Chia sẻ

Tre Làng

Bài của BT Nguyễn Thị Kim Tiến: ÁO BLOUSE NHUỐM MÁU

Nguyễn Thị Kim Tiến Bộ trưởng Y tế

Áo blouse nhuốm máu

Thứ năm, 24/8/2017 | 00:01 GMT+7 166

Cứ mỗi lần nghe tin một bác sĩ, điều dưỡng hay nhân viên y tế bị hành hung là tôi lại cảm thấy đau đớn như chính mình bị xúc phạm. 

Cảm giác phẫn nộ, buồn bực, thất vọng xâm chiếm tôi. Phẫn nộ vì các thầy thuốc không bao giờ đáng bị đối xử như vậy. Buồn bực vì bao nhiêu nỗ lực của ngành y, của các đồng nghiệp và của Bộ Y tế nhằm ngăn chặn tệ nạn này vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn. Thất vọng vì người thầy thuốc vẫn lẻ loi trong hành trình của mình. 

Cách đây ba tuần, Tòa án Nhân dân huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã tuyên phạt 9 tháng tù giam đối với bị cáo Cấn Ngọc Giang, người đã dùng chiếc cốc thủy tinh đập vào đầu một bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, khiến anh ngất tại chỗ, đầu có hai vết thương, phải khâu bảy mũi và phải theo dõi chấn thương sọ não. 

Tôi đã đến bệnh viện thăm anh vào chiều tối ít hôm sau sự cố. Thầy thuốc trẻ nằm trên giường bệnh với chiếc đầu băng trắng. Chiếc áo blouse nhuốm máu đã thay bằng chiếc áo bệnh nhân màu xanh khiến cho gương mặt anh xanh xao hơn. Không hiểu sao suốt thời gian đứng cạnh anh, trong đầu tôi cứ hiện lên hình ảnh những bác sĩ với chiếc áo blouse dính đầy máu. 

Giây phút đó tôi nguyện sẽ làm tất cả để chiếc áo của thầy thuốc - biểu tượng cho bình an không bao giờ bị nhuốm máu, để thầy thuốc không bao giờ trở thành nạn nhân của bạo lực. 

Tôi nhớ lại câu chuyện chiếc áo blouse nhuốm đầy máu của một bác sĩ khác. Cách đây đúng 6 năm, bác sĩ Phạm Đức Giàu của Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư (Thái Bình) bị người nhà bệnh nhân dùng dao đâm thủng màng tim khiến ông tử vong. Trong căn nhà đơn sơ, gia sản hầu như không có gì, tôi không thể cầm nước mắt khi nhìn lên bàn thờ ông. Có hai vật mà tôi nhớ nhất, là chiếc ống nghe và cuốn sổ tay ghi chép theo dõi bệnh nhân. Ông thiệt mạng tại nơi làm việc, để lại bà mẹ già 87 tuổi, và hai cô con gái đang học trung cấp. Nhưng trường hợp của ông lại không đủ điều kiện để được công nhận là liệt sĩ. Chúng tôi chỉ còn cách bàn với ngành y tế và giáo dục tỉnh nhận một cô con gái vào làm điều dưỡng, một cô con gái vào làm giáo viên. 

Sau này hung thủ giết bác sĩ Giàu đã bị tuyên án tù chung thân. Những tưởng những bản án nghiêm khắc đối với những kẻ hành hung thầy thuốc sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh trong xã hội. Nhưng thời gian qua đã liên tiếp xảy ra những vụ nhục mạ, hành hung khác nhằm vào thầy thuốc, mà tính chất phạm tội và hậu quả để lại về tâm lý và thân thể đối với thầy thuốc không hề giảm đi. Đơn cử một số vụ nổi bật trong 3 tháng vừa qua: 20 côn đồ cầm vũ khí ào vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khống chế bác sĩ chém bệnh nhân (tháng 5/2017); đánh và bắt bác sĩ quỳ lạy ở Bệnh viện Thể thao Hà Nội (6/2017), bác sĩ bị một đối tượng đập máy đo huyết áp vào đầu tại Bệnh viện Đa khoa Việt Yên, Bắc Giang (tháng 7/2017). Không những thế, những kẻ hành hung còn quay video (vụ nhục mạ bác sĩ tại Trung tâm Y tế Móng Cái), thậm chí phát sóng trực tiếp trên Facebook (vụ hành hung thầy thuốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình) như một lời thách thức xã hội. 

Và mới nhất, tối 18/8 vừa qua, là việc một giám đốc doanh nghiệp vừa được bình chọn vào danh sách 100 “Doanh nghiệp khởi nghiệp xuất sắc 2017” đấm liên tiếp vào mặt bác sĩ Hoàng Thị Minh, người đang làm nhiệm vụ trực tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện 115 Nghệ An. Tận mắt chứng kiến hành động côn đồ này có cả một vị Chủ tịch UBND phường, mà sự hiện diện của ông tại đó cần được làm rõ. Với vai trò của ông ta, thì bất cứ người dân nào bị bạo lực đều phải được bênh vực, chứ đừng nói là thầy thuốc đang làm nhiệm vụ trong ca trực.

Một nữ bác sĩ tâm sự với tôi rằng cô từng bị hành hung, nhưng điều khiến cô đau đớn không phải là nỗi đau thể xác mà chính là những bình luận trên mạng xã hội: “Cô phải có thái độ thế nào với bệnh nhân thì mới bị hành hung chứ?”. Tâm lý này đang phổ biến trong xã hội. Lẽ ra bất cứ hành vi bạo hành nào đối với thầy thuốc đều bị lên án và xử lý, thì người ta lại quay ra đổ lỗi cho thầy thuốc. Đó là thái độ đối xử chưa khách quan và nhân văn. 

Một nhân viên hàng không bị hành khách hành hung, hành khách đó ngay lập tức bị cấm bay; nhưng cứu người, dù bất kể người đó là ai, lại là sứ mệnh của người thầy thuốc. 

Với tư cách là một thầy thuốc, tôi cho rằng đã đến lúc những hành vi côn đồ hành hung thầy thuốc cần phải được xử lý như những hành vi chống đối người thi hành công vụ. 

Có như thế, những người thầy thuốc không có một tấc sắt trong tay mới có thể yên tâm với hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực. 

Nguyễn Thị Kim Tiến

20 nhận xét:

  1. bài viết tâm huyết,tôi cũng rất thấu cảm với những người đang làm trong ngành y.áp lực về công việc,đôi khi gặp người nhà ko hiểu chuyện hay gặp bọn côn đồ nữa thì chuyện bác sĩ bị hành hung ko một ai đứng ra bênh vực họ cả.mong rằng qua bài viết này xã hội sẽ nhìn nhận cách khác về những người mặc áo blue trắng hơn,chúc các các sĩ trong ngành y thành công

    Trả lờiXóa
  2. Nghề nào cũng có những tai nạn nghề nghiệp đang buồn xảy ra. Nhưng phải công nhận một điều rằng dân ta giờ manh động quá chỉ cần không vừa ý cái là đụng độ án mạng có thể xảy ra. Họ đánh tất từ công an, thầy giáo rồi đến bác sĩ, họ chỉ nhìn nhận 1 bộ phận những người đạo đức nghề nghiệp kém mà chụo mũ tất cả. Thử hỏi rằng xã hội sẽ ra sao khi không có công an, người bénhex ra sao khi không có bác sĩ. Cuộc sống này sẽ đầy rẫy những chết chóc và tai ương. Tai sao chúng ta không nhìn nhận vấn đề ở góc độ đó, tại sao chúng ta không thẳng thắn phê bình mà cứ phải có cử chỉ động chân động tay như vậy. Càng nghĩ càng thấy xót xa về xã hội

    Trả lờiXóa
  3. Nghề thầy thuốc là một nghề cao quý chúng ta cần phải tôn trọng, tuy rằng cũng có những trường hợp do tai nạn nghề nghiệp từ phía các bác sỹ, cũng có trường hợp nhận tiền mới bắt đầu cứu chữa bệnh nhân, nhưng ở đâu cũng có những vấn đề cần phải khắc phục, sửa chữa, chúng ta cần có cái nhìn toàn diện hơn, không nên nhìn vào một sô trường hợp vi phạm mà đánh giá toàn bộ lương y của nghề thầy thuốc, đó là sự đánh giá sai lầm, việc làm của họ luôn mang đến những niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người bệnh, những gia đình bệnh nhân, chúng ta cần chung tay lên tiếng bảo vệ những người đang thầm lặng cống hiến sức lực của mình để cứu chữa những người khác

    Trả lờiXóa
  4. Nghề thầy thuốc cao quý biết bao bởi vậy mới có danh xưng thầy thuốc.Tiếc rằng thời gian gần đây lắm kẻ côn đô,lộng hành tấn công bác sỹ vì những vân đề phi nhân tính.Có thể chỗ này chỗ khác bác sỹ còn có những sai lầm cần chấn chỉnh.Tuyệt đối không được dụng chân tay.Đã đến lúc cần phải có chính sách bảo vệ bác sỹ như các lực lượng vũ trang.Đừng để họ đơn độc.Bác sỹ là người mà trẻ nhỏ,người già phải gặp hằng năm không dưới chục lần.hỌ CHÍNH LÀ NGƯỜI ĐÃ KÉO DÀI TUỔI THỌ CỦA MỖI CHÚNG TA.

    Trả lờiXóa
  5. Nói chung là chuyện gì cũng phải nói cho đúng. Nhiều người chỉ vì những thành kiến cho có một vài bác sĩ có đạo đức kém mà làm chuyện không nên, bác sĩ là nghề cứu người, môtj nghề liên quan đến sức khỏe và tính mạng con ngươi thật không đơn giản, họ là những người cần được trân trọng và tôn vinh chứ không phải coi họ như người có thể đánh

    Trả lờiXóa
  6. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  7. Không thể nói không có một số ít những kẻ bị làm nô nệ đồng tiền, bị đồng tiền sai khiến đến mức không còn nhân cách, nhưng phải nói là nghề ý là nghê cứu người, nghề khó, nguy hiểm, áp lực, vì vậy mong mn hãy cảm thông, người thầy thuốc phải đáng được tôn trọng và bảo vệ. Một bộ phận xã hội bây giờ họ thật là vô ơn

    Trả lờiXóa
  8. nghề nào thì cũng vậy, cũng có người này, người kia, chúng ta không nên đánh đồng tất cả với nhau. bác sĩ là những người trực tiếp cứu người, vì vậy chúng ta không nên tạo nên bất kì một áo lực nào cả, tư tưởng thoải mái thì các bác sĩ mới thể hiện được hết tài năng , trách nhiệm của mình để cứu người được. chúng ta hãy suy nghĩ thoáng hơn, đừng nói nhiều, đừng tạo nhiều áp lực cho ngành y nữa, hãy để họ yên tâ, tự tin cứu người

    Trả lờiXóa
  9. Trong xã hội loài người, ngành nghề nào cũng đòi hỏi phải có đạo đức mà người ta thường gọi là "đạo đức nghề nghiệp". Ngành y là một ngành có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng của con người. Mà sức khoẻ, tính mạng của con người là vốn quý nhất, nên đòi hỏi người làm việc trong ngành y cũng phải có những phẩm chất đặc biệt. Không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn làm việc trong ngành y.

    Trả lờiXóa
  10. Với tư cách là một thầy thuốc, tôi cho rằng đã đến lúc những hành vi côn đồ hành hung thầy thuốc cần phải được xử lý như những hành vi chống đối người thi hành công vụ. Có như thế, những người thầy thuốc không có một tấc sắt trong tay mới có thể yên tâm với hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực.

    Trả lờiXóa
  11. bấy lâu nay, nhiều người khi nghĩ tới ngành y đã bị ám thị bởi vấn nạn phong bì, bởi sai sót! nhưng hãy nên nhìn nhận toàn diện hơn, khách quan hơn rằng ngành y đã có những nỗ lực, những hành động rất cụ thể trấn áp các hành vi tiêu cực trong ngành y và rằng hàng ngày họ vẫn miệt mài lao động, làm việc cứu sống biết bao sinh mạng nhân dân! hãy lắng nghe những chia sẻ những tâm tư của họ. hơn hết, nghề y là 1 nghề đầy cao quý, nhân văn và đáng được tôn trọng!

    Trả lờiXóa
  12. Cách đây ba tuần, Tòa án Nhân dân huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã tuyên phạt 9 tháng tù giam đối với bị cáo Cấn Ngọc Giang, người đã dùng chiếc cốc thủy tinh đập vào đầu một bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, khiến anh ngất tại chỗ, đầu có hai vết thương, phải khâu bảy mũi và phải theo dõi chấn thương sọ não.

    Trả lờiXóa
  13. Côn đồ với thầy thuốc nên được xếp vào tội chống người thi hành công vụ và cần có khung hình phạt cao hơn đủ sức răn đe.. Tên giám đốc đánh phụ nữ là thày thuốc nếu chỉ phạt tiền là xong thì sau này nó còn đánh nữa. Điều nguy hiểm là trước đây hành vi côn đồ là của bọn giang hồ thì nay cả những kẻ có học thức, có địa vị , có quyền lực cũng vậy. Lên án và bảo vệ phụ nữ, bảo vệ thày thuốc lương thiện là lương tri là đạo lý. Mọi người hãy hành động để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

    Trả lờiXóa
  14. Một số người có chức quyền muốn được ưu ái , ưu tiên khám trước mà bác sĩ không đồng ý, vì mọi người đều bình đẳng ( sao bạn không nghĩ lý do này)! Ngành y là một ngành vô cùng khó khăn, không cho phép cho sự sai sót, mà thậm chí đúng qui trình đúng phác đồ điều trị, đúng kỹ thuật nhưng vẫn gây ra hậu quả vì cơ địa mỗi con người khác nhau!!!
    Cứu sống thì chẳng nói gì, không cứu nổi thì trách nhiệm bất cứ lúc nào cũng có thể đổ xuống đầu

    Trả lờiXóa
  15. Dại dột gì muốn gây gổ với BS để thiệt mình, thiệt ng thân? Nếu bs có tâm hết lòng trách nhiệm cứu ng thì đâu có chuyện ng nhà bn uất ức rượt đánh? Thái độ vô cảm, quát tháo, bỏ mặc, nhận tiền thì ok,...đã làm xấu hình ảnh áo trắng thầy thuốc. Hay vc bán thuốc giả, kém chất lượng cho bn hiện nay??? Ai tự làm xấu hình ảnh của mình, bán rẻ tự trọng nghề nghiệp? Bạo lực với ai cũng đáng bị lên án, tuy nhiên muốn gq tận gốc vđ thiết nghĩ BT nên xem lại vđề

    Trả lờiXóa
  16. Hành động của ông giám đốc này là do cây thế cậy quyền trong bộ máy chính quyền nhào nặn ra , nếu trách thì phải trách cho cơ cấu toàn xã hội dần đến suy đồi đạo đức, một xã hội muốn bền vững thì luật pháp phải đạt trên hàng đầu và không ai có thể dùng trên pháp luật. Tình hình hiện nay ở đất nước ta các QUAN chức khi phạm tôi chỉ việc kiểm điểm và rút kinh nghiệm nên đã ào mòn lòng tin của nhân dân

    Trả lờiXóa
  17. Nhiều người nói BS có thế nào người ta mới đánh, đó chỉ là câu bao biện cho sự xuống cấp của đạo đức XH. Ngoài đường va chạm giao thông rút dao chém, mâu thuẫn trong ăn nhậu chém, hàng xóm mâu thuẫn chém, coi người khác nhìn đểu mình chém, nhắc nhở vệ sinh chung đánh đến nhập viện...Những con người vô đạo đức đó vào viện không đánh BS mới là lạ. Chung quy là đạo đức XH xuống cấp, nó không còn là cá biệt mà đã đến mức báo động, không phải chỉ ở dân "anh chị" mà là cả một số DN , cán bộ, người có tiền, có học, có quyền...Luật pháp của ta là nghiêm minh, nhưng thực thi luật pháp thì kém

    Trả lờiXóa
  18. Xã hội ngày nay cần nhiều pháp trị hơn chứ không cần nhiều đức trị nữa. Một cô bác sỹ còn quá trẻ người thì gày gò bé nhỏ, bị một tay giám đốc doanh nghiệp cao to đàn áp ngay tại bệnh viện mà như chỗ không người. Tay giám đốc kia phải được coi là tội phạm và phải bị trấn áp bằng vũ lực chứ không chỉ bằng lời nói, ông bảo vệ BV quá yếu ớt mà chính ông còn bị đe doạ. Phải chấn chỉnh nhiều vấn đề

    Trả lờiXóa
  19. Trong xã hội chúng ta có hai nghề được người đời tôn vinh với tên gọi thầy giáo và thầy thuốc (còn các loại thầy khác gọi có ý mỉa mai); thầy giáo thì dạy đạo làm người và dạy chữ, thầy thuốc ngoài việc chữa bệnh cứu người còn nhiều lúc vừa như người cha, người mẹ, người chị, người anh. Những nghĩa cử ấy ai đã qua một lần trong đời khi ở trong cuộc chiến hay trong những tháng năm của thời bao cấp khốn khó; cũng không sai trong hiện tại có một vài thầy thuốc đã như những con sâu làm rầu nồi canh, nhưng hàng ngày, hàng giờ trên dải đất hình chữ S này vẫn còn có rất nhiều những người mà chúng ta gọi chung là thầy thuốc - từ anh, chị nhân viên đến các giáo sư, bác sỹ vẫn đang tận tâm, tận lực hành nghề cứu người trong môi trường đặc biệt... Vậy mà cũng có những công dân ở mọi giai tầng trong xã hội lại có những hành động như loài cầm thú

    Trả lờiXóa
  20. Con người luôn xem trọng quyền lợi của mình mà bất chấp luật pháp như vậy là không đúng. Đứng trước " làm dâu trăm họ" không thể hoàn hảo được nhưng phải hiểu cho sâu hơn nữa là họ đang cứu người thì phải tôn trọng họ. Chưa nói đến ơn nghĩa mà nói đến quy luật mà thôi. Vài năm trước đồng nghiệp tôi phải bỏ cả một tương lai vì người nhà hành hung nhưng rồi cũng qua vì ở đâu thì khám và chữa bệnh củng rất cần. Cho nên những kẻ luôn cho rằng có tiền, có quyền và sự vô ý thức bất chấp luật pháp như vậy cần phải đưa vào luật " hành hung người khác".

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog