Chia sẻ

Tre Làng

LUẬN VỀ TÈ

Ấy là nói đến chuyện…đái. 

Đái ư? Ngày nào ai mà chẳng vài lần, có gì mà phải nói. 

Đời nó vậy, có những cái thiết thân với mình nhưng lại gần gũi cận kề thường ngày với mình quá đâm ra dễ bị đánh giá không đúng mức, bị miệt thị, còn có thứ rất vớ vẩn lại được coi trọng mới tài. 

Cũng giống như ị, đái bị hắt hủi đẩy xuống hạng vớ vẩn nhất trong các hạng vớ vẩn, bị xếp vào loại “tiện”. Nghĩa là thích thì làm mà không thích thì thôi. Đã thế lại chỉ đươc liệt vào hạng “tiểu tiện”. Bất công! Quá bất công. Không có cái “tiện” ấy có mà… Thử không “tiện” một ngày xem, vỡ cha nó bụng ra ấy chứ. Thấm điều này nhất chắc chắn là mấy bác bị sỏi thận, sỏi bàng quang. Cái túi chứa nước tiểu gọi nôm là “bọng đái” trương đầy nước mà không làm sao tháo ra được. Bụng dưới căng cứng đau tức khó chịu kinh khủng, càng cử động lại càng đau. Lúc đấy trông thấy y tá đến thì mừng hơn trẻ con thấy mẹ đi chợ về. Bao nhiêu sự xấu hổ ngại ngùng thường ngày vứt biến đi đằng nào hết, chẳng cần phải bảo đã dạng tè he ra để đợi thông tiểu. Xong việc, nhẹ cả người. Qua đận đó thì chẳng bao giờ dám miệt thị nói việc đi đái là “tiểu tiện" nữa.

“Đái” là từ dân dã thường dùng cho tất cả mọi người, từ ông già bà lão, con trai con gái đến thằng cu cái hĩm.v.v Riêng hơn một chút, âu yếm hơn một chút thì gọi là “tè” “tồ” - ấy là nói về trẻ nhỏ, kiểu như “thằng cún con của bà lại tè ra giường rồi à!” hay “cái hĩm ra đây mẹ xi tồ nào”.v.v

“Đái” là từ Việt chuẩn mô tả đúng nhất cái việc mà ai cũng biết đó. Chỉ có điều đôi lúc trong một số ngữ cảnh cụ thể mà dùng từ “đái” nghe có vẻ không ổn lắm. Kiểu như đang đi tìm chỗ giải quyết mà có em nào lại hỏi :"Anh đi đâu đấy?” chẳng nhẽ lại bảo “Anh đi đái” à? Khó ghê! Có lẽ bởi thế lên mới sinh ra từ “giải” chăng? Đi đái, đi giải cùng chỉ về một vấn đề, nhưng nghe đi giải, nói đi giải có vẻ đỡ chối tai ngượng mồm hơn là đi đái. Không hiểu các vùng miền khác có cách gọi nào nữa không, chứ thấy phổ cập chỉ có vài cách gọi đó mà thôi (không kể cách nói lệch sự gọi đái là tiểu tiện).

Những năm gần đây, từ khi phong trào hát karaoke phát triển thì đi đái còn có thêm một tên gọi nữa đó là đi “hát”, nhưng từ này chỉ dùng khá hẹp ở một số nơi và một số ít nhóm người. Bởi thế nếu có một ai đó hỏi bạn “đi hát ở chỗ nào ấy nhỉ” thì rất có thể là họ muốn hỏi chỗ đi giải quyết cái nỗi buồn muôn thủa đấy.

Vốn từ của người Việt mình phong phú biểu cảm, giàu chất tượng thanh tượng hình. Người Việt mình lại yêu văn nghệ máu ca hát, đồng thời cũng có tý sáng tạo. Gì chứ thơ thẩn theo kiểu lục bát, nghĩ dăm câu đại loại như “Ngồi buồn giở cặc ra xem, còn hơn vào rạp xem phim nước mình” thì chắc ối người làm được (Minh chứng rõ nét nhất là phong trào làm thơ theo kiểu Bút Tre một thời). Vậy nên chẳng có việc gì khó đối với dân Việt ta cả, kể cả việc nghĩ ra từ gì đó “Văn học nghệ thuật” hơn thay cho từ “đái”. 

“Đái” là từ mô tả cái việc đó rất chuẩn, nhưng đôi lúc nghe nó hơi thô. Muốn mềm hơn, muốn thơ hơn ư? Muỗi! Đối với dân gian thì việc đó chỉ bé như con muỗi mà thôi. Có ngay! Đi tè, đi tồ nghe vẫn đúng lại tràn đầy âm thanh vui tai, không chối như đi đái. Đi giải cũng vậy, nghe tượng hình, trữ tình ghê lắm. Cứ như là dải lụa ấy, mềm mại êm ái đầy chất thơ. Thế thì nó mới “thú” mới “phê” mới “sướng” chứ. Phải nói dân gian sáng tạo thật. Từ vệt nước đái vọt ra mà lại liên tưởng thi vị hóa thành “giải” thì đúng là….nhất, mà lại giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt nữa. Lệch sự đểu, học làm sang đểu với giọng đầy miệt thị gọi đái là tiểu tiện…phỏng có xách dép được cho sự sáng tạo dân gian không???

Đái không được các cụ xếp riêng thành một “thú” mà chỉ có “ị” thôi, nhưng thực ra nó cũng là một phần của “thú” rồi, bởi đơn giản đã “ị” thì nhất khoát là phải đái. Ai “ị” mà lại không đái mới gọi là tài. 

“Ị” thiên hình vạn trạng thì đái cũng chẳng kém đâu, mà lại có phần còn phong phú hơn ấy chứ. Có ị bậy thì cũng có đái bậy, có ị vãi thì cũng có đái vãi.v.v đủ cả. Ị mà vừa đi vừa ị là cái cực chẳng đã, kiểu như bị “Tào Tháo đuổi”, còn vừa đi vừa đái lại là cái thú rất hay. Nhớ thủa xưa còn nhỏ có lúc ngẫu hứng cả lũ rủ nhau vừa đi vừa vẽ rồng vẽ rắn rất vui. Rồi còn thi nhau xem đứa nào vẽ được con rồng dài nhất, uốn lượn nhất.v.v Trò chơi thủa nhỏ có nhiều cái ngộ nghĩnh nhưng quả thật là vui, vô tư mà trong sáng.

Nghệ thuật giờ phát triển rất phong phú và đa dạng. Đủ loại từ Phục hưng, Ấn tượng, Dã thú, Siêu thực, Lập thể, Ý niệm, đến Sắp đặt, Trình diễn, VideoArt.v.v với đủ các hình thức thể hiện phá cách tìm tòi cái mới. Người ta có thể dùng vải bọc cả một hòn đảo, hay hất màu có chủ đích trước một quạt gió lớn để tạo thành tác phẩm nghệ thuật. Rồi cũng có thể nhúng râu vào màu mà vẽ thẳng lên mặt toan mà chẳng cần dùng đến tay.v.v Vậy cái thủa vẽ rồng vẽ rắn trên đường thời bé dại liệu có thể phát triển lên như một loại hình nghệ thuật được chăng? Có thể lắm chứ. Đã từng có nghệ sĩ người gốc Á chỉ vì niềm đam mê với trò chơi bong bóng xà phòng thời ấu thơ mà đã đẩy nó lên thành một môn nghệ thuật làm kinh ngạc rất nhiều người rồi còn gì! 

Chuyện nâng tầm tè lên như một hình thức biểu hiện nghệ thuật thì chắc còn phải đợi dài dài, nhưng tè sao cho…ngon thì cũng là việc chẳng dễ. Chuyện tiếu lâm thời hiện đại: có cụ già ra hiệu thuốc mua Viagra chỉ để làm mỗi cái việc duy nhất là…khỏi đái vào mũi giày của mình. Ấy vậy trong thực tế cũng vẫn xảy ra những trường hợp hài hước chẳng kém. Cái xã hội văn minh làm cho con người ta phải khoác lên người bao nhiêu thứ được gọi là “mốt”, là thời trang. Lợi ích của những thứ được khoác lên người đó tới đâu thì chưa biết, nhưng chắc chắn rằng càng mang lắm các thứ linh tinh càng khó cho việc đi tè, vậy nên đôi lúc mới xảy ra những chuyện khá là khó nói. Nói vui chứ cứ ăn mặc giản dị như các cụ thời xưa lại hay. Quần chân què, quần lá tọa, quần ống sớ vừa rộng rãi thoáng mát mà lại tiện cho việc hành sự. Còn cứ quần côn, quần chẽn.v.v. rồi lại thêm các phụ kiện nọ kia nữa thì cái việc đái vào mũi giày e rằng cũng vẫn còn là nhẹ. 

Xoay quanh chuyện đái còn có nhiều điều thú vị khác như chữa đái dầm hồi nhỏ bằng cách nướng nhện cho ăn, hay như bệnh đái rắt chẳng hạn. Dân gian có câu “thứ nhất đau mắt, thứ nhì giắt răng”, nhưng ai mà bị đái rắt một lần rồi sẽ biết. Lúc đó thì đứng ngồi không yên, đầu ra vừa đau, buốt lại vừa tức. Khó chịu không thể tả được. Chỉ mỗi việc chạy ra chạy vào phòng vệ sinh cũng đã hết thời gian. Cả ngày chẳng làm được cái gì cả trừ việc….đi đái. Sau lần đấy thì ắt hẳn phải đề nghị thêm mục đái rắt vào câu tục ngữ đó cho nó hoàn chỉnh kiểu như “thứ nhất đau mắt, thứ nhì đái rắt…lung tung”. 

Đái là nhu cầu nhưng cũng là bản năng. Mỗi khi con người ta lâm vào tình huống sống chết cam go thì mọi bản năng của con người mới bộc lộ ra rõ nét nhất, trong đó có đái. Dân gian có câu “sợ vãi cả đái” là một trong những biểu hiện minh chứng rõ nét nhất cho điều đó. Ấy thế còn sợ vừa vừa thì liệu có vãi đái ra không? 

Hồi xưa có chú mới lên Đổ Thu lạ nước lạ cái đường sá chẳng biết, đi mãi chỉ toàn thấy nhà là nhà, người là người hoa hết cả mắt. Muốn kiếm chỗ để trút bầu tâm sự mà chẳng có (Bây giờ cũng vẫn thế mà thôi), đã thế nhìn chỗ nào cũng thấy công an cả, lớ xớ lại bị bắt vào đồn phạt thì chết. Mà bị phạt vì tội đái bậy thì ê mặt quá. Bấm bụng nhịn, đi tìm mãi mà cũng chẳng thấy đâu. Đang lúc gay go thì chợt thoảng qua mũi cái…mùi khai nồng. Ngày thường thì chạy cho nhanh, tránh cho xa, thế mà lúc đó mừng hơn bắt được vàng vội lần theo tìm đến chỗ ngay. Tới nơi thì đúng là chỗ cần tìm thật, nhưng là chỗ đái…bậy. Chỗ nằm hơi khuất ít người qua lại, bẩn và bốc mùi kinh. Trên bức tường cũ ố loang lổ dòng chữ “cấm đái bậy” đã bị đái tróc thủng lung tung. Đến nước này thì cũng đành liều vậy. Cái giống nhịn lâu không đái thì lúc đi rất khó, mà tè bậy chỉ nơm nớp sợ bị bắt gặp thì lại càng khó. Đang mải mê trút bầu tâm sự thì chợt loáng thoáng thấy bóng áo vàng đi lại. Giật hết cả mình, tim đập thình thịch, dải này dải nọ đang ra ào ào tịt bố nó hết cả lại. Phen này thì xong đời rồi…

Xử lý thế nào đây? Áo vàng tiến mỗi lúc lại gần, những bước đi như nhanh hơn, gấp gáp hơn. Tia nhìn cứ xối thẳng nóng ran nơi tai nơi gáy. Trời! Trống ngực đập thình thình theo mỗi bước chân. Xong, xong đến nơi rồi. Cuống. Thôi đến nước này thì kệ bố nó đến đâu thì đến vậy.

Ơ mà lạ, hình như áo vàng cũng không để ý lắm thì phải. Ánh mắt chú ta lướt qua vô cảm. Chú tiến đến mỗi lúc một gần, rồi đến bên, rồi dừng lại, rồi…kẹp cái gậy sơn trắng sơn đỏ như con rắn vào nách, rồi chú…quay mặt vào tường. 

À thì ra là thế. Đúng là những người đồng cảm gặp nhau. Thoải mái đê.v.v. đại khái là thế, rồi đường ai nấy đi. Còn dòng chữ “cấm đái bậy” sau lần đó tróc nốt mất chữ “cấm” chỉ còn lại mỗi chữ “đái bậy” mà thôi. 

Nói vui vậy, nhưng việc quá thiếu những điểm vệ sinh công cộng ở Hà Nội là có thật. Bởi thế những chuyện xảy ra như trên cũng chẳng có gì là lạ. Âu cũng khởi điểm bắt đầu từ việc “tấc đất tấc vàng”, từ tư duy của những nhà hoạch định, quy hoạch.v.v. Cái khâu giải quyết đầu ra là không thể thiếu. Ai một ngày cũng phải làm cái việc đó mấy lần. Nhưng không có chỗ thì buộc phải đi lung tung, đi đái bậy thôi. Mấy lần đầu còn thấy ngượng, thấy xấu hổ nhưng mãi rồi cũng quen. Rồi như cụ nào nói: hành động được lặp lại nhiều lần thì thành thói quen. Thói quen được duy trì củng cố nhân rộng lâu dần thành tập quán. Ôi tập quán Việt! 

Chẳng nhẽ chịu bó tay? Tất nhiên để giải quyết tổng thể và dứt điểm thì còn lâu, còn nhiều việc phải làm. Nhưng trên đã nói dân Việt ta gì chứ cái sự sáng tạo khôn lỏi thì chẳng thiếu. Cái gì cũng nghĩ ra được cách giải quyết hết, dẫu chỉ là tạm thời. Một người bạn mà công việc chính suốt ngày phải đi đánh bóng mặt đường cũng rơi vào tình cảnh oái oăm trên không biết bao nhiêu lần. Cuối cùng sau những lần đúc rút kinh nghiệm đã tìm ra một cách giải quyết khá hay là: Khi đang ở ngoài đường mà mót thì cứ tìm đến… khách sạn nào gần nhất đấy mà giải quyết nỗi buồn. Đi ở đó vừa sạch, vừa mát, lại được nghe nhạc miễn phí. Chỉ có điều cần lưu ý một chút, ấy là khi bước vào khách sạn phải tự tin chứ cử chỉ lóng nga lóng ngóng thì hỏng bét. 

Cách đây đã rất lâu, trong một dịp lên chơi Hòa Bình vào đúng đợt nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở cửa đập xả lũ. Từ xa nhìn lại hơi nước mù mịt cả một vùng, cầu vồng bảy sắc vắt ngang rất đẹp. Lên đập xem xả lũ mới thấy sức mạnh của thiên nhiên quả là kinh khủng. Hồ Hòa Bình giống như cái bọng đái của thiên nhiên vùng Tây Bắc đang căng cứng. Nước hồ đục ngàu đầy củi mục và rác chỉ trực tràn phá. Hai cửa xả lũ mở, nước cuồn cuộn tuôn như thác bọt tung trắng xóa, hơi nước li ti mù mịt bay khắp nơi. Dưới sông sóng lồng lộn cuộn như bầy thủy quái, tiếng gầm của thác phô diễn sức mạnh cuồng loạn. Đối với thiên nhiên con người thật nhỏ nhoi nhưng cũng thật tự hào khi đã bắt thiên nhiên phải thuần phục. Nghe thác gầm, nhìn thác đổ, đắm mình trong bụi nước… cảm giác phấn khích muốn giao hòa cùng với tự nhiên. 

Chảy đi sông ơi…chảy đi kìa…sông….ơ.i..i...i…i….i!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog