Chia sẻ

Tre Làng

TÀI SẢN QUAN CHỨC

Tài sản quan chức

Việt Nam là quốc gia có nhiều nghịch lí, đến mức, nghịch lí trở thành có lí. Tài sản quan chức là một điển hình, thậm chí, theo quan niệm, quan chức không giàu có mới là sự lạ. Tuy nhiên, với những thông tin gần đây, tại các địa phương nghèo túng như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La .., các cáo buộc về tài sản quan chức đã có vẻ vượt quá sức chịu đựng của dân chúng.

Nhìn bề ngoài, nền kinh tế Việt Nam đang vận hành một cách ổn định, tốc độ tăng trưởng liên tục trên 6% được đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Tuy nhiên, bên trong, mức độ căng thẳng xã hội và tình trạng bất bình đẳng cũng ngày một gia tăng.

Các kẽ hở chính sách đã làm giàu cho một số ít một cách chóng mặt, các khoản chi tiêu công mang lại lợi ích cho quan chức và tầng lớp trung lưu thành thị hơn nhiều so với những người ở vùng nông thôn, nơi đại đa số người Việt sinh sống.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam tăng trưởng liên tục với hai con số, nhưng công bằng và phúc lợi xã hội tối thiểu vẫn quá thấp, thậm chí đối với nhiều người dân, không tiếp cận được. Một phần nằm ở tính tư lợi của giới đặc quyền như quan chức địa phương và nhóm thân hữu.

Những mục tiêu nhằm giải quyết mâu thuẫn xã hội và sự chênh lệch giàu nghèo thất bại, bởi sự vô cảm và tính vị kỉ của một số bộ phận có trách nhiệm.

Một trong những điểm mấu chốt căn bản của giới quan chức là sự thiếu tôn trọng các quy định của thể chế. Sự yếu kém và thỏa hiệp trong công tác giám sát kéo theo cơ chế kiểm soát thiếu hiệu quả của các cơ quan chức năng, khiến quan chức địa phương ngày càng xa hoa và giàu có.

Sự yếu kém và thiếu tôn trọng các quy tắc cơ bản của thể chế có nghĩa là quan chức có thể ngang nhiên ban hành các chính sách có lợi cho nhóm thân hữu, vụ việc bà Thoa, Thứ trưởng Công thương và Bà Thanh, Phó bí thư Đồng Nai là một điển hình gần đây được đưa ra công luận.

Sự yếu kém và thiếu tôn trọng thể chế tạo điều kiện cho các nhóm đặc quyền lạm dụng, quyền lực được phục vụ cho việc thu vén lợi ích cá nhân, thay vì cải thiện chất lượng sống cho người dân mà họ là đại diện. Mọi sự phản kháng bị trù dập và triệt tiêu.

Ngoài ra, những vấn đề về bổ nhiệm người thân bất chấp các quy định là một vấn đề nhức nhối chưa được giải quyết, càng ngày càng củng cố cho vị trí của giới quan chức chính quyền địa phương. Tình trạng con ông cháu cha nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy đã thành vòng tròn bao bọc lẫn nhau đục khoét ngân khố quốc gia và tài nguyên thiên nhiên.

Hàng loạt các chính sách ưu đãi về khai thác tài nguyên, đặc biệt là đất đai đã đẩy người dân vốn khốn khổ, ngày càng khốn khổ hơn, nguồn lợi quốc gia bị tư hữu hóa với giá rẻ mạt. Kiện tụng về đất đai và các vụ xung đột giữa chính quyền và người dân chiếm đa số liên quan đến những mâu thuẫn xã hội. Một phần nó là di sản dở dang của chính sách đất đai bất cập, một phần nó là lợi ích quá lớn của các nhóm thân hữu chính quyền.

Với quá nhiều lợi ích vật chất kiếm được từ kẽ hở chính sách đất đai và khai thác tài nguyên, liệu quan chức nào có động lực sẵn sàng từ bỏ để lo cho người dân. Và khi mâu thuẫn xã hội nổ ra, các cơ quan hành pháp lại phải đối diện với sự thịnh nộ của dân chúng, trong khi đó, giới đặc quyền và gia đình họ hầu như không phải hứng chịu hậu quả gì. Những phát súng tại Yên Bái giết chết Bí thư và một vài quan chức chỉ là sự việc hãn hữu trong vài chục năm đổ lại đây. Và vòng xoáy kim tiền vẫn tiếp diễn.

Tham nhũng không chỉ là quốc nạn, đó là điểm mấu chốt của vấn đề điều hành trật tự xã hội và là vật cản lớn để khơi thông các giải pháp an sinh. Tham nhũng dẫn đến sự xa hoa của quan chức làm xói mòn lòng tin của dân chúng.

Dĩ nhiên, tính ổn định của hệ thống chính trị sẽ luôn là câu trả lời cho nhiều vấn đề tại các địa phương, mỗi khi đưa lên bàn nghị sự của cấp Trung ương, nhưng tương lai sẽ đi đến đâu, nếu lòng tin của dân chúng ngày một héo mòn.

Mạng xã hội mặc dù là một nơi khó để thiết lập trật tự, nhưng nó lại đang đóng vai trò lớn trong việc chế ngự các hành vi của giới chức cầm quyền. Hình ảnh giàu có bất thường thể hiện bằng các biệt phủ xa hoa được giám sát bằng các công cụ mạng xã hội hời hợt, tuy vậy, một phần nào đó cũng khiến nhiều bộ phận giật mình. Đáng buồn, nó lại không phải là gốc của vấn đề.

Bộ mặt giàu có xa hoa thiếu minh bạch của một số quan chức địa phương đã khoét sâu, thúc đẩy sự bất công, tạo xung đột, lấy đi lòng tin của dân chúng. Những thứ mà bất cứ chính thể nào, nếu muốn duy trì và phát triển, đều phải cố gắng rất nhiều, mới đạt được.

Nguồn ở đây

16 nhận xét:

  1. Bộ máy quản lý của chúng ta có thể tốt ở những thành phố lớn, nơi đây có dân trí phát triển, người lãnh đạo ở tầm cỡ cao. Tuy nhiên sự phân phối tri thức trong lĩnh vực quản lý ở các địa phương lại chưa tốt, năng lực chuyên môn yếu kém sẽ là một phần của sự tha hóa đạo đức, tìm cách "len lỏi" do vậy những hiện tượng tiêu cực như tham nhũng, lợi dụng chức quyền,... là những vấn đề chúng ta cần có cái nhìn theo chiều sâu hơn

    Trả lờiXóa
  2. Các cụ có câu "Phi thương bất phú", lương công chức 3 cọc 3 đồng thì đủ ăn là may đến bao giờ mới giàu được chứ đừng nói là xây biệt thự, nhà lâu xe hơi. Những thứ đó gần như quá xa xỉ với người làm công ăn lương. Một số quan chức gần đây bị báo chí và người dân lên tiếng về khối tài sản khổng lồ, thiếu minh bạch. Chính điều này đã tạo làn sóng phản đối mạnh mẽ, tạo sự ngờ vực trong dư luận. NẾu như các quan chức không chứng minh rõ nguồn gốc tài sản của mình thì dân làm gì còn niềm tin vào sự trong sạch của quan chức.

    Trả lờiXóa
  3. Quan chức không chỉ thiếu minh bạch về vấn đề chứng minh tài sản mà còn thiếu minh bạch trong việc bổ nhiệm người thân giữ chức vụ trong bộ máy, cơ quan nhà nước. Sau khi bị phát hiện, kiểm tra vẫn đúng quy trình, đúng thủ tục thì không thật khó hiểu. Trong thời buổi kinh tế thị trường khó khăn, người khôn của khó nếu không làm ăn bất chính thì khó có thể giàu có với đồng lương ba cọc ba đồng.

    Trả lờiXóa
  4. Quan chức Việt Nam tài sản chân chính chẳng có bao nhiêu đâu. Vì làm lãnh đạo là để đoàn kết toàn dân, toàn Đảng thực hiện những mục tiêu tăng trưởng. Ấy thế mà giàu có quá

    Trả lờiXóa
  5. Ở góc độ quản lý, chuyện quan chức sở hữu tài sản khủng về bản chất phải khẳng định không có gì là sai. Cũng cần nói rõ, đến nay không có bất cứ quy định nào buộc quan chức phải nghèo hoặc cấm quan chức làm giàu. Thực tế cho thấy, không ít lãnh đạo vốn là người có tài, có năng lực kinh doanh và đã sở hữu những khoản tài sản lớn tại doanh nghiệp trước khi chuyển sang làm lãnh đạo các đơn vị hành chính sự nghiệp, hay lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Nhiều người nói vui rằng, chừng nào tài sản khủng của quan chức được minh bạch thông tin, quan chức chứng minh được nguồn gốc tài sản rõ ràng chừng đó mới hết chuyện lùm xùm từ việc quan chức bị phóng viên “đếm nhà”, “đếm biệt phủ”.

    Trả lờiXóa
  6. Rõ ràng việc kê khai tài sản của chúng ta chưa phản ánh được thực tế tình hình tham nhũng. Đáng ra phải thực hiện kê khai với tất cả người thân của người có chức vụ, dù có nghi tham nhũng hay không cũng phải kê khai để đánh giá được hoạt động của người có chức vụ.
    Lần này, tôi kiến nghị của Chính phủ phải sửa đổi nhiều nội dung, quy định liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng. Về quy định kê khai tài sản, cần sửa đổi theo hướng chọn lọc đối tượng chứ không phải kê khai dàn trải như hiện giờ, bởi những người không có cơ hội tham nhũng thì buộc kê khai làm gì, không giải quyết được việc gì. Làm sao phải khoanh vùng được đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao.
    Tôi thấy tất cả những người không có cơ hội để tham nhũng mới nói nhiều về vấn đề chống tham nhũng còn những người có khả năng tham nhũng cao thì chẳng ai nói gì về chống tham nhũng cả.

    Trả lờiXóa
  7. Trước đây chúng ta hay quan niệm lãnh đạo là nghèo khó. Nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi nên chúng ta cần nhìn nhận lại cách đánh giá. Quan chức, lãnh đạo có thể nghèo, nhưng cũng có thể giàu. Có thể họ làm lãnh đạo khi đã trải qua một quá trình làm ăn, kinh doanh chính đáng thì không có gì phải băn khoăn. Tiếc rằng giờ lại có cán bộ, quan chức giàu có một cách không chính đáng.

    Trả lờiXóa
  8. Việc kê khai tài sản là đúng, là tích cực, hội nhập với dòng văn minh của nhân loại. Các quốc gia văn minh trên thế giới đều làm được việc này và họ làm được, làm tốt. Nhưng khác nhau ở ta với các nước là quá trình triển khai thực hiện. Người ta làm bằng nhiều cách, soi từ nhiều hướng nên việc này có hiệu quả. Ta thì chưa được như mong muốn nên phải xem lại. Có những người giàu có chính đáng, nhưng cũng có quan chức giàu đến mức bất bình thường. Bởi vì chúng ta không quản lý được nguồn gốc tài sản nên nhiều người lợi dụng chuyện đó để làm giàu.

    Trả lờiXóa
  9. Cần phải có quy định về kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đang có "lỗ hổng" rất lớn. Chính vì lỗ hổng này, người có tài sản dễ dàng chuyển tài sản cho vợ hoặc chồng hoặc con đã thành niên, nhất là những người này không thuộc diện phải kê khai. “Như trong vụ biệt phủ sinh thái nghìn tỷ của một quan chức cấp tỉnh, mọi giấy tờ liên quan đến khu biệt thự này đều mang tên con trai. Trong khi con trai vị ấy đang là công chức không thuộc diện kê khai”

    Trả lờiXóa
  10. Ở một số nước, với những quan chức Chính phủ, người lãnh đạo trong cơ quan bảo vệ pháp luật, quy định pháp luật khá cụ thể, rõ ràng nhằm minh bạch, công khai tài sản của người đó và đó là một giải pháp chống tham nhũng, rửa tiền khá hiệu quả. Theo các quy định luật về phòng chống tham nhũng của Pháp, nếu một cán bộ không thể giải thích đầy đủ nguồn gốc tài sản thì tài sản đó có thể bị tịch thu. Đến hết nhiệm kỳ vẫn truy tố, ngay cả tài sản được tặng cho người khác thì người đó cũng phải trả lại, còn nước ta thì việc này còn lỏng lẻo lắm

    Trả lờiXóa
  11. Kính mong khi làm thì làm tới cùng, phát hiện sai đến đâu xử lý đến đó cho đúng quy định của pháp luật, chứ đừng làm như vụ bổ nhiệm thần tốc hotgirl Quỳnh anh ở THANH hóa , dân tình cho rằng hiện nay vụ này đã bị chìm xuồng mà không hiểu vì sao????????

    Trả lờiXóa
  12. Ngày nay cán bộ thì sướng, dân thì khổ. Trong lý lịch ai cũng khai là "bần cố nông" mà nhà lầu, xe hơi, ruộng đất "cò bay thẳng cánh" có thua gì Công tử Bạc Liêu khi xưa. Dân ta đều biết hết, nhưng chẳng làm được gì cả, vì đúng quy trình mà, nhà vợ, bố mẹ anh em của cán bộ làm ăn kinh tế được chứ cán bộ có làm gì đâu. Tài sản cũng của gia đình vợ, bố mẹ, anh em cán bộ chứ có của cán bộ đâu.

    Trả lờiXóa
  13. Các vị lãnh đạo kê khai tài sản là một việc làm thể hiện tính dân chủ tích cực. Nếu như các vị lãnh đạo đó không tham ô, không tham nhũng làm ăn chân chính, làm giàu từ bànbtay vàbtris tuệ của mình thi không thể không dám công khai tài sản của mình. Tôi chỉ e rằng với số tài sản kếch xù của các vị các vị chả dám khai báo trước người dân. Cây ngay thì không sợ chết đứng, mình làm đúng thì không việc gì phải lo sợ.

    Trả lờiXóa
  14. Làm quan thì không giàu nếu chỉ nhìn vào bảng lương, nhưng mà tại sao bao nhiêu người ao ước được ngồi vào vị trí đó, chẳng nhẽ nó không những là miếng mồi béo bở mà còn là con gà biết đẻ trứng vàng. Nó làm cho người dân có một cái nhìn khác về quan chức, và từ đây chức vụ của các ngài bị lung lay. Lại nhớ đến câu: con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa, bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa. Do vậy cần phải có những chế tài phù hợp để khắc phục tiến tới xóa bỏ những tiêu cực như vậy

    Trả lờiXóa
  15. Việt Nam là quốc gia có nhiều nghịch lí, đến mức, nghịch lí trở thành có lí. Tài sản quan chức là một điển hình, thậm chí, theo quan niệm, quan chức không giàu có mới là sự lạ.
    Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề ở đây là quan chức có tài sản, nhưng hàng năm kê khai tài sản thì lại không kê khai. Do đó mới làm dân có chút lăn tăn là như vậy.

    Trả lờiXóa
  16. Bộ mặt giàu có xa hoa thiếu minh bạch của một số quan chức địa phương đã khoét sâu, thúc đẩy sự bất công, tạo xung đột, lấy đi lòng tin của dân chúng. Những thứ mà bất cứ chính thể nào, nếu muốn duy trì và phát triển, đều phải cố gắng rất nhiều, mới đạt được.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog