Chia sẻ

Tre Làng

VỀ ĐIỀU 4 TRONG HIẾN PHÁP


Các trang mạng đang sôi lên phong trào góp ý xây dựng Hiến Pháp, đấy là dấu hiệu tốt, đáng mừng. Mừng vì càng ngày công dân càn quan tâm nhiều hơn đến đại sự quốc gia, ý thức mạnh mẽ hơn quyền và nghĩa vụ công dân. Chúng ta đang tham gia vào những quyết định trọng đại về số phận mình trong tương lai. Hiến pháp là luật gốc, gốc mà không khỏe khoắn thì cành khẳng khiu, trái đắng và chính ta, những người dân sẽ ăn trái.

Đọc trong nhiều bài viết góp ý, Mõ tôi thấy có nhiều ý kiến hay, thú vị song cũng còn nhiều băn khoăn. Có thể thấy ba vấn đề sôi động nhất là: Có nên không để điều 4 trong hiến pháp; vấn đề quyền công dân và vấn đề quyền sở hữu đất đai. Tự dưng Mõ cũng muốn lên tiếng. Hôm nay Mõ tôi xin góp một chút lí sự nhà quê về điều 4, những cái khác xin nói sau.

Có hai xu hướng trên diễn đàn về điều 4. Một là đề nghị bỏ điều 4 với điểm tựa lí lẽ rằng, thực trạng đau buồn, nhức nhối về nhiều mặt, sự cùng cực của người dân, nỗi bất công oan trái đang nở rộ, hèn với giặc ngoài, ác với dân có nguồn gốc từ sự yếu kém, sai lầm của Đảng và sự tha hóa của đảng viên cầm quyền. Hai là, để điều 4 nhưng phải luật hóa, phải chịu sự giám sát của luật pháp và của nhân dân với điểm tựa lí lẽ rằng, Đảng lãnh đạo không phải là sự áp đặt lên xã hội, nhân dân, ngồi xổm trên pháp luật mà phải trên uy tín, sự tín nhiệm, ủy quyền của nhân dân và được xác định trong Hiến pháp.

Nghe ra anh nào cũng có lí, nhưng bình tĩnh mà ngẩm nghĩ Mõ tôi thấy ở mỗi loại ý kiến đều có điều gì đó chưa ổn, chưa thực sự thuyết phục.

Trước hết, với lọaị ý kiến đòi bỏ điều 4, nếu chỉ nhìn nhận, căn cứ vào những sai lầm, yếu kém, tha hóa của đảng để làm căn cứ thì e rằng phiến diện. Phiến diện ở chỗ nó bất công với những gì mà Đảng đã làm được cho dân cho nước. Chúng ta, những nhân chứng sống của giai doạn Đảng cầm quyền chắc chẳng ai phủ nhận công cuộc đánh đuổi đế quốc, giải phóng thống nhất đất nước; công cuộc chống thù trong, giặc ngoài để giữ vẹn nguyên lãnh thổ,thực hiện chính sách với hàng chục triệu người sau chiến tranh; công cuộc chèo chống trong bao vây cấm vận, rút chuyên gia, cắt viện trợ của anh bạn vàng để cứu đói nghèo, thực hiện chính sách giúp đỡ hàng chục triệu người nghèo, người già…; công cuộc đổi mới, cởi trói để phát triển đất nước cho thế giới phải nhận thấy là thành tựu, chúng ta cũng thấy vui hơn… Đành rằng, trong những niềm vui đó cũng có những buồn đau như sai lầm trong cải cách ruộng đất ở Miền Bắc, đánh Tư sản ở Miền Nam, duy trì chế độ bao cấp quá lâu sau hòa bình thống nhất. Và đau nhất là sự suy thoái của Đảng như ngày nay… Song, cũng có đôi chút an ủi khi mà Đảng đã nhận ra sai lầm, khuyết điểm và sửa chữa. Trong kháng chiến, đến cả cán bộ cao cấp của quân đội sa đọa vẫn bị đưa ra xử bắn. Sau cải cách ruộng đất Đảng phải xin lỗi dân, Tổng Bí thư Đảng phải từ chức, kỉ luật cán bộ, sửa sai. Nhận thấy chế độ bao cấp, mô hình kinh tế sau thống nhất đất nước là không phù hợp Đảng đã làm công cuộc đổi mới để phát triển. Còn bây giờ Đảng đã có nghị quyết về chống tham nhũng, suy thoái đạo đức của đảng viên. Nói như ông Trọng là cuộc tắm gội, nhóm lò. Còn ông 3D thì hứa nếu không giải quyết được vấn nạn tham nhũng sẽ từ chức thì vẫn còn đó…

Trong thâm tâm Mõ tôi thấy rằng, không quan trọng nếu là Đảng cầm quyền hay chính thể nào đó cầm quyền mà quan trọng là chính sách của nó và cách cầm quyền như thế nào. Đảng hay Nhà Vua hay Tổng Thống chỉ là một danh xưng. Hảy thử nhìn ra ngoài mà xem nước Anh, Nhật Bản, Thái Lan và nhiều nước tư bản hùng cường, văn minh tiến bộ vẫn giữ cái chế độ nhà Vua. Cái mà chủ nghĩa Mác – Lê nin đào mồ chôn từ lâu. Hãy nhìn một loạt nước cộng hòa chế độ Tổng thống có quyền giải tán cả Quốc Hội như nước Mĩ, Hàn Quốc…, cái gọi là nhà nước Tư Bản mà chủ nghĩa Mác – Lê nin lên án, quyết không đội trời chung vẫn không dẫy chết, vẫn hung cường và được dân tính nhiệm đấy sao. Cái chế độ thị trường máu và nước mắt như ta đã gọi đang thu hút chúng ta vận dụng và vận động để được thế giới công nhận mà. Suy cho cùng, cuộc sống sẽ thanh lọc để cái gì tốt thì để lại còn cái gì xấu thì phế bỏ. Đảng mà không đưa ra và thực hành chính sách tốt, vì nước, vì dân thì Đảng cũng bị phế bỏ. Vì vậy ai cầm quyền không còn là quan trọng, chính thể nào cầm quyền không còn là quan trọng mà quan trọng là chính sách. Chính sách của ĐCS như thế nào? Nói một câu ngắn gọn như Cương lĩnh chính trị của đảng nêu “xây dựng một nhà nước pháp quyền vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thì chẳng còn gì để chê trách. Cái chê trách còn lại là cách cầm quyền, là sự suy thoái đạo đức, lối sống của đảng viên, cái con người, vậy thì cần xây lại từ con người. Không làm được đảng viên phải bị phế bỏ. Điều này thì tôi đồng ý với dư luận.

Thực tại cuộc sống và tình hình xã hội bây giờ Mõ tôi cho rằng cũng chưa đủ chính mùi để thay vào vị trí của Đảng bằng một chế độ nghị viện Tổng thống hay một ông Vua. Điểm tựa lí lẻ của Mõ là: trước hết, một đảng có chừng ấy năm cầm quyền, độc diễn với một đội ngũ đảng viên đông như vậy sẻ chẳng dễ gì từ bỏ quyền lực ngay lập tức. Đội ngũ “lí luận của Đảng” và ngay cả bản than ông Trọng chắc cũng không phải loại “lú” để không nhận ra những khiếm khuyết của ý thức hệ mà họ đang theo đuổi. Vì vậy Đảng không thể không tự lột xác. Thứ hai. không nên để diễn ra sự biến động chính trị xã hội. Một xã hội bị xáo trộn, bất ổn sẽ là tai họa cho nhiều người, cho nền kinh tế. Cách mà các nước bắc Phi, tây Á đã làm không chứng minh được là tốt đẹp mặc dầu những mục tiêu mà nó hướng tới và sự phế bỏ chế độ mục nát là đáng trân trọng. Cảnh nồi da xáo thịt vẫn diễn ra. tranh giành quyền lực vẫn tiếp diễn. Thử hỏi trong cơn binh lửa đó ai là người thiệt thòi nhất. Ở đây tôi thích câu thơ của Nguyễn Duy mà Huy Đức đã lấy làm đề tựa cho quyển sách “Bên thắng cuộc” “Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Nước Nga cũng vật vã trong vài năm trời sau cơn vật đẻ ra chế độ tổng thống khiến nền kinh tế sa sút, tan hoang, nhân dân diêu đứng. Chắc trong sự lo sợ của Đảng hiện tại củng có điều đó. Biểu hiện sinh động là ngăn cấm biểu tình, mặc dầu là biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo. Họ sợ từ những cuộc biểu dương lực lượng đó bị bẻ lái thành chống tham nhũng, rồi chống chế độ. Vậy nên, suy cho cùng Mõ tôi cho rằng, Đảng cứ ngồi đó nhưng cùng với sự quyết liệt trong chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái đạo đức con người của đảng, phải thực thi những chính sách tiến bộ mà Đảng đã lựa chọn như kiểu của Mianma. Chẳng hạn như tự do báo chí, thả tù chính trị, chấm dứt quy định tỉ lệ chỉ có 10% đại biểu ngoài đảng trong Quốc Hội… Đảng cần thấy rằng, chừng ấy trang Blog, mấy trăm người “nói xấu chế độ” như kiểu Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần… sẽ chẳng là gì so với các diễn đàn chi bộ của đảng bây giờ chỉ nói chuyện tiêu cực. Và chính Đảng đã công khai sự suy thái của mình trước bàn dân thiên hạ theo cái kiểu đồng chí “X”.

Nay mai, khi thực thi những chính sách hợp lòng dân thì sẽ được dân tin, dân sẽ không còn đòi bỏ điều 4 trong Hiến Pháp nữa. Đến một thời điểm thích hợp, chính thể sẽ thay đổi như ta mong muốn. Đừng nóng quá mà mất khôn.

Mõ Làng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog