Chia sẻ

Tre Làng

Đám cưới vợ cũ

Đám cưới vợ cũ

Cả đêm qua y không sao chợp mắt được, cảm giác giống hệt đêm trước ngày cưới cách đây bốn năm. Ngày mai vợ cũ lên xe hoa về nhà chồng.

Vẫn biết ai rồi cũng sẽ khác nhưng khi nhìn vợ cũ ánh mắt rạng rỡ bên chồng trong mấy tấm hình trên facebook, trong y dâng lên một thứ xúc cảm rất đặc biệt. Có những ý nghĩ lướt qua trong đầu rất nhanh (nhưng y sẽ giấu tiệt nó mà không dám chia sẻ cùng ai).

Sáng sớm, y bận quần đùi hoa, dép Lào, áo may ô đủng đỉnh ra đầu cổng làng ăn cháo lòng. Hôm nay là một ngày đặc biệt nên y tự cho phép mình ăn một bát cháo. Kể ra cũng hơi hoang vì bình thường sáng y vẫn ăn khoai lang luộc với cà, khoai sắn chấm muối vừng hoặc cơm rang. 

Vừa lọ mọ bước vào, con mụ chủ quán bụng to như bụng bò đã đón lõng, cười cười bảo.

“Bựa ni có đi ăn cỗ cưới không đó?”

Y hất hàm, mặt lạnh như tiền nói cho bát cháo, à lấy chai diệu ra đây mần chén luôn. Mụ chủ trợn mắt nói gớm hè, bựa ni uống rượu nữa à, gớm hè. Chị hỏi thật nha, có thấy buồn không đo? Mấy khách trong quán bỗng nhiên im re vì biết đang có kịch hay để hóng.

“Hỏi đéo gì lăng nhăng! Mà cắt cho miếng vèo non ngon ngon luôn”.

Ngồi đợi một lúc. Bây giờ thì cháo bưng ra đây rồi, lấy đũa khều miếng dồi đưa lên miệng cắn cái sật, đoạn nhấp ngụm rượu gạo, ngửa đầu “khà” một tiếng rất sang, tự nhiên y thấy mọi sóng gió trong đời nhẹ hều như hơi men, như làn khói bếp mong manh của con mụ chủ quán cháo lòng bụng to như bụng bò và nói lắm.

Y vừa chem chép nhai vừa tợp rượu, hai chân ngồi chồm hỗm trên ghế, thi thoảng dừng lại thò ngón tay vào bộ nhá móc móc thức ăn rồi dịu dàng bôi vào gậm bàn, động tác vô cùng phiêu lãng và chứa đựng nhiều ẩn ý. Y biết ở cái thôn này, mọi sự kiện dù bé bằng ngón tay cũng sẽ trở thành chủ đề cho mọi người bàn tán. Y phải tỏ ra bất cần và ngạo nghễ trong ngày cưới của vợ cũ để những cái miệng không có cái cớ để nói y buồn, y bất mãn hay chán đời muốn tự tử.

Hôm nay, bằng tư thế ngồi chồm hỗm trên ghế ăn cháo lòng, y đã gửi đến mọi người trong thôn một thông điệp đầy tình nhân ái, đó là bố mày vẫn sống vui, sống khỏe, sống có ích – như tôn chỉ của các cụ hưu trí thuộc Hội người cao tuổi. Mẹ y từng dặn “Sống ở đời nhiều khi phải đạp lên mặt dư luận mà sống con ạ”. Y cho rằng, tuy khẩu khí hơi lộng ngôn và suồng sã nhưng tinh thần chung, mẹ y đã nói đúng. Dư luận là ai? Dư luận đôi khi chỉ là một con mụ bán thịt đầu cổng chợ, anh xe ôm đói khách trước ngõ, chị đồng nát mắt đảo như rang lạc, ai hở ra cái gì là kỳ kèo xin. Chúng ta nhiều khi phải khổ sở sống, điều chỉnh hành vi và cân đối cảm xúc vì những đứa ất ơ mả mẹ nào đó – những đứa không bao giờ liên quan đến cuộc đời ta. Vô lý chưa?

Ăn uống no say, y lững thững đi bộ về nhà. Ngang qua dậu mùng tơi nhà hàng xóm, chợt y đi chậm lại. Lòng y chùng xuống khi nghe văng vẳng tiếng hát của ca sỹ nào đó, rất buồn “Mấy năm cách biệt mình gặp lại nhau, cúi mặt ngỡ ngàng đường ai nấy đi…” Lời hát ngọt buốt như vết dao sắc khiến y rùng mình. Mẹ, hóa ra y cũng chỉ là loại giang hồ vặt. Loại giang hồ nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

Gần 11 giờ trưa y đã có mặt tại đám cưới. Người đông nghịt, nhạc sàn đập bay cả tóc trán, mùi thức ăn, mùi bia, mùi rượu lẫn trong mùi mỹ phẩm…hòa lẫn vào nhau khiến y nôn nao. Có rất nhiều người quen quay ra nhìn y. Bố vợ cũ com lê đen trũi, tóc phất phơ kim tuyết chạy lại bắt tay. Y cúi đầu gật gật rất nhã nhặn. Bố thở ra đằng mồm, nói ơ tau tưởng mi không đến! Vô đây mần chén cho khí thế đã mồ, vô đây, vô đây!

Mẹ vợ cũ tay cầm nắm phong bì, tươi cười chỉ vào y, nói gì đó với mấy người khách. Nhạc sàn ầm ĩ nên y không nghe được gì, nhưng cũng đoán được đại ý: “Đây là rể cũ đó! Thằng ni tốt tính nhưng không lo được cho vợ con. Nhìn ngơ ngơ rứa chớ giỏi lắm đo, tốt nghiệp khoa Văn trường đại học Khoa học thủy lợi và nhân văn”.

Vợ đây rồi (à vợ cũ chứ). Nàng lộng lẫy trong chiếc váy trắng tinh khôi, má ửng hồng, lông mi uốn cong như lưỡi câu, miệng tươi roi rói e ấp bên chú rể. Chú rể nghe nói tốt nghiệp khoa Thú y, hiện công tác tại phòng mổ bệnh viện đa khoa huyện. Thằng này chiều chiều vẫn ra quán nước ghi đề, có bữa xui y đánh to con 37 vào vì lúc sáng mổ ruột thừa cho một anh. Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, mổ xong bệnh nhân hưởng dương 37 tuổi.

Tiếng nhạc nhỏ lại, mọi người bắt đầu chen nhau tặng quà cô dâu. MC liên tục xướng tên những người tặng quà. Bà nội cô dâu 2 chỉ. Mợ chú rể 3 chỉ. Thím cô dâu 1 chỉ. Bác họ cô dâu 2 chỉ. Y nghe mà ù hết cả tai với chỉ chỉ. Chợt cô dâu vẫy vẫy tay chỉ vào y. Tim y muốn ngừng đập vì hành động bất ngờ của thị. Thị muốn gì đây? Muốn y chạy lên bá vai chú rể chụp ảnh hay nhắc nhở y cần phải lên tặng quà? Y tái cả mặt. Lúc nãy có cái phong bì 200 nghìn thì đã bỏ vào thùng rồi, trong người y chỉ có chùm chìa khóa, cái bấm móng tay và gói thuốc lào hút dở.

Y thở hổn hển như sắp đứt hơi. Thôi nào, vợ ơi! Cái gì đã qua thì cũng qua rồi. Phải muối mặt lắm anh mới dám mò tới đây, trước kia sống với nhau có gì khúc mắc, không vừa lòng em hãy bỏ quá, đừng làm anh bẽ mặt thêm lần nữa, vợ ơi! Bên trên bục gỗ, vợ cũ vẫn vẫy tay lia lịa. Cái mặt thị lúc này trông mới hãm tài biết bao. Đúng là cà cuống chết đến đít vẫn còn cay. Thị định quyết định hạ nhục phát chốt hạ đối với chồng cũ ư? Máu dồn lên mặt y, nóng bừng bừng. Tự nhiên y thấy hối hận thêm lần nữa vì đã từng lấy một người cay nghiệt như thị.

Có ai đó đẩy sau lưng y, nói lên đi, lên đi. Đã thế y lên thật. Mặt y vênh lên như bánh đa cốt để che giấu sự nhục nhã, ê chề của một kẻ bại trận.
Tiếng vỗ tay râm ran, những ánh mắt hau háu dõi lên sân khấu như đang xem một màn ảo thuật vốn chỉ có trong tivi. Vợ cũ kéo vai y lại gần, đoạn ghé tai hỏi nhỏ:

“Cái ấy dạo này hắn đã …lên được chưa?”.

Y lúng túng, ngượng ngùng hỏi lại.

“Cái chi lên?”

Thị dúi vào túi áo quần y lọ gì đó bé tí như lọ thuốc tây, đoạn nói nhỏ.

“Anh về bôi ngày hai lần nha! Trĩ ngoại nếu bôi thuốc sớm là tự hắn lên đó. Ngồi đánh cờ ít thôi, đến bữa cố gắng ra vườn hái rau mà ăn, đừng bỏ bữa hại người lắm đó. Dạo này nhìn anh gầy quá. Thương anh lắm, biết không?”

Trên đường về, nước mắt hắn chảy dài trên gò má.

1 nhận xét:

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog