Chia sẻ

Tre Làng

Trung Tướng Phạm Văn Dĩ: TRUNG QUỐC ĐÃ TẬN DỤNG KHOẢNG TRỐNG QUYỀN LỰC ĐỂ RA ĐÒN

"Họ đã tận dụng khoảng trống về quyền lực để ra đòn là họ chơi không đẹp. Họ đã chà đạp luật pháp quốc tế, chà đạp lên điều họ đã kí kết với ASEAN, chà đạp luôn cả tình cảm chân thành, thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam".

Sáng nay 7/6, trong chương trình Sài Gòn FM buổi sáng của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, Trung Tướng Phạm Văn Dĩ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 đã có những chia sẻ "nóng" về tình hình biển Đông. 

Trung Tướng Phạm Văn Dĩ đã nêu lên các quan điểm nhất quán của cá nhân ông về hành động ngang ngược của Trung Quốc khi ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của nước ta. 

Nhịp Sống Thời Đại xin lược ghi lại những vấn đề "nóng" của cuộc trò chuyện này.

- Thưa Trung Tướng, hơn một tháng qua dư luận quốc tế cũng như nhân dân Việt Nam cực lực lên án hành động hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam. Xin cho biết quan điểm của ông về việc này?

- Đây không phải là điều bất ngờ đối với tôi cũng như là tất cả người dân Việt Nam. Bởi chúng tôi biết rằng, Trung Quốc đã trải qua nhiều ngàn năm ngủ quên với biển đảo, họ không có chiến lược, họ không quan tâm đến biển đảo cho đến khi họ bị đánh thức vào năm 1907 khi người Nhật đánh chiếm quần đảo Đông Sa của Trung Quốc. 

Lúc này họ thức dậy và họ hành xử trên biển Đông nói chung, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng sa của chúng ta mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa. Đó là cách hành xử của riêng họ mà bất kì ai trên thế giới và cả những người Trung Quốc yêu hòa bình đều không chấp nhận. 

Điều đó đã nhất quán đến tận bây giờ và nó không chỉ đe dọa hòa bình lãnh thổ của Việt Nam mà hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, hành động của Trung Quốc bị cộng đồng thế giới, tất cả người dân Việt Nam phản đối và tôi cũng không ngoại lệ.

- Ở góc độ về mặt chiến lược, Trung tướng lý giải thế nào về động cơ của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam thời gian vừa qua?

- Động cơ hành vi của Trung Quốc là rất rõ ràng, như tôi đã nói, độc chiếm biển Đông là mục tiêu nhất quán của Trung Quốc. Động cơ của Trung Quốc không còn đơn giản chỉ là tài nguyên trên biển Đông mà con vấn đề hàng hải và cả quân sự trên biển Đông. Chỉ riêng vấn đề tài nguyên, đó là điều mà người Trung Quốc luôn khát khao bởi nền công nghiệp khát dầu của họ. 

Để đạt được điều đó, họ đã bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lý, bất chấp quan hệ hữu nghị đối với nhân dân Việt Nam. Và họ cũng bất chấp cả nguyện vọng hòa bình của những người dân Trung Quốc. Họ cũng bất chấp cả lẽ phải mà kể cả các học giả Trung Quốc đã đưa ra trong thời gian gần đây. Điều đó cho thấy hành động đó trở nên nguy hiểm bởi nó không có chuẩn mực nào cả. Tất nhiên đó là điều họ muốn. 

Nhưng trên thế giới này không phải ai muốn làm gì cũng được, muốn gì thì muốn nhưng luật pháp quốc tế vẫn luôn vận hành. Nhân dân trên thế giới vẫn bày tỏ lập trường, chính kiến của mình, còn nhân dân ta phải làm tất cả những thứ có thể làm, mà bây giờ chúng ta đang làm là biện pháp hòa bình để giữ hòa bình, giữ biển đảo, giữ toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta.

Trong thế giơi phẳng này, Trung Quốc không thể lừa dối được thế giới, lừa dối được người dân Việt Nam. Họ chỉ lừa dối được người dân của chính họ

- Xử sự của Trung Quốc như vậy, rõ ràng tạo những sức ép nhất định đối với chúng ta, nhưng đó cũng là cơ hội để chúng ta pháp lý hóa việc đòi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa? 

- Đúng như vậy. Nguy cơ này đã có từ lâu, không phải chỉ là nguy cơ mà giờ đã là hiện thực. Trước đó, Trung Quốc đã từng 5 lần xâm chiếm biển đảo của nước ta và đây là lần thứ 6. Ngay từ trong quá khứ, ở những thể chế khác nhau, chúng ta có những sách lược khác nhau cho mỗi thời kì. 

Trong thời kì này thì rõ ràng người Trung Quốc đã lựa chọn thời cơ diễn ra trên bình diện quốc tế, bình diện khu vực, cũng như bình diện giữa quan hệ của hai nước để họ ra đòn. Như vậy, họ đã tạo cho chúng ta một áp lực và thách thức rất lớn về vấn đề chủ quyền, về toàn vẹn lãnh thổ và về an ninh quốc gia. 

Chúng ta phải rà soát lại tất cả các vấn đề từ kế sách cho đến quan hệ quốc tế và vấn đề quốc phòng, ngoại giao, kể cả quan hệ song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tất cả những nỗ lực đó Đảng ta cũng đã toan tính từ lâu, toan tính trên tất cả các quyền lợi của dân tộc, cũng như quan hệ đối ngoại đối với Trung Quốc. 

Nguyện vọng của chúng ta là được hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc nói riêng và tất cả các nước trên thế giới nói chung. Và những điều đó bây giờ chúng ta phải điều chỉnh lại. Đó là điều tất nhiên vì Trung Quốc đã lộ rõ dã tâm và hành động của họ. 
Chúng ta không muốn mở rộng nghĩa trang liệt sĩ, chúng ta cũng không muốn nối dài danh sách liệt sĩ, chẳng ai muốn có chiến tranh đổ máu để mẹ trở thành mẹ Việt Nam anh hùng, hay vợ trở thành vợ liệt sĩ. Tôi cũng là con của một người mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi đã nhìn thấy mẹ tôi không còn nước mắt vì khóc những đứa con. Yêu nước hiện nay gắn liền với học tập, gắn liền với đào tạo, gắn liền với lập thân, lập nghiệp, dũng cảm, trí tuệ. 
Trong điều kiện hiện nay phải hết sức tỉnh táo, nghe ngóng kĩ lưỡng và có thái độ đúng mực trước các vấn đề xảy ra. Nguy cơ của đất nước chúng ta không chỉ đến từ biển Đông, vì vậy phải có cái nhìn thấu hiểu, sáng suốt, bình tĩnh bằng nhận thức của mỗi con người.
Trung tướng Phạm Văn Dĩ bày tỏ.
Kể cả trên lĩnh vực kinh tế, chúng ta cũng có những điều chỉnh lại. Lâu nay chúng ta phụ thuộc quá nhiều trong xuất khẩu, nhập khấu của Trung Quốc. Đó là lẽ bình thường, vì điều này không chỉ riêng gì đối với nền kinh tế Việt Nam. 

Còn trên phương diện giữ nước, chúng ta giữ nước bằng tất cả những gì có thể làm chứ không phải chỉ riêng ở vấn đề quân sự hay quốc phòng. Hiện nay chúng ta huy động tất cả sức mạnh và thể chế, gồm cả đối nội, đối ngoại. Tất cả các bình diện, tất cả các lĩnh vực. Tôi nghĩ rằng, đây cũng là cơ hội để chúng ta coi lại bản thân mình và coi lại bạn bè trên thế giới.

- Trung tướng đã dùng từ “Trung Quốc ra đòn”, theo ông việc ra đòn đó về mặt quân sự là chiến lược hay chỉ là chiến thuật của Trung Quốc để dò xét phản ứng của chúng ta và phản ứng của dư luận thế giới?

- Đối với người Trung Quốc hai vấn đề đó không rõ ràng. Chỉ có điều, độc chiếm biển Đông là vần đề nhất quán của họ. Tôi dùng từ “ra đòn” vì xem lại trong lịch sử ta thấy, lần thứ nhất vào năm 1946, trong tình thế đất nước chúng ta “ngàn cân treo sợi tóc” trước sự quay trở lại của thực dân Pháp. Lúc đó, Liên Hiệp quốc yêu cầu Trung Quốc đến giải giáp quận Nhật. Khi đó khoảng trống quyền lực có lợi cho Trung Quốc và họ ra đòn với chúng ta.

Lần thứ 2 vào năm 1956, khi Người Pháp rút khỏi nước ta, quân Ngụy chưa mạnh, Mỹ chưa can thiệp vào nước ta, họ lại ra đòn. Lần thứ 3 vào năm 1959, họ lại ra đòn nhưng không thành công. Lần thứ tư vào năm 1974, sau khi người Mỹ rút hạm đội 7 ra, quân ngụy giảm quân số bên Hoàng Sa, tức là Tây Hoàng Sa từ một Tiểu đoàn xuống còn một Trung đội địa phương quân và chỉ còn bốn chiến hạm. Lúc đó họ ra đòn và họ chắc chắn rằng người Mỹ sẽ đứng sau lưng họ và đúng như vậy.

Ngày 14/3/1988 cũng vậy, lúc đó chiến tranh phía Bắc đã nổ, chiến tranh Tây Nam ở Campuchia đang thu hút quân ta ở đó, đây là thời điểm đất nước chúng ta cũng đang bị cấm vận tứ bề, họ lại ra đòn. Và bây giờ cũng vậy, đây cũng là lúc khoảng trống quyền lực đã được tạo ra bởi chiến trường Ukraina và nhiều khu vực khác trên thế giới, các cường quốc đang bị phân tán sự chú ý vào khu vực Đông Nam Á thì họ lại ra đòn. 

Tất cả trái tim Việt Nam đều hướng về biển Đông

Họ đã tận dụng khoảng trống về quyền lực để ra đòn là họ chơi không đẹp. Họ đã chà đạp luật pháp quốc tế, chà đạp lên điều họ đã kí kết với ASEAN, chà đạp luôn cả tình cảm chân thành, thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam. Điều này khiến nhân dân Việt Nam hết sức bức xúc và tôi tin nếu nhân dân Trung Quốc khi họ hiểu thấu được vấn đề họ cũng sẽ bức xúc không khác gì nhân dân chúng ta, bởi nhân dân hai nước điều yêu chuộng hòa bình.

Xét về chiến lược, hành động nhất quán của Trung Quốc để tiến tới độc chiếm biển Đông. Trong từng giai đoạn, trong từng tình huống cụ thể như tình huống hiện nay, Trung Quốc đang xem phản ứng của các thể chế quyền lực của các nước, kể cả của người dân Trung Quốc yêu hòa bình và người dân nước ta để họ có những bước đi tiếp theo là sẽ tiến tới độc chiếm biển Đông hay sẽ phải dừng lại.

- Trung Quốc luôn nói yêu chuộng hòa bình nhưng hành vi thì luôn gây hấn và rất hung hăng. Còn Việt Nam chúng ta thực sự yêu chuộng và mong muốn hòa bình, dù Trung Quốc rất ngang ngược nhưng chúng ta vẫn hết sức kiềm chế từ ngoại giao cho đến những căng thẳng ngoài biển Đông. Với sự so sánh đó, Trung tướng nghĩ gì?

- Điều đó cho thấy, cái thực tâm của người Trung Quốc là như thế nào? Việc đó dẫn đến uy tín của người Trung Quốc. Chúng ta đã nhận ra điều đó từ lâu, lời nói và việc làm của Trung Quốc không giống nhau. Không những vậy, Trung Quốc còn bóp méo và xuyên tạc sự thật đến mức chúng ta khó tưởng tượng được. 

Họ cho rằng, chúng ta gây hấn, o ép người Trung Quốc nhưng họ không chứng minh được điều đó. Vì đơn giản điều đó là không có. Bởi không thể nào một nước Việt Nam nhỏ bé lại đi gây hấn với một nước lớn như Trung Quốc. Trong thế giới phẳng này, Trung Quốc không thể lừa dối được thế giới, không thể lừa dối người dân Việt Nam. Có chăng họ chỉ lừa dối chính người dân Trung Quốc của họ. 

Nguyễn Liêng

3 nhận xét:

  1. Tờ News Pakistan ngày 7/6 đưa tin, báo cáo hàng năm của Lầu Năm Góc về tình hình quân sự Trung Quốc năm nay được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tố cáo Bắc Kinh đe dọa láng giềng trong tranh chấp lãnh thổ, cảnh báo Hoa Kỳ sẽ không ngồi yên.

    Báo cáo được đệ trình Quốc hội Mỹ hôm Thứ Năm cho rằng chương trình hiện đại hóa quân sự lâu dài của Trung Quốc nhằm mục đích cải thiện khả năng chiến đấu vũ trang và giành chiến thắng bất ngờ trong khu vực với một khoảng thời gian ngắn và tấn công cường độ cao.

    Điều này càng đặc biệt đáng chú ý trong khoảng thời gian này khi Bắc Kinh leo thang (nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ở Biển Đông và Hoa Đông, đã gây căng thẳng với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines trong những tháng gần đây.

    Trong báo cáo của Lầu Năm Góc năm nay, Mỹ vẫn cho rằng trọng tâm chính của chiến lược quân sự Trung Quốc vẫn là chuẩn bị cho một cuộc chiến "giải phóng" Đài Loan, tuy nhiên nó nhấn mạnh rằng Bắc Kinh cũng đang chuẩn bị cho 1 cuộc chiến "dự phòng tiềm năng" ở Biển Đông và Hoa Đông.

    Trả lờiXóa
  2. Tại Đối thoại Shangri-la vừa qua, mặc dù viên Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc và các sĩ quan tùy tùng đã chỉ trích phát biểu của ông Chuck Hagel là sự thể hiện của "chủ nghĩa bá quyền, mối đe dọa", nhưng Bắc Kinh không có bất kỳ sự trả đũa cụ thể nào.

    Điều này theo Lầu Năm Góc là một sự phản ánh kênh thông tin liên lạc quân sự Mỹ - Trung là khá vững chắc, và nó có thể phục vụ như một kênh liên lạc thay thế trong thời điểm căng thẳng bùng lên cấp chính phủ.

    Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng sự hung hăng của Bắc Kinh trong các tranh chấp hàng hải (thực tế là Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp vùng biển nước khác - PV) nhằm đối phó với trục châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, nhưng một số nhà phân tích tin rằng 2 chiến lược này độc lập với nhau.

    Trung Quốc đang tìm kiếm (muốn chiếm đoạt, xâm lược) một phần lãnh thổ của các nước láng giềng và kiểm tra quyết tâm của Mỹ thực hiện các cam kết với đồng minh của mình. Điều này có nghĩa là, nếu Washington khoanh tay ngồi nhìn, Bắc Kinh sẽ quyết định chiếm (xâm lược) một phần lãnh thổ của nước khác.

    Trả lờiXóa
  3. Đúng như vậy. Hành động của Trung Quốc là trái với đạo lý và luật pháp quốc tế. Chúng đang âm mưu chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta và rộng hơn là độc chiếm biển Đong. Dã tâm của chúng là rất lớn. Nhưng dân tộc VIệt Nam khoongn bao giờ chịu để yên khi giặc đến nhà. Mặc dù không một ai muốn chiến tranh vì chúng ta đã có quá nhiều đau thương mất mát rồi. Nhưng chúng ta phải bảo vệ thành quả mà cha ông ta đã đánh đổi cả xương máu để dành lấy. Trên hết là đấu tranh bằng hòa bình, lấy ngoại giao làm chủ yếu!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog