Chia sẻ

Tre Làng

THÍCH QUÁ CƠ

LâmTrực@ 

Thích là một phạm trù, một cung bậc tình cảm thuộc loại phức tạp và phổ biến nhất của con người. Thích rõ ràng và ngang tàng hơn Quý hay Mến, đa nghĩa và bí ẩn hơn Yêu. Mọi loại tình cảm, quan hệ, thái độ ứng xử, liên hệ, suy tưởng của con người với con người hay giữa con người với muôn vật cũng chỉ lấy trung tâm là một chữ Thích để luận giải.

Trong tiếng Việt, Thích thuộc về nhóm từ loại mang sắc thái biểu cảm mạnh. Bất kể từ nào, đã có kết thúc bằng phụ âm T, C hay CH thì chỉ kết hợp được với dấu Sắc hoặc dấu Nặng, không uốn éo, không nghi ngờ và không lơ lửng. Loại từ này cũng không bao giờ đi thành cặp, để tạo thành từ láy, buộc người ta phải kết hợp với một từ gần giống như vậy với dấu chỉ thanh khác, và cũng chỉ để cho sắc thái của nó nhẹ nhàng bớt đi. Do vậy, Thích chính là một loại cảm xúc có tính bản năng, nguyên thuỷ nhất mà con người còn giữ được đến giờ. 

Những hành động không giải thích được bằng quy luật tư duy thông thường, người ta chỉ có thể cầu viện đến Thích. Ví như “tình yêu sét đánh” chẳng hạn. Làm gì có cái loại tình yêu kiểu qua đường như vậy, hay nói cách khác, chuyện có thể yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên là hoàn toàn phét lác. Phụ nữ sau khi thấy mặt người đàn ông thì thể nào cũng nhìn đến tay anh ta, còn đàn ông thì cái anh ta muốn nhìn nhất sau bộ mặt cô gái chính là bộ ngực. Làm gì có ai điên mà mới gặp nhau lần đầu đã nhìn chòng chọc vào mắt nhau, trừ bệnh nhân và bác sĩ khoa mắt. Cũng chính bởi họ không nhìn vào mắt nhau như thế nên đến khi tưởng yêu rồi hoá ra không phải, khi tan vỡ mới có gã nhà thơ nào đó thốt lên đầy nuối tiếc: Sao ngày ấy em ngốc thế! Không nhìn vào mắt anh. Ô hay! Nhìn làm giề! Nhỡ hôm ấy ông đau mắt đỏ thì seo! 

Bởi thế, dù chỉ gặp nhau lần đầu nhưng sau đó 2 kẻ xa lạ (và khác giới) có thể bỗng nhiên thấy mình thuộc về nhau từ kiếp trước. Họ hẹn nhau, họ chờ nhau và nếu trời mưa thì còn có thể có một đêm đầy kỷ niệm mà không cần đến giấy xét nghiệm. Mãi những năm sau này, khi được hỏi vì sao hành động một cách nông nổi đầy tính toán như thế, họ cũng chỉ lý giải được rằng tại vì: Thích! Ngược lại, nhiều đôi yêu nhau đến vài năm nhưng khi sắp trèo lên tới đỉnh Vu Sơn thì bỗng cô gái lại đẩy bật người tình ra như hai cục nam châm cùng dấu. Mà câu trả lời cũng đầy đơn giản: Tại em không Thích! Lạ một điều, trước những lời giải thích ngắn ngủn như vậy, lại không có ai hỏi gì thêm. Hỏi để làm gì khi chỉ một lời đã là quá đủ. 

Nói vậy thôi, thế gian còn khối kẻ tò mò, thể nào cũng có người sẽ gặng thêm. Tại sao Thích và tại sao không Thích? Trả lời những câu này không dễ bởi những gì thuộc về cảm xúc của con người thì khó có mẫu số chung và cũng không có tiền lệ. Như chị Lin có thể thích diễn đàn này vì diễn đàn có anh Vị, nhưng chị thích anh Vị không phải vì cái diễn đàn mà vì chị thích một cái gì đó của anh Vị chẳng hạn. Thế nhưng cũng không phải vì cái gì đó của anh Vị giống của anh Sù mà chị Lin lại phải thích anh Sù. 

Cái người khác thích không có nghĩa mình thích và ngược lại. Cái mình nghĩ rằng người khác thích có khi người ta lại không thích và cũng ngược lại. Như nhà em đây, hễ có cô gái nào chớm nói chuyện với em là thể nào cũng có người chạy ra bảo: Ê! Cẩn thận đừng thích thằng cha Pắc nhé! Nó có vợ rồi. Thế nhưng cũng có cô lại gửi tin nhắn cho em bảo chính tại anh có vợ rồi mà em mới thích anh. Đời nó lạ thế (nhưng đấy là em ví dụ thôi nhé). 

Cũng như Yêu, Thích cũng dễ làm người ta mê muội. Ngạn ngữ chả có câu: Đôi khi chỉ vì thích một cái nốt ruồi mà người ta dại dột cưới nguyên cả một cô gái. Khi đã thích cái gì thì chỉ chăm chắm vào cái đấy. Gặp con người ta là chỉ muốn mau mau chóng chóng được sờ ngay vào cái nốt ruồi mình thích. Nhưng cũng là cái nốt ruồi đấy, thậm chí còn to hơn và được trang điểm bằng một nhúm lông mọc trên gáy của Nguỵ Diên lại làm chủ nhân của nó suốt đời sống trong nghi ngờ của Gia Cát Lượng. Nốt ruồi thì mọc ở đâu mà chả được, chẳng lẽ mọc sau gáy thì hay tạo phản chứ mọc ở cổ chắc toàn người trung nghĩa? Chẳng qua là do Gia Cát không thích người khó bảo mà thôi. 

Thích có thể có ở bất kỳ ai. Không phân biệt sang hèn, tuổi tác, thứ bậc, giới tính, động vật hay thực vật. Khác với các loại tình cảm khác, Thích có thể áp dụng vào đâu cũng được và dường như không có giới hạn. Không ai Yêu một con bò nhưng hoàn toàn có thể Thích sữa của nó. Có người cầm vàng hờ hững nhưng lại thích nâng niu một cái móng chân thối mới rụng. Cô gái không nhớ chàng trai đó nhưng vẫn thích được hắn ta tặng quà. Tóm lại, có thể thích bất cứ thứ gì kể cả nó có giá trị hay vô dụng đi chăng nữa, miễn là thoả mãn được ý thích của mình. 

Hồi tôi là sinh viên, có một anh bạn một buổi tối về muộn chui vào màn cười mãi và không thay quần áo, cứ cố tình gí cái áo bẩn vào mũi tôi rồi hỏi có thấy mùi gì không. Cái áo có mùi thơm nhạt, đểnh đoảng và găn gắt. Hoá ra cậu ta đi “mua hoa” về. Là lần đầu nên cậu ta ấn tượng mạnh lắm, đến cả tuần sau không chịu giặt cái áo vì thích cái mùi nước hoa bám trên cái áo đấy. Sau này, khi đọc báo Phụ nữ mới biết thứ mùi đấy người ta gọi là “mùi nước hoa rẻ tiền” của những cô gái “buôn hương bán phấn” hay đi “lầm đường lạc lối”. Không hiểu vì các cô không có tiền mua những loại nước hoa đắt hơn hay tại cái mùi nước hoa rẻ tiền ấy nó giúp họ được “đắt khách”. Chắc là tại không có tiền, vì nếu có tiền hẳn họ đã mua mỗi người một tấm bản đồ để không đến nỗi tối nào cũng “lầm đường lạc lối” như vậy. Chỉ tội cậu bạn tôi, cái chữ Thích ám ảnh đến hàng chục năm sau, vợ không có cái “hương gây mùi nhớ” ấy thì không thể nào ngủ với vợ được. 

Thích là một cảm giác dễ lây lan. Về điểm này, Thích giống như những căn bệnh ngoài da, rất dễ lây nhưng không dễ khỏi. Điển hình như trong bóng đá, có người thích đội bóng này là vì một cầu thủ hay huấn luyện viên, có người thích vì đó là đội bóng đầu tiên họ biết. Có người thích vì thằng cha mình ghét nó thích đội bóng đối địch với đội bóng của họ. Có người thích vì thành phố đó họ đã từng ở đó hay đơn giản chỉ vì tên đội bóng đó dễ đọc. Bỏ qua những dạng lý do như thế, nhiều người thích một đội bóng lại vì đội bóng đó có nhiều người đã thích. Đi theo sự lựa chọn của số đông cũng là một giải pháp an toàn. Họ thích nhờ cái sự thích của người khác, giống như một thứ mốt. Không cần thuộc tên cầu thủ, không cần nhớ lịch sử đội bóng và cũng không rỗi hơi dõi theo một đội bóng đến cả chục năm trời. Song không thể trách được họ vì chung thuỷ với đàn bà thì còn được nửa thế giới ca ngợi chứ chung thuỷ với thứ gì khác đôi khi lại là điều xuẩn ngốc. 

Thích không phải vì thèm muốn mà thích là để khẳng định mình. Thích không phải tò mò mà là để khám phá. Ở một khía cạnh khác, thích là thể hiện cái hoài bão của mình, hướng tới cái đích cao hơn hiện tại. Người có thể giản lược cuộc sống đầy những hỉ nộ ái ố để sống với những điều Thích – Không Thích mà không sợ làm xấu đi quan hệ giữa những thực thể phức tạp nhất, là con người. Đến những người xuất gia, ngỡ bỏ Tham Sân Si là đủ rũ mình giác ngộ mà vẫn còn mơ một ngày được mang họ Thích. Thích nhiều quá dễ ngộ nhận nhưng không thích gì thì coi như cuộc đời vô vị và lãng phí. Thích cần giữ ý nhưng không nên giấu diếm. Con người càng được sống gần với những gì mình thích thì cuộc sống đó càng hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog