa chúng ta thấy được hậu quả của các vụ án oan sai, rất may là vụ án này chúng ta chưa tử hình và đã làm rõ được vụ án nếu không sẽ không thể xử lý được trách nhiệm, cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm qua các vụ án oan để không xảy ra các vụ án tương tự.

    Trả lờiXóa
  44. Thấy sai phải sửa, có lỗi phải công khai xin lỗi, làm oan sai cho người vô tội phải nhận trách nhiệm và bồi thường thiệt hại đó là lẽ thường tình. Thiết nghĩ, những người có liên quan tới vụ án của ông Trần Văn Thêm trước đây cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật, không thể cứ để oan sai rồi Nhà nước lại bỏ tiền ra để bồi thường.

    Trả lờiXóa
  45. Bị mang án oan giết người suốt 43 năm là một nỗi khổ vô cùng lớn mà không phải ai cũng có thể hiểu. Đặc biệt trường hợp của ông Thêm thì không có nỗi đau nào bằng việc mang oan tội giết em trai ruột rồi chịu bao dị nghị từ trong nhà ra đến ngoài xã hội xung quanh ông.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog