Chia sẻ

Tre Làng

ÔNG VŨ HUY HOÀNG NGUY RỒI

Ông Vũ Huy Hoàng có thể nguy, rất nguy…?!

Bùi Hoàng Tám 

Dân Trí - Vụ việc xử lý kỉ luật đối với những vi phạm nghiêm trọng của ông Vũ Huy Hoàng đang tiến gần đến hồi kết khi Quốc hội chính thức ban hành Nghị quyết với những nhận xét hết sức nghiêm khắc. Đó là “gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hộị”.

Nghị quyết chỉ rõ: “Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật".

Song, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết với tư cách một công dân, ông Vũ Huy Hoàng có quyền khiếu nại, kiến nghị nội dung Nghị quyết nêu trên của Quốc hội.

“Nếu ông Hoàng có kiến nghị, khiếu nại thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thanh tra, kiểm tra sẽ xem xét theo thẩm quyền”. Ông Phúc nói.

Về việc xử lý hành chính với ông Vũ Huy Hoàng, đã tốn khá nhiều công sức, giấy mực, song vẫn chưa tìm ra được lời giải hữu hiệu nhất.

Về phía Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội đã từng phải kêu lên: “Bàn nhiều rồi đấy nhưng bàn chưa ra được… Tiền lệ pháp luật chưa có quy định nào như thế cả nên bây giờ làm phải đảm bảo đúng pháp lý”.

Về phía Chính phủ, trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết “trong số các phương án được đề xuất, chưa thấy phương án nào nổi lên tối ưu”.

Nguyên Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội, ông Vũ Mão cho rằng “Văn phòng Quốc hội cũng rất lúng túng” vì việc xử lý đối với ông Vũ Huy Hoàng phải đúng theo qui định của pháp luật.

Trong khi đó, “theo Hiến pháp, các quy định pháp luật của chúng ta hiện nay chưa có quy định về việc kỷ luật một vị đã từng là Bộ trưởng, do Quốc hội phê chuẩn mà giờ đã thôi, không còn chức vụ đó nữa chứ chưa nói đến hình thức “cách chức”. Mà đã chưa có quy định pháp luật thì không thể làm được và cũng không nên làm thế”.

Phía Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định dù đây là việc khó, chưa có tiền lệ, song chắc chắn sẽ có biện pháp, không có chuyện hạ cánh an toàn. Điều này thể hiện quyết tâm cả với những người đang công tác hoặc nghỉ hưu, tạo cơ sở cho những trường hợp sau nếu xảy ra.

Việc xử lý ông Vũ Huy Hoàng đúng khó bởi trước hết, phải hợp lý, tức là đúng pháp luật. Mà pháp luật lại chưa lường đến điều này và trong tiền lệ cũng chưa từng có.

Thứ nữa là phải hợp tình. Đành rằng đã hợp lý, tất nhiên phải hợp tình vì trong lý đã có tình nhưng với người Việt Nam, cái “chữ tình” nó ghê gớm lắm lắm.

Song, hợp lý, hợp tình mà chưa (hoặc không) hợp lòng dân thì cũng khó ổn bởi chế độ ta là chế độ dân chủ, mọi ý kiến, nguyện vọng của dân đều được tôn trọng.

Vì thế, việc xử lý đã khó càng thêm khó.

Thế nhưng giờ đây, mọi việc chắc chắn sẽ được giải quyết dứt điểm bởi một khi Quốc hội đã ghi hẳn vào Nghị quyết: “Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật”.

Mới đây, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không có vụ nào đã phát hiện mà "chìm xuồng" và Chính phủ quyết không để những vụ tiêu cực, tham nhũng rơi vào tình trạng “chìm xuồng”.

Điều này, thể hiện sự kiên quyết và nghiêm khắc của Đảng, Nhà nước trong tình hình hiện nay nói chung và vụ việc này nói riêng.

Vậy thì nếu làm nghiêm minh, sòng phẳng, ông Hoàng có thể sẽ… “nguy” bởi lần đầu xử lý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ đề nghị hình thức kỉ luật cảnh cáo đối với ông Vũ Huy Hoàng , điều này đã không được Ban Bí thư chấp nhận, nâng lên mức cách chức Ban cán sự Đảng. Giờ mà Quốc hội lại ban hành Nghị quyết như thế này nữa, không biết hình thức xử lý sẽ như thế nào?

Rồi trong số nhiều ngàn ý kiến độc giả gửi về cho Dân trí đều có chung một mong muốn xử lý hình sự theo luật pháp. Lý do mà độc gải Dân trí đưa ra là bởi việc làm của ông Hoàng “gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hộị” như kết luận thì xử lý hành chính là thiếu thuyết phục.

Có lẽ cũng nên nhắc lại, sự việc bắt đầu còn “nhỏ hơn cái móng tay” là từ cái biển số xe của Trịnh Xuân Thanh rồi kết quả đến hôm nay là như vậy.

Nếu cứ “lũy tiến” thế này, thì ông Vũ Huy Hoàng có khi nguy, rất nguy phải không các bạn?

9 nhận xét:

  1. Nặc danh16:38 24/11/16

    Rồi tới đồng chí X luôn chứ chẳng chơi. Mong tới ngày lũ sâu mọt tàn phá đất nước sớm phải đền tội.

    Trả lờiXóa
  2. mặc dù việc này chưa từng có trong tiền lệ, trong pháp luật cũng chưa có điều nào quy định, vậy nên quốc hội cần nghiên cứu và đưa ra các quy định xử lí. và lấy luôn việc của ông Vũ Huy Hoàng là vụ điển hình đầu tiên, và làm mẫu. qua đó, chúng ta cần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật để không bị bị động trong các tình huống trong tương lai nữa

    Trả lờiXóa
  3. Có lẽ ông lợi dụng vào điều sơ hở này mà làm càn làm bậy để cho Quốc Hội lúng túng, trước Quốc dân đồng bào đứng nhìn bố con ông hoành hành với khoản ngân quỹ khổng lồ lọt vào 1 nhóm người lợi dụng để vơ vét tiền của ngân sách. Nước mất nhà tan cũng từ quan tham, quan liều, quan lộng ngôn càn dỡ vậy

    Trả lờiXóa
  4. Nhiều cơ quan giám sát " quyền lực " quá , và hậu quả là , chẳng có cơ quan nào đủ khả năng giám sát các quan chức tại các Bộ , ngành ! Các cơ quan giám sát dẫm chân nhau , và cuối cùng chẳng có cơ quan nào phải chịu trách nhiệm khi không " giám sát " nổi các quan ( như các quan chức ở Bộ công thương thời Vũ huy Hoàng ) . Đúng là nhiều thày thì lắm ma, lắm cha con khó lấy chồng...... !

    Trả lờiXóa
  5. Kỷ luật Đảng cao nhất là khai trừ. Kỷ luật cao nhất ở cơ quan Nhà nước là sa thải. Về mặt dân sự và hình sự, nếu có tội thì sẽ tùy mức độ mà tù dài hay ngắn. Đói với ông Hoàng thì có ba mặt phải giải quyết như vậy. Ông ấy đã về hưu rồi thì hai việc đầu chỉ còn là việc có khai trừ Đảng hay không mà thôi. Còn đối với việc thứ ba, nếu không xác định được tội của ông Hoàng theo luật thì không thể xử lý ông ấy được.

    Trả lờiXóa
  6. Xử lý thế nào mà hợp lòng dân thì cũng không có gì là sai trái cả.Về hưu cũng như chưa về hưu đều xử nghiêm trước pháp luật .Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng lại thêm lợi dụng chức quyền làm trái quy định về công tác cán bộ cần xử nghiêm. Mà Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Thấy thiếu luật thì thêm luật, thấy luật sai thì sửa luật. Sửa luật, thêm luật rồi theo luật đã sửa, theo luật đã thêm để kết tội chứ sao phải lúng túng và lo không đúng luật?

    Trả lờiXóa
  7. Kiểm soát quyền lực một các tốt nhất chính là phải có các chế tài quy định phải chịu trách nhiệm đến cùng trong việc ký bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; ký phê duyệt dự án, phê duyệt quyết toán...nếu sai phạm, bị phát hiện khi còn đương chức thì phải cách chức, khai trừ, truy tố trước pháp luật; nếu đã nghỉ hưu thì phải khai trừ, truy tố trước pháp luật; nếu chế đi rồi thì phải truy thu những tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có.

    Trả lờiXóa
  8. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết với tư cách một công dân, ông Vũ Huy Hoàng có quyền khiếu nại, kiến nghị nội dung Nghị quyết nêu trên của Quốc hội.

    Trả lờiXóa
  9. Cho dù ông Vũ Huy Hoàng đã nghỉ hưu nhưng với những sai phạm ông đã làm trong thời kỳ còn đương nhiệm, ủy ban kiểm tra trung ương và quốc hội đã xem xét hình thức kỷ luật ông Hoàng, ông Hoàng sẽ bị xử lý nghiêm về những hành vi sai phạm.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog