Chia sẻ

Tre Làng

Đức lần đầu công bố chiến lược về Trung Quốc, Bắc Kinh phản ứng mạnh

Đức vừa công bố chiến lược đầu tiên về Trung Quốc nhằm vạch ra cách tiếp cận mới đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hôm 13-7, Đức công bố chiến lược Trung Quốc (TQ) đầu tiên của nước này, trong đó thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh song cũng nhấn mạnh quan hệ hợp tác với cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới trên nhiều lĩnh vực, theo hãng Reuters.

Nội các Đức đã phê duyệt chiến lược trên sau nhiều tháng tranh luận gay gắt trong chính phủ liên minh ba đảng do Thủ tướng Olaf Scholz đứng đầu.

Thủ tướng TQ Lý Cường (trái) và người đồng cấp Đức Olaf Scholz tại cuộc họp báo ở Berlin hồi tháng 6. Ảnh: Markus Schreiber/AP

Chiến lược của Đức nói gì về TQ?

Tài liệu gồm 64 trang được chính phủ Đức thông qua vào thời điểm các nước phương Tây thúc đẩy nỗ lực giảm phụ thuộc chiến lược vào TQ, mà gần đây gọi là chiến lược giảm rủi ro, trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng tầm ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

“TQ đã thay đổi, do đó chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận đối với TQ” - tài liệu nhấn mạnh.

Mặc dù khẳng định Bắc Kinh vẫn là đối tác không thể thiếu trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch và phát triển bền vững, nhưng Berlin cho biết sự cạnh tranh và đối đầu với TQ đã gia tăng trong những năm gần đây. Tài liệu gọi TQ là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống” đối với Đức.

Đặc biệt tài liệu cảnh báo TQ ngày càng trở nên quyết đoán hơn với mong muốn thay đổi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và từ đó, gây ra những hậu quả đối với an ninh toàn cầu.

Về quan hệ giữa TQ và Nga, tài liệu cho hay mối quan hệ ngày càng thắt chặt của Bắc Kinh và Moscow, đặc biệt là sau cuộc xung đột ở Ukraine, là “mối quan ngại an ninh trước mắt đối với Đức". Tài liệu cảnh báo nếu TQ cung cấp vũ khí cho Nga để dùng tại chiến trường Ukraine sẽ “có tác động ngay lập tức đến quan hệ giữa EU và TQ cũng như quan hệ song phương Đức-Trung".

Ngoài ra, tài liệu cho hay Đức sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự và hợp tác với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Tài liệu cũng nhấn mạnh vấn đề Đài Loan chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình và sự đồng thuận lẫn nhau.

Trên lĩnh vực kinh tế, tài liệu khẳng định nền kinh tế lớn nhất châu Âu muốn duy trì quan hệ thương mại và đầu tư với TQ, đối tác thương mại lớn nhất của Đức, trong khi giảm sự phụ thuộc vào các lĩnh vực quan trọng bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

“Chúng tôi không có ý định ngăn cản sự tiến bộ và phát triển kinh tế của TQ nhưng việc giảm rủi ro là cần thiết. Tuy vậy chúng tôi không theo đuổi việc tách rời các nền kinh tế với nhau” - tài liệu nêu rõ.

Trung Quốc: Các vấn đề của Đức không phải do Bắc Kinh gây ra

Phản hồi về chiến lược TQ của Đức, Đại sứ quán TQ tại Berlin nói rằng những thách thức mà Đức đang đối mặt không phải từ Bắc Kinh mà ra, đồng thời kêu gọi Berlin xem xét sự phát triển của TQ một cách hợp lý, toàn diện và khách quan, theo tờ China Daily.

“Nhiều thách thức và vấn đề mà Đức hiện đang phải đối mặt không phải do TQ gây ra. TQ là đối tác, không phải đối thủ của Đức trong việc đối phó với các thách thức” - Đại sứ quán TQ cho hay.

Đại sứ quán TQ nhấn mạnh hợp tác giữa Bắc Kinh và Berlin trên các lĩnh vực như kinh tế và thương mại là “cùng có lợi và bổ sung cho nhau, đồng thời mang lại cơ hội phát triển lớn hơn là rủi ro cho cả hai bên".

Bên cạnh đó, Đại sứ quán TQ phản đối chính phủ Đức "can thiệp vào công việc nội bộ" của nước này như vấn đề Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh “sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của mình".

Nguồn: Vĩnh Khang

1 nhận xét:

  1. Mùa Xuân20:58 14/7/23

    Đức nói không hề sai, nhưng có làm được như những gì mà Đức muốn hay không lại là câu chuyện khác, TQ bây giờ giống như một nước Mỹ thứ hai khi không phải đụng độ, đối đầu trực tiếp với một quốc gia lớn mạnh nào cả, quá nhiều điều kiện về tự nhiên, kinh tế, xã hội để phát triển

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog