Chia sẻ

Tre Làng

GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ NẶC DANH THÌ LOẠN ĐẤT NƯỚC

"Giải quyết đơn thư nặc danh thì loạn đất nước"

Có giải quyết đối với tố cáo nặc danh hay không là vấn đề còn có quan điểm khác nhau...

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt góp ý sửa Luật Tố cáo.


“Trong tình cảnh này mà giải quyết đơn thư nặc danh thì loạn đất nước. Chúng ta chỉ nên giải quyết đơn thư chính thống, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt góp ý sửa Luật Tố cáo.

Sáng 14/3 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này, và có giải quyết đối với tố cáo nặc danh hay không là vấn đề còn có quan điểm khác nhau.

Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết dự thảo quy định, chỉ chấp nhận xem xét, giải quyết tố cáo bằng đơn và trực tiếp, không xem xét tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại, tố cáo nặc danh (không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo).

Theo Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu, điều này để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo.

Những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó, có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai.

“Nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo”, ông Sáu lý giải.

Uỷ ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án luật có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất đồng ý như quy định của dự thảo luật và luật hiện hành là chưa nên quy định về việc giải quyết đối với tố cáo nặc danh.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, mục đích của việc giải quyết tố cáo là nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trên thực tế nhiều trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm các bằng chứng rõ ràng, có căn cứ về việc vi phạm pháp luật (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm…) thì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng cần xác minh, xem xét, xử lý tránh bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời cũng cần bổ sung quy định đối với đơn mạo danh.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt chia sẻ, công việc giải quyết tố cáo rất vất vả, áp lực. “Trên mặt trận nóng bỏng này mà giữ được đất nước ổn định trong những năm qua là có công của các đồng chí”, ông Việt nói.

Tướng Võ Trọng Việt cũng nhận xét, hiện có một bộ phận đội ngũ cán bộ tiêu cực rất tinh vi, sáng kiến sáng tạo để xây dựng đất nước thì ít nhưng sáng tạo để đối phó với chính sách pháp luật thì rất tinh vi.

“Hệ thống pháp luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở, trách nhiệm người đứng đầu không rõ ràng. Tôi nghĩ đa số cán bộ lãnh đạo là tốt, nhưng cũng không ít lãnh đạo mưu mô, đè nén cấp dưới. Bộ phận này ít thôi nhưng rất nguy hiểm” , ông Việt nhận xét và cho rằng đây là nguyên nhân xảy ra tình trạng tố cáo nặc danh. 

Chủ nhiệm Việt cũng đánh giá, cơ chế bảo vệ người tố cáo hiện nay rất yếu, nhiều trường hợp vì “miếng cơm manh áo” nên người ta phải im lặng.

Tuy vậy, ông Việt đồng ý với tờ trình của Chính phủ, không quy định giải quyết tố cáo nặc danh.

“Trong tình cảnh này mà giải quyết đơn thư nặc danh thì loạn đất nước. Chúng ta chỉ nên giải quyết đơn thư chính thống”, nhấn mạnh quan điểm này, ông Việt cho rằng, vấn đề quan trọng là phải xây dựng đội ngũ giải quyết khiếu nại, tố cáo làm sao để dân bái phục. Đồng thời phải xử lý người tố cáo bậy, cố tình dựng chuyện, vu cáo người khác.

Cùng quan điểm, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu, đã đứng lên tố cáo thì phải đàng hoàng, chính danh tránh tình trạng “ném đá giấu tay, thọc gậy bánh xe”.

“Nếu chấp nhận giải quyết đơn tố cáo mạo danh, nặc danh, khuyết danh thì rất rối”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu, dự thảo cũng chỉ nên quy định chấp nhận hai hình thức tố cáo là trực tiếp và bằng văn bản.

Đồng ý là chấp nhận tố cáo nặc danh thì rất phức tạp, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn: nếu không có cơ chế bảo vệ người tố cáo thì người ta vẫn phải tố cáo nặc danh.

Ở góc nhìn khác, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình đặt vấn đề: trong xã hội không phải ai cũng có thể dám đứng tên tố cáo. Tôi lấy một ví dụ thôi, trong một trường trung học phổ thông thì tất cả các giáo viên không dám nói trái lời hiệu trưởng, vậy thì nói chi đến tố cáo những việc khác.

“Chúng ta không được bỏ ngoài tai tất cả những thông tin không chính danh người cung cấp. Vấn đề của chúng ta là cơ chế sàng lọc thông tin, chứ không phải là bỏ đi hết. Có những thông tin ban đầu tưởng là rất tào lao, nhưng sau này xác minh lại thấy có sự thật”, ông Bình góp ý.

2 nhận xét:

  1. Tôi nhất trí với quan điểm đã đứng lên tố cáo thì phải đàng hoàng, chính danh tránh tình trạng “ném đá giấu tay, thọc gậy bánh xe”. Tuy nhiêm vẫn phải đảm bảo có cơ chế bảo vệ người tố cáo hợp lý, hiệu quả.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi ủng hộ quan điểm trên, đó là Chúng ta không được bỏ ngoài tai tất cả những thông tin không chính danh người cung cấp. Vấn đề của chúng ta là cơ chế sàng lọc thông tin, chứ không phải là bỏ đi hết. Có những thông tin ban đầu tưởng là rất tào lao, nhưng sau này xác minh lại thấy có sự thật”

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog