Chia sẻ

Tre Làng

HỒ SƠ CUỘC CHIẾN CHỐNG FULRO # 4


Tháng 6-1980, thủ tướng của Fulro lúc này là Y Ghơk Niê Kđăm đang bám theo Pôn Pốt ở biên giới Campuchia hòng tìm cách đi sang nước thứ 3. Mọi việc điều hành “TW Fulro” tại Tây Nguyên do Ya Đuk (lúc này đang là đệ nhất phó thủ tướng phụ trách chính trị, ngoại giao) và Paul Yưh - đệ nhị phó thủ tướng phụ trách an ninh quốc phòng, chia nhau kiểm soát. Vốn có uy tín hơn hẳn Paul Yưh, Ya Đuk được hầu hết Fulro, chủ yếu người K’Ho tôn vinh là thủ lĩnh, “hùm xám Tây Nguyên”; trong khi Paul Yưh chỉ thu phục được số Fulro người Ê Đê. Căn cứ địa của tổ chức Fulro lúc đó đóng chân trên đất Lâm Đồng - quê hương của Ya Đuk và của đồng bào K’Ho. Nahria Ya Đuk trở thành mối lo, đúng hơn là mối quan tâm hàng đầu của Ban chuyên án. Kế hoạch câu nhử, bắt Ya Đuk được tính đến. Kế hoạch này nảy sinh từ một thời cơ đến bất ngờ. Nhiều tình huống sau đó đã diễn ra “căng” đến nghẹt thở!

Kỳ 4: CHUYÊN ÁN NỔI TIẾNG F101 ĐÃ ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
Một hội nghị tại Nha Trang chuyên đề giải quyết vấn đề Fulro do đồng chí Phạm Hùng - Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, chủ trì. Hội nghị có các đại diện của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Quân khu 7, Khu ủy Khu 6 và Thường vụ Tỉnh ủy, Ban giám đốc CA các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk - Đăk Nông, Gia Lai - Kon Tum, Phú Khánh, Thuận Hải, Đồng Nai, Sông Bé. Sau 3 ngày làm việc, hội nghị bế mạc lúc 15 giờ ngày 17-6-1980. Đồng chí Đỗ Quang Thắng (Năm Thắng) - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và Phó giám đốc Công an tỉnh Vũ Linh (bí danh Tư Vũ) vội vã trở về Đà Lạt ngay. Tám giờ tối, cả hai về đến TP. Đà Lạt. Câu chuyện trao đổi trên xe còn dang dở, đồng chí Năm Thắng mời thượng tá Vũ Linh đến cơ quan của mình. Đà Lạt đang là mùa khô, ban ngày trời hanh nắng, nhưng đêm xuống thì cả thành phố chìm trong lớp sương mù bao phủ khiến Đà Lạt đẹp, lạnh và thơ mộng. Bên ly trà nóng bốc khói trong phòng làm việc của Bí thư Năm Thắng, thượng tá Vũ Linh trầm ngâm, ghi nhớ từng lời người đứng đầu địa phương dặn dò: 

- Anh biết đấy, bộ chỉ huy trung ương Fulro đang nằm ngay trong lãnh địa của chúng ta, đòi hỏi chúng ta trách nhiệm nặng nề, cao hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã làm. Những lời tổng kết, những chỉ thị của anh Bảy Cường (tức đồng chí Phạm Hùng) đã và đang vạch ra cho Lâm Đồng phải tính toán như thế nào để “hạ màn” cái trung ương ấy của chúng...

Tiễn thượng tá Tư Vũ ra xe, dưới ánh điện trong sân của căn nhà công vụ, Bí thư Năm Thắng bỗng chạm phải đôi mắt sâu hút, cương nghị và đầy quyết đoán của người thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra đang đứng trước mặt ông, vốn được ông yêu mến, tin tưởng hết mực. Lắc mạnh bàn tay trong cái bắt tay cứng cỏi, gửi gắm nhiều điều của đồng chí Bí thư, thượng tá Vũ Linh nhấn mạnh từng lời: 

- Tỉnh ủy hãy tin tôi. Đây là trách nhiệm của công an trước tình hình an ninh xã hội trên địa bàn. Bên cạnh tôi có Nguyễn Văn Độ và các đồng chí lãnh đạo Cục KĐ4 (Bộ Nội vụ) cùng nhiều trinh sát giỏi nên tôi tin mình sẽ làm được.
Trước sự quyết tâm của đồng chí Tư Vũ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất tin tưởng. Bên cạnh đó, thượng úy trẻ Nguyễn Văn Độ - Phó phòng Bảo vệ chính trị vẫn luôn được thượng tá Vũ Linh nhắc đến với một thái độ tin cẩn bởi hành động luôn dám nghĩ, dám làm của Độ. Thượng tá Vũ Linh đã lên xe trở về nhà công vụ, cũng là nơi ăn chốn ở của gia đình ông ngay gần Sở Công an. Đà Lạt về đêm bình yên quá, bất giác trong đầu ông loé lên ý nghĩ phải trao đổi ngay với Độ. 

Lúc này đã là 23 giờ 45, thượng úy Độ cũng đang ngồi ghi chép lại cẩn thận từng chữ trong những bức thư tay mà các cơ sở, quần chúng tốt, trải qua nhiều “cửa ải” cung cấp được tới anh, những thông tin về hoạt động của “TW Fulro”. Những mảnh giấy nhám đen, nhàu nát vừa có nét vẽ vừa có chữ viết cả bằng tiếng Kinh và tiếng K,Ho rồi cả bằng ký hiệu, nhìn rối bời, hoa cả mắt kia lại chứa đựng đầy những thông tin quý giá. Vì thế, anh phải thật kỹ lưỡng. Có thông tin này, anh đã muốn báo ngay với thủ trưởng của mình và vì sự tuyệt đối bí mật nên anh đang rất mong cho trời mau sáng để sớm ngày mai anh trực tiếp đến báo cáo. Không ngờ, thủ trưởng cũng đang có việc cần gặp anh. Nhận cú điện thoại mà anh tưởng rằng như có “thần giao cách cảm”. Chỉ ít phút sau, anh có mặt tại phòng làm việc của Phó giám đốc.
Thượng úy Độ ngồi trước mặt cấp trên, nghe truyền đạt lại mọi ý kiến chỉ đạo từ cuộc họp tại Nha Trang của đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và sự tin tưởng, giao nhiệm vụ của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Văn Độ hiểu ra rằng, đã đến thời điểm phải kết thúc cái gọi là “trung ương Fulro” đang đóng chân trên đất Lâm Đồng để trả lại sự bình yên cho Tây Nguyên, chấm dứt những nỗi lo sợ triền miên đang ám ảnh hàng triệu người dân trên các địa bàn có Fulro trú ẩn...

- Báo cáo chú, F1 của ta cho tin khẩn, Ya Đuk vừa “bắt mối” liên lạc được một đường dây để đi xuất ngoại, thông qua mục sư Tri Lâm đang ở TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể đường dây này như thế nào, cháu đã bố trí trinh sát tiếp tục theo dõi. F1 cũng cho biết, Ya Đuk đã thưởng lớn “công trạng” cho hai kẻ báo tin là Ha Póh và Ya Theng. Bọn này đang cố tìm mọi cách để làm vừa lòng “ông lớn” (bọn Fulro gọi Ya Đuk như thế). Có thể chúng ta sẽ sớm “tóm” được chúng. 

Thượng tá Vũ Linh lập tức đứng bật dậy khỏi ghế vì tin vui bất ngờ này. Ông đập mạnh cả hai bàn tay xuống bàn và thốt lên:

- Tốt lắm! Việc này sẽ giúp ta có thêm phương án. Đây có thể là thời cơ đã đến. Sáng mai, tôi sẽ trao đổi ngay tin này với giám đốc và các anh KĐ4 để bàn phương án. Không ngờ, đúng lúc này ta lại có đường để “dụ hùm ra khỏi hang”. Đồng chí hãy tập trung hết trí lực cho vụ này để chiều mai chúng ta họp án...

Chuyên án F101 đã được triển khai từ ngày 20-3-1979, nhưng chưa thu được kết quả như ý bởi “nhân vật số 1” vẫn còn ẩn mình rất kỹ trong hang sâu. Theo chỉ đạo mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng làm Trưởng ban chuyên án. Thượng tá Vũ Linh trực tiếp chiến đấu, là Phó ban Thường trực. Các đồng chí Lương Quyền - Cục trưởng KĐ4 - Bộ Nội vụ cùng 3 đồng chí cấp phó: Đức Minh, Văn Bá Đạt, Nguyễn Phước Tân (Hai Tân) và đại tá Trần Đức Hoài (tự Ba Mỹ) - Giám đốc CA Lâm Đồng làm phó ban. Thành viên đắc lực không thể thiếu là thượng úy trẻ Nguyễn Văn Độ và thượng úy Phan Văn Thái (Phó phòng Bảo vệ chính trị, sau này là đại tá - Trưởng CA huyện Đức Trọng) cùng thiếu tá Trịnh Lương Hy - Trưởng CA huyện Đơn Dương (hiện là trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục an ninh Bộ CA). Nhiệm vụ của Ban chuyên án là phải đánh tan quân khu 4 - quân khu mạnh nhất của Fulro mà “nhân vật chính” là Nahria Ya Đuk, để ngăn chặn việc chúng tiến hành lập Fulro vùng 5, góp phần cùng CA các tỉnh Đăk Lăk - Đăk Nông, Gia Lai - Kon Tum, Sông Bé, Đồng Nai... phá toàn bộ hệ thống “TW Fulro”, giải quyết cơ bản tổ chức phản động này. 

Kim đồng hồ đã chỉ 2 giờ sáng, thượng tá Vũ Linh giật mình vội kết thúc buổi họp bàn. Sáng sớm mai, ông còn phải đến nhà khách đón các đồng chí lãnh đạo Cục KĐ4 đến nhà dùng bữa sáng, sau đó tranh thủ cùng làm việc với lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, hệ thống lại các tư liệu đã nghe báo cáo về “TW Fulro” để buổi chiều họp án. Việc không thể chậm trễ được nữa rồi. Một tia hy vọng loé lên trong đầu ông khi ông nghĩ đến việc “đối đầu” với “tổng tư lệnh” Fulro đang án ngữ trên đất Tây Nguyên. Trọng trách của đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Đảng ủy Bộ Nội vụ giao cho thật nặng nề, cao cả. Nếu san bằng mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, hẳn ông sẽ thấy lòng thoải mái hơn rất nhiều. Mải miên man suy nghĩ, trời đã sáng lúc nào không hay. 

Sáng hôm ấy, trong căn phòng riêng của mình, thượng úy Độ cũng không hề chợp mắt, dù nhiều đêm trước đã thiếu ngủ. Trước mắt anh, hình ảnh những trận hành quân của anh em đi truy quét, vận động Fulro ra hàng hiện lên quay cuồng. Họ đang bước giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Đã bao nhiêu lần, anh phải nuốt ngược nước mắt vào lòng, khóc tiễn đưa những người đồng chí, đồng đội của mình sau mỗi cuộc đụng độ với Fulro. Hẳn là ngày mai, các chú, các anh sẽ có cách để buộc Ya Đuk phải “xuất đầu lộ diện”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog