Chia sẻ

Tre Làng

NGHỆ THUẬT "BẠCH ĐẰNG" TRÊN SÔNG HIẾU


Học theo cách của cha ông, quân và dân ta ở Quảng Trị đã tạo nên một thế trận "Bạch Đằng” trên sông Hiếu: cắm cọc tre đầu nhọn xuống sông kết hợp với thả bè tre lơ lửng trong nước theo hình dích dắc để co cụm tàu giặc lại rồi nổ súng tiêu diệt.




Chiến sĩ giải phóng ở Cửa Việt.

Tháng 2-1968, sau khi bị quân ta giáng một đòn đau ở Huổi San – Tà Mây, nhất là cứ điểm Làng Vây (6-2-1968), Mỹ - ngụy ráo riết tăng cường lực lượng, phương tiện để phòng thủ Khe Sanh. Để dồn địch nhanh rơi vào tình thế khốn đốn, quân ta liên tiếp tấn công tiêu diệt chi khu quân sự Hướng Hóa, đánh mạnh vào các cứ điểm 845, 832, 683…, tập kích, bao vây sân bay Tà Cơn khống chế việc tiếp tế hàng không của địch. Vì thế con đường vận chuyển hàng hóa, thiết bị quân sự từ cảng Cửa Việt lên thị trấn Đông Hà để trung chuyển cung cấp cho toàn tuyến phòng thủ Quảng Trị – Khe Sanh trở nên hết sức quan trọng đối với địch. Mỹ - ngụy coi cảng Cửa Việt là "cuống họng” lớn và căn cứ Đông Hà là chiếc "dạ dày” khổng lồ trên tuyến phòng thủ Đường 9 cho nên tại khu vực Cửa Việt và Đông Hà chúng tập trung lực lượng, phương tiện bảo vệ rất nghiêm ngặt.


Hiếu Giang - sông Hiếu có diện tích lưu vực 465km2 và độ dài 70km, bắt nguồn từ các sông suối trên địa hình núi rừng sườn đông dãy Trường Sơn cao độ trên 1000m của huyện Hướng Hoá chảy về phía đông theo hướng tây bắc - đông nam qua các xã Hướng Sơn, Hướng Hiệp (huyện Đakrông), Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Thanh (huyện Cam Lộ), Đông Thanh, Đông Giang (thành phố Đông Hà), rồi hợp lưu với sông Đại Độ/Hói Sòng để đổ vào sông Thạch Hãn ở ngã ba Gia Độ/Dã Độ xã Triệu Độ.

Sông đi qua khu vực của tuần Hiếu Giang nên có tên là Hiếu Giang - sông Hiếu. Khi chảy qua địa bàn vùng trung du Cam Lộ, sông được gọi tên là sông Cam Lộ. Về đến vùng Đông Hà chảy qua làng Điếu Ngao nên sông có tên là sông Điếu Ngao. Trên sông có bến đò Điếu Ngao nên cũng gọi là sông Đò Điếu.

Con sông Hiếu ở Quảng Trị (âm Hán - Việt đọc là Hiếu Giang, còn được gọi là sông Cam Lộ) là một phụ lưu của sông Thạch Hãn. Đoạn sông Hiếu từ Cửa Việt đến Đông Hà dài khoảng 13 đến 15km, hai bên bờ sông chỗ rộng nhất chừng 1000m, hẹp nhất khoảng 150m. Hằng ngày trên Sông Hiếu có từ 15 đến 20 chiến thuyền của hải quân Mỹ có trọng tải từ 108 đến 680 tấn làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hoá và vũ khí từ cảng Cửa Việt lên Đông Hà. Ở nhiều đoạn trọng điểm chúng còn dựng nên những bãi mìn và dây kẻm gai ven sông để chống lại đặc công thuỷ của Quân Giải phóng xâm nhập.

Để "chia lửa” với Khe Sanh cũng như hạn chế và cắt đứt con đường vận chuyển tiếp tế hậu cần của địch, Bộ Chỉ huy Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị đã chỉ đạo các lực lượng hướng đông phải kiên quyết phong tỏa cảng Cửa Việt, chẹn "cuống họng” của địch, đồng thời cắt đứt "thực quản” của chúng (tức là phong tỏa đoạn sông từ Cửa Việt lên Đông Hà), bằng các cách đánh đặc công phối hợp với pháo binh và kết hợp với trận địa vật cản dưới sông, trên bờ nhằm tiêu diệt tàu địch.


Bản đồ vùng chiến sự.

Ngay trong 10 ngày cuối tháng 1-1968 (từ 19 – 29-1-1968), được sự hỗ trợ tích cực của Sư đoàn bộ binh 320, Trung đoàn bộ binh 270 cùng du kích và nhân dân địa phương, 4 đội đặc công nước Đoàn 126 Quân chủng hải quân bí mật luồn sâu vượt qua hệ thống bảo vệ của địch, trong 4 đêm tiến hành thả 12 thủy lôi (loại HAT-2) tại các khu vực Xóm Vùng, Xuân Khánh, ngã ba Duy Phiên, Mai Xá. Kết quả đánh chìm 11 tàu, làm tê liệt hoạt động vận chuyển tiếp tế của địch trên sông Cửa Việt trong nhiều ngày, tạo điều kiện cho hoạt động tác chiến của ta trong chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh. Do tuyến vận tải tiếp tế trên sông bị tê liệt, địch phải vận chuyển hàng từ cảng Cửa Việt vào Đông Hà bằng trực thăng nên khối lượng hàng mỗi chuyến ít mà chi phí vận tải lại cao hơn nhiều. Quyết khai thông tuyến vận tải sống còn Cửa Việt - Đông Hà, suốt tháng 2 địch điều máy bay, xe lội nước, tàu xuồng chiến đấu tìm cách trục kéo tàu chìm và phát quang hai bờ sông.

Đoán được âm mưu của địch, Thường vụ liên huyện Gio – Cam quyết tâm tổ chức một đợt chiến đấu mới phong tỏa dài ngày trên sông Hiếu, ngăn chặn và tiêu diệt tàu của địch, làm tắc nghẽn giao thông, đẩy địch vào tình trạng thiếu lương thực, đạn dược quân trang buộc chúng phải co cụm lại. Để tìm ra phương án đánh địch hiệu quả nhất, một cuộc họp bàn đã được tổ chức. Tại cuộc họp, mọi người băn khoăn rằng nếu chỉ phục kích nhỏ lẻ trên bờ sông đánh địch thì khó khống chế tàu địch được liên tục vì địch rất mạnh, lại có máy bay, pháo binh yểm trợ, mà tàu địch thường hoạt động ban ngày. Lúc đó, Xã đội trưởng Nguyễn Ngọc Lễ đề xuất một ý định rất táo bạo: Để ngăn tàu địch, ta cần học theo cách đánh trên sông Bạch Đằng của ông cha, cụ thể là nơi nào nước cạn thì dùng các cọc tre đầu được vót nhọn cắm ngập chìm trong nước, nơi nào nước sâu thì kết tre thành chùm, một đầu buộc vật nặng thả xuống sông. Các chùm tre lại được kết với nhau thành bè nửa chìm nửa nổi tạo thành thế dích dắc và được neo giữ không để trôi tự do. Các cọc tre và bè tre kết hợp với bùng nhùng tự tạo, dây thép gai, mìn và ngư lôi khiến tàu địch muốn lách để tiến cũng không được. Hai bên bờ sông bố trí các loại hỏa lực để tiêu diệt tàu địch… Ý kiến đề xuất của xã đội trưởng Nguyễn Ngọc Lễ được nhất trí cao và được mọi người góp ý, bổ sung để tạo thành một kế hoạch tối ưu, nhất là biện pháp huy động, thu gom, vận chuyển, tập kết vật liệu và cách thức xây dựng "thế trận Bạch Đằng” sao cho bí mật và đạt hiệu quả chiến đấu cao nhất. Sau cuộc họp, bộ đội và du kích Gio Linh tỏa đi phổ biến chủ trương và phương thức đánh giặc độc đáo đó cho nhân dân quanh vùng và được bà con nhiệt tình ủng hộ tham gia phục vụ chiến đấu. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân các xã hai bên bờ sông Hiếu (Gio Quang, Gio Hà, Cam Giang…) đã đóng góp hàng nghìn cây tre, hóp, phi lao, dương và hàng trăm cuộn dây thép gai. 80 du kích làm nghề sông nước được huy động cho việc cắm cọc, kết bè. Hàng chục chiếc đò của dân cũng được huy động để chở các chướng ngại vật, bộ đội sang sông. Cứ đêm đến, bà con hai bên bờ sông Hiếu lại đào hầm, giao thông hào làm trận địa cho bộ đội. Hàng chục dân công cũng được huy động để phục vụ tải cứu thương thương binh…


Tàu tuần tra của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ.

Như vậy, vận dụng cách đánh truyền thống của ông cha, quân dân hai bên bờ sông Hiếu đã xây dựng nên một "trận Bạch Đằng” thời chống Mỹ, hay còn gọi là "trận Bạch Đằng” trên sông Hiếu, "thế trận Bạch Đằng” trên sông Cửa Việt bằng các cọc tre, bè tre kết hợp với bùng nhùng, dây thép gai, mìn và ngư lôi. Vị trí được chọn làm trận địa là khu vực Đại Độ (đoạn từ ngã ba sông Gia Độ đến Hói Sòng) - một đoạn của con Sông Hiếu, nằm về phía nam thôn Vinh Quang Hạ (xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), cách Tam giang khẩu (ngã ba Gia Độ) 300mét về phía tây, cách thị xã Đông Hà gần 2 km về phía đông. Ở khu vực này sông khá hẹp, có độ sâu từ 6 đến 15m, hai bên bờ địa hình rất thuận lợi cho việc cất giấu, bố trí lực lượng và hỏa lực.

Nắm bắt quy luật thủy triều ở sông Hiếu, 21 giờ ngày 28-2-1968, khi nước sông Hiếu cạn dần, lực lượng biệt động thị xã Đông Hà, du kích một số xã Gio Hà (nay là Gio Mai, Gio Quang), Gio Cam, bộ đội địa phương Cam Lộ, dân vạn đò thuộc các xã Cam Giang, Gio Mai, Gio Quang, Trung đoàn 270 (Đoàn 31), bộ đội đặc công Đoàn 126; du kích một số xã và một số bà con vạn đò Ngã Ba cùng 20 chiếc thuyền chở tre, hóp, dây thép gai… bí mật tiếp cận khu vực Đại Độ. Đúng 22 giờ ngày 28-2, nước đứng, công việc cắm cọc bắt đầu được tiến hành. Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, gió đông bắc từ biển thổi vào như cắt vào da thịt, thỉnh thoảng pháo sáng địch lại bắn lên không trung chiếu sáng cả một vùng rộng lớn. Vậy nhưng lực lượng du kích và dân vạn đò vẫn lặng lẽ, bí mật bố trí, liên kết bãi cọc. Sau hơn một giờ ngâm mình trong dòng nước lạnh buốt, "bãi cọc Bạch Đằng” được bố trí xong với gần 2.000 cây tre, 60 cọc phi lao, 200 cuộn dây thép gai được cắm xuống dòng sông Hiếu. Xen giữa các bãi cọc là các bãi mìn, những quả thuỷ lôi HAT2 của bộ đội đặc công Đoàn 126. Trận địa được bố trí thành hai bãi cọc, kéo dài 800m lặng lẽ nghênh đón tàu chiến địch. Trên bờ, trận địa hỏa lực bắn tàu, bắn máy bay của bộ đội, du kích được bố trí chu đáo sẵn sàng cho giờ khai hỏa… Khoảng 2 giờ sáng ngày 1-3, đại bộ phận lực lượng rút lui về phía sau, chỉ để hai tổ ở lại phối hợp với bộ đội chủ lực bí mật phục kích tiêu diệt tàu địch. 3 giờ sáng ngày 1-3, các đơn vị hỏa lực thuộc Trung đoàn 270 cùng bộ binh và du kích bí mật áp sát bên bờ sông từ Mai Xá, Vinh Quang Hạ, Đại Độ sẵn sàng tiêu diệt địch. Trời vừa sáng thì "thế trận Bạch Đằng” được hoàn thành. Khi triều cường, nước sông Hiếu âm thầm che kín bãi cọc.

Rạng sáng ngày 4-3, một đoàn tàu địch gồm 12 chiếc được máy bay trinh sát, trực thăng vũ trang và xe lội nước hộ tống từ Cửa Việt tiến về Đông Hà, chiếc nọ cách chiếc kia 15 - 20m. Khi chiếc đi đầu vấp phải bãi cọc và chướng ngại vật buộc chúng dồn đội hình và đi chậm lại, ngay lập tức thủy lôi phát nổ. Những chiếc còn lại định rút lui liền bị hỏa lực của ta từ trận địa trên bờ (ĐKZ, B41, 12,7mm, súng cối, súng bộ binh) thi nhau nhả đạn. Trong đoàn tàu địch có một số chiếc chở dầu bị trúng đạn khiến xăng, dầu tràn ra bốc cháy dữ dội, tạo nên một dòng sông lửa.


Du kích địa phương.

Sau một giờ chiến đấu, đoàn tàu địch bị dìm trong biển lửa, chiếc bốc cháy, chiếc bị chìm, chiếc bị chính đạn trên tàu nổ xé tan làm nhiều mảnh. Trong trận này, quân và dân Cam Giang, Gio Hà, bộ đội địa phương Cam Lộ (Quảng Trị) đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với sự yểm trợ của bội đội chủ lực đã bắn cháy, đánh chìm, làm hỏng hoàn toàn 7 tàu địch, tuyến tiếp viện hậu cần bằng đường thủy từ Cửa Việt – Đông Hà của địch bị tắc nghẽn trong nhiều ngày. Chiến thắng này là kết tinh truyền thống đánh giặc của ông cha; tinh thần sáng tạo, mưu trí, của đặc công Hải quân và sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân để giành thắng lợi vẻ vang.

Mô tả chiến công của ta và sự khốn cùng của địch trên tuyến vận tải chi viện sông Hiếu trong những ngày đầu tháng 3-1968, phóng viên Mỹ UPI viết: "Chỉ riêng khúc sông từ Cửa Việt đến Đông Hà dài 13 km cũng đủ khủng khiếp cho tàu và xuồng chiến đấu Mỹ. Các tàu của hải quân Mỹ buộc phải chạy thành đoàn với tốc độ 1 dặm một giờ… Ở đoạn sông này, mìn trôi trên sông, những hàng rào ngăn sông bằng tre, gỗ cài nhiều mìn và hai bên bờ sông ngày ngày đạn đại bác, rốc két, súng cối bắn liên tiếp vào các đoàn tàu. Một tàu tuần tiễu bị đánh chìm, 8 tàu vạn năng bị đánh hỏng... Chẳng còn biết xoay sở thế nào vì máy bay, đại bác đã ném bom bắn phá nhưng quân cộng sản vẫn ở đây, lực lượng ngày càng tăng và cuộc tiến công của họ ngày càng táo bạo”.

VĂN ÚC (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

2 nhận xét:

  1. Chiến thắng Bạch Đăng lịch sử - vẻ vang và oanh liệt

    Trả lờiXóa
  2. CHiến thuật này hay thật đấy ạ. khâm phục quá

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog