Chia sẻ

Tre Làng

CƠ HỘI ĐỂ PHỤC HỒI THỂ DIỆN?


SGTT.VN - Thành công nhiệm kỳ của chủ tịch không chỉ là nhặt nhạnh lại các vấn đề ít gây tranh cãi, mà vấn đề là phải đánh giá xem chủ nhà có khả năng điều phối các cuộc thảo luận trung thực, công bằng và hiệu quả hay không.


Tàu khu trục USS Fitzgerald (DDG 62) phóng tên lửa SM-3 trong một cuộc tập trận phối hợp về tên lửa đạn đạo trên Thái Bình Dương. Đây là một trong những động tác cân bằng giữa hai cường quốc số một và hai nhằm giải quyết vấn đề an ninh hàng hải. Ảnh: U.S. Navy photo

Ngày 15.11 tới, các nhà lãnh đạo ASEAN họp thượng đỉnh thứ 21 tại Phnom Penh. Cấp cao ASEAN-21 phong phú về nghị trình và như thường lệ được kết nối với Hội nghị Đông Á lần thứ 7 sau đó (EAS-7). Liệu ASEAN và tám nước đối thoại tại diễn đàn trao đổi các vấn đề chiến lược này sẽ thêm được những chứng chỉ mới nào về hình mẫu của hợp tác và kết nối khu vực? Trách nhiệm nặng nề đặt lên vai các nhà lãnh đạo và hẳn nhiên, kết quả cũng tuỳ thuộc vào chủ nhà Campuchia!

Trước các hội nghị này, bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần tố cáo Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm thoả thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có thêm những hoạt động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị/hợp tác giữa hai nước và duy trì hoà bình/ổn định trên Biển Đông.

COC vẫn gặp cản trở

Ít ai đón đợi sẽ có những tiến triển nhanh chóng đối với bộ Quy tắc ứng xử (COC) giữa Trung Quốc với ASEAN, dù đấy là niềm hy vọng lớn lao suốt cả năm nay của đa số thành viên hiệp hội. Kỷ niệm mười năm ra đời Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh chỉ tập trung vào DOC. Về bộ quy tắc, bà chỉ nhắc đến duy nhất một lần và cho rằng cần phải tiến hành từ từ. Đó vốn là chiến lược lâu nay: Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng tham gia đàm phán, nhưng lại tìm mọi cách “câu thời gian”.

Kết thúc hội thảo DOC, quốc vụ khanh bộ Ngoại giao Campuchia Soeung Rathchavy nói thẳng: “Tất cả các bên đồng ý rằng COC phải được tạo lập bởi cả ASEAN và Trung Quốc, thông qua nguyên tắc đồng thuận”. Điều này hàm ý rằng nếu Bắc Kinh chưa chấp nhận thì khó có thể có COC, dù ASEAN đã đồng ý về các thành tố của bộ khung.

Mặc dù đánh giá là đã “có những dấu hiệu tốt” từ các đàm phán với Trung Quốc, tổng thư ký ASEAN Pitsuwan vẫn không mấy lạc quan về triển vọng của COC, nhưng ông tin tưởng sẽ có các cuộc thảo luận thẳng thắn về Biển Đông tại kỳ họp. Ý kiến của các chuyên gia cao cấp từ Mỹ, Úc và nhiều nước khác đều cho rằng, rất ít có cơ hội để COC được ký kết giữa tháng này.

Campuchia sẽ hoàn thành nghĩa vụ cuối cùng trong vai trò Chủ tịch ASEAN khi tổ chức ASEAN-21và EAS-7. Các hội nghị này mang đến cho đất nước chùa tháp cơ hội để khôi phục lại thể diện sau sự kiện đáng tiếc xảy ra tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN tháng 7 vừa qua. Tại AMM-45, Campuchia đã dùng đặc quyền chủ tịch luân phiên của mình loại bỏ bất kỳ đề cập nào đến tình hình tranh chấp trên Biển Đông trong thông cáo chung, khiến tổ chức này lần đầu tiên trong lịch sử không thể ra tuyên bố cuối cùng.

Những vấn đề gai góc khác

Thất bại nói trên đã dấy lên nghi ngờ về khả năng đương đầu với những thách thức to lớn của ASEAN. Nó cũng tạo ra nhiều cáo buộc về việc Campuchia đã đặt mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc lên trên lợi ích của khối. Tất cả thiệt hại đương nhiên sẽ không thể bù đắp qua mấy ngày cấp cao. Nhưng nếu EAS-7 suôn sẻ hơn so với AMM-45, Campuchia sẽ có cơ hội phục hồi thể diện. Một ASEAN-21 và EAS-7 thành công và một cấu trúc khu vực bền vững hơn được định hình tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ là lợi ích của mọi thành viên, bao gồm cả ASEAN, Trung Quốc và Mỹ.

EAS-7 năm nay sẽ tìm được tiếng nói chung trong vấn đề phát triển xanh, thông qua “Tuyên bố về các loại thuốc chống sốt rét” và tìm các biện pháp thúc đẩy kết nối trong và ngoài khối. Campuchia muốn sử dụng chức chủ tịch của mình để đạt được những điều này, vốn là những mục tiêu tương đối dễ thống nhất. Tuy nhiên, thành công nhiệm kỳ của chủ tịch không chỉ là nhặt nhạnh lại các vấn đề ít gây tranh cãi, mà vấn đề là phải đánh giá xem chủ nhà có khả năng điều phối các cuộc thảo luận trung thực, công bằng và hiệu quả đối với các vấn đề gai góc hay không.

ASEAN và EAS lần này sẽ bàn về một số vấn đề như vậy. Nổi bật nhất sẽ là vấn đề an ninh hàng hải và những tranh chấp đang diễn ra tại Biển Đông và Hoa Đông. Một số thành viên có thể muốn tránh chủ đề này, vốn đã gây tranh cãi tại hầu hết các hội nghị do ASEAN chủ trì trong ba năm qua. Nhưng Việt Nam, Philippines và Nhật gần như chắc chắn sẽ chủ động nêu ra, và các thành viên khác, trong đó có Mỹ, sẽ không im lặng.

Hội nghị cũng sẽ thảo luận về hai tầm nhìn khác nhau của hội nhập: hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện được Trung Quốc cổ võ và hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt. Đạt tiến bộ đáng kể trong những vấn đề then chốt này rất khó khăn. Nếu thúc đẩy các cuộc đối thoại thẳng thắn và thực chất thì Campuchia sẽ thể hiện được vai chủ tịch có trách nhiệm. Campuchia kỳ vọng sẽ ghi dấu ấn trong năm Chủ tịch ASEAN 2012 với các chương trình nghị sự theo hướng tạo động lực nhằm thúc đẩy tiến trình liên kết nội khối, đồng thời tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác, nâng cao tính cạnh tranh và vai trò hạt nhân của tổ chức này trong việc giải quyết những thách thức an ninh/chính trị, kinh tế và văn hoá/xã hội đặt ra đối với khu vực.

TRẦN HIẾU CHÂN

2 nhận xét:

  1. Hi vọng chúng ta sẽ sớm phục hồi đc thể diện

    Trả lờiXóa
  2. Tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác, nâng cao tính cạnh tranh và vai trò hạt nhân của các tổ chức.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog