Chia sẻ

Tre Làng

Trạm THu phí Cai Lậy vỡ trận - Cái giá của sự nhập nhằng

Bài chép từ FB Từ Việt Thắng

Đoạn đường tránh thị xã Cai Lậy dài 12 km được thi công và đưa vào klhai thác theo hình thức BOT dựa trên hợp đồng ký ngày 28-8-2014 giữa Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể (nay là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng) đại diện bên A và liên doanh hai nhà thầu bên B là Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do ông Phạm Văn Hiến làm Tổng giám đốc và Công ty cổ phần Đầu tư, thương mại và xây dựng giao thông 1 do ông Trần Quang Tuyến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trước đó 1 năm, ngày 19-9-2013, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 2852/QĐ-BGTVT, công bố danh mục dự án đầu tư tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT. Tìm hiểu thêm về bản hợp đồng này mới thấy bộc lộ lý do đặt Trạm thu phí BOT Cai Lậy ở vị trí bất hợp lý như vậy. Và chính sự bất hợp lý này đã gây nên tình trạng “vỡ trận” tại trạm thu phí này trong suốt nửa tháng qua.

1- Tiền Giang “tiện tay dắt dê”.

Theo bản hợp đồng chính thức được ký ngày 28-8-2014 thì mục tiêu của dự án được nêu rõ là “nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 khu vực tỉnh Tiền Giang. Đồng thời phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng,...”. Tổng mức đầu tư của dự án là gần 1.058 tỷ VND. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị là gần 500 tỷ VND; chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là hơn 200 tỷ VND; chi phí dự phòng là hơn 150 tỷ VND; lãi vay trong thời gian xây dựng là gần 100 tỷ VND (lãi suất 11%/năm); chi phí quản lý dự án và chi phí khác là gần 60 tỷ VND. Về vị trí đặt trạm thu phí, bản hợp đồng quy định trạm này được đặt tại KM số 1999 + 900m trên ngã ba, đầu đoạn đường tránh dài 12 km từ Đông sang Tây đi vòng qua phía Nam thị xã Cai Lậy. Thời gian thu phí để hoàn vốn và có lãi cho nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Công ty cổ phần Đầu tư, thương mại và xây dựng giao thông 1 là 7 năm 5 tháng tính từ ngày 1-8-2017, khi công trình được đưa vào khai thác

Nếu tất cả đều làm đúng như vậy thì đã không có chuyện gì xảy ra. Các nhà đầu tư BOT chỉ thu phí đoạn đường tránh qua phía Nam thị xã Cai Lậy chứ không thu phí các phương tiện đi trên Quốc lộ 1 xuyên qua trung tâm thị xã. Tuy nhiên, vị trí hiện tại của trạm này lại đặt ở KM số 1999 + 300m trên Quốc lộ 1, cách vị trí được xác định theo hợp đồng là 600m về phía Đông thị xã Cai Lậy, nằm ngay trên Quốc lộ 1. Tại sao lại có chuyện này ?

Chắc chắn không thể có một nhà thầu BOT nào dám “ăn gan giời” để đặt trạm thu phí ngay trên quốc lộ vốn thuộc quyền quản lý và sở hữu của nhà nước mà trực tiếp là Bộ Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải địa phương. Tìm hiểu sâu thêm vấn đề mới thấy rằng chính Sở Giao thông vận tải Tiền Giang đã “tiện tay dắt dê”. Sau khi hai nhà thầu nói trên bắt đầu thi công tuyến tránh thị xã Cai Lậy, Sở Giao thông vận tải Tiền Giang đã ký một hợp đồng khác với Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Quốc lộ 1 với mục đích gia cường mặt đường Quốc lộ số 1 đoạn từ xã Mỹ Đức Đông (huyện cái Bè) qua thị xã Cai Lậy đến xã Quý Nhị (thị xã Cai Lậy) từ KM số 1987 đến KM số 2014 dài 26 km cũng với hình thức BOT chỉ định thầu. Giá trị của hợp đồng này là 340 tỷ VND. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc các nhà thầu BOT nói trên được phép đặt trạm thu phí cho cả đoạn Quốc lộ 1 được họ gia cường mặt đường và tuyến tránh thị xã Cai Lậy.

2- Tính hợp pháp của việc BOT hóa công trình bảo trì đường bộ và sự nhập nhằng “hai trong một”.

Về pháp lý, luật pháp không cấm cơ quan quản lý giao thông vận tải đấu thầu, chỉ định thầu, giao thầu cho các công ty cổ phần việc thi công các công trình gia cường, nâng cấp mặt đường các loại đường cao tốc và đường bộ các cấp bằng các hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), BTO (xây dựng – chuyển giao – vận hành) và BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao). Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn và mức thu phí giữa việc gia cường và bảo trì đường bộ so với việc thu phí BOT các tuyến đường làm mới là rất khác nhau. Thông thường, việc gia cường, nâng cấp mặt đường, bảo trì, bảo dưỡng đường bộ được huy động ngân sách và từ nguồn kinh phí của quỹ bảo trì, bảo dưỡng đường bộ. Quỹ này được hình thành từ việc thu phí đánh vào từng đầu xe theo chu kỳ đăng kiểm phương tiện như tôi đã trình bày trong bài trước. Theo nguyên tắc này, nếu quỹ bảo trì, bảo dưỡng đường bộ đủ đáp ứng 100% nguồn bốn cho việc bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp mặt đường đã có thì không được phép thu thêm phí vì các đầu xe đã chịu mức phí bảo trì đường bộ được thu qua mỗi lần đăng kiểm. Còn nếu như ngành Giao thông vận tải có hợp đồng với nhà thầu để nâng cấp mặt đường, bảo trì, bảo dưỡng đường bộ theo hình thức BOT thì nhà thầu chỉ được thu phí BOT thấp hơn nhiều so với việc thu phí của các tuyến đường làm mới hoàn toàn. Việc thanh tra hệ thống Trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ vừa qua cho thấy hệ thống này đã lạm thu, để ngoài sổ sách mỗi ngày khoảng 700 triệu VND là dấu hiệu của hành vi tham ô hoặc ít nhất là gian lận thương mại mặc dù việc thu phí BOT cho công trình nâng cấp đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là hợp pháp.

Điều đáng nói là việc lãnh đạo tỉnh Tiền Giang giao thầu thi công nâng cấp gia cố mặt đườn Quốc lộ 1 đoạn đi qua thị xã Cai Lậy theo hình thức BOT là việc làm “chui”, không dựa trên một chủ trương hay dự án nào của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch đầu tư. Ngày 19-9-2013, ông Nguyễn Văn Thể, khi đó là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký Quyết định số 2852/QĐ-BGTVT về việc công bố danh mục dự án đầu tư tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT. Ngày 20-9-2013, Bộ Giao thông vận tải có Công văn số 9947/BGTVT-ĐTCT gửi Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, xin chủ trương thực hiện dự án này đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch đầu tư bố trí vốn.

Ngày 18-10-2013, Bộ Kế hoạch đầu tư có Công văn số 8062/BKHĐT-KCHTĐT, gửi Văn phòng Chính phủ với nội dung đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo với Thủ tướng về việc “Nguồn ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển rất khó khăn (trong đó có đầu tư cho các dự án ngành giao thông vận tải). Nhằm thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, Bộ KHĐT thống nhất với Bộ GTVT về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức BOT”.

Ngày 11-11-2013, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký Công văn số 1908/TTg-KTN có nội dung: “Xét đề nghị của Bộ GTVT (công văn số 9947/BGTVT-ĐTCT ngày 20.9.2013), ý kiến Bộ KHĐT (công văn số 8062/BKHĐT-KCHTĐT ngày 18.10.2013), về việc đầu tư tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau: Đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT. Bộ GTVT lưu ý các ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ KHĐT tại các công văn nêu trên, chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án theo quy định hiện hành”.

Các văn bản nêu trên không hề có một câu, một chữ nào nhắc đến việc nâng cấp, gia cường 26 km Quốc lộ 1 đoạn từ xã Mỹ Đức Đông (Cái Bè) đến xã Quý Nhị (Cai Lậy). Thế nhưng khi khởi công công trình, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và lãnh đạo ngành Giao thông vận tải tỉnh này đã thỏa thuận với bên B bổ sung hạng mục gia cường mặt đường cho 26 km Quốc lộ 1, nhét nó vào chung một dự án với tuyết tránh thị xã Cai Lậy mà không báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Thủ tướng Chính phủ vì sự thay đổi hạng mục đầu tư này.

Một khi pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều kẽ hở thì việc lợi dụng những kẽ hở đó để trục lợi là điều khó tránh khỏi. Trong trường hợp “vỡ trận” của Trạm Cai Lậy vừa qua, có thể thấy Công trình nâng cấp gia cường 26 km mặt đường Quốc lộ 1 đi qua thị xã Cai Lậy đã trở thành cái cớ để các nhà thầu đặt trạm BOT tại vị trí KM 1999+300m để làm một cú thu phí “2 trong 1”. Nghĩa là họ tiện thể thu phí luôn cho cả hai công trình được thi công theo hình thức BOT. Tuy nhiên, xét về nguồn gốc “sự cố” thì dù hai nhà thầu BOT thi công các công trình này, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Tiền Giang có chống chế kiểu gì đi nữa cũng không thể khắc mục được mâu thuẫn cơ bản của vấn đề là hai loại đường khác nhau không thể có cùng một mức phí. Trong đó, đường Quốc lộ 1 là đường có sẵn, chỉ được nâng cấp gia cường mặt đường và tuyến tránh thị xã Cai Lậy là đường làm mới hoàn toàn

Ngay cả có thu cùng một mức phí thì thời hạn thu phí đối với một công trình có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ VND (gia cường 26 km mặt đường) không thể ngang bằng với thời hạn thu phí của một công trình có tổng mức đầu tư 1.058 tỷ VND (xây mới tuyến đường tránh 12 km). Và ngay cả việc thu phí đồng mức nhưng chia ra thời hạn khác nhau cũng vẫn là bất hợp lý bởi sẽ có sự chồng phí 2 lần đối với các phương tiện sử dụng Quốc lộ 1 chứ không sử dụng tuyến tránh Cai Lậy để lưu thông. Còn đối với nhà thầu BOT thì sau khi đã hoàn thành thời hạn thu phí cho Công trình gia cường 26 km mặt đường Quốc lộ 1, họ sẽ phải rời bỏ trạm thu phí tại KM số 1999+300m và xây trạm mới vào trong tuyến tránh tại KM số 1999+900m) để thu phí trong thời hạn còn lại. Đó là sự lợi bất cập hại đối với chính họ. Cho dù không bàn đến việc có chuyện chia chác, tiêu cực ở đây thì lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang đã mắc sai sót lớn khi không tính toán đến những bất hợp lý của việc đồng ý cho các nhà thầu BOT đặt trạm thu phí cách vị trí theo quyết định phe duyệt dự án tới 600m nhằm “tận thu” kiểu “2 trong 1” mà nói đúng ra là “lạm thu” khi một tuyến tránh có chất lượng vào loại đường cấp III đồng bằng mà mức thu phí lại đắt hơn (35.000 VND/12 km) tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương (40.000 VND/52 km).

3- Nhập nhằng “cầu” thành “cống” và câu chuyện “tự bôi mỡ cho kiến đốt”.

Theo hợp đồng thi công tuyến tránh đi qua phía Nam thị xã Cai Lậy thì các nhà thầu BOT phải xây dựng 7 cây cầu bê tông cốt thép gồm có: Cầu kênh Ông Mười tại KM số 1+930,50m, Cầu Ba Muồng tại KM số 4+216,50m, Cầu Ông Thiệm tại KM số 7+493,00m, Cầu Ba Rài tại KM số 8+068,00m , Cầu Chín Chương tại KM số 9+121m, Cầu Giồng Tre tại KM số 9+950,00m và Cầu Bình Phú tại KM số 11+054,50m. Tuy nhiên, khi công trình được hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng, chỉ có 5 cây cầu được xây dựng theo thiết kế. Hai cầu còn lại gồm Cầu Ông Thiệm và Cầu Chín Chương đã biến thành hai chiếc cống, mỗi cống gồm hai hộp.

Lý giải về việc này, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thong vận tải tỉnh Tiền Giang thừa nhận, trong quyết định phê duyệt dự án tuyến đường tránh Cai Lậy của Bộ Giao thông vận tải có quy định xây 7 cây cầu. Trong quá trình thi công chủ đầu tư xét thấy khẩu độ của cầu là nhỏ, bắc qua kênh rạch không có phương tiện thủy cỡ lớn đi qua nên chuyển sang phương án làm cống hộp để tiết kiệm kinh phí. Nhưng theo ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang thì trong quá trình thi công do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên không thể triển khai làm 2 cây cầu như trong phê duyệt, từ đó địa phương có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh thành 2 cống và được chấp nhận.

Theo các kỹ sư xây dựng giao thông đường bộ - đường sắt, giá thành một cống hộp cùng khẩu độ, cùng khổ ngang chỉ bằng 1/10 đến 1/12 một cây cầu. Và thế là cũng đã có người đặt câu hỏi rằng khi những người dân sống trên tuyến tránh Cai Lậy phải di dời đã không hề gây khó khăn cho nhà thầu thì việc viện dẫn lý do khó khăn giải phóng mặt bằng liệu có thuyết phục ? Lại thêm một động tác “tự bôi mỡ cho kiến đốt” của lãnh đạo ngành Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang.

Không những thế, lãnh đạo Trạm thu phí Cai Lậy còn “bật lại” các lái xe bằng cách trích xuất dữ liệu từ camera an ninh của trạm để kiến nghị lực lượng Công an điều tra, làm rõ những người điều khiển 19 phương tiện đã sử dụng tiền lẻ để nộp phí qua trạm, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, Họ lập dang sách 19 phương tiện, ghi rõ biển số xe, số lần qua trạm, số lần nộp tiền lẻ kèm theo một báo cáo chi tiến về tình trạng giao thông khu vực trạm BOT Cai Lậy trong hơn 10 ngày qua. Tuy nhiên, dù cơ quan điều tra có vào cuộc thì cũng khó có thể nói đến việc xử lý hình sự các lái xe này. Bởi có một nguyên tắc pháp lý rằng bất cứ đồng tiền nào, có bất cứ mệnh giá nào do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành mà không có lệnh thu hồi (bằng văn bản pháp luật) đều được phép lưu hành. Các lái xe đã không phạm luật khi mang tiền lẻ mệnh giá 200 VND, 500 VND để trả phí tại Trạm BOT Cai Lậy. Đây lại là một việc làm thiếu suy nghĩ nữa của những người lãnh đạo ngành Giao thông vận tải Tiền Giang.

4- Tự biến mình thành mục tiêu cho kẻ địch tấn công.

“Cái sảy nảy cái ung”. Cũng giống như vụ Đồng Tâm, những hành động thiếu suy nghĩ của một số lãnh đạo ngành Giao thông vận tải Tiền Giang đã làm cho họ tự biến mình thành mục tiêu công kích của dư luận. Từ một thị xã nhỏ không mấy ai biết đến trừ những chiến công trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ, Cai Lậy bỗng nổi như cồn trên mặt báo trong và ngoài nước với đặc sản “tiền lẻ đóng chai”. Đúng là chẳng vui thú gì khi nhắc đến chuyện này nhưng đằng sau sự “vỡ trận” thu phí ở trạm BOT Cai Lậy chứa đựng những ẩn họa khó lường.

Nắm bắt được nhu cầu dùng tiền lẻ để phản ứng lại những bất hợp lý tại Trạm thu phí BOT Cai Lậy, một số người đã huy động một lượng lớn tiền lẻ để “đáp ứng nhu cầu” cho các lái xe bất bình với cách thu phí đó. Có người đã chuẩn bị sẵn tới 13 kg tiền lẻ để sẵn sàng “tiếp đạn” khi cần. Và tên Việt Tân Đường Văn Thái đã chuẩn bị tới vài “băng” tiền lẻ, mỗi “băng” nặng tới 750g (35.000 VND loại tiền 200 VND) để sẵn sàng “xả đạn” khi cần. Sự việc đã dần đi đến mức độ quá trớn và có nguy cơ lây lan ngày càng cao, mức độ đã chuyển dần từ những phản ứng bất bình sang trạng thái chống đối có chủ đích. Đã có những dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy những thế lực thù địch lợi dụng sự “vỡ trận” của Trạm thu phí BOT Cai Lậy để tuyên truyền bôi nhọ, bịa đặt, gây hoang mang, bất bình trong dư luận, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và kích động sự chống đối của người dân ở những lĩnh vực chẳng có liên quan gì đến việc thu phí giao thông. Phải thừa nhận rằng 19 lái xe trong nhóm “Bạn hữu đường xa” có biển số xe trong danh sách đã có những phản ứng tiêu cực và thậm chí là quá quắt trước việc thu phí bất hợp lý và đã có một số kẻ bất lương lợi dụng nhóm này để tung ra các thông tin xuyên tạc, dựng chuyện. Vậy thì những người lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Tiền Giang có nhận thức được hậu quả chính trị do những sai sót của mình gây ra không ? Hay chỉ một mực đổ lỗi cho các lái xe ?

Bởi nguồn gốc vấn đề nằm ở sự bất hợp lý của cả mức thu phí và vị trí bất hợp lý của Trạm thu phí BOT Cai Lậy nên nêu chỉ giảm mức thu phí như phương án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã thừa nhận rằng “dù sao thì cái thùng tiền cũng vẫn như vậy”. Mức thu giảm đi thì thời gian thu sẽ dài ra từ 7 năm 5 tháng sẽ lên đến 10 năm, thậm chí là 12 năm. Tuy nhiên, cái cần khắc phục là phải có hai trạm thu phí ở tuyến đường Quốc lộ 1 (đoạn gia cường nâng cấp 26 km mặt đường) và tuyến tránh phía Nam thị xã Cai Lậy với mức thu phí khác nhau để người dân lựa chọn. Trạm thu phí BOT đặt sai vị trí hiện nay phải dỡ bỏ. Kinh phí xây trạm mới sẽ sử dụng lợi nhuận mà các nhà thầu thu được trên cơ sở xác định thời hạn thu phí hợp lý. Các cán bộ các tham mưu sai, chỉ đạo sai phải bị xử lý. Dù không nặng nhưng vẫn phải bị xử lý.

Chiều nay (18-8-2017), Bộ Giao thông vận tải sẽ họp báo về sự cố trạm BOT Cai Lậy. Theo tôi nghĩ: Đã sai thì phải sửa ! Người dân sẵn sàng tha thứ nếu chúng ta biết sửa sai. Kẻ địch cũng không thể lợi dụng để đả kích ra nếu chúng ta biết sửa sai. Thà chịu đau một lần, thà chịu tốn kém một lần để giải quyết triệt để vấn đề còn hơn để “sự cố” Trạm thu phí BOT Cai Lậy trở thành tiền lệ cho nhiều sự cố khác phát sinh ở các công trình giao thông theo hình thức BOT khác./.

Ảnh 1: Quyết định số 2852/QĐ-BGTVT ngày 19-9-2013 của Bộ Giao thông vận tải công bố danh mục đầu tư Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1 ở Cai Lậy, Tiền Giang.

Ảnh 2: Công văn số 8062/BKHĐT-KCHTĐT ngày 18-10-2013 của Bộ Kế hoạch đầu tư đề nghị Thủ tướng cho áp dụng hình thức BOT cho dự án 12 km tuyến tránh Cai Lậy.

Ảnh 3: Công văn số 1908/TTg-KTN ngày 11-11-2013 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (phụ trách kinh tế ngành) ký đồng ý cho áp dụng hình thức BOT đối với dự án 12 km tuyến tránh Quốc lộ 1 ở Cai Lậy, Tiền Giang.

Ảnh 4: Vị trí Trạm thu phí BOT Cai Lậy hiện tại (bến trái) và vị trí Trạm BOT Cai Lậy theo hợp đồng (bên phải).

Ảnh 5: Trang đầu bản danh sách các lái xe trả tiền lẻ khi đi qua trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang.

Ảnh 6: Trang kế bản danh sách các lái xe trả tiền lẻ khi đi qua trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang.

Ảnh 7: Kết quả thăm dò ý kiến của trang mạng Zing về việc giải quyết bất cập đối với Trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang.

Ảnh 8: Nơi đổi tiền lẻ trên ranh giới Long An – Tiền Giang cho các lái xe nộp phí qua Trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang.

Ảnh 9: Một đoạn đường tuyến tránh Cai Lậy.

Ảnh 10: Cầu Ông Thiệm (theo dự án) được thay thế bằng Cống Ông Thiệm (trên thực tế).

Ảnh 11: Trạm thu phí BOT Cai Lậy buộc phải xả trạm chờ ý kiến của Bộ Giao thông vận tải. Nhân viên được nghỉ.

Bài viết của bạn Tâm Minh Nguyễn

29 nhận xét:

  1. Hoabinh03020022:17 17/8/17

    Nhà nước luôn luôn phải đảm bảo hạ tầng giao thông tối thiểu cho người dân đi lại. Còn những dự án đường tránh, đường cao tốc làm thêm cần kêu gọi nhà đầu tư tư nhân thì phải rõ ràng, minh bạch. Chính quyền có trách nhiệm cung cấp cho toàn dân được biết số vốn như thế nào và thu phí trong thời gian bao lâu để người dân đóng góp ý kiến, mọi thứ phải được minh bạch, rõ ràng, tránh gây ra những hệ lụy đáng tiếc.

    Trả lờiXóa
  2. Thaibinh02340022:19 17/8/17

    Trong trường hợp này, đường quốc lộ 1 phải được sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách, cho nên không thu thêm bất kỳ chi phí nào nữa. Đường tránh do tư nhân xây dựng thì trạm thu phí phải dời vào vị trí đường tránh. Về phần chi phí cải tạo quốc lộ mà tư nhân đã bỏ ra, Nhà nước phải hoàn trả cho nhà đầu tư. Nhà nước làm được như vậy thì toàn dân cũng sẽ đồng thuận và hết lòng ủng hộ. Nhiều dự án đường cao tốc, quốc lộ sau này sẽ được đầu tư hiệu quả hơn.

    Trả lờiXóa
  3. Thaibinhquetoi23422:20 17/8/17

    Tuyến đường tránh được xây dựng để những người dân có nhu cầu đi nhanh hơn hoặc tiện đường hơn. Do vậy, trạm thu phí phải đặt trên đường tránh là đúng. Nhưng còn quốc lộ 1 là con đường tồn tại từ xưa đến nay. Bây giờ nhà đầu tư chỉ sửa chữa lại rồi đặt trạm thu phí để thu phí cả hai tuyến đường rõ ràng là bất hợp lý.

    Trả lờiXóa
  4. Hagiang83622:24 17/8/17

    Đây là tuyến đường huyết mạch đi qua địa bàn tỉnh Tiền Giang nên lượng xe cộ đi lại cực kỳ lớn. Theo thống kê, mỗi ngày có đến 50.000 - 60.000 lượt xe đi qua trạm thu phí này. Như vậy, nếu thu theo đúng thời gian quy định thì số tiền thu được là một con số rất lớn, cao hơn rất nhiều so với số vốn ban đầu là 1.400 tỉ đồng. Nhà đầu tư phải nhanh chóng có kế hoạch giảm phí thu cho phù hợp và không kéo dài thời gian thu phí. Việc xây đường sá là để đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, rất mong Chính phủ có thể nghe được tiếng nói của nhân dân.

    Trả lờiXóa
  5. Bacgiang19022:27 17/8/17

    Việc cho đặt trạm thu phí Cai Lậy ở vị trí trên quốc lộ 1 để thu phí toàn bộ xe cộ đi trên tuyến quốc lộ 1 và tuyến đường tránh như vậy là không hợp lý. Chủ đầu tư trạm cho rằng có đóng góp xây dựng, làm lại mặt đường đường tránh, đường quốc lộ nên có quyền được thụ hưởng, đặt trạm thu phí cả hai con đường. Tuy nhiên, chúng ta cần phải rõ ràng là việc sửa chữa đường sá đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là nhu cầu chính đáng, các cơ quan công quyền cần có thông tin rõ ràng cho người dân và đưa ra giải pháp hợp lý, hợp tình, đảm bảo lợi ích của các bên

    Trả lờiXóa
  6. Tôi rất đồng tình với ý kiền đưa ra của tác giả ở cuối bài "Đã sai thì phải sửa ! Người dân sẵn sàng tha thứ nếu chúng ta biết sửa sai. Kẻ địch cũng không thể lợi dụng để đả kích ra nếu chúng ta biết sửa sai. Thà chịu đau một lần, thà chịu tốn kém một lần để giải quyết triệt để vấn đề còn hơn để “sự cố” Trạm thu phí BOT Cai Lậy trở thành tiền lệ cho nhiều sự cố khác phát sinh ở các công trình giao thông theo hình thức BOT khác". Ai cũng vậy thôu từ dân cho đến lãnh đạo sai thì phải nghiêm túc nhận lỗi, nghiêm túc sửa có như vậy người dân người ta mới tôn trọng người ta mới nể các ông. Các ông làm sai còn không chịu nhận lỗi còn to mồm thì không thể chấp nhận được.

    Trả lờiXóa
  7. Trạm thu phí BOT đã gây ra quá nhiều bức bối cho người dân. Các ông cứ cho mình cái quyền thích gì làm nấy, biến cái của công thành của riêng mình. Các ông cứ làm như ai cũng ngu ngơ, ngờ nghệch để các ông dễ dàng qua mặt. Người dân có hàng trăm hàng nghìn cái tai hàng nghìn con mắt thi làm sao mà họ có thể nhìn sai được. Người dân có cương quyết có quyết liệt thì mới làm rõ được vấn đề.
    .

    Trả lờiXóa
  8. Vội vàng thu phí quá, nhưng lại không hợp tình hợp lý nên các anh lái phản đối, họ cũng phản đối có lý do thôi chứ không phải là vô lý. Thông xe là điều đúng đắn

    Trả lờiXóa
  9. Nếu như người dân cam chịu trả tiền thu phí theo đúng quy định của nhà nướcf thì làm sao chung ta phát hiện ra được những sai phạm. Các ông làm việc để phục vụ nhân dân mà lại đi lừa gạt họ, bắt họ phải chi trả những khoản tiền hết sức vô lý thì làm sao mà họ chấp nhận được. Và một khi các ông làm sai thì nghiêm túc nhận lỗi mà sửa chữa, đừng "gân cổ" lên cãi với dân vì nếu như các ông làm đúng thì không ai nói cả.

    Trả lờiXóa
  10. Nguyễn Văn00:20 18/8/17

    Lật thuyền mới thấy dân như nước.
    Thêm một lần kính phục cụ Nguyễn Trãi

    Trả lờiXóa
  11. Nghe tin mấy anh xế đang có phong trào đổi tiền lẻ nhét vào chai để phản đối thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) thì mới tự nhủ rằng, người Việt mình cù nhầy đến lạ. Không thế mà có thời ông kĩ sư Nhật nào đó có nói “Người Việt các anh muôn đời khổ” cũng phần nào có lí.

    Trả lờiXóa
  12. Lúc trước chưa có đường thì kêu “sao xa”, đường lồi lõm, hẹp, nhỏ thì kêu “sao xấu”. Giờ người ta bỏ tiền đầu tư, xây đường to rộng, bằng phẳng, rút gọn được tối đa khoảng cách từ vùng này đến vùng kia, nâng cao năng suất sản xuất mà các bác xế lại kêu “sao thu” thì tôi đây cũng xin ạ các anh.

    Trả lờiXóa
  13. Trạm thu phí Cai Lậy thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy) và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560 - Km2014+000 tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trạm thu phí tuyến tránh thị xã Cai Lậy) được đưa vào hoạt động từ ngày 1-8, do BOT Tiền Giang làm chủ đầu tư.

    Trả lờiXóa
  14. Đây là trạm thu phí được thực hiện theo hình thức BOT để hoàn vốn dự án, đã được Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhan dân tỉnh Tiền Giang chấp thuận hoạt động, thu phí trong thời gian 6 năm 4 tháng.

    Trả lờiXóa
  15. Người ta không chỉ làm đường tránh mà còn nâng cấp đường (mở rộng) và xây thêm cầu mới (song song các cầu cũ) từ Cai Lậy tới Cái Bè. Còn nếu ai có thắc mắc “tại sao lại đắt hơn cả cao tốc” thì rằng: đây là công trình BOT, xây dựng - kinh doanh - chuyển giao.

    Trả lờiXóa
  16. việc làm khó nhân viên BOT đếm tiền mà các anh nghĩ là hay, là thể hiện được cái tôi của mình nhưng thực ra là các anh chỉ biết nhìn gần mà không biết nhìn ra xa, phía sau xe anh là hàng trăm, hàng ngàn xe khác đành phải lỡ hẹn, sai lịch, phải bồi thường hợp đồng hay quan trọng hơn cả là lợi ích quốc gia đang bị ảnh hưởng chỉ vì đơn giản là anh thích, anh có thời gian.

    Trả lờiXóa
  17. việc thu phí qua BOT Cai Lậy là hoàn toàn hợp pháp, không có gì phải bàn cãi. Những ý kiến trái chiều âu cũng chỉ là thiếu hiểu biết, là hành động bột phát của một số cá nhân.

    Trả lờiXóa
  18. đây không đơn thuần chỉ là nhũng nhiễu, là cù nhầy mà là cố tình vi phạm pháp luật, cố tình cản trở giao thông, cản trở quyền tự do đi lại của người khác, xâm phạm đến lợi ích của cá nhân nói riêng và của dân tộc nói chung.

    Trả lờiXóa
  19. Qua sự việc trạm thu phí BOT Cai Lậy cho thấy trong quá trình phê duyệt, triển khai các dự án BOT còn nhiều lỗ hổng để cho nhóm lợi ích lợi dụng để trục lợi. Các cơ quan chức năng cần làm rõ những hành vi sai phạm của các tập thể, cá nhân về vấn đề trên.

    Trả lờiXóa
  20. Việc các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tùy tiện thỏa thuận, triển khai dự án BOT, đặt trạm thu phí và áp giá chi phí dịch vụ bất hợp lý đã khiến cho người dân bức xúc, như vụ các lái xe dùng tiền lẻ để phản đối việc đặt trạm thu phí bất hợp lý ở trạm thu phí BOT Cai Lậy là một minh chứng.

    Trả lờiXóa
  21. Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước nói chung nên làm quen với các ý kiến phản biện thông qua báo chí như này một cách bình thường, mang tính hợp tác, xây dựng và tôn trọng nhau vì sự phát triển của quốc gia - dân tộc.Một sự thật rành rành là người dân phải trả tiền phần đường họ không đi. Ông ta cứ vịn vào một lý do yếu ớt là phí cải tạo đường chính. Cải tạo đường chính có 300,400 tỷ, tại sao phải trả luôn cho cả phần 1000 tỷ.

    Trả lờiXóa
  22. Ông Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cứ vin vào phí bảo trì đường bộ chỉ đủ 50% để duy tu đường bộ, vậy tôi xin hỏi tại sao Bộ GTVT không chi 50% trên 300 tỷ nâng cấp 26 km quốc lộ 1 đoạn Cai Lậy mà giao hết cho BOT, Nhưng điều lớn hơn nữa là ngoài phí bảo trì đường bộ, một chiếc xe từ khi mua đến khi được lăn bánh là đã đóng bao nhiêu thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, các loại phí khác, rồi trên mỗi lít xăng dầu cũng phải đóng thuế VAT, phí cầu đường v.v... thì tại sao ngân sách thu được từ các khoản thuế, phí đó không được dùng để bảo trì các con đường quốc lộ cho người dân? người đóng thuế xứng đáng và có quyền được hưởng điều đó !

    Trả lờiXóa
  23. Đồng thời đề nghị cho kiểm tra toàn bộ quy trình thực hiện trạm BOT này, từ khâu lập dự án, chỉ định thầu, việc thực hiện không đúng dự án như bỏ không làm 2 cầu, chi phí thực tế, vị trí đặt trạm..., tính minh bạch, công khai của công trình đối với người dân...Bộ GTVT hãy trả tiền tráng nhựa mặt đường QL1 qua Cai Lậy cho nhà đầu tư và di dời trạm thu phí về đúng chỗ phải thu là đường tránh vừa làm.

    Trả lờiXóa
  24. Đề nghị xuất ngân sách (từ nguồn phí bảo trì đường bộ) trả lại trên 300 tỉ cho nhà đầu tư BOT, sau đó dời trạm thu phí qua tuyến tránh thị xã Cai Lậy.Xin nhắc lại 1 lần nữa :"Những gì đang diễn ra tại trạm thu phí Cai lậy rõ ràng đã đi ngược lại với thông điệp : Một chính phủ kiến tạo liêm chính và hành động

    Trả lờiXóa
  25. Trung bình 50 ngàn lượt xe qua Quốc lộ 1, mỗi xe lấy ít nhất 35 nghìn, vậy mỗi ngày thu về gần 2 tỷ mỗi tháng 60 tỷ, 1 năm 720 tỷ, 2 năm là thu được 1440 tỷ , còn lại mấy năm kia thu lời khủng khiếp..tía ơi BOT.Đã có kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BT , BOT thuộc lĩnh vực giao thông tại Bộ giao Thông vận tải của Thanh tra chính phủ , mới thanh tra 7/78 dự án đến thời điểm tháng 9/2015 mà nó sai từa lưa nào là ém thông tin về dự án , cải tạo đường củ nhưng thu phí theo kiểu làm đường mới , dự án chưa hoàn thành đã thu phí cả tuyến , đường làm một đằng đặt trạm thu phi một nẻo ... Ý kiến nhà báo Bùi thanh rất kiên quyết , đã đi vào lòng người dân rất mong nhà báo Bùi Thanh va Báo Tuổi Trẻ đi đến cùng sự việc lấy lại công bằng và quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp .

    Trả lờiXóa
  26. Hỏi ông Bộ Trưởng nếu vẫn giữ nguyên trạm như cũ (vì ông cho là đúng) người dân sẽ phản đối tiếp tục làm cho giao thông trì hoãn,kinh tế của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long suy yếu...và còn nhiều vấn đề khác do cái trạm thu phí đặt không đúng chỗ gây ra.Vậy ông bộ trưởng có dám nhận trách nhiệm?nói đúng tiếng nói phẫn uất của người dân, trong trăm ngàn bất công , phải nhẫn nhục chịu đựng, đang le lói những tiếng đứng lên; Hãy mạnh mẽ lên nữa các bạn! Chúng tôi hàng chục triệu người dân sẵn sàng sát cánh cùng các bạn.

    Trả lờiXóa
  27. Chính quyền cần giải thích rõ vấn đề này cho người dân được biết, giờ mọi vấn đề còn rất mập mờ, chưa có thông tin chính thức từ phía cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề này để người dân nắm được, nếu các chủ đầu tư là sai quy định thì sẽ có hình thức xử lý, còn phía người dân không nên phản đối theo kiểu cù lầy như vậy, hãy cư xử mọi việc theo cách văn minh hơn, không nên gây ra tình trạng mất an ninh trật tự trên tuyến đường lưu thông, gây ùn tắc giao thông kéo dài.

    Trả lờiXóa
  28. Thế nên mới nói vấn đề mấu chốt là chính quyền phải thông báo, giải thích rõ chủ trương chính sách cho người dân hiểu. Chủ đầu tư phải đứng ra phân tích, thông báo lộ phí, thời hạn để người dân tin tưởng và chắc chắn. Chứ các ông cứ phát lệnh như chiếu chỉ rồi bắt người ta theo không loạn là phải

    Trả lờiXóa
  29. Nhung Trần17:43 21/8/17

    Tượng đài nghìn tỷ ko phải tỉnh nào cũng thuyết phục được sự cần thiết, mà sao ngành GTVT và các nhà đầu tư không làm BOT ở các vùng cao Tây Nguyên hay các vùng núi phía bắc cho các Em học sinh và các Thầy Cô giáo khỏi ngã oạch giữa đường tới trường đi. Từ việc
    việc BOT Cai Lậy “thất thủ” cần cho kiểm toán hoặc các nhà phân tích độc lập được tiếp cận thông tin để tính toán và thẩm định, đánh giá từng dự án sẽ lòi ra nhiều vấn đề ngay không cần bàn cãi nhiêu

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog